T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê: Âu Thị Phục An – 40 năm, chặng đường thơ & chông gai

Gần cuối năm con Rồng, tình cờ như một món quà tất niên, tôi nhận được hai tập thơ của Âu Thị Phục An qua sự trung chuyển của một nhà thơ tôi quí mến, cũng là người đã viết lời tựa cho Tập thơ mới nhất Rụng Xuống Trăm Năm. Tập kia được xuất bản cách đây ba năm mang tên Nguyệt Thực. Hai thi phẩm mang dấu ấn của nhà thơ nữ như sự góp nhặt công trình sáng tác của một chặng đường thi văn trải dài đúng bốn mươi năm.

Nói 40 năm, nhưng thực sự ở tuổi ô mai, ÂTPA đã có những vần thơ màu mực tím được viết và gởi cho nhiều tập san ở tuổi học trò. Đúng tuổi 20, cô được báo giới và độc giả Sài-gòn nhìn nhận như một tác giả văn xuôi nhiều triển vọng, với truyện ngắn đầu tay Thăm Viếng, một câu chuyện có liên hệ đến những thân phận nam nhi thời chiến lồng trong khung cảnh sinh hoạt của một quân trường khi người yêu tới thăm vào dịp cuối tuần.

Người ta chú ý không hẳn tác giả của nó là một người nữ, đang là sinh viên năm đầu của Đại học Văn khoa, mà với một văn phong sắc sảo, cùng lối dùng chữ khá táo bạo ít thấy ở những nhà văn nữ đương thời khi lột tả mối quan hệ nam nữ một khi không còn gì cho nhau thì xin để rồi ‘đừng ân hận mai sau’. Riêng tôi khi đọc truyện này, vốn là người đang làm công tác điểm sách và điểm báo cho quân đội, tôi dành thiện cảm ngay choThăm Viếng (mà sau này được các nhà sưu tập ở hải ngoại chọn là một trong những truyện ngắn hay nhất trong chiến tranh) và theo dõi dấu chân cô từ ấy. Tất nhiên là dấu chân văn học, nhưng cũng chẳng được bao lâu, vì sau đó theo vận nước nổi trôi, đường đời dâu bể, chẳng phải là tiên tri thì cũng dự đoán đựợc con đường văn học của ÂTPA coi như giữa đường đứt gánh.

Trước khi ‘gãy cánh’ Phục An có viết thêm mấy truyện ngắn ít nhiều liên quan đến chiến tranh và khoảng chục bài thơ viết cho riêng mình hoặc đăng tải trên vài trang văn học. Tôi chỉ đọc văn không để ý đến thơ, giọng văn vẫn cứ sôi nổi, bộc trực, có chỗ làm tôi chóng mặt. Nếu văn tức là người thì người ta có thể hiểu cô gái này quá ‘từng trải’ trong chuyện tình trường và nếu cô chịu viết truyện dài đăng nhiều kỳ trên báo, thì sẽ là một cây viết trẻ vô cùng ăn khách.

Sau này khi khá thân quen, qua e-mail tôi có hỏi sao hồi đó viết bạo như vậy, tôi ngạc nhiên khi cô cho biết người nào quá ‘nhát’ ngoài đời thì hay ‘dạn dĩ’ trong văn. Qua khuôn mặt & nụ cười in ở bìa sau tập thơ và các hình minh họa in kèm những bài thơ rời trên Sáng Tạo, tôi tin nhà thơ nói thật.

Ấy vậy mà phải hơn ba chục năm sau tôi mới được hạnh ngộ cùng tác giả qua những bài thơ của Phục An. Công bằng mà nói tạp chí văn học Da Màu đã có công phát hiện và dành sân chơi cho thơ của PA ra mắt những người hải ngoại yêu thơ, kể cả khi phát hành tập thơ đầu tay, tạo điều kiện cho sự đón nhận thuận lợi của cả hai giới phê bình và bạn đọc trong ngoài nước. Chính Phục An cũng rất trân quí tấm thịnh tình của những người cùng làm công tác văn học nghệ thuật, đặc biệt đối với một cây viết nữ thân cô thế cô đã nhiều năm tên tuổi đi vào quên lãng.

Trở lại đoạn đường và cũng là đoạn trường 40 năm thơ ÂTPA, người con gái tuổi đôi mươi năm xưa đã trải nghiệm nhiều gian nan, thách thức, lận đận liêu xiêu có lúc tưởng như gục ngã giữa một xã hội còn đè nặng bởi kỳ thị, thiếu thiện cảm với những người có tâm huyết muốn sống cho ra sống, không hẳn chỉ là những khó khăn cơm áo gạo tiền, mà nỗi o ép, buồn bực, khắc khoải cho thân phận mình và nhiều cảnh đời chung quanh từ sau 75 không thể nói ra bằng ngòi bút vốn là sở trường và niềm đam mê của nhà thơ trẻ.

Trong hoàn cảnh đổi đời như vậy, việc Phục An gác bút trong nhiều năm là điều dễ hiểu, và chỉ chục năm gần đây cô mới lấy lại được sự quân bình để tìm lại nguồn cảm hứng sáng tác. Điều ngạc nhiên cho chính tôi và nhiều độc giả thời Sài-gòn vang bóng vẫn là bước ngoặt trong phong cách sáng tác của Phục An, từ văn xuôi chuyển hẳn sang lãnh vực thơ. Lại càng ngạc nhiên thơ đây không phải của một người ‘mới’ làm thơ mà nét điêu luyện, bóng bảy trong văn phong cùng ý tứ câu chữ sắc sảo, sâu lắng trong tập thơ đầu tay Nguyệt Thực đã làm người đọc cảm nhận ngay đây là cây bút tuy chưa phải là cao thủ nhưng chí ít người ta dễ dàng nhận ra thơ Phục An giữa một rừng thơ vừa cũ vừa mới qua nhiều thế hệ, của tác giả trong lẫn ngoài nước, của một dân tộc vốn yêu và trân trọng thi ca, trong bối cảnh một đất nước bất kể chính kiến ai cũng muốn có một lần làm người thi sĩ.

Nói vậy thơ Phục An không phải chỉ là những vần thơ tình mượt mà như thường thấy ở những nhà thơ nữ, cũng chẳng phải để đọc một lần rồi hờ hững cho qua. Tác giả có trăn trở, thai nghén, suy nghiệm, thậm chí có những câu chữ bật ra từ tiếng khóc, do âm ỷ, dồn ép từ vô thức mà tác giả không ngần ngại khai quật, phô bày không thương tiếc những trải nghiệm sâu thẳm của tâm hồn vốn dĩ chỉ ấp ủ trong trái tim yếu mềm của những nhà thơ cùng phái.

Tôi không biết nhiều về đời tư của ÂTPA, tất nhiên. Nhưng qua những lần trò chuyện của cô khi tâm sự với những tác giả đàn anh trong làng văn (tỷ như Hai Trầu chẳng hạn) và qua những tâm sự nhắn gửi trong thơ, tôi biết Phục An cũng có thời thơ ấu khó khăn, mà ngay ở những ngày em tan trường về, ÂTPA đã có cái nhìn và cảm nhận thường thấy ở những người như có linh khiếu đoán trước được tương lai số phận mình.

Khởi đi từ tuổi thơ bé dại, Phục An đã phải di chuyển chỗ ở nhiều lần, đa phần là các thị trấn hai bên bờ sông Tiền sông Hậu, có lúc lạc lên Đà lạt cao nguyên, rồi vòng về Sài-gòn trụ lại nơi đây như địa bàn dấn thân cho đời con gái. Vào đại học, cô chọn một môn học đầy gai góc: Ban Triết. Viết văn hay chọn đề tài chiến tranh. Cảm xúc hay đụng chạm đến những đam mê khao khát trong quan hệ nam nữ. Có lập gia đình nhưng cũng chẳng dấu diếm cuộc tình dang dở, luôn khắc khoải đợi chờ người bên kia đại dương khi ‘đã xong cái thưở tay bế tay bồng’ và ‘xong, cuộc chia ly sinh tử với chồng’.

Đời tư của Phục An có thể viết thành tiểu thuyết và càng hấp dẫn trung thực nếu được hồi niệm bằng chính ngòi bút của cô. Tính cách Phục An cũng chẳng phải là người đơn giản, yếu mềm. Tôi nhớ khi xem vài Phụ bản của tập thơ Nguyệt Thực bắt gặp một hình ảnh thiếu nữ ngồi xõa tóc, chân trần trên vạt cỏ non trong khung cảnh rừng thông tươi mát, ấy vây mà lại tự trào bằng dòng bút tự bên dưới ví mình như ‘gốc thông chết’ khi tuổi đời vừa chớm đôi mươi….

Dông dài chuyện bên lề e không thích hợp cho một bài viết nhằm cảm nhận và tìm hiểu thêm về hai tập thơ mà Phục An có nhã ý tặng tôi. Thực sự các nhà phê bình và tác giả đàn anh đã viết nhiều về Nguyệt Thực, coi đây như một sản phẩm trình làng khá độc đáo nhằm phô bầy các uẩn khúc của tác giả trải qua những năm tháng khó khăn bằng một giọng thơ nữ vừa mạnh bạo sắc sảo vừa lãng mạn đam mê. Cứ nghe bài thơ mở đầu bình minh đen với những vần thơ tiêu biểu,

Tháng tư đuổi từ sau lưng

Xương rồng đâm lên vú

Biển ôm nàng ngất ngư

Nắng của tháng tư rơi từ một bình minh đen tối

Nàng cũng rơi từ âm cung mê lối

Chạy đi tìm bóng của ảo tưởng xưa xa…

Tháng tư và Phục An như mắc nợ nhau, để rồi 34 năm sau khi Nguyệt thực ra đời thì thân phận nhà thơ đã hoàn toàn ‘bị lột…trắng boong cả cuộc đời’, thậm chí trần trụi hơn, ‘làm người chứ làm chó sao mà không biết kêu rên’.

Cái tôi muốn tập trung là tập thơ thứ hai, một tác phẩm tôi chưa được đọc. Khác với Nguyệt thực, độc giả sẽ được đọc thêm lời tựa và lời bạt, Phục An đã mời Đặng Kim Côn và Chân Phương viết cho những lời chứng này. Tác giả đã khéo chọn người, quả thực lời Tựa của Rụng Xuống Trăm Năm đã làm tăng giá trị của tập thơ (người viết tựa khiêm tốn không nhận), lời Bạt thì gần như đọc hộ cho nhiều người, dù có đi sâu vào chi tiết, nhưng lạ thay tôi hoàn toàn đồng thuận với nhũng lời bình tinh tế qua một số câu thơ tiêu biểu nằm gọn trong vài trang cuối của tập thơ.

Rụng Xuống Trăm Năm như Phục An tâm sự là giọng thơ và lời thơ đã dịu xuống hơn tập thơ đầu tay, theo tôi thì già dặn hơn, sâu lắng hơn, biểu lộ được những ý nghĩ sâu thẳm của Phục An về triết lý sống, về tình yêu, tình đời và đặc biệt tác giả không quên khái quát những cảnh đời đen bạc của giới cùng khổ trong một xã hội còn non kém nhưng vẫn muốn thi thố và tăng trưởng theo nền kinh tế và nếp sống toàn cầu.

Thơ của ÂTPA vốn không có bài nào dài, nhưng nhiều bài thơ ngắn thật ngắn thì lại khá độc đáo không chỉ ở cấu trúc, vần điệu mà ẩn chứa ít nhiều kỳ bí cần lý giải. Tưa đề các bài thơ cũng ngắn (khác hẳn với Đinh Cường) độc dùng một chữ, hai chữ, ba chữ trải dài ít nhất cũng khoảng cả trăm bài thơ. Tuy sở trường là thơ tình, với lối viết rất lẳng, khi mời gọi, khi trao gửi, khi khắc khoải, khi bâng quơ, Phục An có tài làm xao xuyến con tim người đọc mà cánh nam chúng tôi khi đọc rồi không biết ‘Của Anh’ (tr. 41) là của ai,

Về bên em chiếc nôi êm ái

Ngả lưng đời tô lại màu hoa

Anh và em đôi lứa thiết tha

Cho sỏi đá cũng mềm như cỏ…

Thơ của ÂTPA về cấu trúc và tứ thơ dễ làm các người viết nhạc nao lòng và đồng cảm, đáng chú ý là đã được hai nhạc sĩ có tài đem nhạc vào thơ là Vĩnh Điện và Trần Quang Lộc ưu ái phổ nhạc in kèm phụ bản. Cùng với kỹ thuật in ấn trình bày trang nhã qua nét họa của nghệ sĩ Đinh Cường kèm theo một số phụ bản của nhiều tên tuổi độc giả thân quen…đã làm cho Rụng Xuống Trăm Năm trở thành một tập thơ hài hòa cung điệu có cả thơ nhạc họa làm tăng sức thu hút thẩm mỹ ít thấy ở các tập thơ mà nhiều tác giả ngại in ấn nặng phần tốn kém công phu.

Cũng chuyện bên lề, nghe nói sau các tập thơ được ân cần đón nhận, như để bổ sung cho hoàn chỉnh sự nghiệp thơ văn trải dài 40 năm, và cũng do bạn bè bạn văn khuyến khích gợi ý, ÂTPA có ý định cho in tập truyện ngắn gồm những sáng tác trước và sau 75. Tuy nhiên do vấn đề còn tùy thuộc vào dư luận và thời điểm, nên cô còn thăm dò tham khảo thêm để khi tác phẩm ra mắt không gặp những bước hụt hẫng. Về những chuyện của thời chinh chiến điêu linh, trong tư cách một người lính cũ tôi cảm kích về điều này khi bắt gặp bài thơ Nhiều Năm Vẫn Nhớ Hàng Rào Kẽm Gai Trên Dốc Đồi (gửi những người lính cũ xa xăm) mà PA không biết giờ này họ đang ở đâu,

Nằm trong đất

Nằm trong hũ cốt

Nằm ngoài biển sâu

Nhầu nát trong bụng cá

Hay còn đâu đó trên xứ người lơ láo bạc đầu…

Đúng như ĐKC trong lời tựa, thơ Phục An còn phải đào sâu thêm nữa. Chủ quan tôi coi Nguyệt thực sẽ làm thích thú các nhà phê bình, Rụng Xuống Trăm Năm giới yêu thơ sẽ tìm thấy chính mình trong đó. Cả hai tập1 và tập 2 với thời gian sẽ được coi là tiêu biểu cho dòng thơ được viết lên bởi một giọng thơ nữ, trong một giai đoạn lịch sử nhất định, không có biên giới trong hay ngoài nước, mà là trăn trở suy nghĩ chung của lớp người – những nhân chứng bất đắc dĩ của một thời đất nước nước sang trang.

Đỗ Xuân Tê

(viết thay lời cám ơn)

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search