T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Trần: NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI CỦA LÊ THIỆP

clip_image001

Lê Thiệp Nhà báo, Lê Thiệp Nhà Văn và Lê Thiệp Thương gia thành công nhất trong số những anh em làm báo Sài Gòn ngày xưa chạy được ra nước ngòai sau ngày 30­-04­1975, đã vĩnh viễn ra đi vì chứng Ung Thư Gan vào ngày 05 tháng 07 năm 2013 tại Oakton, Virginia, hưởng thọ 69 tuổi. Lê Thiệp từ giã cõi đời rất nhẹ nhàng bên người vợ hiền, chị Đậu Phương Mai và 3 người con gái Dĩ An, Dĩ Hòa và Qúan Chi và người thân trong gia đình.

Anh là Ký giả chính của 2 Nhật báo nổi tiếng Chính Luận và Sóng Thần tại Sài Gòn trước năm 1975. Lê Thiệp được coi là một trong số nhà báo trẻ năng động và thành công nhất của Khóa đào tạo Phóng viên chuyên nghiệp đầu tiên năm 1965 của Giáo sư, Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh, Tổng Giám đốc Việt Nam Thông tấn Xã.

Anh là Ký giả săn tin giỏi, viết sâu sắc các bài về sinh hoạt tại Hạ Nghị Viện thời Việt Nam Cộng Hòa, nhưng viết Ký sự Chính trị và Xã hội là lĩnh vực đã đưa tên tuổi Lê Thiệp lên cao trong làng báo Sài Gòn vào thập niên 70.

Nhiều người thường trêu anh là “Ký giả Cao Bồi” vì lối ăn mặc, đầu tóc và giầy dép của anh mang vào những chỗ “thể diện Quốc gia” như “những chỗ không người” !

Nhưng không ai có thể chê cách viết đặc sắc, đôi khi châm biếm, riễu cợt như chọc vào mắt mấy ông bà Nghị sỹ, Dân biểu của ngòi bút Lê Thiệp.

Tin Thiệp từ giã cuộc đời đến với tôi có điều khó giải thích vào trưa ngày 5/7 khi tôi đang rong chơi với mấy đứa cháu trên bãi biển Virginia Beach, cách nhà Thiệp gần 4 giờ lái xe.

Vào khoảng trưa, tự nhiên tôi muốn về nhà vì cảm thấy có ai đó đã gửi cho một e­mail cần phải đọc. Vợ tôi ngạc nhiên trước quyết định đột ngột này nhưng không cản vì tôi hứa sẽ trở lại chừng nửa giờ.

Từ bãi biển về nhà chừng 7 phút lái xe. Khi xe vừa tắt máy trên sân, điện thoại cầm tay kêu.

Đầu giây bên kia là Nguyễn Thiên Ân, nguyên Phóng viên của 3 Đài Phát thanh Sài Gòn, BBC và VOA đang có mặt ở Virginia để thăm Lê Thiệp. Tôi đoán có tin dữ.

Ân nói ngay: ”Thiệp nó đi rồi.” ­Mày đang ở đâu ? ­Sắp sửa đến nhà Thiệp. ­Tội nghiệp nó. Thôi đi đi, có tin thêm báo tao ngay. Để tao vào nhà báo tin anh em.

Chưa kịp mở cửa. Anh Uyên Thao, “quản gia” của Tủ sách Tiếng Quê Hương gọi: ­Phạm Trần hả ? ­Em đây anh. ­Lê Thiệp nó qua đời rồi ! ­Anh có biết mấy giờ không ? ­Không, nhưng chắc mới đây thôi. ­Thiên Ân cũng vừa báo tin.

Một e­mail được tôi gửi đi cho bạn bè của Thiệp ở khắp nơi và về Việt Nam với nội dung như sau: “Khẩn cấp báo anh em: Người bạn yêu quý của chúng ta, Nhà văn­Nhà báo Lê Thiệp đã “Ra Đi” vào trưa nay, 5­7­013. Anh Nguyễn Thiên Ân đang trên đường tới nhà Lê Thiệp. Có tin gì thêm sẽ báo sau.”

Chỉ ít phút sau, điện thoại, e­mail anh em khắp nơi đổ về tôi bầy tỏ thương tiếc và hối hận không về kịp để gặp Lê Thiệp trước khi anh ra đi.

E­mail của Trần Công Sung, nguyên Phóng viên Việt Nam Thông Tấn Xã từ Paris : “Tôi kẹt chuyện gia đình , muốn đi sớm gặp Lê Thiệp lần cuối nhưng không đi được. Hơn nưã vé máy bay mùa hè rất khó kiếm. Rất ân hận.”

Nguyễn Tuyển, từ California, một trong số bạn “rất thân” của Lê Thiệp từ thủơ làm báo Sài Gòn trước 1975 đã được chính Lê Thiệp khuyên “đừng về thăm” vì ”tao cần nghỉ ngơi” đã tỏ ra buồn phiền: “Rất tiếc tao cũng không kịp gặp nó” !

Nhưng không riêng Nguyễn Tuyển mà Phan Thanh Tâm, nguyên Phóng viên Việt Nam Thông Tấn Xã, bây giờ ở Minnesota, cũng ngạc nhiên phản ứng : “Sao nó đi nhanh vậy ?”

Vũ Ánh, Trưởng Phòng tin tức Đài Phát thanh Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến 1975 cũng bàng hòang từ Orange County (California) : “ Có ai ngờ nó ra đi mau như vậy đâu ? “

Trần Trọng Thức, người từng sát cánh với Lê Thiệp trong nhóm Việt Nam Ký Sự, một thời nổi tiếng với những bài Phóng sự làm thay đổi bộ mặt làng báo Sài Gòn trước 1975. Thức viết từ Sài Gòn : “Đành rằng chuyện gì đến rồi cũng phải đến, nhưng Lê Thiệp ra đi sao mà buồn quá. Tao có niềm an ủi là được gặp Thiệp một tháng trước ngày hắn rời bỏ anh em mình. Đã báo với bạn bè bên này. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Thiệp yên nghỉ sau gần 70 năm rong chơi cõi trần .”

Trần Nguyên Thao, cựu Phóng viên Chính Luận viết :

“Khi tôi tập tễnh bước vào nhật báo Chính Luận, thì anh Lê Thiệp đã là ký giả thành danh, được nhiều phóng viên thời đó gọi thân thương là đại ký giả Lê Thiệp. Anh là một trong những phóng viên chính của nhật báo Chính Luận.

Lê Thiệp chuyên viết tin chính trị và được cử đặc trách theo dõi sinh hoạt Hạ Viện. Anh có lối tường trình độc đáo, mô tả rất sống động trong sinh hoạt nghị trường. Đọc tường trình của anh, độc giả mường tượng ngay ra được không khí tranh luận lúc thật, khi “cuội”, lúc “nhì nhằng”, khi lộ nguyên hình hỉ, lộ, ái ố của từng phe nhóm dân biểu lúc đó.

Là người có tuổi nghề vững vàng trong làng báo, Lê Thiệp có cung cách viết rất thẳng thắn, đôi khi ngang tàng. Nhưng trong Anh là một tâm hồn sống lạc quan. Đối với Lê Thiệp, không có gì là “big deal” trên cõi đời ô trọc này cả ! Chính quan niệm sống này, đã giúp anh sống an bình nội tâm trong thời gian đối phó với bạo bệnh. Tôi rất mừng nghe lối nói “chắc nịch” của anh trong những ngày cuối. Đói với tôi, đây là thái độ sống đầy Hy Vọng, rất cần thiết cho mọi con người.

Tiễn biệt anh với tấm long quý mến cuộc sống hiên ngang trong tinh thần coi mọi sự đều nhẹ nhàng như gió thoảng, mây trôi. Một tấm gương sống cần thiết để hòa hợp được với nhiều người.

Nguyện cầu vong linh anh luôn vui nơi Vĩnh Phúc.”

Phạm Trần

Bài Mới Nhất
Search