T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: VIẾT GIA PHẢ

clip_image002

Trong một dịp xuống Bình Chánh, Long An, để cử hành một thánh lễ giỗ, cầu cho người thân trong gia đình, tại nghĩa trang thuộc phần đất nhà, linh mục Pr.H, người sẽ chủ sự thánh lễ này, ngồi cùng xe, nói với tôi về việc cần phải có một bản gia phả của họ nhà.

Ngài nói thế, vì trong những lần ra nước ngoài làm việc, đôi lần có gặp người này người kia trong họ hàng, song cả hai bên đều không biết rõ vị trí trong họ của mình ra sao. Có người lại không biết cả mình nữa, vì lúc đi thì còn nhỏ hoặc sinh ra ở bên ấy. Nguy lắm. Có ngày họ quên hết, chẳng biết gì họ nội họ ngoại ở nhà nữa. Rồi ông quay sang tôi, đề nghị tôi làm việc này.

Lúc đó tôi mới hơn 60 tuổi, nhưng chưa có một ý niệm rõ rệt nào về gia phả. Cho nên tôi vẫn lửng lơ. Thật ra, tôi đang bề bộn công việc của mình. Một chương trình viết lách khá vất vả. Hai cuốn sách còn dở dang. Một cuốn đã hình thành được một phần, hơn 400 trang bản thảo viết tay, mô tả bối cảnh lịch sử của dân tộc, trong đó, Giáo hội Công giáo hiện diện, phần còn lại trình bày một quan điểm về đạo trong lòng xã hội Việt Nam hôm nay.Còn cuốn kia là một hồi ký, viết dưới dạng tâm bút, viết để gửi cho quê nhà, vì quê nhà là một phần sống của tôi, vì quê nhà đã cưu mang tôi thời thơ ấu, vì quê nhà luôn hiện hình lên trong tôi một mái nhà tranh yêu dấu, những hình ảnh của thầy mẹ tôi, hình ảnh của ngôi thánh đường có tháp chuông cao, có tiếng chuông vọng lên trong buổi hoàng hôn, báo hiệu giờ “tắt lửa”, mà tiếng chuông này, một thời chính tôi đã gọi lên. Hình ảnh của quê hương tôi còn có cây đa, giếng nước, còn cây hoa xoan, hoa gạo, hoa dâm bụt và dây tơ hồng v.v…Tất cả đều rất quyến rũ đối với tôi.

Tuy nhiên, có thể nói, cái tình tự của tôi dành cho quê hương từ mấy thập niên qua, là một yếu tố căn bản giúp tôi soạn quyển gia phả của họ Nguyễn chúng tôi, một cách say mê. Mặc dù họ chúng tôi, chiếm đa số trong làng, cũng chỉ là một trong mấy dòng họ khác (như họ Vũ, Trần, Lê, Ngô, Phạm, Đặng, Đàm và cả mấy họ Nguyễn nữa, song không cùng một “cội” với chúng tôi), sống chung trên cùng một thôn, thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Đông, nay là Hà Nội, song có một đặc điểm là “toàn tòng” hết, ngoại trừ một gia đình, từ xưa đã xin phép các cụ trong làng cho họ được tiếp tục theo đạo Phật, như ông bà của họ. Việc thờ cúng, họ theo tục lệ ở làng Văn Hội, một làng gần quê tôi, cùng xã với quê tôi. Con trai thì lấy vợ Phật giáo, để duy trì tín ngưỡng của gia đình, con gái thì tùy.Vì vậy, có cô lấy chồng làng tôi, cũng theo Công giáo. Cho nên, tôi không chỉ viết những gì liên quan đến họ hàng tôi, song là toàn cảnh sinh hoạt của làng.

Thời gian sau, linh mục Pr.H đi Philippines học mấy năm và sang Hoa Kỳ học tiếp mấy năm nữa, mục tiêu là Tiến sĩ. Trước khi đi, ngài nhắn người nói với tôi “viết gì thì viết đi”. Cho đến lúc này, thú thật, tôi vẫn chưa có hứng soạn gia phả của họ chúng tôi. Sở dĩ thế, vì tôi đã rời gia đình vào ở trong Nhà Chung xứ đạo quê tôi từ năm 12 tuổi. Tính năm tôi ra đời là năm 1936, thì năm tôi “đi tu” là năm 1948. Sau đó lại đi học xa quê và do thời thế, tôi vào Sài-Gòn năm 1954, lúc này tôi 18 tuổi, bảo sao tôi không do dự khi viết về những người mà tôi chưa từng gặp, ngoại trừ một số người trong họ sống tại Sài-Gòn. Nói gì các chi tộc trong họ hàng tôi sống ở quê, nhiều người nay đã vắng bóng, ngay đến gia đình anh chị tôi, có bao nhiêu người gọi tôi bằng chú bằng cậu, tôi cũng chưa biết hết, vì khi tôi rời nhà đi, các cháu tôi chưa sinh ra. Thất sách cho tôi trong việc này, là từ ngày vào miền Nam, tôi lênh đênh nhiều hơn là an cư, khiến tôi ít có dịp ngồi nghe các cụ cao tuổi trong họ sống ở Sài-Gòn nói về gia tộc của mình cũng như về nhiều vấn đề liên quan tới tổ tiên, chẳng hạn những sinh hoạt trong quan, hôn, tang chế, các tục lệ, giỗ chạp, mồ mả trong họ và trong thôn. May mắn lắm, tôi mới có dịp được nghe kể là, làng tôi có đường Ngô công, có đường Đại thần, có cánh ruộng Cửa đình, (ghi nhớ trước kia làng tôi có một cái đình). Đình này gần cây đa và giếng nước, còn đường Ngô công và Đại thần thì không nghe kể. Ngoài ra, làng tôi có một người rất được một ông vua nhà Nguyễn thích, thỉnh thoảng gọi vào Huế gặp gỡ, nói chuyện, song không dám mời ra làm quan, vì chuyện kể rằng vị này có một tướng mạo to lớn, oai phong. Nhà vua sợ mà không dám dùng, người trong làng gọi là ông Tam Oai. Theo lời một cụ cao tuổi trong họ nội tôi, một người họ Vũ, là ông Chánh Hội, lấy bác ruột tôi, là cháu nội của ông Tam Oai.

Mặc dù đã có cả 10 năm từ ngày tôi được gợi ý, họ Nguyễn quê tôi cần có tập gia phả, tôi vẫn chưa thật sự bắt tay vào việc của mình. Tuy nhiên, tôi đã có một ít bản danh sách của những gia đình trong họ hàng sống tại Sài-Gòn, trước khi họ đi định cư tại Hoa Kỳ, và mấy bản danh sách của những gia đình trong họ sống tại quê, từ những Sổ Rửa tội của làng. Nói chung, tôi đã có một ít dữ liệu để làm việc, nhưng sau khi tôi đọc mấy cuốn sách nghiên cứu về gia phả, tìm hiểu thêm trên Internet, tôi cảm thấy cần phải có một quan điểm của mình, đặt trên nền tảng sinh hoạt về đời sống nông nghiệp của tổ tiên chúng tôi. Mặt khác, chúng tôi còn một đời sống tâm linh, đời sống tôn giáo song hành với đời sống văn hóa truyền thống của dân tộc. Tôi cần phải nói lên được những sắc thái này trong bản gia phả. Nếu được, thì có lẽ đấy là một bản gia phả khác nhiều khi đối chiếu với những bản gia phả khác, phần nhiều đều là của những gia đình có người làm quan trong triều, những người đỗ đạt v.v…

Thế nhưng, có lẽ cũng chính vì đời sống nông nghiệp của tổ tiên chúng tôi, trải dài cả mấy trăm năm về trước, mà ngày nay chúng tôi có đào bới xem những di sản của các cụ để lại là những gì, cũng rất là khó. Suốt cuộc đời, từ thế hệ này qua thế hệ khác, sống bên trong lũy tre làng, sáng tối đều nhìn thấy nhau, gặp nhau nơi giếng nước trong làng, những khi mệt mỏi ngồi nghỉ dưới gốc cây đa cổ thụ, chuyện trò thân tình, mọi người quây quần bên nhau, nhớ cả ngày sinh ngày chết của nhau. Có khi nhớ cả ngày cưới vợ lấy chồng của người này người kia. Nhưng, ngay đến bản thân các cụ tổ, cũng không có cụ nào, gia đình nào giữ cho mình một khoảng đất rộng ở nghĩa trang, nằm giữa ruộng lúa, bốn bề là nước, mùa nước lớn, nghĩa địa lầy lội, để xây lăng hay phần mộ. Sống đơn giản, chết cũng đơn giản, thì cần gì một phần mộ được xây kiên cố, một bản gia phả viết trên giấy hay hư nát! Đấy là một phần của văn hóa nông nghiệp và cũng là một khoảng trống rất lớn trong việc tìm về cội nguồn của chúng tôi. Các cụ tổ chúng tôi cũng không để lại một bản di chúc hay một di huấn nào, mà chỉ trong những việc làm được lưu truyền, ngày nay chúng tôi mới biết được một phân nào di sản tinh thần của tổ tiên trong dòng họ mình. Bây giờ thì lại khác, người ta đua nhau chiếm đất nghĩa trang, bốc các ngôi mộ của những người trong gia đình mình đã qua đời, để vào một khu đất, rồi xây phần mộ của từng người, cận kề nhau, tạo thành một khối, cẩn đá quý và xây tường chung quanh, có người còn làm cả cửa ra vào. Đấy là tư tưởng độc hữu, một sản phẩm tinh thần của thời “xuân thu” của thế “chiến quốc”.

Đó là văn minh đô thị, văn minh cơ khí tràn về nông thôn, vì đô thị không còn đất dành cho người nghèo khổ sau khi chết, chỉ dành cho những kẻ lắm tiền nhiều bạc, những kẻ quyền thế, giàu sang bằng xương máu của người cùng khổ. Ở đâu bây giờ, trong Nam ngoài Bắc, cũng xuất hiện cảnh thành thị hóa nông thôn, cơ khí hóa con người, nên gọi là cơ tâm. Cái nhân bản không có thì cái “tâm huyết” cũng không còn! Xã hội và con người sa vào trào lưu tục hóa man rợ, lấy cặn bã của những xã hội văn minh tiên tiến, đã bị đào thải, làm mẫu mực cho lối sống trưởng giả, sành điệu. Những đồng tiền quăng vào các “trò chơi” trưởng giả kiểu mới, chính là từ những miếng đất trăm năm hương hỏa hay nguồn sống của người dân tại nông thôn, bị chiếm đoạt, bị thu hồi, sau đó chia lô bán lại cho kẻ có tiền, xây cất biệt thự, hoặc bán cho tư bản ngoại quốc và bọn tư bản mới làm khu công nghiệp v.v…Còn chính bản thân và gia đình người có đất trước đó, những ai may mắn thì làm công nhân tại các khu công nghiệp, nhưng chịu nhiều đắng cay, uất ức, bởi những viên quản lý ngoại quốc, chẳng khác gì kiếp sống của tầng lớp nô lệ. Còn không, họ sẽ phải chịu cảnh làm thuê làm mướn, ai cần họ làm việc gì thì họ làm việc ấy, đắp đổi qua ngày.

Khi tôi bắt tay vào việc lập bản gia phả, tôi lại gặp những trở ngại khác, liên quan đến từng chi tiết của những thành viên trong họ hàng, gồm 5 chi tộc. Để thu thập được những chi tiết này, như tên thánh, năm sinh, năm qua đời, tên thật và tên gọi thường ngày, cũng như những người rể hay người về làm dâu trong họ tôi, quê quán ở đâu. Mặt khác, các tục lệ xưa kia của làng quê tôi, cũng không thể thiếu, cả những vấn đề nhân văn trong làng, sự phát triển về dân số, về nghề nghiệp cũng cần nói đến, trong khi tôi lại ở xa. Mọi chi tiết cần sự chính xác, tôi cũng cần có kiên nhẫn, sự cẩn trọng.

Từ khi linh mục Pr.H đề nghị tôi viết gia phả của họ chúng tôi, cho tới năm tôi bắt tay vào viết, là năm 2010, cũng có tới hơn 10 năm.

Việc bắt đầu này, phát xuất từ đám tang thân mẫu của linh mục Pr.H. Hôm đó, tôi dẫn vợ chồng con gái tôi và mấy người cháu, có người từ ngoài quê vào dự tang lễ, linh mục Pr.H đứng bên cạnh quan tài mẹ ngài, sau lời cám ơn chúng tôi đến chia buồn với ngài và với tang quyến, ngài lại nhắc đến bản gia phả, mong tôi thực hiện. Tôi thật bất ngờ về điều này. Một lời đề nghị từ hơn 10 năm trước, nay được lặp lại bên chiếc quan tài của thân mẫu còn nằm đó. Tôi vội bước lên một bước, hứa với ngài bản gia phả sẽ xong vào cuối năm.

Quả thật, cuối năm 2010, một người bạn trẻ họ Vũ đã giúp tôi soạn xong bản gia phả, dạng dọc, tức từ cụ tổ của mỗi chi (đời thứ nhất) cho tới đời thứ ba. Sau đó tiếp tục các chi khác. Bản này in trên giấy khổ A3, hình làm nền là hai con rồng, giữa là quả cầu tròn, trên màu vàng truyền thống. Đi cùng với bản gia phả này, là một cây phả hệ, chỉ mới viết tên cụ “thủy tổ”, tượng trưng bằng thân cây cổ thụ, và 5 cành, là 5 cụ tổ của 5 chi. Mỗi cụ tổ của từng chi tộc này có bao nhiêu người con là có bấy nhiêu nhánh. Thí dụ, con trưởng của cụ Thủy tổ có 8 người con, thì có 8 nhánh. Con thứ 2 của cụ Thủy tổ có 6 người con, thì có 6 nhánh. Và cứ thế tiếp tục cho hết 5 chi. Nhưng, có vị lại không thích cây phả hệ này, cho là không cần. Ông đã quen với tổ chức hành chính bằng những sơ đồ.

Sang năm 2011, người bạn trẻ họ Vũ lại giúp tôi làm bản gia phả dưới dạng ngang, đưa các cụ tổ của 5 chi, tức là đời thứ 2, lên trên. Đời thứ 3 là các con của 5 cụ, có đường dẫn từ vị trí của mỗi cụ xuống hàng các người con này. Hình nền vẫn là hai con rồng với quả cầu tròn ở giữa, trên màu vàng truyền thống như bản làm theo dạng dọc. Bản mới này, in trên khổ giấy A1, hoặc A0, làm khuôn treo tường. Trông gọn gàng và đẹp mắt. Một nữ tu trong họ, thuộc đời thứ 4, thấy bản gia phả dưới dạng ngang đẹp quá mà không có tên mình, tỏ ý buồn.

Đến năm 2012, tôi trở lại làm Cây gia phả, còn gọi là “cây phả hệ”, vì một thân cây với những cành lớn và các nhánh nhỏ, mới dẫn người ta đến một ý niệm rõ rệt về một nhà hay một dòng họ. Là con người, dù vua chúa, trưởng giả hay thứ dân, ai cũng có cội, có nguồn. Ở cây gia phả, tôi ghi thêm đời thứ 4. Sau nửa năm trời, tôi và người con rể, mới làm xong phần ghi tên và ít chi tiết của từng người trong cả 5 chi tộc. Nhiều chi tiết về năm sinh, năm qua đời hay người có hai tên gọi khác nhau, dần dần tôi mới có được. Do đó, cứ mở máy ra, thêm một chi tiết này, bớt một chi tiết nọ. Sửa từng ký tự, từng dấu chấm, dấu phẩy, dấu hỏi, dấu ngã, dấu huyền hay dấu sắc hoặc nét gạch ngang. Có khi sửa rồi nhưng lại quên “Save”. Lúc khác mở máy ra, thấy vẫn còn những lỗi này lỗi nọ, bèn lại cúi mặt xuống bàn phím… Tất cả chiếm quá nhiều thời giờ. Lại còn những người đã ra nước ngoài định cư, tôi cũng phải có ghi chú là “Ở Hoa Kỳ”, “Ở Đức”,v.v… Có lúc tôi rất căng thẳng, trầm cảm. Đêm hay ngày nằm ngủ, bản gia phả cũng xuất hiện trong đầu óc tôi, nó quay cuồng, đảo lộn thứ tự, mờ nhạt, ẩn hiện. Tuy nhiên, sau những lao công như thế, nhìn vào thấy phong phú, con cháu của 5 cụ tổ đông đảo quá, tôi có một niềm vui thật sự. Tôi lại dùng màu sắc để phân biệt đời thứ 3 và đời thứ 4, nên rất dễ nhìn. Màu xanh đậm chỉ đời thứ 3, màu cam đậm chỉ đời thứ 4.Trông lên cây, tưởng chừng đó là những quả chín mọng hay đương độ xanh tốt.

Khi cây gia phả hoàn thành và nữ tu kia đã nhìn thấy tên mình ở trên đó, chị đã “ra đi” êm ả ở tuổi 69, trong vòng tay đầy yêu thương và thân thiết của mọi người.

Sau cây gia phả, tôi tiếp tục viết tập sách về gia phả của họ Nguyễn chúng tôi, dự tính cuối năm 2013 là xong. Giữa cây gia phả và cuốn sách, có nhiều khác biệt. Chỉ giống nhau ở phần tộc hệ. Còn khác nhau ở những vấn đề về phả ký, ngoại phả, vấn đề tục lệ ở làng xưa kia, vấn đề dân số, từ thời các cụ tổ cho đến ngày nay. Tôi thấy cũng cần viết ra những tâm tư, những ray rứt của nhiều người trong làng về những mất mát của quê tôi, từ mấy chục năm nay. Vì những mất mát này là những biểu tượng của một nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh những mất mát này, từ khi trở thành mảnh đất của thành phố Hà Nội, làng quê tôi cũng đang có những phát triển mới, những công trình mới, về đời sống tôn giáo cũng như đời sống văn hóa. Đất nông nghiệp bị thu hẹp lại, nên có những công việc mới, như một vài nông trại xuất hiện trên những cánh đồng làng, lấy đất ruộng vượt nền làm lán trại, bỏ cấy lúa để làm ao cá, nền trại nuôi vịt, nuôi lợn; có nhà còn kinh doanh trò chơi điện tử, một trò chơi chỉ dành cho tuổi còn đi học; có nhà thì theo đuổi nghề chạm, khắc cẩn ốc, cẩn trai bàn, ghế, tủ; có nhiều nhà gia công dệt chã, may màn v.v… Nói chung, công việc của cây gia phả và cuốn sách, đều có những phức tạp. Nhưng, ở cây gia phả, một là đúng một là sai, rất rõ ràng, đọc nó ai cũng có thể nhận ra. Còn ở cuốn sách, khó ở phần trình bày vấn đề và câu văn. Ở đây không phải là làm văn chương, mà là soạn một bản văn có tính khoa học, một việc mới đối với tôi. Tất cả cũng phải rõ ràng. Tuy vậy, câu văn mình viết có chút mềm mại, linh hoạt, phảng phất hương thơm của thi ca thì thú vị biết mấy.Vì vậy, tôi phải “uốn nắn” câu văn liên tục, ghi nhớ những đoạn nào chưa “chỉnh” thì phải xem lại, suy nghĩ lại. Viết thế nào để không gây ngộ nhận cho người khác.

Từ khi được gợi ý cho tới khi hoàn thành quyển gia phả, thời gian trên 10 năm. Riêng từ năm khởi sự với bản gia phả dạng dọc, 2010, bản dạng ngang, 2011, cây gia phả, 2012. Sau cùng là quyển sách, 2013.

Tất cả dòng dã 3 năm trời, (2010-2013 dl. Lịch Việt:4889-4892), dữ liệu ghi đầy 3 tập vở, chỉ có tôi mới hiểu được, câu này hay câu kia nói về chi nào hay nói về người nào trong họ, người khác nhìn vào chỉ thấy đó là những ghi chép lộn xộn, rắc rối và phức tạp của một ông già hoài cổ, một người đang đi dần vào màu vàng của thời gian, nhưng đã thấy bên kia là ánh sáng.

Khải Triều

(Ngày 9/6/2013)

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search