T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 43)

clip_image001

Lúa Chiêm

Cây lúa cần nhiều nước nên ban đầu, chỉ có một vụ lúa vào mùa có nhiều mưa (hè, thu) gọi là lúa mùa (1). Về sau có thêm loại lúa có khả năng chịu hạn vào mùa khô (đông, xuân) gọi là lúa chiêm.

Lúa chiêm xuất xứ từ Chiêm Thành khô hạn nên có câu thành ngữ Chiêm Nam, mùa Bắc, và tên gọi “lúa Chiêm” chỉ phổ biến ở phía Bắc, miền Trung hầu như không dùng.

(1) Từ “mùa” trong tiếng Việt khởi đầu với nghĩa “khoảng thời gian trong năm” (mùa xuân), “mùa” được dùng để chỉ “thời gian trồng lúa” (mùa lúa) và “thời gian thu hoạch lúa” (mùa màng), rồi chuyển thành tên gọi chỉ một loại lúa (lúa mùa).

(Trần Ngọc ThêmTìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Truyện ngắn II

Truyện ngắn dạng hiện đại, không phải cổ tích hay truyền kỳ xuất hiện ở Tây phương thế kỷ 18.

Theo thời gian và tùy theo tác giả thì:

Washington Irving nặng về cốt truyện – Nathaniel Hawthorne nghiên về cá tính nhân vật – Edgar Allan Poe kiện toàn bằng tình tiết câu chuyện – O. Henry có lối kết thúc bất ngờ – Bret Harte với phân tích nhân vật – Joseph Conrag thì truyện đôi khi trở thành truyện không có cốt truyện.

Gần đây một số nhà văn hiện đại dùng lối kết bỏ lửng như Địa ngục môn của Nhật với mở ra nhiều hướng để người đọc suy nghĩ khác nhau như Gregorio Fluentes (Mễ Tây Cơ) hay Nguyễn Huy Thiệp với Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết.

(Trần Bích San – Văn Khảo)

 

Giai thoại làng văn

Thời ấy, thời những năm 60, nói đến văn học miền Nam là nói đến nhóm, là phải nhắc đến Sáng Tạo, Hiện đại, Thế Kỷ 20 v.v… Những đề tài thì quanh quẩn những hiện sinh, nôn mửa, làm mới văn học, hay viết về những kinh nghiệm bản thân về một chủ nghĩa là Cộng Sản mà họ đã trải qua… Họ sống ở thủ đô, ít hiểu, ít chất liệu để nói về con quái vật chiến tranh và những hệ lụy của nó. Và nếu có viết thì chỉ đứng ở ngoài nhìn vào, chứ không phải đứng trong lòng cuộc chiến như những kẻ trực tiếp ở trong lòng hoả ngục. Riêng, những người trẻ viết văn thì không những lãnh phần đánh giặc, chết thế mà còn tự nguyện lãnh thêm những sấp giấy nhét trong ba lô hay túi áo trận có khi dính đầy máu. Và khác với những quan chức văn nghệ phòng trà, mang bộ đồng phục mà viết về ca sĩ, vũ nữ v.v… thì các người viết trẻ phải viết trong điều kiện:

Viết thư thăm ông sau cuộc hành quân biên phòng, kéo dài suốt 20 ngày trong rừng đầy muỗi, lạnh và vắt rừng.
Ở đây thiếu thốn về nhiều phương diện. Ngay như báo chí. Đôi khi tờ báo hàng ngày xuất bản ngày 10 thì đến 20 chúng tôi mới được đọc. Còn nói gì đến những tập san văn học nghệ thuật? “

(thư từ Dakto ngày 12-12-1970, Vấn đề số 45 tháng 4- 71)

May mắn trong thế giới ấy chúng ta có một Trần Phong Giao của Văn. Có thể nói, trong thời chiến, không một người viết trẻ nào lại không nhớ đến cái công tìm tòi, khai phá những tài năng mới của tạp chí Văn, mà thơ ký tòa soạn Trần Phong Giao là người đầu tàu. Như tên gọi của nó, đây là một số báo Trần Phong Giao thực hiện, dành riêng cho những người mới đến với Văn. Mới từ người vẽ tranh bìa: hoạ sĩ Hồ Đắc Ngọc. Và tất nhiên cái mới chính là từ những người làm thơ viết văn: Lê Văn Thiện, Đặng Tấn Tới, Kinh Dương Vương, Nguyễn Đường-Thai, Nguyễn Lệ-Uyên, Hoàng Ngọc Châu, Hồ Minh Dũng, Lộc-Vũ, Mường-Mán, Hoài Tuyết Trang, Phạm Ngọc Lư, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Văn Ngọc, Lê Miên Tường, Phạm Thanh Chương.

(Trần Hoài Thư – Trần Phong Giao và những người viết trẻ)

Chữ nghĩa…tàn lụn

Số mệnh chữ nghĩa mỏng manh như số phận con người. Thời gian như thước đo chiều dài ngắn của chữ nghĩa, đồng thời cảnh báo về cái hữu hạn của nó. Cũng vậy, theo sách vở, như chữ lụn, nghĩa là hết, ta chỉ dùng trong một số trường hợp hiếm hoi:

Tim lụn có nghĩa tim đèn cháy hết, lụn năm, lụn ngày, mềm lụn, lụn xuống, lụn mạt..

Mấy ai còn nhớ, còn biết, còn sử dụng những chữ cổ trên.

Chữ nghĩa biên khảo: Thần làng và đình

Thần làng của ta là thần riêng của dân làng đó là điều quan trọng vì các làng Trung Hoa không bao giờ có thần riêng cả, từ thời cổ đến nay (Maspéro). Ðó là tục của người Mã Lai mà hiện Nhựt Bổn và các đảo Mã Lai còn giữ.
Ðình của Trung Hoa không phải là nơi thờ phượng mà chỉ là cái nhà cất trên đường để bộ hành nghỉ ngơi, nam nữ đều vào được. Ðình của ta là nơi thờ thần làng và nơi hội họp của các trưởng lão trong làng và phụ nữ không được vào.
Sự trùng hợp của danh từ đình, có thể hoặc là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc là một cuộc vay mượn vì ảnh hưởng Trung Hoa về sau, ta đã vay mượn một cách không cần thiết một số danh từ mà ta đã có rồi.
Cái đình thì người Sơ Ðăng, một thứ người nói tiếng Mã Lai y như Việt Nam, gọi nó là cái rong. Có thể tổ tiên ta bỏ rong vay mượn,,,đình.
Thần thành hoàng của Trung Hoa xuất hiện vào đời nhà Chu. Thành là bức tường bao quanh thành phố và hoàng là “cái hào” bao quanh bức tường.
Thần thành hoàng là thần của thị dân. Gọi thần của ta là thần thành hoàng là sai.
(Bình Nguyên LộcNguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam)

Tiếng Việt sao lắt léo thế

Về cách biến thể của những câu nói, chỉ cần 5 tiếng “Sao nó bảo không đến?”, người Việt sắp sế thành 24 câu không giống nhau :
Sao nó bảo không đến?
Sao bảo nó không đến?
….

Bảo không, sao nó đến?
Bảo! Sao, nó đến không?

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Giải phóng

Tiến Sỹ Lê Hiển Dương, hiệu trường Đại học Đồng Tháp, thoạt đăng trên trang nhà của Diễn Đàn Việt Thức. Ông tiến sỹ bàn về hai chữ “giải phóng”, về thói quen của người Việt hay dùng chữ “hồi trước/sau giải phóng” để phân biệt hoặc định mốc thời gian:

“Tất nhiên người Việt mình nghe mãi rồi quen tai và không thấy gì phản cảm khi dùng hoặc nghe cụm từ này,” ông viết. “Nhưng khi tôi vô tình dùng nó lúc nói chuyện với một đồng nghiệp người nước ngoài rằng ‘…after the liberation of the south…’ thì ông ta sửng sốt hỏi ngay rằng ‘… liberation from what?…’ – Giải phóng khỏi cái gì? Thì tôi mới hốt hoảng với cách dùng cụm từ này để định mốc thời gian của người Việt… bởi đối với hầu hết người Việt, nhất là người miền Nam hoặc đối với cả đồng bào miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 nữa, thì ‘giải phóng’ là một nỗi ám ảnh trong cả đời người…”

Sau đó ông tiến sỹ kể lại kỷ niệm “hồ hởi, phấn khởi” khi nghe tin Miền Nam “được hoàn toàn giải phóng” vào ngày 30 tháng 4, 1975 khi ông còn đang học tại trường sư phạm Vinh. Khi các sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà bị đày ra Bắc, các sinh viên như ông được lệnh gom đá để khi xe chở tù đi ngang thì trút lên đầu họ những trận mưa đá. Sau vô số trận tập kích ném đá tù nhân đó, ông và các bạn tốt nghiệp và được đưa vào Nam “để mang ánh sáng văn hoá vào cho đồng bào miền Nam ruột thịt bao năm qua sống trong u tối lầm than vì cứ liên miên bị ngụy kềm, Mỹ hãm chứ đâu có được học hành gì…”

Và ông tiến sỹ, như nhiều người Việt cả Bắc lẫn Nam sau 1975, đã tỉnh mộng, “bắt đầu nghi ngờ với cụm từ “giải phóng miền nam”. Ông viết tiếp: “Dần dần tôi hiểu sâu hơn cái sự mỉa mai chua chát của hai từ ‘GIẢI PHÓNG’ đang được dùng trong kho tàng Tiếng Việt của nước nhà…”. Rất can đảm và thành thực, ông tiến sỹ nói về những thảm kịch đằng sau chữ “giảỉ phóng”. Cuối cùng ông đau đớn kết luận là ông “cảm thấy quá căm thù nhân loại bởi đã bịa ra từ ngữ ‘giải phóng’ và ‘giải phóng mặt bằng’ mà chi để dân Việt chúng tôi vì nó mà phải khổ lụy đến dường này.”

Đọc xong tôi cũng thấy cám cảnh cho ông tiến sỹ, song cũng trộm nghĩ giá ông tiến sỹ nói lên được một lời xin lỗi cho chính ông và các bạn, về một việc nhỏ thôi, là đã ngây thơ nghe lời dụ dỗ tuyên truyền thẳng tay ném đá những người tù “cải tạo” năm nào, thì có lẽ ông sẽ cảm thấy vơi đi phần nào, chứ “căm thù nhân loại” thì chỉ thấy lòng mình phẫn uất, nặng nề thêm thôi.

(Trùng Dương – Thời đại của xin lỗi)

 

Truyện cực ngắn – Chuyện tình

Có lẽ ranh giới tận cùng của truyện cực ngắn là một câu. Nhưng câu cũng có năm, bảy loại câu. Trong văn chương hiện đại, dưới ngòi bút của không ít nhà văn có tên tuổi, nhiều câu dài dằng dặc trong một hay hai trang giấy, nghĩa là dài bằng cả một truyện thật ngắn bình thường. Bởi vậy, câu trong truyện cực ngắn phải là những câu vừa phải. Càng ngắn càng tốt. Như:

“Hắn đưa các truyện cực ngắn về tình yêu cho vợ hắn xem. Nàng cằn nhằn: “Anh lấy vợ cả hàng chục năm rồi mà không viết nổi một câu chuyện tình cho đàng hoàng sao?” Hắn hỏi lại: “Vậy chuyện tình đàng hoàng phải như thế nào?” Vợ hắn gắt: “Thì phải biết tưởng tượng chứ!”

Chữ nghĩa với cỏ cây …

Hỏi : Cây được xem là mơ mộng nhất là cây gì?

Đáp : …Cây mơ.

Ngộ Không

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search