T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Đói

clip_image002

Hình ảnh nạn đói 1945 ở miền Bắc Việt Nam

1.

Sự suy thóai kinh tế tòan cầu hiện nay đã góp phần đẩy con số người bị thiếu ăn trên thế giới lên tới 1 tỉ 2 trăm triệu người. Trên tổng số dân thế giới hiện nay là khỏang 7 tỉ, thì con số nói trên cho thấy cứ 6 người thì có một người bị đói. Hôm 19 tháng 6 năm 2009, tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đã báo động trong một phiên họp ở Rome (Ý) về tình trạng “nguy hiểm” hiện nay.

Một thế giới bị đói là một thế giới thật nguy hiểm. Không có thực phẩm để ăn¸người ta chỉ có 3 lựa chọn: Làm giặc (bạo động), tha phương cầu thực (di cư) hoặc nằm chịu chết. Cả 3 lựa chọn ấy, đều khó có thể chấp nhận được. Nhưng, chấp nhận hay không chấp nhận, chúng cũng cứ xẩy ra.

Nạn đói là một cuộc khủng hỏang thường được cho là thuộc về khía cạnh nhân đạo của xã hội con người, nhưng nó còn là nguyên nhân gây đến những bất ổn chính trị, hoặc là kết quả của một biến động chính trị nào đó. Chính sách ngăn sống cấm chợ và chính sách kinh tế mới của chính quyền Cộng Sản Việt Nam áp dụng từ những năm 1970s qua đầu 1980s đã khiến hàng triệu người Việt Nam bị đói, và là một trong những nguyên nhân gây nên phong trào thuyền nhân vượt biên (di cư) làm chấn động dư luận thế giới một thời.

Bà Josette Sheeran, một thành viên của Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Program) cũng trực thuộc cơ quan Liên hiệp Quốc, cho rằng, riêng trong năm ngóai (2008) chính “những người dân bị đói đã gây nên những cuộc bạo động ở ít nhất 30 quốc gia nghèo trên thế giới. Đáng chú ý nhất là do gía thực phẩm tăng mà bạo lọan chết người đã nổ ra ở Haiti dẫn đến việc lật đổ vị thủ tướng nước này.”

Nạn đói ở miền Bắc Việt Nam năm 1945 đã khiến gần hai triệu người chết, theo một tài liệu sử nghiên cứu ở trong nước, có nguyên nhân trực tiếp từ sự chiếm đóng của Phát Xít Nhật và cuộc chiến tranh chống nhật của Đồng Minh trên bán đảo Đông Dương.

” . . . Bắt đầu từ ngày 6-5-1941 Nhật buộc Pháp ký một hiệp ước kinh tế yêu cầu Pháp phải cung cấp lương thực ở Đông Dương cho Nhật hằng năm. Bốn năm liền từ 1941-1944 Nhật – Pháp đã ký bốn hiệp định giao nộp lúa, ngô cho Nhật mỗi năm từ 700.000 – 1,3 triệu tấn, tương đương 50-80% tổng sản lượng lương thực VN thời đó. Để phục vụ chiến tranh, phát xít Nhật còn cần rất nhiều nguyên liệu từ những cây trồng có sợi, có dầu như đay, gai, bông, thầu dầu… nên chúng đã bắt rất nhiều vùng quê nhổ lúa trồng đay và các loại cây trên.
Tài liệu của người Pháp thống kê: năm 1944 VN trồng tới 45.000ha đay, gấp chín lần diện tích của năm 1940 do 10 công ty độc quyền của Nhật thu mua, chế biến, kinh doanh thứ cây này.
Cũng theo tài liệu trên, chiến tranh của đồng minh với Nhật tại Đông Dương khiến 50% hệ thống giao thông Nam – Bắc VN bị phá hủy, 90% phương tiện vận tải bị hư hỏng khiến việc đưa lương thực cứu trợ từ Nam ra Bắc càng thêm khó khăn.
Chiến tranh làm cho nhu cầu nhiên liệu: than, dầu, điện của Nhật tăng cao. Chúng đã lấy ngô, vừng, lạc và cả lúa gạo để thay thế những nhiên liệu này phục vụ mưu đồ phát xít, đẩy người dân vào thảm họa chết đói.
. . “.

Như thế, nạn Đói còn là một vấn đề chính trị nổi cộm. Do vậy, không nơi nào trên thế giới, dù là những quốc gia thừa mứa thực phẩm như Hoa Kỳ, không bị những ảnh hưởng gián tiếp của nạn đói. Lạm phát khiến gía thực phẩm tăng. Kinh tế suy thóai khiến mất việc, giảm thiểu thu nhập. Bữa ăn ở những gia đình trung bình sẽ không còn ngon lành thịnh sọan như trước, ở những gia đình nghèo, chạy ăn từng bữa sẽ không đủ no. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những trẻ em đang ở độ tuổi cần đến sự dinh dưỡng đầy đủ để phát triển. Suy dinh dưỡng dẫn đến sự yếu kém sức đề kháng trong cơ thể, khiến dễ dàng bị bệnh tật hoặc tử vong.

Một phát ngôn viên của tổ chức Hồng Thập Tự Quốc tế và Hiệp hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ ở Đông Phi (East Africa) đã kêu gọi sự chia sẻ của tòan thể thế giới để bảo vệ sự no đủ của chính mình. Theo ông, nếu như người ta không kịp thời “đùm lá rách” thì trong một tương lai rất gần, “giúp vui” trong những bữa cơm chiều có thể là những chương trình truyền hình chiếu hình ảnh những thân thế đói khát chỉ còn da bọc xương của lũ trẻ thiếu ăn.

2.

clip_image004

Bữa ăn thịnh sọan với những miếng cơm cháy nhặt được trên lề đường

Đói là một khái niệm rất cụ thể. Ai cũng có thể đã từng kinh nghiệm qua cảm giác đói. Nhưng cái cảm giác đói triền miên, đói từ ngày này qua ngày nọ, cộng thêm với viễn ảnh không biết ngày nào mới có đủ thức ăn để thỏa mãn cơn đói của cơ thể thì không phải ai cũng đã từng trải qua. Cảm giác đói ấy, không thể dùng chữ nghĩa diễn tả thật trọn vẹn được.

Tôi, chẳng may, đã có dịp sống qua kinh nghiệm ấy một thời gian khá nhiều năm.

Khi người ta đói, tất cả thành bại, vinh nhục thế gian chỉ còn gói gọn lại trong cái bao tử rỗng. Thể xác tuy gầy gò, tay chân uể ỏai không đủ sức giơ lên xua đuổi một con ruồi đậu trên mặt, đầu óc tuy rỗng tuếch nhưng đôi mắt thì rất tinh anh, sẵn sàng để phát giác ra bất cứ cái gì có thể ăn được, hay có thể bỏ vào mồm nhai mà không chết, hiện hữu đâu đó ở môi trường chung quanh. Những người còn sống sót sau trận đói 1945 ở miền Bắc cũng có cùng nhận xét như thế về đôi mắt của người bị đói kinh niên. Đó chẳng qua là bản năng sinh tồn của con người. Nói một cách “khoa học”, tín hiệu từ bao tử truyền lên não, sợi dây thần kinh não tập trung mọi năng lượng cơ thể dồn vào đôi mắt tìm thức ăn đáp ứng cho bao tử.

Trong một hòan cảnh bất thường như thế, khó lòng mà người ta có thể đem những chuẩn mực của đời sống bình thường mà đo lường, đánh gía cách hành xử của những kẻ không may bị đói (*).

Mùa Đông năm 1978, tại một trại cải tạo vùng biên giới tỉnh Hòang Liên Sơn giáp ranh Trung quốc, tôi vốn là một người tù đã từng biết thế nào là đói, nhưng vẫn phải kinh hòang khi nhìn thấy mấy anh tù hình sự miền Bắc ngồi bệt bên đống rác, mút lấy mút để từng khúc xương trâu thối rữa do nhà bếp thải ra sau dịp tết Nguyên Đán cả trại được mổ trâu (chết) thưởng Xuân, mặc cho báng súng của vệ binh dộng tới tấp lên đầu, mặc cho những cú đá hùng hổ của đám tù trưởng phòng béo tốt vì được cán bộ cho phép ăn chận đồ thăm nuôi của đám tù tép riu trong phòng.

Hầu hết người Việt nam, sống ở hải ngọai hay trong nước, đều không thể không biết đến đạo quân đông đảo những trẻ em đói khát chầu chực ở những khu vực bán hàng ăn uống khắp nơi trong những thành phố lớn nhỏ quê hương. Khi thực khách ăn xong, vừa đứng dậy, lập tức có hàng chục bàn tay giành giựt nhau chút thức ăn thừa còn đọng lại, bất kể đó là thức ăn gì. Có đôi khi chỉ là miếng ớt vì cay quá, không ăn nổi nên khách đã bỏ lại. Thảm cảnh ấy đã là nỗi nhức nhối của đất nước từ nhiều năm, nay không biết có còn không, và nếu còn, nó có được cải thiện chút nào không.

Khi người ta đói, mục đích lớn nhất và duy nhất của cuộc đời lúc ấy là tìm một cái gì có thể ăn được, kể cả ăn rồi chết cũng bằng lòng.

Tục ngữ có câu: con mắt to hơn cái bụng. Một người bạn tù của tôi đã chết vì . . . no. Đói khát bao nhiêu ngày, sau chuyến thăm nuôi của người vợ, anh đã có một dịp ăn uống thỏa thuê cho bõ những ngày thiếu thốn. Chẳng may, anh quên đi một điều là cái bao tử đã teo lại vì đói cần thời gian để từ từ hồi phục sức chứa bình thường, cộng thêm với món thức ăn lâu tiêu là mỡ heo và trứng vịt (của nồi thịt kho tàu), anh bị bội thực, khiến nửa đêm các bạn tù cùng phòng phải khản cố kêu cán bộ trại đến cấp cứu. Vài tiếng đồng hồ sau cán bộ mới đến, anh đã hóa ra người thiên cổ. Chỉ tội nghiệp người vợ lặn lội từ Nam ra Bắc thăm chồng, sáng hôm sau rời nhà nghỉ của Trại ra về mà không biết rằng chồng mình vừa qua đời trong đêm vì ăn quá nhiều thức ăn mà mình đem tiếp tế.

Thảm cảnh ấy, cũng do vì đói mà ra.

3.

clip_image006

Hình ảnh bữa cơm nghèo dễ dàng bắt gặp trên những nẻo đường Việt Nam

Như thế, đói, trên phương diện cá nhân, là một thảm kịch về chính sự hiện hữu của cá nhân ấy trong cuộc nhân sinh bi lụy. Trên phương diện xã hội, tình trạng kẻ ăn không hết người lần không ra, chứa đựng những mầm mống bất ổn có thể tàn phá, hoặc chí ít làm đảo lộn nền tảng văn hóa giáo dục, nếu xã hội không biết điều chỉnh kịp thời. Trên phương diện chính trị, giữa một nền kỹ thuật phát triển tòan cầu đẩy cái ăn từ ưu tiên hàng đầu xuống vị trí thứ yếu trong nghị trình phát triển, thì đói lại là hệ quả của một trật tự tòan cầu không hợp lý về việc phân bổ khu vực trồng cây lương thực (như lúa chẳng hạn) nhằm đạt một ưu thế nào đó cho quốc gia.

Lời cảnh cáo nhắc đến trong đọan văn ở trên của một viên chức hội Hồng Thập Tự quốc tế về những hình ảnh đói khổ chiếu trên truyền hình có thể làm những bữa cơm chiều của nhiều gia đình kém ngon cũng tương tự như hình ảnh các trẻ em đói Việt Nam bu quanh người thực khách ngồi ăn trong một quán hàng. Làm sao mà bình tâm thưởng thức món ăn cho được khi bao nhiêu cặp mắt đói khát đang chăm chăm nhìn mình. Có người móc túi lấy tiền cho các em và bảo hãy đi chỗ khác (nhưng có thể một lũ trẻ khác lại xuất hiện và liệu người khách tốt bụng còn có khả năng cho bao nhiêu đứa trẻ khác nữa?). Có người bỏ dở món ăn và đứng dậy bỏ đi. Nhưng nếu đó là ở nhà mình trong bữa cơm gia đình, và những hình ảnh ốm o gầy mòn được mang vào tận phòng ăn qua chiếc máy truyền hình đặt ở trước mặt thì người ta sẽ phải làm gì? Hẳn nhiên một cảm gíac bất an sẽ ngự trị ngay trong bữa cơm no đủ của gia đình. Rồi đây, những kẻ đói ăn ấy có chịu nằm yên chờ chết hay sẽ gây nên những xáo trộn ảnh hưởng đến tất cả mọi người? Hay là tốt nhất mình nên san sẻ sự no đủ của mình cho những kẻ thiếu ăn kia?

Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đã tiên đóan một “nạn đói mới” sẽ xẩy ra vào năm 2010 trên tòan cầu với nguyên nhân trực tiếp là gía dầu, gía thực phẩm tăng, đồng Đô la Mỹ mất gía và dự trữ luơng thực cạn kiệt.

Bây giờ đã là tháng 7 năm 2009. Chúng ta chỉ còn được ăn no, ngủ yên vài tháng nữa thôi.

T.Vấn

*Tương tự như câu chuyện mới vừa xẩy ra ở trong nước hiện đang được bàn cãi sôi nổi. Luật sư Lê Công Định, sống ở Sài Gòn, bị nhà cầm quyền Cộng Sản bắt hôm 13 tháng 6 năm 2009 với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước, âm mưu lật đổ tổ quốc, lật đổ nhân dân”. Vì ông Lê Công Định là một luật gia nổi tiếng, rất đuợc kính trọng và đánh gía cao trong cộng đồng Luật thế giới cũng như Việt Nam, nên sự kiện ông bị bắt giữ bởi nhà cầm quyền tòan trị đã dấy lên một phong trào phản đối khắp nơi. Bộ ngọai giao Hoa Kỳ, Tổ chức phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders), Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), nhiều hội đòan quốc tế và tư nhân, cộng đồng Mạng Việt Nam trong nước cũng như hải ngọai đã đồng lọat lên tiếng, yêu cầu giới chức trách nhiệm phải thả luật sư Lê Công Định “ngay tức khắc, và vô điều kiện”. Chưa đầy một tuần sau, trong lúc dư luận còn đang rất “sôi sục, nóng bỏng” về việc bắt giữ luật sư Lê Công Định, thì bỗng nhiên, tin ông chính thức “nhận tội, thành khẩn khai báo những họat động chống phá, cấu kết với bọn phản động sống ở ngòai đất nước” với nhà cầm quyền Cộng Sản và đọan băng thu ông đọc lời “xin được hưởng sự khoan hồng của chính phủ” đã được truyền đi khắp nơi. Dư luận vừa buồn, vừa phẫn nộ. Có người không tiếc lời phê phán, chê bai LS Lê Công Định. Theo tôi, dù cho việc LS Định nhận tội là có thật (chứ không phải ngụy tạo bởi chính quyền?), thì liệu những lời phê phán ông dựa trên những chuẩn mực của một sự sinh họat bình thường có công bằng không? hãy thử tưởng tượng một con người 40 tuổi đang nằm trong tay của một chế độ vốn là vô địch về khả năng khủng bố, áp bức, lừa gạt và độc ác (kể cả đe dọa sự an tòan những người thân thuộc của nạn nhân). Hãy tự đặt mình vào hòan cảnh ấy, và suy ngẫm.

Một người bạn tù của tôi, năm nay đã hơn 60 tuổi, không bao giờ quên cái kỷ niệm đáng nhớ nhất và có lúc anh ngấm ngầm tự hào về cái kỷ niệm “xót xa” ấy. Đầu năm 1980, anh ở một trại tù thuộc tỉnh Vĩnh Phú, Bắc Việt Nam. Do ốm yếu, bệnh tật (nguyên nhân phần lớn do thiếu quà của gia đinh gởi tiếp tế) anh thường được phân công làm lao động nhẹ quanh trại. Một hôm, anh rẫy cỏ ở một khu vực dành cho cán bộ coi tù. Trong lúc cuốc cỏ, đôi mắt “tinh anh” của người đói thâm niên đã bắt gặp một miếng cơm cháy nằm chễm chệ trong bụi cây. Miếng cơm cháy đã khô khốc và lấm đầy đất. Nó nằm đó từ bao giờ không biết, nhưng sở dĩ nó vẫn còn nằm đó có lẽ là vì bị che khuất bởi lùm cây. Nhìn thấy miếng cơm cháy, anh vội đảo mắt ngó chung quanh. Không có ai, cả cán bộ lẫn bạn tù. Bụng vốn đã đói cồn cào vì chỉ có một mẩu khoai mì đắng ngắt từ buổi sáng, bỗng như cồn cào hơn. Anh nuốt nước miếng, vất cái cuốc sang một bên, ngồi thụp xuống ngay cạnh miếng cơm cháy. Vừa định đưa tay nhặt nó lên, cái đầu óc rỗng tuếch mọi thứ ngọai trừ một chữ đói kinh niên của anh bỗng . . . “hồi sinh”. Một cuộc tranh đấu “không khoan nhượng” giữa việc nhặt lên miếng cơm cháy khô khốc nhỏ bằng nửa bàn tay và ý thức èo uột về tư cách con người đã xảy ra trên tấm thân thể gầy đét của người tù đói kinh niên. Kết cuộc, ý thức – tuy èo uột – của người tù tội nghiệp đã thắng. Miếng cơm cháy- hiện thân của hèn hạ, mất tư cách – đã biến thành hàng trăm mảnh vụn dưới những nhát cuốc hả hê, cho đáng cái tội “rù quến”. Nhưng, giả sử cái đói chết tiệt thắng, thì liệu tư cách con người của anh có đáng bị đánh cho đến bầm dập hay không?

T.Vấn

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search