T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tình Già, Tình Trẻ

Bây giờ tôi đối diện tôi

Còn hai con mắt khóc người một con

(Bùi Giáng)

■. . . Lại nhớ Bùi Giáng và Sài Gòn. Một con người với những cơn tỉnh cơn điên bất chợt. Một thành phố với những trận nắng trận mưa bất chợt. Hôm vừa rồi đọc đâu đó bài ký của một người lâu lắm mới về thăm quê nhà. Một buổi chiều, tác giả đi lang thang trên những con đường Sài Gòn – bây giờ thì lúc nào cũng đầy ắp người và bụi bặm – chợt trời đổ mưa. Một hình ảnh quen thuộc làm ông sững sờ, chết đứng người. Để tránh mưa, những đôi thanh niên trai gái đang đi trên đường, vội vã dở những cánh dù, những chiếc áo mưa xanh đỏ ra che cho nhau hoặc chạy vội vào một hàng hiên nào đó để trú. Những đôi mắt sáng rỡ và vui mừng. Hình như vì cơn mưa sẽ làm dịu cái nóng oi ả của Sài Gòn thì ít, mà vì họ sẽ có lý do để nấn ná ở bên nhau lâu hơn chút nữa thì nhiều. Trong khoảnh khắc, cả một thời tuổi trẻ tuyệt vời của ông sống lại. Tôi hiểu được nỗi lòng tác giả bài ký. Chính tôi, đọc bài ký của ông ở một nơi chốn thật xa lạ với những ký ức ngày cũ mà cũng phải buông trang báo xuống, thẫn thờ. Và lại nhớ đến một người, giữa cái bóng lung linh kỳ ảo mịt mùng của những cơn mưa quá khứ, thấp thoáng người chợt tỉnh chợt điên Bùi Giáng:

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

Xin chào nhau giữa mai sau

Mùa xuân phía trước phía sau miên trường

. . .

Xin chào nhau giữa con đường . . .

Những câu thơ đã từng được gửi đến một người thay cho lời tỏ tình. Và người ấy đã đáp lại- không biết nàng yêu tôi hay yêu Bùi Giáng(hay nói như Phạm Duy: yêu tôi , hay yêu đàn) -Nhưng chúng tôi cũng có những ngày bên nhau thật đẹp. Thật thanh khiết, thật thánh thiện. Cũng những chiều Sài Gòn chợt mưa chợt nắng. Cũng khuôn mặt nàng khi vui, khi buồn, thay đổi nhanh như những cơn mưa Sài Gòn . . .

■ Lại không thể không tự hỏi mình, liệu giờ đây, khi trên mái tóc màu trắng đã nhiều hơn màu đen, những câu chuyện tình ngày thơ dại ấy, với tất cả những lời nói dối hết sức thành thực, với tất cả những say mê tha thiết tưởng không có nhau một ngày thì quả đất này sẽ vỡ tung ra thành những mảnh nhỏ, liệu mình còn có thể thức trắng đêm viết những bài thơ tình như ngày xưa, thuở áo trắng quần xanh học trò hay không? Đâu đó, có người bạn văn chương tóc bạc viết rằng, thơ phú đã có lúc làm người ta trẻ lại, quên bẵng đi cái gánh nặng thời gian đè trĩu trên hai vai, quên bẵng đi những vết thương còn hằn sẹo từ một thời trẻ xa xưa.

Đời sống có lúc thật nhẫn tâm. Cái trần trụi của đời thường, trộn lẫn với khoảnh khắc ảo mộng của những người gọi là thi sĩ với một chân giữa cõi hồng trần và một chân chập choạng trên mây, để một hôm, uống rượu thưởng trăng rồi ngã xuống sông chết đuối (như Lý Bạch đời Đường bên Tàu) hay Vũ Hữu Định (tác giả Em Pleiku, má đỏ môi hồng. Ở đây buổi chiều, quanh năm mùa Đông . . . đã làm say lòng cả một thế hệ) quá chén ngã từ trên lan can nhà một người bạn xuống lòng đường, hồn lìa xác rồi mà có lẽ vẫn còn một chút gì, để nhớ để quên . . . cuộc đời này.

Tôi không hề nhầm lẫn giữa hư và thực. Dù có những lúc tôi không biết mình ở đâu, mùa đông lạnh buốt nơi xứ người không một chút nắng, hay mùa hạ chói chang nơi quê nhà năm ấy có hai kẻ trẻ tuổi yêu nhau thề thốt sẽ sống với nhau cho đến răng long đầu bạc, vậy mà lời yêu thương chưa kịp ra hết khỏi đầu môi thì một kẻ đã kịp nhận ra là mình vừa dối lòng. Đường đời chưa kịp đi chung thì trước mặt là ngã rẽ.

■ Càng về già, người ta càng có khuynh hướng nghiêng về phía của cuộc đời hai mặt Thực và Hư. Vì cái Hư ấy cho người ta ảo giác mượt mà của một góc hồn rất cải lương bấy lâu bị đè nén, được xổ tung ra như là mới được sống lần đầu. Và thế là sân chơi vốn đã hẹp (của tuổi trẻ) lại thấp thoáng bóng của những cụ già tay cầm cái trống bỏi gõ tung tung như cố níu kéo một thời nào không được yêu (thoải mái), không được chơi (hết mình), không được múa may (quay cuồng). Nhưng hỡi ôi! Lực bất tòng tâm. Ai cũng chỉ có một đời để sống. Ai cũng chỉ có một thời để yêu.

Ai cũng chỉ có một thời dọn mình bước vào cõi Hư (sau khi đã chán chê tất cả những gì thuộc về cõi Thực). Ấy là lúc cái chết đang rình mò. Phải vậy không những người đang dọn mình vào cõi Hư?

■ Tôi không hiểu những người trẻ bây giờ – tôi muốn nói đến những người trẻ ở hải ngoại- họ có lãng mạn nhìn thành phố họ đang sống như chúng tôi nhìn thành phố chúng tôi sống ngày xưa không? Bởi vì, thành phố ngày xưa là của chúng tôi – trên đất nước chúng tôi – còn bây giờ thành phố những người trẻ Việt Nam đang sống là thành phố trên quê hương của người !!! Họ có hẹn hò nhau ở một quán cà phê nho nhỏ hay đứng chờ nhau ở một góc phố quen thuộc nào đó, nhận ra nhau dễ dàng dù một biển người đang ùn ùn trong dòng sống bất tận miên man? Họ có chuyền cho nhau những bài thơ, gởi cho nhau những quyển sách không ăn nhập gì đến bài vở nhà trường? Rồi đến lúc lậm vào nhau không thể rời ra được nữa, mệnh đề bất tử “anh yêu em” sẽ được nói bằng ngôn ngữ nào? I love you? Je t’aim? hay đơn giản “anh yêu em”- ngày xưa chúng tôi ngại nói bằng tiếng mẹ đẻ mệnh đề này – vì ngượng? vì làm dáng thời thượng thích dùng tiếng Anh tiếng Pháp? có lẽ cả hai. Nhưng điều cần nói phải được nói trước khi quá muộn.

Và khi cầm được bàn tay nhau lần đầu tiên -chưa nói gì đến cái hôn đầu tiên – cảm giác ấy có “đê mê” không? nó có theo ám ảnh họ mãi nhiều ngày sau nữa vẫn chẳng nhạt đi chút nào không? Ngày xưa, một bàn tay nhỏ nhắn mềm mại nằm gọn trong một bàn tay thô ráp cứng cáp: đó là biểu hiện của sự tin cậy và chở che. Ngày nay, có còn là sự tin cậy, chung thủy, bao bọc, chở che nữa hay không, hay chỉ là bàn tay nắm bàn tay, môi bám vào môi, thân xác bám vào thân xác?

Thời đại nào cũng có những cách tỏ tình riêng của thời đại đó. Dân tộc nào cũng có những cách tỏ tình riêng của dân tộc đó. Những người trẻ Việt Nam sinh ra, lớn lên nơi xứ người nhưng trong dòng máu vẫn là đặc tính Á Đông hướng nội. Quả là một thử thách khi phải là mình giữa môi trường xa lạ . . .

Tôi bỗng thấy thương con cháu mình quá đỗi!

■ Lại chợt nghĩ đến người bạn đời đang đi bên cạnh mình, đã cho mình những đứa con tuyệt vời và những ngày đầu mới quen nhau. Câu thơ Bùi Giáng lại nhẩy múa quẩn quanh đâu đó. Em về mấy thế kỷ sau, nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không? (Bùi Giáng).

Những lời nói yêu thương, những cử chỉ âu yếm mà rất nhiều năm về trước, chúng tôi tận tụy, long trọng gởi đến cho nhau. Giờ đây, 20 năm, 30 năm, 40 năm sau, những điều đó có nên được lập lại, có nên được “tái diễn”, để khẳng định sự lựa chọn của mình, để nhắc lại với nhau về những ngày đẹp đẽ ấy . . .

Trước khi quá muộn, phải không?

Tôi bỗng thấy thương người bạn đời của mình quá đỗi!

Bây giờ tôi đối diện tôi,

Còn hai con mắt khóc người một con .

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search