T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Lời tình cuối gởi New Orleans

clip_image002

Cuối cùng, thì tôi cũng đã trở lại New Orleans, với nỗi thôi thúc của một người đi tìm thời gian đã mất và tâm tưởng đậm nét một New Orleans thuở trời đất chưa nổi cơn gió bụi. Con đường dẫn vào thành phố vẫn thế. Vẫn tấp nập người qua kẻ lại. Vẫn cái nóng hừng hực của mùa hè nhiệt đới và hơi gió biển ướt át rậm rịt. Chiều đang xuống dần. Sinh họat một ngày cuối tuần đang rục rịch những chỉ dấu nhộn nhịp. Cho đến khi chúng tôi tìm được một bãi đậu xe khá khuất nẻo thì trời đã tối hẳn. Khu French Quarter đèn đuốc đã sáng rực. Khách bộ hành bước kín lòng đường. Tiếng nhạc ồn ào trổi lên từ mọi góc phố, quán bar, nhà hàng, khiêu vũ trường. Những đôi trai gái nhún nhẩy trên hè phố với trang phục tươi mát như chính số tuổi của họ. Giữa đám đông cuồng nhiệt ướt đẫm đam mê ấy, tôi có cảm tưởng mình là kẻ lạc lõng. Bước đi giữa sự ồn ào cố hữu của New Orleans mà tâm tư tôi cứ đắm chìm trong những hồi ức ngày này bao năm trước. Hệt như những cố nhân chia tay nhau thuở mắt sáng môi tươi, cuối đời bỗng do những tình cờ định mệnh ngẫu nhiên gặp lại. Cả hai bên đều ngơ ngẩn nhìn nhau, cố tìm trong khuôn mặt già nua thảm não ấy của nhau những âm hao ngày cũ. Càng cố tìm càng khiến nhau thêm thảm hại. Biết vậy nhưng làm sao mà cưỡng lại được.

Ôi cố nhân! Ôi New Orleans! Ôi những hồi ức vừa dịu dàng, vừa đanh đá đâm những mũi kim đau buốt. Tôi đã gặp lại New Orleans sau 7 năm từ lần gặp gỡ đầu tiên đầy kỷ niệm và sau 6 năm từ trận bão thế kỷ Katrina tàn phá thành phố khởi nghiệp của Louis Armstrong, người nhạc sĩ Jazz vĩ đại nhất của mọi thời đại. Và trong đáy cùng tiềm thức, câu thơ cũ của Linh Vũ được trích dẫn trong một bài viết về thành phố này năm 2008, bỗng bật lên như có ai đưa tay chạm vào nút bí ẩn trong đầu: “Mai gió sớm có đêm nào ghé lại / Thổi Blues xanh phố cảng một nốt buồn .. .”

clip_image004

Đêm nay, có tôi ghé lại. Ngóng tìm những điệu Blues buồn từ những nhạc sĩ cong người trên cây kèn đồng sáng lóang dưới ánh vàng vọt của ngọn đèn đường cuối phố.

Như kẻ mộng du, tôi thấy mình đứng trước cửa quán Café Du Monde. Như 7 năm trước, chúng tôi phải vất vả lắm mới kiếm được chiếc bàn trống. Sau cơn hồng thủy, quán cà phê lừng danh với hương vị cà phê đặc thù Pháp quốc và chiếc bánh bọc đường Beignets có vẻ như vẫn giữ được phong độ cũ. Tôi ngó quanh quất, cố tìm hình bóng người hầu bàn da đen năm xưa, đã cho tôi được chụp chung một bức hình . . . kỷ niệm. Cũng có vài người da đen, nam và nữ, chạy lăng xăng bận rộn, nhưng không phải người tôi muốn tìm. Tôi tự hỏi mình, anh chàng hầu bàn đẹp trai và duyên dáng năm xưa, có còn bám trụ New Orleans không hay đã lưu lạc phương nào. Đang còn ngẩn ngơ hình dung trong trí khuôn mặt người hầu bàn 7 năm trước, thì một cô gái còn rất trẻ bước lại , nở một nụ cười thật xinh, hỏi chúng tôi muốn uống gì, bằng một giọng nặng âm hưởng khiến tôi nhận ra ngay cô là một người Nga. Quả đúng vậy. Cô tên Vanessa, sinh viên du học tại trường đại học nổi tiếng của thành phố. Cũng như người hầu bàn da đen 7 năm trước, cô vui vẻ chụp chung với tôi một bức hình.

clip_image006

Quán Café Du Monde ở New Orleans tháng 7 năm 2011

clip_image008

Người hầu bàn của quán Café Du Monde chụp tháng 6 năm 2004

clip_image010

Người hầu bàn của quán Café Du Monde chụp tháng 7 năm 2011

Tôi biết, rồi đây bức hình chụp với cô gái sinh viên người Nga hầu bàn ở quán Café Du Monde sẽ lại trở thành một thứ kỷ niệm, tuy không khó quên nhưng cứ mỗi lần nhắc đến New Orleans hẳn là tôi sẽ nhớ đến cô, như giờ đây tôi đang cố tìm trong đám đông người chộn rộn chung quanh hình bóng anh chàng da đen năm nào. Vanessa đã bưng ra cà phê và dĩa bánh Beignets. Hai con gái của tôi vội vã bốc bánh ăn thử, để xem bánh có mùi vị như thế nào mà bố chúng đã nhiều lần viết về những chiếc bánh phủ bột đường trắng xóa. 7 năm trước, chúng còn quá nhỏ để hôm nay nhớ đến bất cứ điều gì, dù chúng đã từng ngồi tại quán này, từng ăn chiếc bánh này, kể cả nhấp môi vào ly cà phê này.

clip_image012

Chiếc bánh beignet phủ bột đường lừng danh của Café Du Monde

Hình như, với tôi, cà phê đã bớt thơm, bánh đã bớt vị ngọt hấp dẫn. Tôi cũng chợt nhận ra nét xô bồ của một tiệm bán thức ăn đông người ra vào. Điều mà 7 năm trước đây tôi đã không cảm thấy. Trong không khí, mùi mồ hôi người đã làm hơi gió biển bớt tinh khiết, cộng thêm với cái nóng khác thường của mùa hè năm nay, làm trí não tôi không còn được cảm giác thỏai mái mà tận hưởng những giây phút tái ngộ thành phố tôi hằng nhắc đến trong suốt 7 năm qua.

Hay là, chỉ vì tôi đã thất vọng với những gì tôi nhìn thấy. New Orleans sau cơn bão tàn phá Katrina, dù đã 7 năm vẫn không hồi phục được sự mất mát quá lớn lao. Đằng sau những đường phố màu sắc, bên trong những âm thanh cuồng nhiệt của đêm hè nhiệt đới, tôi vẫn nhận ra nét thảm não của khuôn mặt người chưa hết nỗi kinh hòang.

Một New Orleans tội lỗi còn đang thống hối trước cơn thịnh nộ của đất trời chăng?

Theo bước chân tíu tít của hai con, tôi thấy mình đứng đối diện với con đường Bourbon lừng danh. Tôi cố tìm trong không khí chút hơi nóng của những bộ ngực trần nhẩy nhót khêu gợi. Hoặc mùi nước hoa của những mỹ nhân đến từ khắp nơi cho ngày hội Mardi Gras đêm trước ngày vào mùa chay hãm mình cho thân xác đền tội, thứ tội tổ tông truyền không ai dạy ai mà ai cũng rất thành thục trong việc . . . phạm tội. Chẳng thấy gì! Chẳng ngửi được gì! Chỉ nghe những âm thanh cuồng nhiệt, tiếng người cười nói, và hơi nóng hực lửa mùa hè hắt lên từ lòng đường sau một ngày tắm đẫm mặt trời bây giờ là lúc tỏa ra cơn giận dữ.

Hết rồi sao? Những người muôn năm cũ giờ ở đâu? Lại nhớ bài thơ viết từ năm 1999 của Phan Xuân Sinh:

. . . . ..

những tay nhạc Jazz trong phòng
những chiếc ngực trần trên phố
đêm Bourbon, vội vàng tiếng thở
những người con gái sống về đêm
giữa New Orleans, đứng dựa cột đèn
môi em cuộn vòng từng hơi thuốc
người đến, người đi, giữa khuya hiu hắt
mà sao em vẫn đứng đợi ai?
nghe như em, bật tiếng thở dài
người con gái da đen topless
giọt mồ hôi trên sàn. Thấm mệt
đôi vú xệ dài, u uất gái làng chơi
ta. khách lạ lạc xứ người
mang hồn phương đông, văn vật
. . . . . . . .

(Chào New Orleans – Phan Xuân Sinh 1999)

clip_image014

Bỗng dưng, tôi bật tiếng thở dài. Hàng chữ Bourbon trên tấm bảng tên đường dường như đang nhẩy múa theo điệu nhạc rập rình phát ra từ những quán rượu chung quanh. Tôi chưa uống ly rượu nào từ lúc đặt chân đến New Orleans. Phải chăng vì vậy mà tôi không cảm thấy mình có chung một tần số với những gì đang diễn ra chung quanh. Tôi giật mình tự hỏi: Mình đến đây để tìm những kỷ niệm đã đánh mất hay đến đây để hưởng những ngày nghỉ mùa hè cùng với gia đình? Nhìn vợ tôi cần mẫn một cách cam chịu, luôn chăm sóc hai con và đáp ứng những nhu cầu của chúng mà tôi nhận ra mình quả là một con người ích kỷ.

Chỉ tại mi đó, hỡi New Orleans! người tình già nua xơ xác.

T.Vấn

28 Tháng 8 năm 2011

(Kỷ niệm đúng 6 năm ngày cơn bão thế kỷ Katrina tàn phá New Orleans)

Tái Bút: Năm 2005, khi cơn bão Katrina nhận chìm New Orleans trong biển nước, tôi đã viết: Lời tình buồn gởi New Orleans. Rồi từ đó, mỗi năm, cứ đến mùa bão tháng 8, tôi lại tưởng nhớ đến New Orleans trên trang viết của mình. Có lẽ, bài viết này của năm 2011 sẽ là bài viết cuối cùng của tôi gởi đến New Orleans, như lời chia tay với cái hồn của thành phố. Tại sao? xin trích đọan cuối bài viết về New Orleans của năm 2007 (New Orleans: Gởi thêm một chút tình buồn):

. . . Cũng như Sài Gòn thân yêu của tôi đã được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, thành phố New Orleans đã được văn hào Mỹ Mark Twain nhắc đến trong tác phẩm của mình với bí danh lâu đời “the city that care forgot” nhằm ám chỉ cái phong cách tự nhiên, không cầu kỳ khách sáo của thành phố cũng như nhấn mạnh đến tính cách “buông thả” (carefree nature) của phần lớn cư dân của New Orleans. Trong bầu không khí luôn hừng hực nỗi đam mê cháy bỏng của nhạc Jazz, hòa lẫn cùng hơi nóng của đêm nhiệt đới, hơi nóng từ thân thể đầy nhựa sống những cô gái có nước da cháy nắng và khét mùi nước biển, thành phố lúc nào cũng có tư thế sẵn sàng cho những buổi lễ hội. Nhưng đó là ấn tượng về New Orleans những ngày Pre-K. Thứ ấn tượng đã khiến cho du khách không thể lẫn New Orleans với bất cứ thành phố nào khác mà họ đã đặt chân tới, thứ ấn tượng mà khi rời khỏi New Orleans người ta sẽ phải nhớ để mang theo, và trong mỗi chặng dừng chân trên đường lữ thứ, người ta sẽ phải giở ra, “ngửi” lại để ngậm ngùi.

Cái không khí đặc thù ấy, nay có còn không?

Anh bạn tôi, cư dân hơn 20 năm của New Orleans, người cương quyết bám trụ ngay từ những ngày thê thảm nhất của thành phố, người có cảm quan nhậy bén với từng vùng đất, con người nơi anh bước qua, đã cho tôi câu trả lời buồn bã không kém. Có lẽ đã hết rồi một New Orleans của lịch sử, của truyền thống, của thứ biểu tượng văn hóa thuần khiết và hoang dã. Anh bảo tôi hãy so sánh Sài Gòn của những năm 80s với những năm tháng chúng ta hãnh diện về Sài Gòn như “Hòn Ngọc Viễn Đông” của thế giới, rồi đem cảm gíac đó liên tưởng đến New Orleans bây giờ so sánh với New Orleans thời Pre-K. Làm tôi lại nhớ đến một bài hát của người bạn nhạc sĩ, mà  Sài Gòn với anh như là một phần máu thịt không thể tách rời. Khi xa Sài Gòn những năm 80s, anh đã viết về Sài Gòn, có những câu: “ . . . còn đâu hồn công viên, còn đâu hồn giáo đường, còn đâu . . . còn đâu hồn người Sài Gòn” (Thành phố Lá me Bay – Trần Lê Việt). Những năm tháng ấy, Sài Gòn đã không còn là Sài Gòn, vì hồn người Sài Gòn đã theo với những chuyến xe lửa chuyển tù cải tạo đi khắp vùng đất nước, đã theo với những chiếc ghe vượt biên lênh đênh trên biển cả mênh mông, đã theo với những đòan người bị cưỡng bách rời bỏ thành phố về những vùng kinh tế mới rừng thiêng nước độc. Như vậy là tôi đã hiểu rằng, thể xác của  New Orleans bây giờ vẫn còn đó, buồng ngực French Quarter đã gần lấy lại được nét phong độ xưa, nhưng trái tim – cái hồn người New Orleans – hình như vẫn chưa quay trở về, chưa muốn quay trở về hay sẽ không muốn quay trở về.

Thế là quá đủ cho một trận thiên tai. Không có cái hồn của người Sài Gòn thì Sài Gòn cũng chỉ là một thành phố hãnh tiến như bao thành phố khác ở Châu Á. Không có cái hồn của người New Orleans thì New Orleans cũng chỉ là một thành phố ồn ào như bao thành phố khác của nước Mỹ.. .

 

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search