T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Xuân về nhớ một bài hát

clip_image002

Trong công trình sáng tác đồ sộ hơn 50 năm của mình, gồm trên 200 ca khúc, phải nói cố nhạc sĩ Nhật Ngân là người hay viết những bài ca về mùa xuân mà nội dung thế nào cũng nói đến cái Tết cổ truyền của dân tộc Việt, một tập tục gợi nhớ những ngày xuân khi đất trời giao hòa nhà nhà xum họp mừng vui cho cuộc sống bước vào năm mới.

Một trong những bài hát được quần chúng hâm mộ nhất là bài Xuân này con không về và thực sự bài này đã đi vào huyền thoại. Ca khúc một thời không chỉ được hát để thể hiện tâm tư của những anh lính xa nhà vì hoàn cảnh chiến tranh không thể về thăm mẹ thăm em vui xuân với bà con chòm xóm như những tháng năm thanh bình thuở trước, mà bài hát còn theo chân những người con tha hương sau chiến tranh dắt díu nhau ra hải ngoại để rồi mỗi khi tết đến xuân về lại nức nở sụt xùi nhớ mẹ nhớ em trong phút giao thừa khói hương lan tỏa.

Bài hát đã để lại dấu ấn khá đậm đà trong lòng những người xa xứ khi thế hệ thứ hai ở hải ngoại vẫn còn biết nghe hoặc biết hát trong các dịp họp mặt mừng Xuân tìm về tình tự dân tộc của những người con mang dòng máu Việt. Chẳng thế mà nơi vùng tôi ở, một hội thánh CĐPL tuy nhỏ nhưng mỗi năm khi tổ chức văn nghệ Tết cho tín hữu và bà con cộng đồng người Việt tại đia phương, thiếu gì thì thiếu nhưng không thể thiếu bài ca huyền thoại này.

Lại càng vui khi tại quê nhà bài hát tuy không cho phép chính thức nhưng vẫn được quần chúng thính giả sau chiến tranh công khai sử dụng và cùng nhau chia sẻ mỗi khi đất trời vào xuân. Nói cho ngay, bài hát mang sắc thái phi chính trị như nói hộ nhiều điều thể hiện niềm thương nỗi nhớ cho bất cứ thân phận nào do hoàn cảnh vì cuộc sống vì sinh kế phải xa quê xa gia đình, cuối năm không thể về thăm cha thăm mẹ để sưởi ấm lại tình thương, để cùng nhau nhâm nhi chút mứt gừng, ăn chút bánh tét bánh chưng trong ba ngày tết, có gần thì cũng kẻ trong nam người ngoài bắc, người thành thị kẻ dưới quê, còn xa thì tận mãi đông Âu, xứ Nga, xứ Hàn, Đài loan, Campuchia, Lào, Thái…, chưa kể dòng người gốc Việt xuất dương di tản sau chiến tranh đang sinh sống khắp năm châu bốn bể.

Là người làm công tác văn nghệ cùng ngành với Nhật Ngân khi anh bị động viên vào quân ngũ, tôi chưa thấy bài hát nào được thính giả yêu cầu hát nhiều lần trong mỗi dịp xuân về trên làn sóng phát thanh truyền hình miền nam, trên các sân khấu ca nhạc lớn nhỏ, trong các chuyến lưu diễn nơi tiền đồn, xã ấp, rồi các đơn vị đóng quân nơi rừng sâu núi thẳm, hải đảo xa xôi, các tụ điểm bến xe bến phà nhà ga sân bay bến cảng, nói chung từ tiền tuyến đến hậu phương, từ làng quê lên phố thị đâu đâu cũng nghe văng vẳng tiếng hát của các nghệ sĩ nổi tiếng một thời trong đó phải kể ca sĩ Duy Khánh, người thể hiện thành công nhất bài hát này, đặc biệt vào những chiều cuối năm lan tỏa sang những ngày đầu xuân. Có điều trớ trêu là xuân về thì chỉ mong xum vầy đoàn tụ, vợ trẻ mong chồng, mẹ già mong con, con thơ ngóng bố, em gái hậu phương trông anh trai tiền tuyến, người yêu quê nhà chờ bạn tình xa…ai lại đi hát đi nghe những ca khúc nội dung chia phôi lỗi hẹn vào những giây phút đã không vui mà nuớc mắt lại trào?

Nhưng rồi ra ai cũng hiểu khi đất nuớc còn chiến tranh quê hương còn khói lửa thì mấy ai, mấy gia đình hưởng trọn được niềm vui? Cho nên Nhật Ngân như hiểu được tâm trạng này nên anh đã viết lên ca khúc mà âm điệu thì lắng sâu ray rứt, ca từ thì mộc mạc chân quê, ai hát cũng được ai nghe cũng mủi lòng. Tôi nhớ một lần đi lưu diễn bên Lào và Thái lan đầu thập niên ’70, hồi ấy chưa có chuyện di tản vượt biên hay lao động xuất khẩu, mà khán giả chỉ là những bà con mình tha phương cầu thực trên đất khách, nhiều người đã khóc khi nghe hai bài hát Đêm Đông Xuân này con không về. Cho đến nay dù bốn mươi năm đã qua, nhưng bài hát vẫn được hát và cảm xúc thì chẳng bao giờ vơi đối với những thân phận xa quê mỗi dịp xuân về.

Nhớ lại bài hát của Nhật Ngân, ta cũng lại đồng cảm với tâm trạng của người nhạc sĩ tài hoa không chỉ viết về mùa xuân này, một mùa xuân dành cho những nhân thân nơi cõi tạm quê nhờ, mà thực sự anh luôn mơ tới một mùa xuân vĩnh cửu, nơi không còn ghen ghét hận thù, nơi chẳng còn sinh ly tử biệt, một chốn bình yên một ‘thiên đường này anh mơ ước bao lâu’ như chính anh đã viết trong bài Một mai giã từ vũ khí, ngẫu nhiên trùng hợp với ước vọng của những người có đức tin khi mơ về nơi trời mới đất mới, nơi Đức Chúa Trời sẽ ở giữa loài người, Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt cho chúng sinh, sẽ không có sự chết, cũng chẳng còn than khóc, đau đớn nữa (Khải Huyền 21: 4).

Qua sự nghiệp sáng tác, nhiều người tưởng Nhật Ngân là chàng trai xứ Huế, nhưng biết anh, tôi xin được bổ sung thêm về quê quán của anh, mà cũng là tác giả bài Tôi đưa em sang sông, anh gốc người Thanh hoá, có sống ở Huế một thời gian không lâu, nhưng gắn bó nhất với thời trai trẻ vẫn là quê hương Quảng nam-Đà nẵng, một vùng đất anh luôn ôm ấp như chính những người con xứ Quảng cũng nhiệt tình đón nhận thương mến anh, và nếu nghe lại bài ca, ‘Quảng nam quê ta ơi’ anh sáng tác riêng cho vùng đất địa linh nhân kiệt này thì mới hiểu hết tình quê xứ Quảng nơi anh.

Đỗ Xuân Tê

*Về Nhật Ngân, xin tham khảo thêm : 70 Năm Tình Ca trong Tân Nhạc Việt Nam của Hòai Nam – 70 Năm Tình Ca (45) – Nhật Ngân

Bài Mới Nhất
Search