T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ngọctự: Một ngày, nghĩ nhớ vụn rời (Tạp văn)

Nho ban

 

Suốt từ sớm cho tới khuya của ngày Lễ Độc Lập hay còn gọi là ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ ,xứ sở nơi tôi đang sinh sống đây, tôi đã chỉ loanh quanh ở nhà, ngồi trước computer được một lát, nhìn lên màn hình TV xem thoáng qua đoạn chương trình đang chiếu, cầm remote đổi băng tần liên tục rồi đi ra sân trước lấy ghế ngồi,châm những điếu thuốc, nghĩ nhớ mông lung vẩn vơ hết chuyện này chuyện nọ. Vào nhà, ngồi lặng thinh nơi góc salon rồi bỗng thừ ra và có lúc như đã mụ mị đi trong từng khoảnh khắc nào đó. Cái điệp khúc này diễn đi diễn lại không biết bao lần trong ngày hôm ấy với tôi. Cho đến khi nghe những tiếng nổ lụp bụp của pháo bông nơi khoảng không đâu đó bên ngoài và những hình ảnh, âm thanh rộn rã tươi vui trên màn hình đang trực tiếp một chương trình văn nghệ mừng Lễ ở ngoài trời tại một nơi chỗ nào đấy, tôi mới biết rằng trời đã tối lắm và sắp hết ngày. Tôi miên man quên nhớ trong đầu về bao thứ vụn rời quanh quẩn lộn xộn, cứ như những đoạn phim chắp vá không đầu đuôi, chẳng ăn nhập gì với nhau.

Chừng như thì cũng giống mọi năm trước đây,qua tin tức báo chí và màn ảnh truyền hình, trong ngày Lễ năm nay,cũng đã có những cuộc vui công cộng _ văn nghệ _ diễn hành chào mừng của các đoàn thể và xe hoa _ bắn pháo bông vào buổi tối… và đương nhiên rằng không thể thiếu những buổi tiệc tùng tràn ngập bia rượu ,với món BBQ quen thuộc trong thực đơn nơi các tư gia, công viên, hay quán rượu.

Hình ảnh người dân gốc Mỹ kỳ cựu mừng vui là một lẽ, không có gì ngạc nhiên . Những người Mỹ mới , có xuất xứ từ Mễ tây Cơ, hay từ nhiều sắc dân khác cũng đã hết sức nồng nhiệt chan hoà trong cùng một niềm hoan vui, nhìn nét mặt họ, tôi nghĩ rằng họ mừng vui thật sự. Thấy nhiều người Mỹ gốc Việt Nam cùng hoà lòng đón chào ngày này nhưng tôi không biết chắc về tâm trạng thật của họ ra sao.

Tôi nhớ, qua chuyện trò với người này, người nọ ở đây đó những năm rồi, thường ra người Việt mình vẫn cho đây là một dịp nghỉ ngơi đặc biệt nên tổ chức họp mặt bạn bè hàn huyên ăn uống hát Karaoke ….và chỉ thế là đủ. Đây là một điều thường tình thật đơn giản, dễ hiểu và có lẽ cũng đúng thôi cho nhiều người Việt Nam sống ở nhiều vùng đất khác nữa mỗi khi vào những ngày Lễ, chứ không riêng gì tại xứ Mỹ này.

Mấy ngày trước gần đến Lễ, trên vài trang báo giấy cũng như báo mạng của người Việt, có những bài viết mang tính tích cực, nhắc mời người Mỹ gốc Việt phải nên dành thái độ trân trọng đúng mức hơn đối với ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ, quê hương thứ hai, tổ quốc thứ hai đã dang rộng vòng tay cưu mang, đỡ nâng biết bao con người Việt Nam khổ hạnh, kể từ cái ngày 30 tháng 4 bi thảm ấy. Liên tưởng tới nếp sống của nhiều đồng hương mình ở thành phố Houston tôi đang sống đây và cũng như ở nhiều nơi khác nữa, cùng với việc mới rồi có ông John Logan giáo sư môn xã hội học người Mỹ thuộc Đại học Brown đã để công nghiên cứu tìm hiểu và nói rằng ngưòi Mỹ gốc Việt thích ( hay phải chọn ? )cuộc sống tách biệt với xã hội Mỹ, tôi hiểu ra ý của tác giả các bài viết ấy.

Tôi không định tâm so sánh và phân tích hay thẩm định về những cách thức bầy tỏ đối với ngày 4 tháng 7.

Rất thật lòng, với riêng tôi cho đến lúc này, đã nhiều năm rồi, thì ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ cũng thế, vẫn chỉ như thêm một ngày Chủ nhật mà thôi, không hề (hay chưa) khơi dậy trong tôi một tâm thức mãnh liệt nào cả. Có chăng là thoáng nhớ vu vơ đôi chút về lịch sử thời lập quốc của đất nước Hoa Kỳ qua những bài học Thế giới sử hồi còn Trung học hay gần đây, mới năm ngoái, qua những câu hỏi và trả lời trong tập sách tài liệu giúp chuẩn bị việc đi phỏng vấn nhập tịch. Tôi đã loay hoay suy nghĩ và cố tìm ra lời giải đáp về thái độ cũng như tâm trạng của mình.

*

Tôi đến Mỹ được hơn sáu năm rưỡi theo một trong những chuyến tầu vét dành cho những người đã từng bị đi tù cải tạo của Nhà nước Cộng sản. Chương trình đi định cư ở Hoa Kỳ, quen gọi là H.O đã đóng lại từ lâu rồi và sau hàng chục năm được mở lại một đợt cuối cùng nữa cho những người chưa từng nộp đơn trước đây như trường hợp của tôi . Dù rằng, bố tôi đã qua đời hơn hai thập niên, rồi mẹ tôi mất cũng vừa giáp năm và mẹ tôi là một trong mấy lý do mà lần trước tôi không nộp đơn_ ở lần này,thoạt đầu tôi vẫn phân vân do dự và tần ngần lắm, và không có được sự dứt khoát như năm xưa khi bắt đầu có tin tức về chương trình. Bạn hữu thân thiết thường nói tôi khó lòng thích ứng với đời sống xứ Mỹ. Tôi cũng tự biết điều đó. Nhưng khi vợ tôi, người đã khổ hạnh nhiều vì tôi và cho tôi, nhẹ nhàng nói rằng đây có thể là một lối thoát, bởi vì sợ rằng còn ở lại chắc gì con người vẫn say mê hoạt động đoàn thể như tôi, hẳn nhiên là thành phần luôn luôn bị chế độ dòm ngó và theo dõi, tránh sao được việc sẽ phải đi tù lần nữa chăng. Và khi điều đó xẩy đến thì chưa biết gia đình lo tính mọi việc cách nào. Chuyện là, sau thời gian gần 6 năm tù cải tạo, về được ít lâu, tôi đã lại bị bắt và bị đưa ra toà án chế độ Cộng sản nhận thêm vài năm tù nữa trong vụ án về báo chí khá ồn ào một thời cùng với các hiền huynh , hiền hữu . Ai mà không biết về những nỗi khổ nhọc của một gia đình có người thân trong tù,nhất là lao tù Cộng sản. Nghe nói về điều đó, tôi đã không còn được phép chần chờ và có một chọn lựa nào khác.Thế rồi mọi thủ tục với Lãnh sự quán Hoa Kỳ và thời gian chuẩn bị cho chuyến đi thật nhanh gọn,không nhiêu khê tốn phí gì nhiều và cũng không phải mỏi mòn chờ đợi như các bạn tôi ở thời kỳ chương trình trước. Chỉ sau vài tháng từ ngày nộp đơn, vợ chồng tôi và cô con gái út đã đặt chân đến một xứ Mỹ bỡ ngỡ và xa lạ, bỏ lại phía sau biết bao nỗi vấn vương và bồi hồi xao xuyến.

*

Thật ra, ngay từ những ngày xao động cuối tháng tư năm 1975, tôi đã một lần không chọn đi Mỹ mà quyết định ở lại, cho dù cũng vẫn đoán biết rằng rồi ra sẽ khổ nhọc lắm. Thời gian ấy, người anh lớn của tôi đang làm việc cho cơ quan DAO của Mỹ và đã đem về một danh sách di tản có đầy đủ tên tuổi cả nhà với chữ ký của viên chức toà Đại sứ và con dấu nổi. Bố tôi nói chúng tôi phải đưa nhau đi chứ không thể ở lại được. Anh em tôi đã căng thẳng nặng lời bàn cãi với nhau mãi về việc đi hay ở như thế nào của gia đình, chỉ vì bố mẹ tôi dứt khoát không muốn đi cùng chúng tôi, cho rằng tuổi già sẽ vướng bận con cháu nơi đất lạ quê người, phần khác trong nhà lại còn bà nội tôi đã ngoài 80 tuổi mà bố tôi là con một. Kết cục tôi đã là người con trai trong gia đình không lên máy bay di tản vào thời điểm đó. Vì gia đình là một lẽ, nhưng dường như còn có thêm một điều gì đó khác nữa, không rõ ràng, thôi thúc tôi trong cách chọn lựa này. Tôi cũng thoáng thấy thật bâng khuâng vu vơ khi nhìn vợ và hai đứa con còn nhỏ trong suốt nhiều đêm dài trằn trọc, liền sau ngày 30 tháng 4 cay đắng ấy của đất nước.

*

Tôi đã chuẩn bị tinh thần để biết rằng sự xa lạ và lạnh lùng sẽ gặp là một điều thường tình đương nhiên vì đâu quan trọng gì việc có thêm vào cái dòng người hối hả ngày ngày ấy một con người nhỏ nhoi lạc lõng nữa. Cái vốn liếng hiểu biết ít oi về nước Mỹ từ những năm tháng xa xưa hồi Trung học qua những trang sách giáo khoa Anh văn chả còn chút dấu vết nào. Kể cả quãng thời gian vừa lên Đại học, tôi đã từng có dịp lõm bõm đàm thoại nhiều lần về dăm ba điều chuyện của xứ Mỹ với một chàng Binh nhất lính thợ Mỹ đã nhận Bố tôi làm cha nuôi, vì dạo ấy ông làm cho hãng thầu Hoa Kỳ trong phi trường Tân sơn Nhất và chàng ta hay theo Bố tôi về nhà chơi trong những ngày cuối tuần. Thêm nữa, thời gian ở lính, nơi văn phòng tôi phục vụ cũng có các Cố vấn Mỹ và tôi cũng đã phải tập quen với vài thứ xã giao chào hỏi của văn hoá Mỹ. Hay là còn với những trang văn thơ của một vài tác giả Hoa Kỳ thời danh hồi đó đã được dịch sang Việt ngữ mà tôi cũng tấp tểnh mê mải tìm đọc và mua về vài quyển , cẩn thận bầy trên giá sách cho ra cái vẻ…Những thành phố quê nhà dạo ấy thì đầy người Mỹ và tràn ngập nhiều thứ sản phẩm các loại của Mỹ rồi nên cũng loáng thoáng không khí Mỹ…Tôi nhớ còn có đọc được vài tập sách hướng dẫn người nhập cư khi mới đến Hoa Kỳ từ trước ngày lên đường

Tất cả đều trôi tuột đi đâu mất tiêu lạnh tanh, hình như chả giúp gì cho tôi cảm thấy gần gũi nước Mỹ hay đưa nước Mỹ đến gần với tôi hơn. Không dối lòng, dường như cho tới tận bây giờ dù đã qua nhiều năm tháng ở nơi đây mà tình trạng vẫn cứ như thế thì phải. Đây cũng là một điều tôi luôn tự hỏi và chưa trả lời được rõ ràng rằng tại sao.

Hồi mới qua, nhiều ngày tôi lên chuyến xe buýt có phần lớn lộ trình chạy dọc theo con đường nơi căn nhà tôi cư ngụ, trạm đầu ở gần lối vào trung tâm thành phố và trạm cuối là một khu dân cư thưa thớt vắng vẻ. Tôi ngồi lặng thinh nơi băng ghế , giữa đám hành khách thuộc nhiều sắc dân,nhìn qua ô cửa kính, những dẫy nhà chấp chới, những dòng xe hối hả chấp chới, những hàng cây, cột điện chấp chới, đầu óc thì lơ mơ những chuyện lộn xộn đủ thứ và dường như chả có điều gì nhắc bảo rằng tôi đang ở Mỹ. Cứ thế rồi khi hết lộ trình, tôi lại đứng lên đếm mấy đồng cắc bỏ vào khe thùng tiền để tiếp tục một lượt đi nữa. Có lần ông tài xế Mỹ đen rất cao lớn dềnh dàng nhìn thấy, đã lên tiếng hỏi, chắc cũng ngạc nhiên về người hành khách khác lạ.Tôi nói mới đến Mỹ nên đi cho biết và tìm cảm giác chơi vậy thôi. Ông ta cười vui và nói nếu như thế thì tôi không cần phải trả tiền nữa. Từ bữa đó tôi và ông quen nhau. Đêm về,trong giấc ngủ chập chờn,chiếu gối lạ lẫm chưa quen hơi,tôi có cái cảm giác hơi váng vất,bồng bềnh giống như sau những lần chuyển trại nơi thời gian lao tù từ trong Nam ra đến ngoài Bắc.

Cũng cái thời gian đầu nơi xứ người ấy, ngày Chủ nhật đi dự Lễ ở ngôi nhà thờ thuộc một giáo xứ Mỹ gần nhà, tôi đã sa chước cám dỗ biết mấy vì chẳng có được chút sốt sắng nào để mà cầm lòng cầm trí cho nên. Tôi nghe loáng thoáng tiếng vị Linh mục người bản xứ đang cử hành Thánh Lễ trên bàn thờ được một lát rồi tâm trí bắt đầu mê mẩn,quên mất Chúa, đi lang thang ra khỏi ngôi thánh đường, thấy lại toàn những nơi chốn và những con người đẩu đâu ,khuôn dáng quen lạ cứ lẫn vào nhau, từ những thời gian lộn xộn không rõ ràng và hết chỗ này lại chuyển qua chỗ nọ với bối cảnh Việt Nam, tuyệt nhiên chẳng thấy chút gì có dính dáng đến nước Mỹ, người Mỹ,nơi tôi đã đến.

Nhiều lần, cái trạng thái tương tự như vậy cứ diễn ra hoài ở trong tôi. Sau này,lúc mua được chiếc xe để đi lại, mỗi một khi về ngang qua cái hồ nước trong công viên nằm sau Home Depot nơi góc Bellaire và Beltway 8, tôi lại u hoài mường tượng nhớ đến Hồ Xuân Hương Đàlạt biết mấy. Hoặc nữa, khi có việc đi lên hướng Bắc thành phố ,tôi vẫn luôn chọn đi theo đường Gessner để được vượt qua một đoạn dốc nhỏ,hơi quanh co một chút, có hàng thông xanh giữa khoảng vườn khá rộng và những căn nhà kiến trúc mang đôi nét vùng cao nguyên quê nhà mà thấy mình bỗng lặng đi, lòng thì bồi hồi man mác khi nhớ về cái thành phố đáng nguyền rủa ấy,cái thành phố ghi giữ những kỷ niệm êm đềm một thời tuổi trẻ yêu dấu của tôi.

Cứ vậy, tôi như một anh nhà quê lúc nào cũng cố thu mình vào bên trong cái vỏ ốc xấu xí và cũ kỹ xù xì. Nhiều người quen biết hỏi rằng thấy đời sống ở Hoa Kỳ ra sao. Tôi trả lời là cũng vậy.một cách trả lời để mà trả lời thế thôi. Cái ý niệm gọi là hội nhập gì đó với tôi sao thật xa lạ quá. Hồi xưa đi học, mỗi lần chuyển trường đổi lớp tôi cũng đâu có dễ dàng gì mà hoà ngay vào được sinh hoạt của đám học sinh cũ, có niên khoá cứ phải lặng lẽ một mình cho đến hết năm. Bây giờ chung quanh tôi dường như đủ thứ lạ lẫm hơn nhiều so với cái khung cảnh nhà trường thuở còn đi học. Như vậy có phải là ý nghĩ cực đoan không, hay còn vì một duyên cớ tiềm ẩn nào đây, tôi phân vân tự hỏi mình.

Cuộc sống thầm lặng với cái thái độ đã tự chọn lấy sự cô đơn và cô độc không chừng cũng là một điều hay, chí ít là cho cách suy nghĩ chủ quan của tôi, sau khi cũng có dịp tham dự vài sinh hoạt cộng đồng. Suốt thời gian học trò năm xưa,tôi đã dốt lại còn lười và ham vui với đủ thứ linh tinh ngoài phố hơn là chúi mũi vào sách vở nên cứ vác mông lang thang hết trường này sang trường khác mà toàn là trường tư cả thôi. Lên đại học thì chứng nào tật nấy nên mấy cái chứng chỉ cần thiết chưa có đủ để che kín cái bằng cử nhân hãy còn thiếu một góc, thành ra coi như huề vốn. Trong khi đó, ở bên này, mấy hội ái hữu đều mang tên những ngôi trường công lập, tiếng tăm lẫy lừng và các cựu học sinh, sinh viên bạn hữu của tôi một thời, giờ cũng đều là những người lẫy lừng tăm tiếng với các tước vị kèm theo, làm sao tôi có thể gần gũi lui tới,dù vẫn thường được mời đón thân tình. Rồi khi vào lính thì ở trong một quân chủng có tiếng là hào hoa phong nhã đấy, nhưng tôi lại chỉ là cái anh ngồi văn phòng rờ giấy suốt,chả dính dáng trực tiếp tí nào với lửa đạn mây trời cả. Mà bây giờ mỗi khi sinh hoạt hội họp, chuyện trò hay văn chương báo chí gì của hội đoàn ở đây thì cũng thấy nhắc kể toàn về những hào hùng chiến đấu nơi khắp vùng trời bao la tổ quốc, một thời tung mây lướt gió, ăn chơi thì lệch đất nghiêng trời ,lính văn phòng như tôi thì đương nhiên là không có chỗ.

Có thể con người tôi đã bị chai sạn từ lúc nào rồi chăng mà sao như thể dửng dưng với hết thẩy mọi thứ. Nơi cuộc sống này đâu có ai dám nghĩ rằng mình độc quyền ôm giữ tất cả những nỗi đau đớn, sự khổ hạnh đắng cay và mọi muộn phiền nhân thế. Và cũng chẳng thể nào so sánh những điều ấy của riêng mỗi người với nhau.

Tôi nhận ra được rằng hình như từ lâu rồi thì phải,cũng không biết là bắt đầu hồi nào, đã luôn có một điều gì đó rất vu vơ và sự phản kháng trực cảm của tôi cũng thật vu vơ, với nước Mỹ. Tôi nhớ lại kỷ niệm đằm thắm thời trung học với cô bạn ở cùng xóm muống ven bờ kênh Nhiêu Lộc, dọc bên đoạn đường rầy dẫn ra cổng xe lửa số 6. Khi đó người Mỹ dần dần có mặt mỗi lúc một đông ở các thành phố, và khi đến họ đã đem theo đủ loại công việc tại các cơ quan, hãng xưởng mà mức lương khá chênh lệch so với đời sống xã hội Việt Nam. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều sự xáo trộn, thay đổi nơi mỗi con người, từng gia đình hay có thể là cả một phần xã hội Việt Nam, do bị động khách quan hay chủ động cũng khó mà phân tích. Cô bạn tôi là một trường hợp trong số đó cũng nên. Lúc ấy, tôi nhớ không còn bao lâu nữa là đến kỳ thi Tú tài I nhưng H. đã bỏ ngang để đi làm ở một sở Mỹ nào đó gần quanh khu vực Bộ Tổng Tham Mưu. Tôi cũng hiểu do hoàn cảnh gia đình vì H. là chị lớn của một bầy em, bố H là một ông công chức bậc thường , lương bổng khiêm tốn thôi và người mẹ thì chỉ ở nhà lo nội trợ. Tôi cảm thông trọn vẹn với bạn mình. Tình bạn của chúng tôi không có nhiều những lãng mạn của hẹn hò với cỏ cây hoa lá trăng sao, nhưng gần gũi thân thiết với nhau từ hồi còn học đệ ngũ, đệ tứ và nhiều kỷ niệm êm đềm khó phai quên của tuổi học trò nơi khung cảnh xóm nhỏ. Khi H. mới đi làm, chúng tôi vẫn còn thường hay gặp nhau vào buổi sáng nơi con ngõ duy nhất dẫn ra đường phố chính phiá ngoài, vì cùng giờ đi học và đi đến sở. Trong mầu áo dài thay đổi mỗi ngày, có hôm là jupe ngắn và thêm phấn son trang điểm , mái tóc cắt cao chải chuốt điệu đàng, chừng như H. đã là một con người khác lạ hoàn toàn. Cả cái dáng bước đi chậm rãi yểu điệu thướt tha để ra đầu ngõ chờ xe sở đến đón cũng thật xa cách với tôi. Không còn mái tóc đen nhánh xoã ngang bờ vai tà áo trắng Trưng Vương quen thuộc và cái cách phóng Solex có chút tinh nghịch để qua mặt tôi vào những buổi trưa khi tan trường về mà gặp được nhau trong con ngõ dài sâu hút như trước đây nữa. Thoạt đầu tiên, H. cũng tỏ ra hơi lúng túng, gượng gạo mỗi khi chúng tôi gặp nhau và tôi cũng thấy mình bối rối làm sao. Lúc H. có vẻ bắt đầu tự nhiên hơn thì chúng tôi lại ít gặp nhau vì trái giờ học, giờ đi làm chăng, cũng có thể là H. tìm cách tránh. Sau đó, không nhớ gia đình H.dọn nhà đi hồi nào và chúng tôi đã chẳng có một lần từ giã nhau. Tôi bặt luôn tin tức về H.từ ngày ấy và buồn bã một thời gian dài. Cho dù chưa bao giờ chúng tôi nói với nhau về tình yêu hay cầm lấy tay nhau, nhưng tôi vẫn có cái cảm giác như bị mất đi một thứ gì đó rất bâng quơ gần lắm mà cũng thật tiếc nuối xa xăm. Tự nhiên, tôi đâm ra có thành kiến với người Mỹ sau dạo ấy.

Cũng cùng trong thời khoảng này, như tâm trạng chung của tuổi trẻ hồi đó, tôi cũng thấy bất bình và thật phẫn nộ với cách cư xử giao tiếp xô bồ, nhiều khi lố lăng , thô lỗ thái quá của những ông lính Mỹ nơi đường phố ,trên tin tức báo chí và rồi thấy ác cảm , thù ghét luôn nước Mỹ.

Rồi sau này khi ra đời, trưởng thành hơn, có chút hiểu biết về vai trò và những tính toán sắp xếp của người Mỹ chung quanh việc ký kết Hiệp định Paris 27.1.1973 rồi tiếp đến là cái biến cố 30 tháng 4 năm 1975 cay đắng, chua xót và nghẹn ngào, như nhiều người Việt Nam khác, tôi vẫn cứ luôn bị dằn vặt và ám ảnh mãi không thôi về cách cư xử bạc tình và thái độ nửa vời của người Mỹ đối với đất nước mình.

Những điều ấy có dự phần gì trong việc hình thành nơi tôi,khởi đi từ khi đó và cho tới mãi tận hôm nay, dù chỉ là tiềm ẩn bàng bạc,về một thái độ không mấy thiện cảm với nước Mỹ hay không,tôi không dám đoan chắc. Nhưng rồi như cách nói trong dân dã,ghét của nào trời trao của ấy. Tôi cứ hay lẩn thẩn nghĩ ngợi hoài về việc mình đến Mỹ và cuộc sống ở nơi đây. Có khi tôi cũng nhủ thầm như thể tự an ủi, rằng trong hai sự khốn khổ thì đành phải chọn lấy sự khốn khổ nào ít khốn khổ hơn vậy thôi. Hoặc nữa, tôi cho mình chỉ là thứ cơm ngang khách tạm chứ chẳng mong cơm nặng áo dầy gì, nghe tệ bạc làm sao chăng. Tôi biết nhiều người cũng mang những tâm trạng khác nhau khi đặt chân đến xứ này. Vợ một người bạn tôi được cô con gái làm hồ sơ bảo lãnh sang chỉ là để trông con cho vợ chồng cô đi làm, bà ngoại trông cháu thì vẫn tốt hơn là thuê mướn người ngoài hay đem con đi gửi. Khi tôi điện thoại hỏi thăm thì được nghe chị thở than là cứ như tù bị giam lỏng, thỉnh thoảng mới được cô con gái có ngày nghỉ, đưa đi chợ Việt cho biết và nhân tiện để cắt tóc vậy thôi. Năm vừa rồi, hôm đi dự buổi phỏng vấn nhập tịch Hoa Kỳ, sau khi đã đạt kết qủa,phải chờ để lấy giấy báo đi tuyên thệ , tôi ngồi tại khu vực chờ đợi có mấy người Việt Nam gần quanh và nghe được vài mẩu chuyện. Một cô,tôi đoán chừng làm nail, nói rằng thành công dân Mỹ thì cũng vậy, vẫn cầy chết mẹ và gặp mấy thứ mắc dịch hoài tránh sao khỏi nắng. Cô bạn bên cạnh đối đáp lại,vậy có ngon lành mày dzià lại bên bển mà sống đi,khỏi mắc công tuyên thệ. Tôi cười một mình vì chẳng hiểu được ý của họ. Bắt gặp nụ cười đồng cảm của cô gái khá trẻ ngồi ghế kế bên, tôi hỏi cô về việc sang Mỹ. Liếc nhanh người đàn ông đang đi tới lui bên ngoài kia mà tôi biết là người đưa cô đến đây vì có gặp họ ngoài sân đậu xe trước lúc vào làm thủ tục trong này, và cũng chắc là người đã bảo lãnh cô, cô nói nhỏ rằng thì cũng như mấy cô lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc vậy thôi. Nghe như có gì gượng gạo đầy cam chịu và chua chát quá. Tôi lặng thinh và tự nghĩ,còn mình, vào quốc tịch có lẽ cũng như cái hộ khẩu Mỹ chăng.

*

Tôi vẫn không thể nào quên được cái cảm xúc hôm ngồi trên khán đài dự Lễ tuyên thệ để chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ. Khung cảnh chung quanh với những thứ âm thanh , mầu sắc rộn rã tươi vui chẳng lan tỏa được gì đến tôi. Tôi ngồi lặng thinh như kẻ vô hồn, trong lòng thì cứ lóng ngóng vướng vất một điều gì không rõ nét và thêm một chút day dứt nhẹ nhàng nữa, lẩn quẩn hoài quanh nỗi xao xuyến bâng khuâng nào đó. Khi vị chủ tọa buổi lễ là một ông Toà trong trang phục pháp đình uy nghiêm tươi cười kết thúc bài diễn từ giữa tràng pháo tay của mọi người, tôi bỗng thấy bàng hoàng hụt hẫng quá sức, như thể vừa bị rơi mất một thứ gì đó rất quen thuộc mà cũng thật chơi vơi quá. Tai tôi như ù đi, chừng như tôi có nghe ông ấy rất từ tốn nói lời chào mừng những người công dân mới của đất nước Hoa Kỳ và xin mọi người hãy bắt đầu nhận lấy nơi đây là quê hương mới chính thức từ ngày hôm nay.

Một ai đó đã nói nơi nào có tự do thì nơi đấy là quê hương. Không lẽ chỉ đơn giản như vậy thôi sao. Cũng có sự đoan quyết mạnh mẽ rằng chúng ta phải lìa xa quê hương nhưng không bao giờ quê hương có thể xa lìa chúng ta được. Cho dù thế nào thì quê hương vẫn mãi là nỗi khắc khoải khôn cùng. Và nỗi nhớ cố huơng vẫn mãi là nỗi nhớ dằn vặt dịu dàng. Qua năm tháng và biển dâu vùi dập, hẳn rằng căn nhà thân quen đã phải thay phủ bằng những lớp sơn đẹp đẽ nào đấy và nhiều người trong căn nhà chắc chừng đã quên đi mọi thứ, rồi vui thích với mầu sơn mới chăng, nhưng đoan quyết là vẫn còn đó những con người luôn yêu nhớ mãi hoài nét đơn sơ thuần khiết cái mầu sơn cũ kỹ thuở ban đầu của nếp nhà. Quê hương ở đâu trong mắt dõi nhìn đau đáu vô vọng vì ở đây chẳng có được một bờ ao tịch liêu nào để mà chiều chiều ngẩn ngơ bước ra ngóng trông về quê cũ. Nhìn phương trời nào thì cũng xa tít tắp mênh mông quá quê hương ơi, sao mà da diết đến vậy…

“…quê hương ơi tóc sương mẹ già yêu dấu….tiếng ru nỗi niềm thơ ấu…

.. quê hưong ơi bóng đa ôm đàn em bé, nắng trưa im lìm trong lá, những con trâu lành trên đồi, nằm mộng về chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi…”

…và đơn giản dung dị biết bao với

“…lửa bếp nồng vòm tre non làn khói ấm vương hồn..

…ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc mầu…”

… rồi đợi mong đến một ngày

“…để riêng tôi mua lại mảnh đời thơ ngây…”

( Tình hoài hương. Phạm Duy)

Như vậy quê hương có phải là điều gì thiêng liêng cao vời, được tạo dựng và nuôi dưỡng bằng bao khổ nhọc sinh thành, khởi đi từ một nguồn cội, gắn bó qua những nổi trôi thăng trầm của lịch sử, suốt tháng năm đằng đẵng, buồn vui và khổ hạnh đắng cay. Một và chỉ có một quê hương cho mỗi đời người mà thôi. Quê hương không thể chỉ là một thủ tục hay nghi thức nào đó để thay đổi hay nhận lấy.

Quê hương ơi, từ đau thương gẫy đôi chia lìa một ngày tháng 7 nơi tháng năm nào xa xăm ấy, rồi những đau xót cay đắng dồn dập liên tục mãi nữa thế, cứ oằn lên thân phận nhược tiểu nhọc nhằn, đẩy đưa những nhấp nhô lìa xa hoài vậy sao. Bóng quê hương khuất chìm dần vào muôn trùng chấp chới và có cố níu giữ cho gần gũi lại sao vẫn cứ vời vợi mênh mang. Giấc mơ hồi hương có luôn thấm đẫm những cơn mộng dài từng đêm đất khách quê người hay rồi cũng sẽ dần phai quên nhạt nhoà đi mất thôi.

Ăn theo thuở, ở theo  thì và nhập gia tuỳ tục. Đạo nghĩa còn dậy rằng ai làm điều ơn cho mình thì phải luôn ghi nhớ mãi. Tôi đã đến đây,dẫu gì cũng là nặng nợ cơm áo nơi này rồi. Tôi vẫn luôn nhắc mình sống tử tế ở một đất nước tử tế. Nhưng rất thật lòng, việc nhận lấy chỗ này làm quê hương và bầy tỏ được lòng yêu mến thực sự thì…

ngọctự.Houston tháng 7/2013

( nhân ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ )

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search