T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Mười năm biết Huế

clip_image001

Mai mốt về ôm lòng đất Huế

Mượn Huế ai làm Huế của tôi

(thơ Trần Kiêu Bạc)

Mùa thu 65…

Tôi đến Huế trong màu aó lính của một dịp đi công tác vơí đoàn văn nghệ quân đội trung ương. Lịch trình công tác không tính đến Huế vì chủ yếu trong chuyến đi này là giúp vui cho lực lượng đồng minh taị Đà nẵng, Chu lai. Giờ chót họ xếp chúng tôi ghé bản doanh Sư đoàn 1 để diễn cho lính mình. Do không được sắp xếp trước, đơn vị chủ nhà đem tuị tôi ra ngủ đò trên sông Hương. Huy động hơn chục con đò cho đoàn khoảng bốn mươi người, tụ về chỗ cây đa đường THĐ. Sau khi chia nhau chỗ ngủ, đò phaỉ thả ra giữa sông. (sợ gần bến biết đâu ăn phaỉ lựu đạn của mấy anh nằm vùng)

Lúc này Huế đã nhiễm sắc thái của chiến tranh. Một đaị đơn vị của quân đội đặt bộ chỉ huy ngay trong thành nội gần khu Gia Hội là dấu hiệu Huế không còn là Huế của ngày xưa, âm vang của những ngày mà từ thuở học trò tôi đã được nghe và đồng cảm vơí ‘tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ xương’. Huế sẽ chịu thân phận đẩy đưa của vân nước mà người ta cứ lấy Huế làm địa bàn chiến lược, vơí chiêu bài mất Huế là mất tất cả, để từ đó Huế không còn tự thân là Huế nữa.

Được ngủ đò qua đêm trên sông Hương ở thời điểm này là một điều may mắn, một kỷ niệm khó quên, không phaỉ chỉ các nghệ sĩ trong đoàn mà chính tôi, từ những ngày đọc thơ Hàn mặc Tử vẫn ao ước đến Huế để thưởng ngoạn cảnh sắc cố đô, để cảm nhận Huế của thơ, của nhạc, của giai nhân mà những văn nhân mặc khách những thập niên thanh bình thuở trước đã dừng chân, ghé bến.

Đêm đã khuya, ngôì ở một đầu khoang cùng ông lái đò, tôi quyết định không ngủ, sẽ thức vơí dòng sông, một dòng sông không mang tầm vóc của sông Hồng, sông Cửu, mà chỉ e ấp, khiêm tốn “em xinh em bé tên là Hương Giang” nhưng đã hớp hồn bao chàng trai kẻ Nam người Bắc. Dù bị chia trí vì sự an ninh của đoàn, đang là mục tiêu nôỉ cho những miểng lựu đạn của kẻ thù dấu mặt, máu lãng mạn trong tôi vẫn thả hồn về những cảm xúc khơi laị từ những vần thơ của Nguyễn Bính trong thi phẩm, “Đêm sông Hương”.Trăng treo, nước bạc, sương khuya, tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy sáng, sóng vỗ mạn thuyền, gió se lạnh, vaì gịong hò buồn, bâng quơ vẫn còn phảng phất y trang nét thơ của “mẫu” Huế xưa.

Sau một đêm trên thuyền, sáng trở về vơí thực tại, được điện thoaị gặp ông tư lệnh. Một cảm giác chóng mặt cứ đeo đuôỉ chân tôi, khiến lúc chào ông mà cứ như muốn té. Hỏi ra thì taị nằm trên thuyền suốt đêm, tròng trành theo sóng vỗ nên sáng dậy có cảm giác như vậy. May mà ông xếp chủ nhà thông cảm chứ không tưởng tôi say giữa ban ngày. Cũng trong cuộc gặp, ông tư lệnh hoỉ thăm tình hình anh chị em trong đoàn, tôi cảm ơn nhã ý của ông đã cho chúng tôi…ngủ đò. Ông tư lệnh trợn tròn con mắt, goị ngay chánh văn phòng chỉ thị sắp xếp đoàn chúng tôi vào ngay thành nôị… vì lý do an ninh. Thông báo laị chuyện dời chỗ ngủ, cả đoàn đều tiếc huì huị.

Mậu Thân 68…

clip_image002

Thế rồi bẵng đi mấy năm không có dịp trở lại Huế, thì tôi cùng mọi người, mọi gia đình, cả nước, cả thế giới đều bàng hoàng, đau xót về cuộc thảm sát Tết Mậu Thân. Xúc động nhất vẫn là những thước phim tường thuật về các mồ chôn tập thể với cách chết đủ kiểu của nạn nhân được chiếu đi chiếu lại trên màn hình khắp năm châu. Quả thật Huế Mậu Thân đã để lại những ấn tượng không thể nào phai về một tội ác chiến tranh nằm trong qui mô của cuộc chiến Nam Bắc tương tàn, bất kể thời điểm trùng hợp – một cách cố ý – vào những ngày thiêng liêng nhất của dân tộc. Cho nên mỗi khi nhắc đến “Giải khăn sô cho Huế” thì chỉ thấy lòng ray rứt, khôn nguôi và kỳ vọng một ngày không xa lịch sử sẽ trả lại sự công bằng cho những người đã bị đâp đầu bằng cuốc.

Mùa hè 71…

clip_image004

Ba năm sau Mậu thân, tôi tháp tùng phái đoàn báo chí ra Huế dự lễ mừng chiến thắng Chiến dịch Lam Sơn 719, một caí tên đặt cho một chiến dịch lớn đánh qua Hạ Lào, nhằm giải tỏa áp lực đè nặng lên chiến trường Trị Thiên. Cuộc thư hùng với những trận đánh có thể ghi vào quân sử và nếu được nhà văn Phan nhật Nam tường thuật thì chiến dịch này chẳng thể bị lãng quên.Thuận lợi chiến lược có nghiêng về bờ nam Bến Hải, nhưng tổn thất nhân mạng thì trả giá quá đắt cho cả hai “anh em”. Lần đầu tiên một đại tá Dù, coi cả một lữ đoàn, bị bắt làm tù binh. (ông là “thần tượng” của tôi và những người lính sau này bị đem ra Bắc, tù gần hai chục năm). Khăn sô lại phủ lên đầu vợ lính mà mũi dùi nặng nhất là Sư đoàn 1 với đa phần binh sĩ là những người con yêu tuyển mộ từ dải đất Trị Thiên. Lần này đến Huế vừa gấp gáp vừa đượm buồn, sáng đến chiều đi, nên cảm xúc bâng khuâng khó tả.

Mùa hè 73…

clip_image005

Chưa được ngơi nghỉ sau mùa hè đỏ lửa, Huế laị trở thành điểm nóng sau hiệp định Paris. Được lệnh từ Phủ đầu rồng, những đơn vị thiện chiến nhất của quân đội miền nam mà năm 74 là năm cao điểm, được lệnh điều về Huế vơí sứ mạng quyết giữ Huế bằng moị giá. Tuy nhiên từ thơì điểm này, tình hình có phần lắng đọng, không có những trận đánh lớn, chủ yếu là hai bên cố ý chiếm đất/giữ đất, dành dân. Các lực lượng cơ động giờ laị trải daì doc sườn đông Trường sơn theo tuyến từ Cổ thành Quảng trị đổ vào, để đảm bảo Huế -Thừa thiên phaỉ được bảo vệ nguyên vẹn.

Cũng do yêu cầu công tác, đơn vị tôi được lệnh từ Sài gòn ra tăng phái cho các đơn vị tổng trừ bị như là những anh lính cầm loa chõ sâu vào các thung lũng cận sơn, hoặc các làng mạc duyên hải để cố “chiêu hồi” các người lính trẻ Bắc việt hoặc kêu gọi đồng bào mình cứ bám lấy đất, lấy quê.

Do tình hình không mấy căng thẳng, nên tôi có dịp ghé Huế nhiều hơn, mới khám phá mình mới chỉ biết Huế bề ngoài, bề trong phải sang bên kia bờ An cựu, phaỉ vào đất Kim long mới hiểu thêm được nét cổ kính, kiêu sa của Huế. Có hai nét đặc thù sẽ thiếu sót khi noí đến Huế mà không nhắc đến Mưa & Giai nhân. Nếu Hà nội chỉ đẹp khi sang thu, Sài gòn chỉ gợi nhớ khi mưa rồi chợt nắng, thì Huế trong mắt tôi là Huế của mưa. Mưa trên phố Huế là bài hát của những thập niên sau này, nhưng nếu được thể hiện qua tiếng hát Bảo Yến thì đố ai không nhớ Huế?

Laị nóí về giai nhân thì hình như Nguyễn Bính đã khaí quát trong bài thơ, “Nụ cười giai nhân” sáng tác khi ông ghé Huế vào đầu thập niên 40. Nụ cười của người đẹp mà “đuổi cả cái sầu thiên vạn cổ/ nhạt nhòa tất cả những màu tươi” thì chẳng ai về sau dám tả người đẹp của Huế. Có điều phải thừa nhận là nếu Quốc Học sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước thì các hoa khôi Đồng Khánh nhiều người đã trở thành mệnh phụ phu nhân và trở thành huyền thoại của nhiều cuộc tình tốn nhiều giấy mực. Nhóm từ Đồng Khánh-Quốc Học cùng với Chu văn An-Trưng vương, Gia Long-Pétrus Ký, trở thành những chùm hoa tiêu biểu cho tài năng và hương sắc của tuổi trẻ ba miền trong thời đại tuổi tôi.

Đầu 75…

 

clip_image006

Đơn vị tôi rút khỏi chiến trường Trị Thiên, tôi không còn dịp ra lại Huế, nhưng được thằng cháu kể lại cảnh địa ngục nơi cửa Thuận an, khi các lính của ta trong cảnh hỗn quân hỗn quan đã dành nhau để sống. Biển Thuận an trăng sáng thuở nào nay laị là chứng nhân của những cái chết vô nghĩa trong thảm cảnh “tháng ba gãy súng”. Biển mang vị mặn, không phải của muối. Biển mặn vì máu. Những số phận bất hạnh, người vĩnh viễn ở lại Thuận An, kẻ sống sót bị dồn vào các trại cải tạo chờ đợi biến cố tháng tư khi lịch sử sang trang.

Sau Tháng Tư đen…

clip_image007

Nhìn lai mười năm biết Huế, chỉ thấy những ngày buồn chẳng thấy có ngày vui. Buồn cho Huế, buồn cho người dân của Huế, rồi buồn cho những người bảo vệ Huế, buồn cho vận nước đổi thay mà Huế như là một chứng nhân không ngơi nghỉ cho đến ngày tàn cuộc.

Mùa hè 76…

Từ một trại tù tại miền Nam, khi nghe phong phanh bị chuyển ra Bắc, lòng băn khoăn lo sợ nhưng thoáng nghĩ nếu được chuyển bằng đường bộ có cơ may qua Huế nhìn lại Huế của tôi. Trái vơí dự đoán, tù cải tạo được chuyển bằng đường biển.

Mười hai năm sau…

Trở lại Saì gòn lần này bằng xe lửa trên chuyến tàu suốt Bắc Nam. Ghé Huế lúc nửa đêm, tàu dừng laị ga khá lâu. Soát laị còn đủ tiền kêu tô bún bò. Tô bún ân tình, nhìn bộ đồ và cách ăn không bình thường, O bán bún rong biết là dân từ Nam Hà về không chịu lấy tiền. Khách cứ để tiền lại, chạy vôị lên tàu.

Trong cảnh tĩnh lặng nửa đêm về sáng, tàu ra khỏi Huế băng qua màn sương mỏng giăng kín Trường Tiền. Huế đang ngủ, có vẻ mệt mỏi, xem ra vô tình vơí khách lữ hành. Cũng từ đêm đó, do hoàn cảnh không còn dịp nào về Huế cho đến ngày xa xứ.

Đỗ Xuân Tê

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search