T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (20)-MOSCOW NIGHTS (Chiều Mạc-tư-khoa) – Solovyov-Sedoy & Matusovsky

clip_image002

Nếu bản Dorogoj Dlinnoyu (Dọc con đường dài) của Nga, được đặt lời Anh với tựa Those Were The Days mà chúng tôi đã giới thiệu trong kỳ trước, luôn luôn được xem là một ca khúc dân gian (folk) thì Podmoskovnye Vechera (Chiều Mạc-tư-khoa), được đặt tựa tiếng Anh Moscow Nights, tùy người trình diễn mà sẽ được xem là một ca khúc dân gian, một ca khúc phổ thông (pop) hay một ca nhúc/nhạc khúc bán cổ điển.

Trong loạt bài này, chúng tôi xếp Moscow Nights vào nhóm “ca khúc dân gian” bởi vì nó thường đi liền với tiếng đàn balalaika độc đáo của nền nhạc dân gian Nga.

Trước năm 1975, Moscow Nights – hay viết chính xác là Podmoskovnye Vechera – đã được một tác giả ở miền Bắc đặt lời Việt với tựa Chiều Matxcơva, và trở thành một trong những tình khúc đúng nghĩa (phi chính trị) rất được yêu chuộng tại miền Bắc trong các thập niên 1960, 1970, nhất là với người đã từng du học tại Nga.

[Thủ đô nước Nga được người tây phương gọi là Moscow (tiếng Anh) hay Moscou (tiếng Pháp). Từ giữa thập niên 1950 trở về trước, người Việt ở cả hai miền Nam Bắc đều gọi là Mạc-tư-khoa, vốn là phiên âm Hán Việt của chữ Nga Москва (phát âm là Moskva). Sau khi đất nước chia đôi, miền Bắc có khuynh hướng dẹp bỏ hầu hết danh xưng, địa danh ngoại quốc đã được Việt hóa, và thay bằng một từ mới dựa theo cách phát âm của người bản địa. Chẳng hạn: Argentina (Á-căn-đình) thành Ác-hen-ti-na; Mexico (Mễ-tây-cơ) thành Mê-hi-cô, v.v… Tương tự, Moscow (Mạc-tư-khoa) thành Mát-xcơ-va, người nào ra vẻ có trình độ thì viết liền: Matxcơva.

Trong bài viết này, khi nói tới bản Moscow Nights, chúng tôi sẽ sử dụng tựa “Chiều Mạc-tư-khoa” vì tính cách phổ cập của chữ “Mạc-tư-khoa”, chỉ khi nào đề cập tới lời hát bằng tiếng Việt, mới sử dụng chữ “Matxcơva” để tỏ lòng tôn trọng tác giả]

 

* * *

clip_image004

Vì bản “Chiều Mạc-tư-khoa” thường đi liền với tiếng đàn balalaika, trước khi nói tới ca khúc, chúng tôi xin viết sơ qua về cây đàn độc đáo này.

Balalaika xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 17, thuộc họ đàn “lute”, tức là cùng họ với đàn mandoline nhưng có cấu tạo khác thường: thùng đàn hình tam giác và chỉ có 3 dây.

Trước kia có giả thuyết cho rằng vì người Nga rất sùng đạo (Orthodox: Chính thống giáo) cho nên số 3 ở đây là tượng trưng cho Ba Ngôi Thiên Chúa (Holy Trinity), nhưng về sau giả thuyết này đã bị bác bỏ, bởi vì có thời đàn balalaika đã bị Giáo hội Chính thống giáo Nga ra lệnh cấm, bởi nó là nhạc cụ chính của các gánh hát rong “skomorokhi”, vốn bị nhiều người xem là thuộc thành phần bàng môn tả đạo. Một trong những giả thuyết được nhiều người tin theo là của sử gia Nga Nikolai Gogol (1809-1842), cho rằng hình dạng tam giác của đàn balalaika chẳng qua chỉ là vỏ của một trái bí đỏ (pumpkin) hình bầu dục được người dân quê Nga bổ ra làm tư để có được một nhạc cụ rẻ tiền!

clip_image006

Semistrunka (đàn guitar 7 dây)

Nhưng cho dù có nguồn gốc như thế nào đi chăng nữa, cùng với semistrunka (đàn guitar 7 dây), balalaika vẫn được xem là nhạc cụ chính trong nền nhạc dân gian Nga. Có thể nói, chỉ cần nghe tiếng balalaika dạo đầu, người ta đã đoán biết đây là một ca khúc Nga, chẳng hạn bản Dorogoj Dlinnoyu (Those Were The Days) mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài kỳ trước.

Tiếng đàn balalaika rất buồn, không hiểu vì cấu tạo của thùng đàn hay vì điệu buồn muôn thuở trong văn học nghệ thuật dân gian Nga, mà đàn tiếng balalaika nghe thì tương tự như mandoline, nhưng sao nó u uất, ai oán lạ thường.

Còn nhớ vào giữa thập niên 1960, khi thực hiện tác phẩm để đời “Doctor Zhivago”, phỏng theo cuốn tiểu thuyết có cùng tựa của nhà văn Nga Boris Pasternak, đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim David Lean của Anh (nổi tiếng trước đó với phim Cầu sông Kwai), khi trao công việc sáng tác nhạc đệm cho nhà soạn trẻ tuổi (trẻ vào lúc đó) Maurice Jarre của Pháp, đã kèm theo nhiều đĩa nhạc thu tiếng đàn balalaika để gợi ý. Kết quả, phần nhạc đệm trong cuốn phim buồn nhất thế kỷ ấy đã đoạt giải Oscar. (Chúng tôi sẽ viết chi tiết hơn trong phần nói về nhạc phim).

Đàn balalaika có 7 cỡ, tính từ nhỏ tới lớn gồm: piccolo, prima, secunda, alto, tenor, bass, contrabass. Piccolo có âm vực rất cao, hiện nay hầu như không còn ai sử dụng; trong số còn lại, phổ biến nhất là prima, đôi khi được gắn 6 dây (tức 3 cặp) cho nên về âm hưởng, nghe rất giống tiếng đàn mandoline.

– Phụ lục (1): Podmoskovnie vechera (Moscow Nights), Alex Siniavski (balalaika) & Mikhail Smirnov (guitar)

01-Moscow_nights-AlexSiniavski

Sự gắn liền giữa bản “Chiều Mạc-tư-khoa” với tiếng đàn balalaika đã được một người trong nước từng du học ở Nga, có ông bố 20 năm trước thường hát ca khúc này, ghi lại như sau:

Giống như tôi bây giờ. Ngồi nghe lại “Chiều (ngoại ô) Matxcơva”, tiếng đàn balalaika réo rắt lại đưa tôi về những chiều bên sông, bên rừng nơi đất bạn. Những buổi chiều ấy, tôi có thể đoan chắc rằng, trăm năm nữa vẫn thanh vắng, tĩnh lặng, trăm năm nữa vẫn khắc vào lòng người nhiều điều thương mến khó quên. (Thụy Anh, tạp chí Tiền Phong cuối tuần)

* * *

Trước năm 1975, tức là khi ca khúc dân gian Dorogoj Dlinnoyu (Those Were The Days – Tình Ca du Mục) chưa được đông đảo giới trẻ ưa thích, ca khúc của Nga phổ biến nhất ở miền Bắc ngày ấy là bản Katyusha (1938), viết về tình yêu của một cô gái hậu phương dành cho chàng chiến sĩ Hồng Quân nơi tuyến đầu. Katyusha cũng là ca khúc phổ biến nhất tại Liên Xô trong thời gian thế chiến thứ hai, và sau này tại hầu hết các quốc gia theo chế độ cộng sản.

– Phụ lục (2): Katyusha (lời Nga), Vitas

02-Katyusha-Vitas

Tuy nhiên, nếu chỉ nói về những ca khúc tình cảm thuần túy (phi chính trị) thì Podmoskovnye Vechera (Moscow Nights, Chiều Mạc-tư-khoa) được thành phần thính giả tương đối có trình độ ưa chuộng nhất.

Có một chi tiết khá thú vị liên quan tới ca khúc Chiều Mạc-tư-khoa mà các tác giả trong nước không hề nhắc tới, là bản “Chiều Mạc-tư-khoa” nguyên thủy không phải là Chiều Mạc-tư-khoa mà là… Chiều Leningrad!

Chi tiết này không được các tác giả trong nước đề cập tới có thể vì tính cách “nhậy cảm”, cũng có thể chỉ đơn thuần vì khi họ viết bài, Liên Xô chưa sụp đổ, các bí mật chưa được tiết lộ.

clip_image008

Nhạc sĩ Vasily Solovyov-Sedoy (1907-1979) và thi sĩ Mikhail Matusovsky (1915-1990)

Theo bách khoa tự điển Wikipedia (bản tiếng Anh), ca khúc Podmoskovnie vechera (Moscow Nights Chiều Mạc-tư-khoa) nguyên là bản Leningradskie Vechera (Leningrad NightsChiều Leningrad) của nhạc sĩ Vasily Solovyov-Sedoy (1907-1979) và thi sĩ Mikhail Matusovsky (1915-1990) viết năm 1955.

Có lẽ quý độc giả cũng biết Leningrad trước kia là cố đô Petrograd của Nga, phương tây gọi là Saint Petersburg, được Peter Đại đế đặt theo tên Saint Peter (Thánh Phê-rô). Sau khi Lenin, cha đẻ của Cộng sản Liên Xô chết, chế độ này đã lấy tên ông ta đặt cho cố đô, Petrograd trở thành Leningrad. (Tới cuối thế kỷ 20, sau khi Cộng sản Liên Xô sụp đổ, cố đô Nga đã lấy lại tên cũ là Petrograd, tức Saint Petersburg)

Petrograd là thành phố cổ kính, đẹp và thơ mộng bậc nhất Đông Âu, một phần nằm trên sóng nước sông Neva, cho nên đã được mệnh danh là “thành Venice của Đông Âu”.

Vào năm 1955, cảnh sắc thơ mộng của Petrograd (lúc này gọi là Leningrad) đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Vasily Solovyov-Sedoi và thi sĩ Mikhail Matusovsky cùng nhau viết bản Leningradskie Vechera (Chiều Leningrad). Lúc ấy, cả hai người đã thành danh, cho nên khi sáng tác của họ được trình lên để kiểm duyệt, Bộ Văn Hóa Liên Xô đã yêu cầu tác giả sửa lời thành bản Podmoskovnie vechera (nghĩa đầy đủ là “Chiều ngoại ô Mạc-tư-khoa), để sử dụng trong một cuốn phim tài liệu có nội dung tuyên truyền cho Spartakiad – tức Đại hội Thể thao toàn Liên Xô – sẽ được tổ chức tại Mạc-tư-khoa vào mùa hè 1956.

 

clip_image010

 

Vladimir Troshin

Công việc sửa lời cũng không mấy khó khăn, bởi vì Mạc-tư-khoa cũng có những rừng cây ở ngoại ô, cũng dòng sông Volga chảy qua. Trong phim, ca khúc này đã được nam ca sĩ kiêm diễn viên trẻ Vladimir Troshin của Nhà hát Kịch nghệ Mạc-tư-khoa hát trong cảnh các vận động viên đang nghỉ ngơi tại một vùng ngoại ô thơ mộng của Mạc-tư-khoa.

Sau Đại hội Thể thao, cuốn phim chìm vào quên lãng, và hai tác giả của ca khúc Podmoskovnie vechera cũng chẳng còn nhớ tới sáng tác “theo đơn đặt hàng” của mình.

Nhưng sau khi một người phụ trách chương trình ca nhạc trên đài phát thanh cho phát bản Podmoskovnie vechera (do Vladimir Troshin hát) qua làn sóng điện thì lại được thính giả hưởng ứng nồng nhiệt, trở thành ca khúc được yêu cầu nhiều nhất trong năm 1957, và được trao tặng huy chương vàng tại Đại hội Thanh niên và Sinh viên Thế giới (do khối Cộng tổ chức) tổ chức tại Mạc-tư-khoa trong năm đó.

Phụ lục (3): Podmoskovnie vechera, Red Army Choir

03-MoscowNight-RedAmryChoir

Trước năm 1975, tại miền Nam Việt Nam, không mấy người biết tới bản Chiều Mạc-tư-khoa – vì yếu tố “ý thức hệ” – nhưng với người yêu nhạc ở các nước tư bản phương tây, thì Moscow Nights đã được ưa chuộng ngay từ những năm cuối thập niên 1950 dưới hình thức độc tấu dương cầm, mà công đầu là của nhạc sĩ dương cầm Mỹ Van Cliburn.

Những người chơi dương cầm của thế hệ đi trước, hoặc chỉ cần là người thích nghe tiếng dương cầm, chắc hẳn phải biết tới tên tuổi và tài nghệ của Van Cliburn – người được xưng tụng là một trong những nhạc sĩ dương cầm xuất sắc nhất của thế kỷ thứ 20.

clip_image012

Van Cliburn

Harvey Lavan “Van” Cliburn, Jr. (thường được gọi tắt là Van Cliburn) sinh năm 1934, và mới qua đời vào đầu năm 2013. Van Cliburn được mẹ – một đệ tử đời thứ hai của danh sư dương cầm Frank Liszt – dạy dương cầm năm mới lên 3. Năm 12 tuổi, Van Cliburn đã được chơi trong dàn đại hòa tấu, và sau đó được Tổng thống Harry Truman mời trình diễn trong tòa Bạch Ốc. Từ đó, tất cả các đời tổng thống kế nhiệm, gần đây nhất là Barack Obama, đều mời Van Cliburn trình diễn trong tòa Bạch Ốc.

Năm 23 tuổi, Van Cliburn đã đạt tới đỉnh cao danh vọng của một nhạc sĩ dương cầm khi đoạt giải cuộc thi dương cầm quốc tế mang tên Tchaikovsky (International Tchaikovsky Piano Competition) lần đầu tiên, tổ chức vào tháng 4/1958 tại Mạc-tư-khoa.

Giải này 4 năm mới có một lần, và việc một nhạc sĩ Mỹ đoạt giải đầu tiên trong thời điểm căng thẳng nhất của cuộc chiến tranh lạnh, đã được cả hai phía Nga – Mỹ xem là một “dấu hiệu tốt đẹp”. Van Cliburn được Tổng Bí thư Đảng kiêm Thủ tướng Liên Xô Nikita Krushchev mời vào Điện Cẩm Linh và “ôm hôn thắm thiết”, được mời trình diễn chung với Dàn nhạc Giao hưởng Mạc-tư-khoa, và trong các buổi trình diễn cho công chúng, anh đã được hoan hô, ái mộ như một thần tượng.

Một trong những yếu tố khiến Van Cliburn được dân chúng Nga yêu mến là trong các buổi trình diễn nói trên, anh đều đàn bản Chiều Mạc-tư-khoa – biến ca khúc mang âm hưởng dân gian này thành một nhạc khúc bán cổ điển tuyệt vời.

Trở về Hoa Kỳ, Van Cliburn mang theo bản Chiều Mạc-tư-khoa và giới thiệu với thính giả “bên ngoài bức màn sắt” qua tiếng dương cầm của mình.

Năm 1987, khi tân Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Mikhail Gorbachev sang Hoa Kỳ để họp thượng đỉnh lần thứ nhất với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, Van Cliburn đã được mời trình diễn bản Chiều Mạc-tư-khoa trong dạ tiệc khoản đãi ông Gorbachev tại tòa Bạch Ốc. Khi Van Cliburn đàn, ông Gorbachev và bà vợ Raisa đã hát theo bằng tiếng Nga.

Van Cliburn qua đời vào đầu năm 2013, thọ 79 tuổi.

– Video tưởng nhớ Van Cliburn (với tiếng dương cầm của nhạc sĩ Nga Oleg Pereverzev): Moscow Nights – Van Cliburn dedicate #9 YouTube

Năm 1962, Chiều Mạc-tư-khoa do ban nhạc jazz Kenny Ball của Anh thu đĩa đã lên tới hạng nhất trong danh sách nhạc nhẹ (easy listening) toàn quốc Hoa Kỳ (Billboard), và hạng nhì nếu tính tất cả các thể loại.

Còn tại Liên bang Xô-viết, từ ngày đài phát thanh thương mai đầu tiên là Mayak Radio được thiết lập vào năm 1964 cho tới nay, Chiều Mạc-tư-khoa đã được sử dụng làm “nhạc hiệu báo giờ’ (time signal) mỗi 30 phút của đài này. Và từ năm 1978, khi chương trình phát thanh Anh ngữ 24 giờ mỗi ngày của Radio Moscow khởi sự, Chiều Mạc-tư-khoa đã được sử dụng làm “nhạc trước bản tin” mỗi giờ của chương trình.

Trong những năm gần đây, Chiều Mạc-tư-khoa đã trở thành nhạc khúc “cầu chứng” của Eugenia Kanaeva, nữ vận động viên múa thể thao tài sắc nhất của Nga, trong các màn múa dải lụa (ribbon) của cô, như tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008, các giải vô địch ở Âu Châu, v.v…

– Video: The Ribbon Routine Of Evgenia Kanaeva In World Cup Final Benidorm 2008 – YouTube

Kể từ khi Chiều Mạc-tư-khoa được Vladimir Troshin trình bày lần đầu tiên vào năm 1956, trong hơn nửa thế kỷ qua, ca khúc này luôn luôn được cập nhật hóa với những tiếng hát nổi tiếng của từng thời kỳ, của từng thể loại.

Hiện nay, đĩa hát Chiều Mạc-tư-khoa được ưa chuộng nhất là của nam ca sĩ “giọng óc” Vitas.

Vitas là nghệ danh của ca sĩ opera kiêm nhà viết ca khúc Vitaliy Vladasovich Grachov của Cộng hòa Latvia (trước kia thuộc Liên Xô). Sinh năm 1979, Vitas nổi tiếng thế giới với một giọng óc (falsetto voice) có âm vực lên tới 5 octaves.

Bên cạnh đó, ngoài opera, Vitas còn hát được nhiều thể loại ca khúc khác, như cổ điển, jazz, dân ca, và cả “techno” (nhạc bằng âm thanh điện tử).

Phụ lục (4): Podmoskovnie vechera, Vitas

04-MoscowNights-Vitas

Nói về Chiều Mạc-tư-khoa với lời hát bằng tiếng Anh, bản phổ biến nhất hiện nay là của Helmut Lotti, do chính anh đặt lời.

clip_image013

Helmut Lotti sinh năm 1969 tại Ghent, một vùng nói tiếng Hòa-lan ở Vương quốc Bỉ, là một nam ca sĩ giọng tenor kiêm nhà viết ca khúc nổi tiếng quốc tế bởi vì anh có thể hát bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Từ khi mới ca hát, Helmut Lotti đã nhái theo thần tượng của mình là Elvis Presley – từ cách hát, cách trình diễn cho tới trang phục, cho nên đã được mệnh danh là “De Nieuwe Elvis”, tiếng Hòa-lan có nghĩa là “The New Elvis”.

Nhưng tới cuối thập niên 1990, Helmut Lotti đã hát cả nhạc cổ điển (tức là một cross-over singer “ngược chiều” với những ca sĩ nhạc cổ điển hát nhạc pop, như Andrea Bocelli, Sarah Brightman, Katherine Jenkins…).

Tính cho tới nay, Helmut Lotti đã bán được 13 triệu album, hát bằng các ngôn ngữ Hòa-lan, Anh, Pháp, Ý, Tây-ban-nha, La-Tinh, Đức, Nga, Ukraine, Do-thái, và Phi Châu. Trong số đó có 90 bản đoạt đĩa platinum, 70 bản đoạt đĩa vàng.

Album bằng tiếng Anh thành công nhất của Helmut Lotti là “From Russia with Love” (2004) gồm các ca khúc nổi tiếng của Nga do anh đặt lời Anh ngữ. Dĩ nhiên trong đó không thể thiếu bản Chiều Mạc-tư-khoa.

Phụ lục (5): Moscow Nights, Helmut Lotti

05-MoscowNights-HelmutLotti

Moscow Nights

Stillness in the grove, not a rustling sound,
Softly shines the moon clear and bright.
Dear, if you could know how I treasure so
This most beautiful Moscow night.
Lazily the brook like a silvery stream
Ripples in the light of the moon.
And a song afar fades as in a dream
In this night that will end too soon.
Yes, a song afar fades as in a dream
In this night that will end too soon.
Dearest, why so sad, why the downcast eyes?
And your lovely head bent so low…
Oh, I mustn’t speak, through I’d love to say
That you’ve stolen my heart away…
Promise me, my love, as the dawn appears,
And the darkness turns into light
That you’ll cherish dear, through the passing years,
This most beautiful Moscow night.
Say you’ll cherish dear, through the passing years,
This most beautiful Moscow night.

Sau cùng, chúng tôi viết về bản Chiều Mátxcơva – tức bản Podmoskovnye Vechera được một tác giả ở miền Bắc đặt lời Việt vào đầu thập niên 1960. Có điều hơi lạ, và cũng lý thú, là một ca khúc nổi tiếng như thế, được yêu chuộng đến thế, mà cho tới nay, tên tác giả lời Việt vẫn được ghi là “khuyết danh”!

Theo các tác giả trong nước, người đầu tiên bị (được?) đồn là tác giả lời Việt của Chiều Mátxcơva là “nghệ sĩ nhân dân” Trung Kiên – một trong những nam ca sĩ hát bản này đạt nhất, nhưng chính ông đã lên tiếng phủ nhận.

Hai người còn lại bị “nghi” nhiều nhất thì đều đã hóa người thiên cổ.

Người thứ nhất là ông Ngô Vĩnh Viễn (1924-1994), bút hiệu Nguyễn Vĩnh, người từng dịch một số tác phẩm văn học nổi tiếng quốc tế sang tiếng Việt, như Chuông nguyện hồn ai, Truyện ngắn O. Henry… Nguyên nhân đưa tới việc ông Ngô Vĩnh Viễn bị “nghi” là vì ông đã có mặt tại Đại hội Thanh niên và Sinh viên Thế giới tổ chức tại Mạc-tư-khoa năm 1957, và trong đại hội này, bản Podmoskovnye Vechera đã được trao huy chương vàng.

Người thứ nhì là ông Vương Thịnh (1934-2010), một người thông thạo cả tiếng Hoa lẫn tiếng Nga, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Việt Nam. Ông Thịnh là một trong những du sinh Việt Nam đầu tiên được gửi sang Mạc-tư-khoa theo học lớp Nga ngữ trong hai năm 1954-1956.

Trong các khoảng thời gian từ năm 1957-1960, và từ 1969-1971, Ông Thịnh được cử sang Liên Xô, làm biên tập viên trong Ban Tiếng Việt của Đài phát thanh Mạc-tư-khoa (Moscow Radio).

Chiều Mátxcơva

Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào

Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu

Hỡi em! Thấu chăng tình bao lời ca trìu mến

Mátxcơva trong chiều vắng êm đềm

Dòng sông nước nhẹ trôi xuôi về phía chân trời

Màn đêm lung linh sáng ánh trăng soi

Vợi xa thoáng đưa lời đây bài ca đầm ấm

Matxcơva chứa chan vui trong chiều vắng yêu đời

Kìa em ngước nhìn ai đôi màu mắt nâu huyền

Dường như bao lưu luyến mối tơ duyên

Sao không nói nên lời, trong lòng anh nàng hỡi

Muốn chia em chung ngàn nỗi tâm tình

Vừng đông chiếu tràn lan, mây dần sáng sương tàn

Cầm tay nhau em nhé ta vui lên

Hỡi em nhớ chăng mình đêm hè bao đầm ấm

Matxcơva trong chiều vắng thanh bình

Matxcơva trong chiều vắng thanh bình…

Theo nhận xét của chúng tôi, về phần nhạc, điểm độc đáo nhất của bản Chiều Mạc-tư-khoa là chỉ có một đoạn nhạc được lập đi lập lại tới bốn lần, lẽ ra nghe sẽ nhàm chán, nhưng trên thực tế, người thưởng ngoạn không ai cảm thấy điều đó. Nhất là khi có tiếng đàn balalaika réo rắt đi kèm.

– Phụ lục (6): Chiều Mátxcơva, Quang Huy

06-ChieuNgoaiOMatxcova

– Phụ lục (7): Moscow Nights (hòa tấu), Paul Mauriat Orchestra

07-ChieuMatxcova-PaulMauriat

– Phụ lục (8): Moscow Nights (flute), Edward Simoni

08-MoscowNights-EdwardSimoni

– Phụ lục (9): Moscow Nights (guitar), Francis Goya

09-ChieuMatxcova-FrancisGoya

VIDEO (ice opera): Moscow Nights (Opera na lede) YouTube

Hoài Nam

 

 

 

 

PHỤ LỤC:

 

– Phụ lục (1): Podmoskovnie vechera (Moscow Nights), balalaika & guitar

– Phụ lục (1): Podmoskovnie vechera (Moscow Nights), balalaika & guitar

– Phụ lục (2): Katyusha (lời Nga), Vitas

– Phụ lục (2): Katyusha (lời Nga), Vitas

– Phụ lục (3): Podmoskovnie vechera, Red Army Choir

 – Phụ lục (3): Podmoskovnie vechera, Red Army Choir

– Phụ lục (4): Podmoskovnie vechera, Vitas

– Phụ lục (4): Podmoskovnie vechera, Vitas

– Phụ lục (5): Moscow Nights, Helmut Lotti

– Phụ lục (5): Moscow Nights, Helmut Lotti

– Phụ lục (6): Chiều Mátxcơva, Quang Huy

– Phụ lục (6): Chiều Mátxcơva, Quang Huy

– Phụ lục (7): Moscow Nights (hòa tấu), Paul Mauriat Orchestra

– Phụ lục (7): Moscow Nights (hòa tấu), Paul Mauriat Orchestra

– Phụ lục (8): Moscow Nights (flute), Edward Simoni

 

 – Phụ lục (8): Moscow Nights (flute), Edward Simoni

– Phụ lục (9): Moscow Nights (guitar), Francis Goya

– Phụ lục (9): Moscow Nights (guitar), Francis Goya

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search