T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Bài học từ quá khứ

1.

Giải vô địch bóng tròn thế giới (World Cup) vẫn còn tiếp tục, và đang bước vào giai đọan gay cấn nhất. Nhưng hai đội Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên đã lần lượt bị lọai. Đội Bắc, kể từ lần dự giải năm 1966 ở Anh, 44 năm sau mới được vào vòng chung kết một lần nữa. Lần này, họ bị lọai ngay từ vòng đầu, sau những cố gắng không thành công. Khả năng của họ chỉ có vậy. Đội Nam, từ nhiều năm nay, kỳ World Cup nào họ cũng lọt vào vòng 32 đội , rồi 16 đội. Năm nay, ở Nam Phi, dù rất dũng mãnh, họ cũng đành chào thua số phận. Họ có khả năng vào sâu hơn, nhưng sự may mắn vẫn chưa mỉm cười với họ.

Năm nay, World Cup 2010, cũng là lần đầu tiên hai đội của hai miền Nam Bắc Triều Tiên cùng có mặt ở vòng Chung Kết. Cũng may, họ không có dịp đối đầu với nhau trong một trận sống mái.

60 năm trước, cuộc chiến tranh Triều Tiên đã bùng nổ. Miền Bắc xâm lăng miền Nam, với sự yểm trợ sau lưng của Trung quốc (miền Bắc) và Mỹ (miền Nam). 3 năm sau, chiến tranh tạm chấm dứt sau khi đã có hàng triệu người Triều tiên ở cả hai miền chết, hoặc bị thương. Từ ấy, tuy không có một hiệp ước nào được ký kết, nhưng cả hai bên lấy khu phi quân sự làm ranh giới, mỗi bên tự xây dựng lấy phần đất của mình. Miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của cha con “đồng chí Kim kính mến”, đã chọn con đường Cộng sản, đóng cửa biên giới, vì coi bên ngòai ai cũng là thù địch. Miền Nam, chọn con đường kinh tế tự do, ra sức mở mang đất nước. 60 năm sau, miền Nam đã trở nên phú cường, là con rồng châu Á, phát triển nhanh chóng trong mọi lãnh vực. Miền Bắc, do chính sách kềm kẹp người dân, bóp nghẹt tự do, bắt cả nước theo con đường không tưởng cộng sản, khiến mãi đến thế kỷ 21 mà người dân vẫn không đủ ăn, đủ mặc, miền Nam phải động lòng viện trợ. Ngay trong những năm 1990s, gần 2 triệu người dân Bắc Triều Tiên bị chết vì đói, vì sản xuất bị kiệt quệ, mà cha con ông Kim vẫn cương quyết đóng chặt các cánh cửa biên giới. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi miền Bắc trì trệ về mọi phương diện.

Kỷ niệm 60 năm ngày cuộc chiến tranh Triều Tiên (*), với hai đội tuyển Triều Tiên – Nam và Bắc – cùng có mặt ở World Cup, người dân (miền Nam) vẫn hào phóng ủng hộ cả hai đội. Mặc dù, chính ở những ngày này, tình hình chính trị Triều Tiên trở nên sôi động sau vụ chiến hạm Cheonan của Nam Triều Tiên bị bắn chìm khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Miền Nam tin rằng chính miền Bắc là thủ phạm. Đáp lại, miền Bắc đe dọa sẽ biến Hán Thành (Seoul – Thủ đô của miền Nam) thành một biển lửa để trả đũa những lời buộc tội “vô căn cứ ” của miền Nam.

Đối với thế hệ trẻ ở Nam Triều Tiên, theo sự ghi nhận của nhiều giới quan sát, dường như họ không quan tâm lắm đến vấn đề “một nửa đất nước nghèo đói” ở bên kia khu phi quân sự. Tọa lạc cách trung tâm thành phố Hán Thành khỏang 30 dặm, khu phi quân sự này là nơi ngăn chia hai miền Nam Bắc. Hàng ngày, du khách từ phía Nam có thể đứng từ khán đài, chỉa ống nhòm qua quan sát phía Bắc, nhưng không một ai được phép vượt qua. Sự phân chia đất nước tồn tại đã 60 năm, quá lâu để người ta nghĩ đến việc thống nhất. Vì, sự thống nhất giữa hai miền sẽ đe dọa sự phồn vinh của miền Nam, vì khi ấy họ phải chia sẻ với người anh em chết đói phía bên kia. Mặt khác, theo sự nhận xét của thế hệ chiến tranh của Nam Triều Tiên, thì giới trẻ ngày nay không nghĩ rằng miền Bắc đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng trong việc xây dựng đất nước, và nhất là về trách nhiệm khiến xẩy ra sự phân chia như hiện nay. Trong khi rất nhiều người trẻ Nam Triều Tiên mặc nhiên thụ hưởng những thành quả tốt đẹp do chính sách đúng đắn trong việc xây dựng đất nước mà những người lãnh đạo miền Nam theo đuổi, thì ngược lại, họ không mảy may quan tâm, hoặc chí ít có một ý niệm rõ ràng về con đường mà những người lãnh đạo miền Bắc lựa chọn. Theo những thăm dò gần đây, khi được hỏi về “mối đe dọa phương Bắc (Triều Tiên)”, nhiều người trẻ không cho rằng đó là vấn đề thuộc về an ninh (của Nam Triều Tiên), càng không phải là vấn đề an ninh của thế giới. Theo họ, đó chỉ là một ” vấn đề chính trị “, mà giới lãnh đạo miền Nam lợi dụng để “bắt chẹt” miền Bắc. Vì, với họ – những người thuộc thế hệ sau chiến tranh ở Nam Triều Tiên – dân chúng Bắc Triều Tiên chỉ là những kẻ điên khùng, những kẻ rất đáng tội nghiệp. Và, vì thế, miền Bắc không phải là mối đe dọa, là đối tượng để đối đầu.

Cuộc sống dễ dãi, no đủ, mọi cơ hội thăng tiến trong đời sống đều ở trong tầm tay, có lẽ đã khiến những người trẻ thế hệ hậu chiến ở Nam Triều Tiên không đồng ý với cách nhìn sự việc của cha anh, những người đã kinh qua cuộc chiến 60 năm trước đây, những người ý thức rõ ràng sự lạc hậu, đói nghèo của một nửa đất nước, sự “thiếu thông minh”, sự điên khùng của gần một nửa dân số, ai là người phải chịu trách nhiệm.

Trước cái chết của 46 thủy thủ trong vụ chiến hạm Cheonan bị tấn công, cùng với cha anh , thế hệ trẻ Nam Triều Tiên đã nhỏ nhiều giọt nước mắt khóc cho người hy sinh, nhưng những phản ứng cũng chỉ dừng ở đó. Không có những cuộc biểu tình khổng lồ lên án người anh em bên kia độc ác. Không có những thái độ uất hận chỉa về phía bên gây ra tội phạm. Thậm chí có người còn lên án chính quyền miền Nam đã có lập trường quá cứng rắn với miền Bắc qua vụ Cheonan. Có lẽ họ không tin rằng, những đầu đạn hỏa tiễn do miền Bắc chế tạo đủ khả năng biến thành bình địa thủ đô Hán Thành lộng lẫy của mình, hoặc ngây thơ hơn, “đồng chí Kim kính mến” không thể nhẫn tâm ra lệnh giết hại người cùng giòng giống Triều Tiên.

2.

Tháng 7 năm 2009, trên đường từ quê nhà quay lại Mỹ, tôi đã có dịp đặt chân lên thủ đô Hán Thành trong vài giờ đồng hồ chờ đợi chuyển máy bay. Cũng dịp đó, với mớ hồi ức về đất nước mình còn tươi rói trong trí, tôi đã có dịp nhìn đất nước Triều Tiên, so sánh với đất nước mình, và suy ngẫm (bài: Nắng Sài Gòn, Nắng Hán Thành). Cả hai đất nước cùng kinh qua một cuộc chiến Nam Bắc, cuộc chiến với súng đạn ngọai bang và máu nội địa, cuộc chiến đối đầu giữa Cộng sản, Tư bản. Đất nước Triều Tiên may mắn hơn (hay người lãnh đạo Triều Tiên khôn ngoan hơn?), nên chỉ sau 3 năm, chiến tranh tạm chấm dứt dù không một hiệp ước đình chiến nào được ký kết. Đất nước Việt Nam, chiến tranh tiếp tục kéo dài, bất kể hiệp định đình chiến năm 1973, đưa đến sự thắng trận của miền Bắc, và sự tụt hậu 30 năm trong việc phát triển đất nước. Đó là chưa kể, sau chiến tranh còn bao nhiêu những oan nghiệt gây ra bởi người cộng sản chiến thắng. Dù vậy, sau khi kịp thời “tự đổi mới” để sinh tồn, những người lãnh đạo đất nước cũng đã đem lại được chút sinh khí cho bộ mặt Việt nam.

Cũng như thế hệ trẻ Nam Triều Tiên, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, dù vẫn còn đang trên con đường rượt đuổi người anh em “Hàn Quốc” về mọi phương diện, dường như có vẻ tạm hài lòng với một chút “sinh khí” mà giới lãnh đạo mang lại cho đất nước. Giới cầm quyền, đổi mới để, trước hết, tự cứu mình, để duy trì đặc quyền cai trị. Trong quá trình tự đổi mới, đời sống người dân – như một hệ quả – trở nên dễ thở hơn. Bấy nhiêu, hình như đã đủ để những người trẻ hôm nay quên đi một thời ngao ngán nhìn bữa cơm độn mì, độn Bo bo ngày nào. Quá khứ đó, tuy không xa lắm, những dường như không còn được nhớ tới nữa. Cái trách nhiệm kéo thụt lùi đất nước 30 năm, dường như đã không thuộc về ai nữa. Ngày nay, ngồi trước màn ảnh truyền hình, say sưa theo dõi những trận bóng hào hứng của World Cup, vui buồn với những thắng thua của các đội tuyển, trầm trồ khen ngợi kỹ thuật nhồi bóng ngày càng tiến bộ của các cầu thủ châu Á như Nam Hàn, Nhật Bản, ngầm tự hào về những thành quả của các đội bóng châu Á, có mấy người trẻ biết được rằng (và nhớ được rằng, hãnh diện rằng), đội tuyển bóng tròn của miền Nam Việt Nam đã từng hạ gục các đội Nam Hàn, Nhật Bản để giành chiếc Cup Merdeka, vô địch châu Á (xem: Khi quả bóng lăn trên sân cỏ – Cadao số 243).

3.

Ở bất cứ quốc gia nào, ở bất cứ thời đại nào, các thế hệ đương thời đều tự nhận mình thông minh hơn thế hệ đi trước, khôn ngoan hơn thế hệ đi sau. Đúng hay Sai của mệnh đề nói trên, có lẽ các thế hệ sẽ tranh cãi nhau kịch liệt cho đến khi những thế hệ ấy biến mất sau cánh cửa lịch sử. Dù biết vậy, tôi tin rằng, muốn làm tròn nhiệm vụ của thời đại mình, mỗi thế hệ cần học cách lắng nghe tiếng nói của quá khứ, tức là tiếng nói của thế hệ đi trước mình. Đó là tiếng kêu bi thiết của con chim đã từng bị trúng đạn. Đó là sự cảnh báo cần thiết, mà, mọi sự coi thường hoặc quên lãng, đều dẫn đến những hậu quả chết người. Mặt khác, vấn đề còn là sự quan tâm, sự kính trọng, mà các thế hệ dành cho nhau. Kiến thức và kinh nghiệm là hai điều kiện ắt có và đủ trên con đường đi tìm một giải pháp đúng đắn cho các vấn đề thời đại.

Những bài học lịch sử, nhất là những bài học đến từ chiến tranh, đến từ những xác chết thối rữa của hàng triệu người dân tội nghiệp, không thể để quên lãng theo sự vô tình của những người may mắn không phải sống qua thời kỳ ngự trị của bạo lực.

T.Vấn

Tháng 7, 2010

T.Vấn © 2010

T-Van.Net

*Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến xảy ra và kéo dài từ giữa năm 1950 đến năm 1953 trên bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vì sự chiếm đóng tạm thời của Liên Xô và Hoa Kỳ. Chiến tranh bắt đầu vào ngày 25 tháng 6 năm 1950 khi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn) tấn công Đại Hàn Dân quốc (Nam Hàn). Cuộc chiến được mở rộng với qui mô lớn khi lực lượng của Liên hiệp quốc được Hoa Kỳ lãnh đạo, và sau đó là quân Chí nguyện của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhảy vào cuộc chiến. Cuộc xung đột kết thúc khi một thỏa hiệp ngừng bắn đạt được vào ngày 27 tháng 7 năm 1953.

Lực lượng hỗ trợ chính cho Bắc Hàn là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với sự tiếp ứng hạn chế của Liên Xô trong hình thức các cố vấn quân sự, các phi công quân sự, và vũ khí. Nam Hàn được lực lượng Liên hiệp quốc hỗ trợ, chủ yếu là lực lượng quân sự Hoa Kỳ. Trước cuộc xung đột, Nam và Bắc Hàn tồn tại như hai chính phủ lâm thời đang tranh giành ảnh hưởng kiểm soát toàn bộ Bán đảo Triều Tiên sau khi Triều Tiên bị Hoa Kỳ và Liên Xô chia cắt. (Theo Wikipedia).

**Kim Nhật Thành (15 tháng 4 năm 1912 – 8 tháng 7 năm 1994) là nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên từ khi quốc gia này được thành lập vào đầu năm 1948 đến khi ông mất, và được con trai là Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) thay thế. Ông giữ chức Thủ tướng từ năm 1948 đến năm 1972, và Chủ tịch nước từ năm 1972 đến khi mất. Ngoài ra, ông còn là Tổng bí thư của Đảng lao động Triều Tiên. Với tư cách là nhà lãnh đạo của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, ông đã chuyển từ hệ tư tưởng Marx-Lenin sang tư tưởng chủ thể (주체사상) do ông tự phát triển và tạo nên sự sùng bái cá nhân. Bắc Triều Tiên chính thức gọi ông là “Lãnh tụ vĩ đại” và hiến pháp xem ông là “Chủ tịch vĩnh cửu”. Ngày sinh và ngày mất của ông là quốc lễ ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Theo Wikipedia).

© T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search