T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Captovan: Hãy Ngồi Xuống Đây

clip_image002

 

Một tấm hình hết sức cảm động trong muôn ngàn hình ảnh thương tâm của anh em TPBVNCH, tấm hình còn cho thấy tình đồng đội trước và sau cuộc chiến, bên cạnh đó là bài thơ đầy khí phách. Bất cứ ai là quân dân VNCH khi nhìn thấy hình này đều muốn dồn tình thương và quý mến đến hai anh, nhưng rất tiếc là hình không tên, bài thơ không tác giả, biết tìm anh nơi đâu?

NGỒI XUỐNG ĐÂY

Ngồi xuống đây tao đút mầy lần cuối

Để mai nầy biết có gặp nữa không

Nợ trần gian nợ cơm áo chất chồng

Tao bương chải đời long đong vô định

 

Ngồi xuống đây giữa tâm tình người lính

Đừng nghĩ gì những toan tính thế gian

Tao với mầy từng vượt những gian nan

Đã sống chết _ Lầm than _ Và tủi nhục

 

Ngồi xuống đây tao đút mầy thêm chút

Cũng như mầy ngày xưa đút cơm tao

Giữa Cổ thành tiếng quân dậy lao xao

Tao gục xuống và mầy lao ra cứu

 

Tao biết lắm mầy sống đời mãnh thú

Con hùm thiêng trong giây phút sa cơ

Thân phế nhân đành trôi nổi mịt mờ

Muốn sống lại thuở viễn mơ rừng núi

 

Thôi mầy ạ ! Đời chúng mình gió bụi

Chết ngang tàng trong ngày tháng tư đen

Tao với mầy chinh chiến đã thành quen

Thì tủi nhục cũng để rèn nhân cách

 

Vậy hãy sống ngẩng cao đầu trong sạch

Biết tử sinh thì nhận lấy cho hùng

Tao với mầy có dòng máu chảy chung

Thà đổ xuống không bao giờ khuất phục

Trước kia, trong cuộc chiến:

“Giữa Cổ Thành tiếng quân dậy lao xao,

Tao gục xuống và mày lao ra cứu”.

Và sau khi cuộc chiến bị thương, đồng đội là phế binh thì:

Ngồi xuống đây tao đút mày lần cuối

Để mai này biết có gặp nữa không”

 

Danh từ “Cổ Thành” trong câu thơ trên đã khiến TQLC Nguyễn Văn Phước nhớ lại hình ảnh của chính mình và các đồng đội TQLC khác đã chiến đấu liên tục trong suốt 55 ngày đêm để tái chiếm lại Cổ Thành Đinh Công Tráng và thành phố Quảng Trị, mỗi thước đất chiếm lại được là một TQLC gục xuống và khi dựng được ngọn cờ trên Cổ Thành thì cái giá phải trả là hằng ngàn tử sĩ và TPB. Vì vậy MX Phước đã gửi tấm hình và bài thơ lên diễn đàn Cọp Biển để hy vọng các chiến hữu TQLC có thể tìm ra tung tích anh TPB này. Nhưng tìm anh như thể tìm chim, mò kim dứoi đáy biển. Tấm hình cho thấy tình đồng đội vẫn còn như ngày nào “Giữa Cổ Thành, tao gục xuống mày lao ra cứu” và bây giờ thì “mày ngồi xuống đây để tao đút cho mày muỗm cơm lần cuối..”. Tình đồng đội của tấm hình làm nhức nhối những ai có tính mau quên, và tấm gương soi cho những người ích kỷ

Sau khi đọc thơ và xem hình, nếu quý vị nào tìm ra hoặc biết lý lịch của anh TPB trên thì xin phổ biến hầu gửi đến anh “một chén cơm” và đồng thời chúng ta phải “hãy ngồi xuống đây” để cùng nhau tìm ra giải pháp nào có thể tiếp tục gửi về cho anh em TPB những chén cơm trong khi bọn cầm quyền địa phương trong nước cùng bầy tôi hải ngoại cấu kết với nhau để tìm cách giựt lấy cái bát úp xuống đất. Đó là những chuyện liên quan tới đại nhạc hội “Cám Ơn Anh” kỳ thứ 6.

Khi tôi trao cho lão bà-bà Hạnh Nhơn, hội trưởng hội H.O cứu trợ TPB, số tiền của các đồng đội TQLC ở xa gửi về yểm trợ ĐNH kỳ 6, tiền bán vé và những vé chưa bán hết thì lão bà-bà cười cười và hỏi tôi:

_ Em đã đọc mấy cái email nặc danh đả kích về ĐNH kỳ 6 chưa?

_ Chưa chị ạ, nhưng khi thấy những tên “cha căng chú kiết” cố ý chui vào hộp thư của em thì em tống những thứ này và sọt rác ngay, em nói “cố ý” là ít nhất đã 3 lần em đuổi cổ chúng ra rồi, mà không biết bằng cách nào chúng vẫn lẻn vào được, để em về moi ra xem thư của ai đả kích như thế nào, còn bây giờ thì đoàn lữ hành chúng ta cứ đi.

_ Phải đó em, chị đã 86 tuổi rồi, Trời Phật hiểu cho tấm lòng của chị.

_ Trời Phật thì ở trên cao còn đồng bào thì ở trước mặt, hằng chục ngàn người đến ngồi dưới nóng và nắng, hằng trăm ngàn đồng bào khắp các nơi gửi tiền về ủng hộ qua 5 kỳ đại nhạc hội (ĐNH) thì hiểu ban tổ chức ĐNH, hội H.O và hiểu tấm lòng và uy tín của cá nhân chị. Xung quanh chị là hằng trăm anh chị em văn nghệ sĩ, MC, TV/SBTN hiểu chị tin chị nên mới đóng góp công sức, tiền bạc cùng lời ca tiếng hát để tạo dựng lên ĐNH. Xa hơn là giới truyền thông báo chí, TV, radio v.v.. những nhà báo với con mắt thấy hết, lỗ tai nghe hết, cái đầu biết hết mọi chuyện, những cây bút trong tay sắc như dao, nhọn như lưỡi lê, dễ gì họ tha cho những việc làm thiếu minh bạch, khuất tất, nhưng họ hiểu tấm lòng của chị của chị của hội HO nên họ ủng hộ hội H.O, ngay cả tuần báo Việt Weekly, và ai cũng biết khuynh hướng của báo này rồi, đã đến “thăm viếng” chị và coi sổ sách của hội HO và rồi TTK Etcetera đã không tìm ra dấu vết gì phải thốt lên:

Tôi đã gặp Mẹ Teresa ở giữa Bolsa”

( VW số báo 31 August 4, 2010).

Ngoại trừ một vài cây bút tòe đầu nhưng nó được gắn thêm lưỡi lê AK, CKC thì sẽ làm ngược lại, đổi trắng thay đen là bản chất, nhắm mắt nói mò, đâm tứ tung, đâm cả vào chính bản thân họ, và không loại trừ trường hợp những cây bút tè sẽ vin lý do tuần báo “thân cộng” khen chị thì chúng sẽ kết luận chị là tay sai VC!

Thực tế và rõ ràng nhất là sau lưng chị có một tập thể với nhiệt tình và tấm lòng trong sáng đó là Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam CA, gồm các hội ND, HQ, KQ, TG, TĐ, VB, TSQ, BĐQ, TQLC, CSQG v.v.. họ đã hiểu chị nên đã đang tiếp tay với hội H.O, trực tiếp tham gia vào việc tổ chức ĐNH kỳ 6. Vậy đoàn lữ hành chân cứ bước và tai nghe tiếng “kẩu” sủa trăng chẳng phải là điều thú vị lắm sao?

Lão Bà 86 mang nặng tấm lòng với TPB mà lê lết đôi chân phong thấp, bước thấp bước cao qua các hè phố để dán quảng cáo cho ĐNH thì “nam nhi” ngồi uống café “sữa trên, đen dưới, đá xung quanh”, hoặc giả “chân tu” nhưng “cái châm anh cài”, hoặc zăng gừng hơn, rủ nhau đi nhẩy đầm thì coi sao đành!

clip_image004

(Lão bà-bà Hạnh Nhơn và chị T.Q đi dán quảng cáo ĐNH C.Ơ.A)

Theo gương chị là đám “mặt dầy*” Nguyễn Phán, Nguyễn Hàm, Thanh Sang, Hoàng Sinh và nhiều thiện nguyện viên khác nữa đang len lỏi vào đám đông, dãi dầu mưa nắng trước các siêu thị liên tục từ ngày này qua ngày khác, 8 đến 10 tiếng một ngày để mời chào đồng hương mua vé đi xem ĐNH kỳ 6, sự kiên nhẫn và chịu đựng của họ khó có ai sánh kịp và tôi chịu thua nên gọi họ là “mặt dầy”.

Nhất là Hoàng Sinh, một mình Song Kiếm Trấn Ải Nhẩy Dủ Cố Gắng đã chiến đấu liên tục 55 ngày gtiữa chợ để mang về cho ĐNH Kỳ 6 hơn 30,000$. Tôi nói Hoàng Sinh “chiến đấu” không sai đâu, vì xung quanh chỗ anh đứng bán vé còn có đoàn quân “khất thực” khác và bọn côn đồ đến khiêu khích anh. Nhưng mỗi buổi sáng trứơc khi bán vé, với quân phục chỉnh tề, anh dương cao 2 ngọn cờ Việt Mỹ và đứng nghiêm chào, đó là lý do bọn thảo khấu muốn kiếm chuyện, phá đám.

Bán vé chưa đủ, mà dẫu có bán hết 10 ngàn vé thì số tiền kiếm được cũng khiêm nhường, vì vậy một số thiện nguyện khác nghĩ ra cách bán vé “không giao vé”, nói trắng ra là kêu gọi đồng hương, đồng đội, thân nhân, bạn bè ở các tiểu bang xa, không về dự ĐNH được thì cử chi phiếu đi thay người. Điển hình như các ‘mặt dầy” San-Trần, Tấn-Tài, Đổng-Hùng, Phán-Già, Vệ-Trần, Lộc-Phan, Út-Quý v.v.. thuộc quân trường nọ, họ đã gọi tele, gửi emails đến các đồng môn, đồng khóa ở các nơi “hẻo lánh” xa xôi, Canada, Úc Châu v.v.. yểm trợ cho ĐNH kỳ 6, chỉ trong một thời gian rất ngắn họ đã thu về được hơn 35 ngàn USD để trao cho ban tổ chức ĐNH Kỳ 6

Ở một đơn vị khác, ngoài sự đóng góp của mỗi cá nhân, Tổng Hội Trưởng Cam Ranh còn xuất quỹ TPB của họ 3 ngàn để yểm trợ cho ĐNH với lời nhắn:

Lá rách TPB/TQLC đùm là nát TPB các đơn vị bạn”.

(Xin mở ngoặc nói thêm chỗ này: Mỗi TQLC ở hải ngoại mỗi năm có bổn phận đóng vào quỹ TPB/TQLC 100$, vì thế họ tự lo cho TPB của chính họ để chia xẻ bớt gánh nặng cho hội H.O. Ngoài ra nếu cựu Cọp Biển nào đựoc báo là gặp đau yếu và hoàn cảnh khó khăn thì TH/TQLC sẽ cho người đại diện ở trong nuớc đến tận nơi thăm hỏi, nếu đúng sự thật thì sẽ xuất quỹ TPB để giúp một số tiền “cứu nguy”, có thể là 200$ và thông thường là 300$.)

Thực ra sự đóng góp của các cựu quân nhân chỉ tượng trưng cho tấm lòng, nếu không muốn nói là bổn phận đối với TPB nên chưa thể gọi là “tấm lòng vàng”, đó chỉ là những ánh hỏa châu trong đêm tối cho nơi khác thấy hướng đi, việc cần làm và phải làm như thế nào? Đốm lửa này cũng là ánh sáng cho thế hệ con cháu thấy được sự hy sinh của cha ông các cháu, điển hình là các cháu Khánh-Trang (con MV Tấn), Quốc-Ái (con Ngọc-Linh) mỗi cháu đã yểm trợ 500$, các con của Hồng-Miên, Hồng-Trân, Nam-Cường, Quang-Bột, Đình-Định, Thúy-Tô v.v.., mỗi cháu cũng góp từ 1 đến 200$. Phứơc Nguyễn gửi thư cho các con:

_ “Tuần tới là sinh nhật của mẹ, nhưng các con đừng mua quà gì cho mẹ cả, mà hãy dùng số tiền đó gửi về yểm trợ cho ĐNH Kỳ 6 là bố mẹ mừng rồi”.

Các con BĐQ Trịnh Trân, Trâu Điên Trần Quang Duật v.v.. không yểm trợ ĐNH $X mà xin hội H.O cho các cháu một hai hồ sơ TPB để các cháu yểm trợ cho các chú suốt đời. Đây hẳn là sáng kiến của các bố dạy con và cũng trùng hợp với ý kiến của nghệ sĩ Trúc Hồ nêu ra sau đó trong ngày diễn ra ĐNH. Thực ra giải pháp này chúng tôi đã cập đến trong một bài viết cách nay 4 năm nhưng không tiến xa đựợc vì thiếu một cái đầu ..tầu. Trong tưong lai gần, chúng ta sẽ bàn về giải pháp này sao cho có hiệu quả thiết thực hơn, chứ kêu gọi xuông thì lại rơi vào cảnh “đánh trống bỏ dùi”

Vui hơn nữa là tiếng nói của thế hệ thứ ba, 2 cháu nội sinh đôi Lê Bảo Châu, Lê Bảo Lộc, đã trích 100$ từ quà sinh nhật năm 6 tuổi để nhờ ông nội Hắc Long Lê Đình Đơn chuyển yếm trợ cho ĐNH Kỳ 6, dĩ nhiên là ông nội Đình-Đơn phải lảm gương cho cháu nội nhiều lần. Hổ phụ sinh hổ tử sang tới đời thứ ba.

Nếu cần phải nói thêm thì cũng nên nhắc đến sự nhiệt tình ủng hộ ĐNH của các chức sắc tôn giáo, vào ngày lễ, ngày Chúa Nhật bận rộn với câu kinh tiếng kệ nhưng cũng đã đến với ĐNH, quý vị tu sĩ đến đâu phải để nghe các cô ca sĩ hát: “em yêu anh” mà để nhớ ơn người TPB/VNCH.

Không đến được thì gọi tele vào nơi tổ chức ĐNH để xin đóng góp một chén gạo cho TPB còn sống và bó nhang, cây nến cho TPB đã chết. Xa hơn nữa, những Linh mục Hải Khánh, NE 68507, Lm Hùng Đức Iowa 50483 đã gửi chi phiếu ủng hộ ĐNH kỳ 6, ngoài ra quý ngài còn dùng tiền do giáo dân xin lễ để gửi quà về cho anh em TPB nên họ gửi thư cho các cha rất nhiều. Tôi có góp ý các vị là cẩn thận, coi chừng bị lợi dụng thì cha Đức nói: “Thà gửi lầm còn hơn bỏ sót”, và quả thật trong số những hồ sơ gửi cho cha Đức, tôi chuyển tiếp đến hội H.O thì mới hay có đến 2/3 hồ sơ đã đựoc hội H.O giúp đỡ rồi.

clip_image006

Sự ủng hộ và đóng góp của các tu sĩ không hẳn là một viên gạch để dành hầu sau này xây nhà cho quý ngài trên Niết Bàn hay “Thiên Quốc” mà là nhớ ơn TPB và một hành động hết sức thiết thực trước mắt: “giúp kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống”. Danh sách các tu sĩ đóng góp còn đó, ai muốn biết muốn coi cứ đến mà hỏi:

_“Ê, bà HN đâu? Yêu cầu cho tôi coi cái… này, cái… kia”.

Thật là thiếu sót nếu không nhắc đến một thành phần yểm trợ ĐNH mà ai cũng thấy nhưng ít ai biết đến công việc làm của quý anh chị phụ trách các gian hàng bán thực phẩm và nứơc uống cho mấy ngàn khán giả và cung cấp bữa ăn free cho mấy trăm thiện nguyện viên. Một công việc vô cùng khó khăn vất vả do anh chị KQ Phạm Vưong Thục và HQ Đặng Thanh Long-Lee chịu trách nhiệm.

Trong ngày ĐNH kỳ 5 năm 2011, hình ảnh một KQ Phạm Vưong Thục năm xưa nhào lộn trên đầu địch ở bầu trời Quảng Trị thì nay bụi đời trong ngày ĐNH, anh đeo cái khay vào cổ trông khá buồn cừơi, trong khay có nước uống, trái cây, bánh mì, xôi v.v..len lỏi vào các hàng ghế khán thính giả để chào mời. Nhưng đau đớn thay, nay ĐNH kỳ 6 không còn Thục nữa! Đại Úy Phi Công trực thăng vùng giới tuyến Đông Hà Quảng Trị PHẠM VƯƠNG THỤC đâu rồi?

_ “Thục ơi! Dậy đi để còn chuẩn bị đeo cái khay vào cổ đi bán nước uống trong đại nhạc hội C.Ơ.A kỳ thứ 6 này chứ. Mọi người đang nhớ đến bạn, nhắc đến bạn. Nhưng than ôi! Gia đình, đồng đội, bạn hữu đã “khắc tên anh trên bia đá”, chúng tôi “khắc tên anh trên lá trên hoa”. Sau ĐNH kỳ 5 thì KQ Phạm Vương Thục bị bạo bệnh và đã ra đi, để lại biết bao thương tiếc cho mọi người.

Thục ơi! Về đi trong ngày ĐNH kỳ 6 này, HQ Đặng Thanh Long không bắt bạn đi bán hàng rong nữa đâu, bạn ngồi trên cao để quan sát anh em làm việc, bạn bay trên cao để nhắc những ai còn nợ TPB thì hãy trả.”

Nhớ mãi Phạm Vương Thục

Không còn KQ Thục thì bà quả phụ Phạm Vưong Thục tiếp tục nhận trách nhiệm thay chồng, cùng với HQ Đặng Thanh Long-Lee phụ trách các gian hàng trong khuôn viên ĐNH kỳ 6 cùng với sự hợp tác hằng mấy chục các chị thiện nguyện khác để chuẩn bị thực phẩm, và trong ngày ĐNH đã có 30 chị cùng 20 anh tiếp sức để cung cấp thực phẩm, nứớc uống cho hằng ngàn khán giả. Các chị trong ban “ẩm thực” này đã đem về cho ĐNH một số tiền “khiêm nhừơng” sơ khởi là 5 ngàn USD, trong đó có tiền đóng góp của chính các chị. Tôi nói “khiêm nhừong” là vì nếu tính tiền công của anh chị thì số $ gấp lên 3, 4 lần. BĐQ Trần Tiễn San và tôi đã đến tận “dinh cơ” của KQ Thục để quan sát các chị chuẩn bị thực phẩm. Rửa sạch và xay 60 pounds rau má hẳn là vất vả lắm, nhưng chưa thấm thía gì với việc chế biến và nấu thực phẩm, vào một dịp khác tôi sẽ đi vào chi tiết, ở đây chỉ xin gửi đến bà quả phụ Phạm Vương Thục cùng quý chị sự khâm phục của chúng tôi.

Phía sau sân khấu, để cung cấp thức ăn, nứơc uống cho hằng trăm ca nghệ sĩ, MC và những thành phần phụ giúp sân khấu thì có chị TQLC Trần Văn Thương, chị Thủy và nhiều chị thiện nguyện viên khác nữa nhưng rất ít ai biết, ít ai thấy công sức, mồ hôi và nứơc mắt của các chị. Chúng tôi chỉ biết khâm phục.

ĐNH kỳ 6 đã diễn ra với sự tham dự của các chức sắc tôn giáo, dân cử địa phương cùng hơn 5 ngàn khán giả tại chỗ và hằng trăm ngàn khán thính giả khắp nơi qua đài SBTN và SET. Trong lời mở đầu chào mừng quan khách, lão bà-bà Hạnh Nhơn đã nhấn mạnh:

“Sau mỗi kỳ ĐNH, hội HO đã gửi về giúp được từ 6 đến 8 ngàn gia đình TPB và quả phụ VNCH. Tất cả mọi thu chi, giấy tờ chứng minh, danh sách giúp đỡ hồi báo nhận tiền, thư cảm ơn của anh em đều được lưu giữ tại văn phòng hội và tại văn phòng luật sư để chứng minh với sở thuế hàng năm. Trường hợp cần tìm hiểu, xin kính mời quí vị có thể đến hội để chúng tôi được trình bày rõ ràng hầu chứng tỏ sự minh bạch của chúng tôi.”.

Buổi ĐNH khai mạc lúc 12 giờ trưa và chấm dứt vào lúc 7 giờ chiều, các MC, anh chị em nghệ sĩ đã cộng tác bằng tấm lòng, bằng con tim nên lời ca tiếng hát hôm nay hay hơn nhiều. Ca sĩ Thế Sơn từ sân khấu bứoc xuống, mồ hôi nhễ nhại, anh đi lại lều thực phẩm, chị Thương đưa hộp trái cây, Chị Thủy trao ổ bánh mì, nhưng Thế Sơn nhỏ nhẹ: “cám ơn các chị, cho em xin chai nứơc”.

Trên sân khấu, đại điện các quân binh chủng hát bản “Xuất Quân” thì dứơi sân cỏ, một một trung đội của TĐ.2/TQLC, do các em thế hệ 2 đảm trách, đang yểm trợ cho nhau tiến chiếm mục tiêu, nhưng rồi một ngừơi ngã xuống, anh nằm bất động trên băng-ca, đồng đội khiêng ra sau, đến lều Quân Y để y sĩ Phạm Vũ Bằng, y sĩ Bùi Thế Chung cấp cứu. Cảnh này tôi đã chứng kiến nhiều lần trong quá khứ, tôi cũng nhiều lần nằm trên băng ca, nhưng sao bỗng dưng hôm nay tôi ứa nứơc mắt, tôi giả vờ đưa tay lên dụi mắt, nhưng thật bất ngờ, nhiều khán giả quanh tôi cũng dụi mắt như tôi. Cám ơn các em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như các anh đã hoàn thành 40, 50 năm về trứơc, các em đã góp phần làm đẹp ngày ĐNH/TPB. Cám ơn các em và nhất là em trung đội trưởng, vì em chính là cháu ngoại của cố Thiếu Tá TQLC Đặng Đình Thích, ông đã gục xuống trên chiến trừơng vùng 4 khi xung phong chiếm mục tiêu.!

Theo ghi nhận của ủy viên tài chánh Nguyễn Hàm, cho tới khi chấm dứt buổi ĐNH thì số thu tạm thời đựơc: 560,300 USD (năm trăm sáu chục ngàn..). Chúng tôi sẽ trở lại với ĐNH kỳ 6 ở đề tài khác chi tiết hơn.

Phila Tô

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search