T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

TV&BH: Ngộ Không Phí Ngọc Hùng và “Một Chút Dối Già “

clip_image002

Cuối cùng thì sau mười năm vật lộn với chữ nghĩa “tòan thời gian “(full-time, overtime), Ngộ Không Phí Ngọc Hùng, một thân hữu niên trưởng của T.Vấn & Bạn Hữu từ buổi đầu kết tụ, đã trình bạn hữu tác phẩm đầu tiên (và cuối cùng?): Một Chút Dối Già.

Nói “trình bạn hữu“ có nghĩa là sách chỉ dùng tặng thân hữu, không bán ra cho công chúng độc giả bên ngòai. Như lời tác giả cho biết, ngay cái tên của sách “Một Chút Dối Già“, đã mang tính cách riêng tư, không thuộc về công chúng. Tại sao khi những gì ông viết đã đến với rộng rãi công chúng, nay gom thành sách, ông lại không cho công chúng yêu sách có dịp trang trọng xếp nó vào tủ sách gia đình? Hỏi thì hỏi thế thôi, chứ nhìn vào tình hình xuất bản sách báo trong thời đại điện tử hiện nay, hẳn mỗi người đều đã có câu trả lời cho riêng mình.

Nhưng, có lẽ, đôi ghi nhận của Trần Ngọc Tự, người bạn láng giềng, bạn chữ, bạn rượu, bạn trà với Ngộ Không cũng giúp chúng ta hiểu được chính xác hơn:

“ . . . Thật lòng, tôi đã lúng túng khi dùng chữ Tập văn để gọi tên “Một chút dối già”. Người thực hiện, như tính cách quen thuộc rất riêng của mình,vẫn luôn khiêm hạ và kín nhẽ, nên nơi Tập văn này, không thể tìm thấy các điều thường có như nơi những quyển sách khác. Không lời đề tựa, không giới thiệu thể loại, không mang danh nhà xuất bản nào,cho dù chỉ là có để mà có. Không cả những con số về “phí ấn loát” nơi góc trang cuối cùng, chữ dùng tế nhị thay cho giá bán, hay một chi tiết gì đó cho biết việc liên lạc với người thực hiện ra sao. Một tập văn hình thành với tất cả sự chăm chút say mê và háo hức trẻ thơ, nhưng lại là điều khó hiểu cho người đọc chưa quen nào đó nơi lần đầu có thể tình cờ bắt gặp.

Đơn giản, đây chỉ là” Một chút dối già”, một tập văn với số luợng in có giới hạn mà chi phí cấu véo từ khoản tiền hưu hàng tháng, làm món quà chữ nghĩa và mang theo trọn vẹn tâm nguyện của thân tình quý mến để gửi đến bằng hữu cùng bạn chữ nghĩa đây đó như chút kỷ niệm trong những dịp tha hương ngộ đồng môn hay khi vui chén hạnh ngộ lại say thêm cả câu văn con chữ. Xin đừng nghĩ rằng tập văn này như thể là một thứ thông hành để người làm ra nó đi vào chiếu chữ, văn trường. Tôi đoan chắc bạn mình chẳng bao giờ bận tâm về điều này và sẽ được người yêu mến hiểu hơn qua những dòng bộc bạch nơi mỗi đầu tập. Vả lại, với những bài viết đã đăng tải hay xuất hiện đây đó từ những tháng năm qua,và đã nhận được sự đón nhận mến mộ của ít nhiều ngưòi đọc, phải chăng vô hình trung Ngộ Không Phí Ngọc Hùng cũng đã có một chỗ ngồi ở đâu đấy rồi, dù thật lặng lẽ khiêm tốn.. . “ ( Ngọc Tự – Có lão vừa dối già)

Qua “Một Chút Dối già“, Ngộ Không chính thức giải thích lý do mười năm ăn nằm với chữ của mình trong “Đôi Lời Bộc Bạch“ mở đầu tập sách:

“Qua bài viết đầu Bản lai diện mục ký trong tuyển tập những bài viết này, người viết đã mạo muội giải bày là chuyện viết lách như nghiệp dư vào cái tuổi có hơi trễ nải. Vào cái lúc những người khác đã bẻ bút cáo lão về hưu, thì người viết lực đực với cái bàn gõ và gõ lóc cóc…Chẳng phải là nhà văn, nên không dây dưa với câu hỏi cùm nụm cùm nựu viết cho ai? Viết để làm gì? Thú thực một điều là viết cho nhân sinh quý thích chí, để tiêu pha thì giờ vì không viết thì không biết làm gì. Một ngày như mọi ngày, tay cà phê, tay thuốc lá, ngồi thuốc cù rũ đằng góc vườn, trong bóng tối đợi nắng lên, nắng lan man leo lên đụn cây, nắng lặng lờ bò xuống thảm cỏ để người viết có thêm một ngày…viết để dối già.

Nhằm vào cái tuổi lá xanh lá vàng, dài người gối đầu trên gía sách sách thấy mọt ăn giấy cũng phí của giời. Tự nghĩ, đầu chỏ xuống cuống trở lên chỉ là người viết chữ, thế nên cũng muốn nhai văn nhá chữ trên giấy trắng mực đen những góp nhặt sỏi đá của mình. Vì vậy mới có chuyện tỉ tê với chữ nghĩa này nọ qua bài viết này kia. Rất ngay tình với bạn đọc, tất cả những câu đọng chữ thừa chỉ là vay mượn của những tác giả đi trước, đơn thuần chỉ là sao chép đến cô đọng và chẳng triển khai gì nhiều. Nếu có thêm bớt, không ngoài đẽo câu gọt chữ để chữ nghĩa nhếch nhác có một chút nào ngắn gọn và trong sáng hơn thì lại đâm ra…rối mù. . . “.(Ngộ Không – Đôi lời bộc bạch).

Để mở đầu tập 2 của quyển sách, ông khiêm tốn viết thêm:

“ . . . Như đã thưa gửi, người viết không là nhà văn, nhà biên khảo mà chỉ là người…viết chữ. Mà viết chữ nào có khác gì mõ làng. Vì thấy giấy trống trong tuyển tập có hơi trống trải…với ngày trời tháng Bụt nên gõ mõ vậy thôi.. . “(Ngộ Không – lại bộc bạch nữa).

“Một Chút Dối Già” gồm tổng cộng 40 bài viết với nội dung “Thôi thì đủ cả, từ chữ nghĩa văn chương thơ phú, văn học sử, danh nhân, sử sách, đồ cổ đồ xưa, rượu chè ăn chơi, trà đàm trà đạo, cà phê cà pháo,triết lý,lý luận tu đạo,thiền môn cửa Phật, kỷ niệm yêu đương mộng mơ, hò hẹn ái tình, bạn hữu,anh em họ hàng…(Ngọc Tự – Có lão vừa dối già).

Một số bài trong “Một Chút Dối Già“ đã được đăng tải trên T.Vấn & Bạn Hữu và đã lôi cuốn được sự chú ý của độc giả nhờ vào bút pháp rất “Ngộ Không” của tác giả. Rồi đây trong tương lai, với sự chấp thuận của tác giả, TV&BH sẽ lần lượt giới thiệu tòan bộ nội dung của “Một Chút Dối Già“ đến bạn đọc khắp nơi, từ trong nước ra đến hải ngọai, để bù lại việc tác phẩm đã không được phổ biến rộng rãi như mong mỏi.

Cũng nhân dịp này, để mừng nhà văn Ngộ Không Phí Ngọc Hùng đã có một chút để dối già, T.Vấn & Bạn Hữu trân trọng giới thiệu lọat bài viết về Ngộ Không của các thân hữu vốn vừa là bằng hữu của nhà văn, vừa là người yêu chữ nghĩa của ông: Ngọc Tự với “Có lão vừa dối già . . .“, Lưu Na với bài viết còn đang trong giai đọan hòan chỉnh.

Và T.Vấn – người tự nhận là độc giả đọc Ngộ Không nhiều nhất và kỹ nhất – với lọat bài gồm 5 phần:

Bài Một – Ngộ Không – lão Điên Chữ

Bài Hai – Ngộ Không – (Gã) Thiền Giả

Bài Ba – Ngộ Không – Văn tức Người- Ông già Bắc “cực kỳ”

Bài Bốn – Ngộ Không – Gã biết chữ

Bài Năm – Ngộ Không – Một Chút Dối Già

Tất cả sẽ lần lượt gởi đến độc giả và nhà văn Ngộ Không, như một lời cám ơn chân thành nhất dành cho sự hết lòng với chữ nghĩa của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.

Xét cho cùng, ông xứng đáng được nhận sự quan tâm ấy của độc giả.

T.Vấn & Bạn Hữu

Ngày 3 tháng 8 năm 2013

©T.Vấn 2013

Phụ Lục :

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Một Chút Dối Già

Đôi lời bộc bạch,

Qua bài viết đầu Bản lai diện mục ký trong tuyển tập những bài viết này, người viết đã mạo muội giải bày là chuyện viết lách như nghiệp dư vào cái tuổi có hơi trễ nải. Vào cái lúc những người khác đã bẻ bút cáo lão về hưu, thì người viết lực đực với cái bàn gõ và gõ lóc cóc…Chẳng phải là nhà văn, nên không dây dưa với câu hỏi cùm nụm cùm nựu viết cho ai? Viết để làm gì? Thú thực một điều là viết cho nhân sinh quý thích chí, để tiêu pha thì giờ vì không viết thì không biết làm gì. Một ngày như mọi ngày, tay cà phê, tay thuốc lá, ngồi thuốc cù rũ đằng góc vườn, trong bóng tối đợi nắng lên, nắng lan man leo lên đụn cây, nắng lặng lờ bò xuống thảm cỏ để người viết có thêm một ngày…viết để dối già.

Nhằm vào cái tuổi lá xanh lá vàng, dài người gối đầu trên gía sách sách thấy mọt ăn giấy cũng phí của giời. Tự nghĩ, đầu chỏ xuống cuống trở lên chỉ là người viết chữ, thế nên cũng muốn nhai văn nhá chữ trên giấy trắng mực đen những góp nhặt sỏi đá của mình. Vì vậy mới có chuyện tỉ tê với chữ nghĩa này nọ qua bài viết này kia. Rất ngay tình với bạn đọc, tất cả những câu đọng chữ thừa chỉ là vay mượn của những tác giả đi trước, đơn thuần chỉ là sao chép đến cô đọng và chẳng triển khai gì nhiều. Nếu có thêm bớt, không ngoài đẽo câu gọt chữ để chữ nghĩa nhếch nhác có một chút nào ngắn gọn và trong sáng hơn thì lại đâm ra…rối mù.

Với những tác giả thành danh trên, ngày là lá tháng là mây, vô hình chung cách viết của người viết như sung rụng rơi tõm vào cái được gọi là nền văn chương của sự phong dật/đạo văn. Tạm hiểu là người viết khủng khẳng cọ đít nồi chữ nghĩa lỗ mỗ lơ ngơ bằng vào vay mượn nhiều phần mảnh rút ra từ/hoặc được bắt chước từ/nhiều tác phẩm khác nhau. Người viết bèn ”sáng tạo” bằng cách nhặt nhạnh những mảnh văn bản đã có sẵn ấy, đi với tranh vẽ, ảnh nghệ thuật và lắp ghép lại thành bài viết theo kiểu người ta làm tranh khảm men sành đủ mầu sắc gắn trên tường đền đài Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là truyện không cần có truyện, từ đó làm nẩy sinh hiện tượng truyện-trong-truyện. Vô tình người viết quơ cào được một mảng chữ nghĩa…”siêu hư cấu” từ việc trích dẫn, việc sử dụng nhiều loại văn bản phi-văn chương, có vẻ như vô lý và phi thực. Truyện-trong-truyện khác với lối viết truyện truyền thống như kể chuyện mạch lạc trong cốt truyện, và sự hợp lý trong tình tiết.

Ấy vậy mà người viết không hay, cứ đắp chữ vá câu, vá chằng vá chịt như váy đùm, váy đụp. Đúng là bị giời đày, để rồi ngồi trước máy vi tính, chưa đụng tới cái bàn gõ, như mắc bệnh ngộ chữ kiểu hồn vía con chữ đang bay lượn tung tóe đâu đó mà chưa thấy hình hài chưa nhập vào. Bệnh ngộ chữ là bệnh từ ám, là con chữ quằn quại trong đầu nên nhìn đâu thấy hình dáng con chữ ngọ nguậy. Như bị bệnh giời bò với con chữ…bò tới ngón tay, những ngón tay ngứa ngáy súi bẩy con chữ nhập hồn vào người viết là coi như…”thăng” đến chiều khi nhớ rượu, thuốc lá mới thôi.

Thế là người viết nhập hồn nhập vía cùng ngày trời tháng Bụt, khi trưa phơi sách khi chiều tưới cây, trong cõi mụ mị gõ chữ như mõ sớm chuông chiều từng dấu phẩy, dấu chấm, để cho ngòi bút đẩy đưa như bèo dạt nổi trôi về…một bến cô liêu.

***

Mươi năm sau, chiều đến, cũng ở chỗ ngồi cũ, tay điếu thuốc, tay ly rượu, người viết ngồi rị mọ đọc lại dăm trang sách cũ vàng ố có tựa đề Một chút để dối già để tìm thời gian đã mất. Cho đến lúc bóng ngả đường chiều phủ lên vườn nhà, nắng quái chiều hôm chụp xuống cái tuổi lá xanh lá vàng. Người viết nhẹ dần theo mây khói với ngày qua tháng lại, không còn biết mình đang ngồi đây hay là mây đang bay trên trời cao trong những ngày nhạt nắng…

Nay xin thưa.

Phí Ngọc Hùng

clip_image004

Thân tặng Phí Ngọc Hùng

Phú quý công danh cũng chẳng màng

Điền viên một thú Trúc gia trang

Trà sớm rượu trưa chiều bạn cũ

Một áng văn hay đợi đêm sang

(Tranh, thơ Qui Đàm)

Lại bộc bạch nữa,

Thì cứ cho là chuyện thật đi…Chuyện là một ngày có bạn phương xa tới thăm, bèn khoe bạn một mẩu chuyện vừa đọc trên báo: “Hồi nhỏ, lúc chúng tôi khoảng ba tuổi, mỗi lần vú chúng tôi muốn dỗ chúng tôi nín khóc thường bảo: Ngày mai, ngày mốt, ngày kia, ngày kía, ngày kỉa, ngày kịa, ngày kìa, vú sẽ mua cho con một con mèo bé …cón cỏn còn con. Vú tôi nhà quê đặc, không biết đọc, không biết viết nhưng rất nằm lòng về thanh điệu của tiếng Việt để làm tăng dần khoảng cách giữa thời điểm này với thời điểm khác. Bây giờ thử tìm trong các từ điển, nhiều nhất tôi chỉ thấy được ba từ mà thôi: kia, kìa, kỉa. Còn cón cỏn còn con thì theo tuổi tác héo hẻo hẽo hẹo hèo heo tôi tìm không ra.

Nghe vậy, sau đó anh bạn gửi cho người viết một quyển truyện dài có rất nhiều chữ của các cụ ta xưa nay gần như tàn lụi.

Từ đấy, người viết lậm với chữ Việt cổ với một nhớ hai quên.

Chưa hết, bạn già tặng một “cái nồi” đất cổ mà bạn già gọi là “Hán bản địa”. Mười năm sau thấy chữ nho phong sĩ khí “Hán bản địa” không đúng lắm. Nhưng người viết vẫn giữ “cái nồi”. Thêm già với trẻ. Trộm thấy trong sách: Nam là con trai. Trên chữ “nam”, nếu có chữ “ba” tức phong ba bão táp thì được gọi là…”ông già”.

Từ đó, người viết lân la làm quen với chi, hồ, giả, dã.

Như đã thưa gửi, người viết không là nhà văn, nhà biên khảo mà chỉ là người…viết chữ. Mà viết chữ nào có khác gì mõ làng. Vì thấy giấy trống trong tuyển tập có hơi trống trải…với ngày trời tháng Bụt nên gõ mõ vậy thôi. Thôi thì cứ theo như một cụ cổ lão cách đây cả nghìn năm mây bay đã “ngoại truyện” rằng: “Nước ta thiếu sử sách biên khảo, mà đều do truyền văn. Sao chép có phần phiền tạp, chỉ làm lọan mắt. Phần ngoại truyện đây không dám rong ruổi để làm chuyện chắp vá thảng có hay hoặc dở, nhưng may ra cũng có thể giúp ích phần nào cho người sau”.

Học người muôn năm cũ, với chữ nghĩa…tàn lụn chắp vá ở phần ngoại truyện này chỉ như gà què ăn quẩn cối xay quanh quẩn đâu đó qua những bài viết của người viết. Chỉ có vậy và không dám rong ruổi xa hơn. Thảng như có phiền tạp hay loạn mắt bạn đọc cũng không ngoài ý muốn của người góp nhặt chữ nghĩa.

Xin bạn đọc niệm tình tha thứ cho, nay xin thưa.

Phí Ngọc Hùng

Bìa Sau

Về gốc gác và cơ ngơi thổ quán của người viết, lượm lặt qua truyện ngắn Cây gậy tre rút đất thì Phí lão là người quên cả họ và tên, quan tước, làng mạc, hồ đồ mình không biết mình là ai nữa. Phi lão làm quan nhỏ ba mươi tư năm, nay lui về đất Hiu Tân mà ở ẩn. Nhà ba phòng, chốn tây viên có ao sen, nhăm bụi trúc.

Tuổi mới chớm già, chưa đến nỗi lẩm cẩm. Người không có tướng lại có tính, tính thích rượu, văn phú. Ngoài sự đó, đem lòng mộ đạo Bụt vì rằng: Như Bụt đã dậy, người ta say vì…uống rượu. Mượn cớ sự ấy, Phí lão nhắc vò rót rượu, uống vài chén cho say tít cù lỳ. Say rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại viết, viết rồi lại uống, uống rồi lại say, say với viết cứ lẩn thẩn mà theo nhau. Bởi thế mà coi cuộc đời như giấc mộng, coi phú quý như đám mây bay, chớp mắt trăm năm, lúc nào cũng li bì mờ mịt, không biết cái già nó đã theo đến. Phí lão tuổi Giáp Thân, nay bẩy mươi, râu đã bạc, đầu hói nửa mảng, răng khuyết bốn chiếc, mà cái vui tửu lượng vẫn chưa suy.

Tiện nội thấy uống nhiều quá bèn ngăn can. Chẳng bận lòng, Phí lão ra ao tắm. Vào nhà khăn đóng áo dài, đứng trước bàn thờ hú lên rằng: Trời đất sinh ra rượu với văn, không văn không rượu sống như thừa. Khấn xong, ra bảo vợ nhà: “Thì như bà biết đấy, ta xưa nay chuyên lo mài dũa ngôn từ, chuyên công làm văn, tuổi xanh làm phú, đầu bạc tụng kinh. Nếu bỏ cái nhân sinh quý thích chí của ta thì còn gì ra cái hồn người, lấy gì mà mua vui lúc tuổi già cám cảnh đây!”. Đoạn tiếp mà rằng: “Ta từ nay về trước sướng rồi, còn từ nay về sau chưa biết vui thế nào! Thịt chó ta ăn đã mòn răng, đất sinh cỏ già sinh tật, tật là có chút hơi men, tí thịt chó ta lại hay ủng oẳng. Nay để gia cang trên thuận dưới hòa, bà đi chợ thửa cút rượu và làm cho ta đĩa tiết canh vịt được chăng?”.

clip_image006

Thạch trúc gia trang

Lập xuân, Giáp Ngọ 2014

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Bài Mới Nhất
Search