T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: TỪ CHÀNG IN SÁCH

clip_image002

(về Một Chút Dối Già của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng)

Tôi sướng mê tơi được chàng tặng một cuốn.

Sách đến một buổi trưa nắng gắt, giở ra mà mát cả lòng. Trình bày đẹp, phông chữ hình ảnh và màu nền rất êm ả cân đối, và đặc biệt, rất riêng, riêng của một mình chàng vì nó không giống ai mà cũng không lạ với ai đã từng bè bạn với chàng: cái khuyên tròn vàng thi vị thiền, cái hình sư cụ hay Tôn Hành Giả ngự ở Vườn Nhà xanh tươi màu lá chính chàng chăm bón sáng gõ chữ chiều tưới cây… Riêng bức hình, theo khẩu vị của tôi thì nó hơi thiếu sắc nét, không biết có phải độ phân giải (resolution) hơi thấp. Mở bên trong, tên người nhận được nắn nót, với chữ ký và triện son của tác giả. Tôi bật cười và thấy thương chàng hết sức, thương cái tỉ mỉ, cái ngông, cái chơi cho rõ mặt cho đời biết tay của chàng. Nhân sinh quí thích chí _ rõ ràng chàng rất hứng thú và tận tình cùng chữ nghĩa.

Chàng khiêm tốn phân trần chuyện viết lách chỉ là góp nhặt dông dài mà tôi nghe chừng cái nỗi tha thiết nó trì triết vào mỗi lời chàng bộc bạch. Có bài nào là bài viết dối viết qua trang, có bài nào mà không chuyên chở một tấn những là tâm tư cùng với ba điều bốn chuyện _ chữ của người xưa việc của người nay _ thu góp cẩn thận tỉ mỉ.

Nhưng tôi chỉ đọc nhảy cóc bài nọ bài kia, vì đã đọc qua một số bài trước khi chàng gom vào tập. Người xưa có nói giang sơn dễ đổi bản tính khó dời, Chàng Phí vẫn vang giọng Bắc kỳ thuốc lào, vẫn cùm nụm cừu nượu với chữ với lời, vẫn phát ngôn văng mạng và rối ren với những ví von bỗ bã bên những dấu chấm câu đôi lúc hơi bất ngờ. Chàng vẫn chua ngoa cà tửng, ngu ngơ mà uyên bác, vụng về mà tinh ranh ma mãnh. Chàng vẫn là Chàng Phí Ngẩn Ngơ, nhưng phải nói, nơi Một Chút Dối Già chàng hiện nguyên hình Tề thiên với 72 phép thần thông biến hóa, sức tưởng tượng thật phong phú và tài cà khịa cũng cao cường. Nói lòng người, những dạ trăng hoa những lòng lừa lọc dối lòng những lắt léo bể dâu chàng viết cũng suông, mà nói chữ của người xưa với những là văn bản dị bản, với cổ vật cổ sử thì chàng cũng không kém phần tinh tế. Không những đã chịu khó tìm tòi thu thập mà còn nghiên cứu rất cẩn thận, đọc với đầu óc của riêng mình. Nghe chàng hỏi cái câu gì đó, chỗ một hoàng tử Lý vượt biên qua Đại hàn tị nạn, đã gồng gánh bồng bế lên thuyền vượt biên mà còn tha theo được cái chuông to đùng nặng trịch, hoặc đã không còn nói suông tiếng mẹ đẻ mà hát được 30 điệu quan họ vân vân… thì cũng phải cười thôi. Qua đến chỗ nói dóc, nói vỗ vào mặt, nói chuyện liêu trai, chàng bịa cũng không thua ai, và nói chuyện ái tình ướt át hình như chàng cũng đúng mực phong lưu chứ đâu có già mà dối (Tình Gác Chân Mây, Như Một Chuyện Tình)?

Có lẽ tôi ưng nhất là những bài tùy bút, nơi những lời bàn hươu tán vượn của chàng được rộng chỗ tung hoành, cái sự cà tửng duyên dáng thông minh được tha hồ phơi mở, cái viết gieo được niềm vui, nỗi bùi ngùi, thích thú, và đạt được sự đồng cảm dễ dàng hơn, như Những Chiếc Nón Cối (NCNC), Phở Thiên Biên ký sự, Gã Thiền Giả. Chữ, chàng không dừng ở những chữ xưa tôi chưa nghe qua mà còn bịa thêm, như “…Đến tơm tởm đêm…” (Nửa Vách Đèn Tàn). Tơm tởm đêm là sao? Mặc kệ, nghe nó là lạ như “lực đực” của Trần Dần, nghĩa là nó gợi cho mình ý này: đêm vừa chớm với nỗi nhờm gớm muộn phiền, gợi, nghĩa là phe ta _ phe đọc sách, tha hồ sáng tác phụ vào đấy, tự tìm cho mình một ý, hiểu cho mình một cách. Lời, chàng không dừng ở chỗ chua ngoa của mấy mụ nhà quê mà tiến tới chỗ rất “sang”: “cầm c. cho chó đái,” khóc hay cười tùy tai người đọc. Có nhiều câu tôi chưa bao giờ nghe qua mà không dám hỏi, những câu tục…ngữ (hay phương ngữ hay cách nói nhà quê?) không cần hiểu cũng có thể cười liền, cười rung giường trong đêm vắng, cười để bị mắng là khùng. Chàng nói văng mạng, tung hê mọi sự.

Tính cách mới mẻ và đột ngột trong cái viết của chàng Phí tụ lại ở cái kết của NCNC, nhưng rồi sao, rồi vẫn ngậm ngùi:

Vậy mà mới hôm nào đây, tôi đã gặp họ bên dòng sông quê tôi, trong một ngày không nắng cũng chẳng mưa, con sông mát rượi, mặt nước dập dờn như gợn sóng, qua kè đá phủ rêu xanh trơn trợt, ở đấy, tôi bắt gặp những dấu chân rất người. (NCNC).

Nghĩa là, Tề Thiên Đại Thánh vẫn phải lộ nguyên hình sau những lúc hô biến thần thông mà chịu nỗi buồn nhân thế, tủi và đau trong cộng nghiệp của người miền Nam: Các anh đánh đâu thắng đó, từ Điện Biên Phủ đến Ban Mê Thuột. Nhưng rất tiếc, nghề di tản chiến thuật là nghề của chúng tôi, chúng tôi là… bậc thầy. A ha, chàng Phí, cái ngông nghênh vui vẻ cái lưu manh ma mãnh không chừa một ai, chàng chua chát với cả chính mình!!!!

Chàng thật ngông mà cũng thật thiết tha, vì vậy đọc chàng khó thể đọc dối, và cũng vì vậy mà không thể một lèo đọc 600 trang mà không xây xẩm mặt mày. Cho nên tôi ngờ rằng chàng cũng đã bao biện tỉ mỉ, để cứ sau vài ba bài viết xây xẩm mặt mày thì lại một trang Chữ Nghĩa Làng Văn nhè nhẹ, cái kiểu ăn kem cho sạch palate trước khi qua món khác trong những đại tiệc nhiều món. Nghĩa là, không chỉ xào nấu sáng tác, chàng đã tự làm thực đơn chữ nghĩa, nấu nướng, bày biện bàn tiệc, và kiêm luôn chuyện phục vụ.

Nối với một tùy bút hay truyện sẽ là một sưu khảo mà không ai bị khảo, không ai bị tra tấn vì chàng đã lồng tài liệu vào một chuyện như liêu trai như dị sử. Tôi thật thích “Bà Huyện Thanh Quanh tân biên cổ sự.” Cách viết này tôi cho là rất mới, khi lấy cái bịa huyền ảo để làm nhẹ cái nghiêm túc sưu tra, lấy cái giả mơ hồ để hỏi cái thực rằng có đúng vậy hay chăng. Ở những bài có tính cách khảo, như Khảo Nan Khảo Dị, chàng đã khéo dùng cái tưởng tượng của chàng để trao chút lòng trân quí hoài niệm chữ nghĩa, ngay trong cái chơi phơi lộ cái nghiêm cẩn đổ mồ hôi sôi máu mắt để tìm cho ra lẽ thật.

Và tới chỗ này thì tôi phải tự hỏi, hết 600 trang rồi sẽ là gì nữa? Nơi Một Chút Dối Già, sức viết của Ngộ Không dường như bất tận, tôi không ngờ gì nếu chàng hô còn nhiều chút nữa để dối. Nhưng tôi mong rằng 72 chiêu biến hóa của Tề Thiên sẽ tạo ra được một Ngũ Hành Sơn mới cho chính chàng vượt qua, vì tôi không ước lượng được văn phong cà tửng ấy có tạo ra được nhân vật tự sống trong một tiểu thuyết dài hơi, và tôi cũng không biết chàng còn sân nào để chơi, sau sân truyện trong truyện, tùy bút tạp bút, khảo mà không khảo, tân liêu trai, collage những khuôn mặt “nhân văn” như Hoàng Cầm, phóng sự diễu về những nhà văn trường viết văn…

Nhưng gì cũng được, miễn lần tới chàng cho tôi xin thêm 2 tờ giấy trắng và 1 cái võng. Giấy, tờ trước bìa sau tờ sau bìa trước cho chữ khỏi tràn bờ. Võng, để dưới tàn cây tôi được thong thả đong đưa chầm chậm từ từ mà cười với những dòng chữ của chàng.

Lưu Na

08/05/2013

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search