T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ngộ Không (bài Hai)- (Gã) Thiền Giả

clip_image002

Chúng ta đã ngờ rằng Ngộ Không, có nghĩa là không ngộ.

Nói đến ngộ, người ta thường liên tưởng đến các hành gỉa ngồi Thiền. Trong nỗ lực đi tìm cái “bản lai diện mục” đích thực của Ngộ Không, người đã trải suốt mười năm ngồi gõ máy tòan thời gian, tích lũy trong nhà mình mấy ngàn trang sách kết quả từ việc “gõ máy” đó, chúng ta không thể không đọc lại một trong những tác phẩm mang đậm dấu ấn Ngộ Không, người pha trộn tuyệt vời giữa cái thật và giả (đặc biệt là khả năng biến Thật thành Giả của ông), giữa cõi tục ô trược và cõi tiên tao nhã, giữa cái bỗ bã của nhà quê và nét quý phái của sự hiểu biết.

Tôi muốn nhắc đến truyện ngắn Gã Thiền Giả, một “truyện ở trong truyện” mà cũng là “truyện không truyện” mà Ngộ Không đã nhấn mạnh trong những lần có dịp bộc bạch về những tác phẩm của mình.

Tháng 5 năm 2011, khi giới thiệu Gã Thiền Giả trên T.Vấn & Bạn Hữu, tôi đã có đôi “Lời Bàn của Kim Quỷ Thán” như sau:

Trước khi vào truyện:

Hôm cuối tuần, chén chú chén anh với một người bạn cùng nhau trải qua nhiều trại tù mấy mươi năm về trước, tôi hỏi anh lúc này có còn “thiền” nữa không. Một tràng cười sặc sụa trước khi có câu trả lời: Thiền gì nữa, giờ chỉ còn “ghe ” thôi! (Một lối chơi chữ theo giọng phát âm miền Nam. Chữ Thiền và Thuyền phát âm nghe mài mại giống nhau. Còn Ghe cũng là tên chỉ chiếc thuyền, đồng thời cũng là tiếng lóng – như hĩm, đồ . . . – chỉ cái nơi sâu kín của người đàn bà đã từng chôn vùi bao nhiêu những anh hùng hảo hán trong thiên hạ.)

Câu chuyện được miên man cùng với hơi men trở về những ngày đói khát năm nào. Thuở ấy, để chống đói, nhiều người chọn con đường “vô vi”, tức không làm gì hết, giới hạn tối đa những cử động, kể cả nói, cười, hầu “bảo tòan năng lượng” của cơ thể. Một trong những cách “vô vi ” là ngồi “thiền”. Vừa giữ cho cơ thế ít tiêu hao năng lượng, vừa tập trung tâm não vào cái bụng (vốn lúc nào cũng rỗng) hầu tránh cho cái đói thường dẫn dắt tâm não đi thăm viếng những “nhà hàng đầy ụ thức ăn”, một lối ăn hàm thụ chỉ khiến “tình hình” thêm tồi tệ mà thôi.

Hàng đêm, sau giờ điểm danh cuối cùng trong ngày của cai tù, tất cả bọn “cải tạo” chúng tôi bị nhốt vào trong buồng giam, bên ngòai cửa đã khóa lại bằng những cái khóa to tướng.

Đây là lúc các Thiền Gỉa ngồi “thiền”. Giường trên, giường dưới, ai cũng lẳng lặng ngồi xếp bằng tròn, hai tay để trước bụng, mắt nhắm nghiền , chìm hồn vào những cơn mộng về với quê nhà, có bữa cơm chiều nghi ngút khói, có vợ hiền, có con ngoan đang chờ đợi.

Theo ngôn ngữ của Ngộ Không, tác giả truyện ngắn “Gã Thiền Gỉa” dưới đây, trường hợp “tu thiền” nói trên của anh em chúng tôi thuở ấy có thể gọi là “thiền chướng”.

Giờ đây, no cơm thì . . . ấm cật nơi xứ người, câu chuyện “thiền” năm xưa đã được anh bạn từng “tu thiền” tuyên bố hết rồi, vì lúc này anh chỉ “tu ghe (tức thuyền) ” thôi.

Đói tán ăn. No tán địt. Thuở ấy đói, nên lúc nào cũng nghĩ đến cái ăn. Bây giờ no, cũng có những “vấn nạn” của cái no. Con người mà, chứ có phải “Phật” đâu mà có thể vượt lên trên những cái “người” ấy!

Chỉ lạ một điều là ông Ngộ Không viết truyện ngắn “Gã Thiền Giả” mà tôi đọc được đúng vào lúc câu chuyện “Thuyền Ghe” năm xưa cũng vừa được gợi nhớ lại.

Ngộ cả ở cái cách ông Ngộ đặt tên tác phẩm của mình. Gã Thiền Gỉa. Thiền Giả là người tu thiền, cần gì chữ Gã đầy mỉa mai đặt ở phía trước?

Hay đây là một công án thiền mà đầu óc “đầy ghe” của tôi không “ngộ” ra được?

Hay ông Ngộ (tức ngộ) muốn chơi chữ “giả thiệt” chăng?

Có lẽ, tôi ngưng ở đây để người đọc có thể bước vào thế giới “thiền chướng” của ông Ngộ K(k)hông Phí Ngọc Hùng, một thế giới mà người mang cái tâm tĩnh vào sẽ bị động, mang cái tâm động vào sẽ động hơn, mang cái tâm không tĩnh không động vào thì cũng giống như người bước đi trên một con đường.

Tôi được khai ngộ đâu đó rằng: Đường tức là đạo.

T.Vấn

Tháng 5 năm 2011 . . “

Như thế thì tôi muốn ám chỉ điều gì, thưa bạn đọc? (chữ này tôi bắt chước Ngộ Không mỗi khi ông định bộc bạch một điều gì).

Ngộ Không là bậc thầy về lộng Chân thành Giả (xin nhớ cho, không phải lộng Giả thành Chân).

Cái (gã) thiền giả – bạn ông – nhân vật trong truyện này là một vật bung xung để ông bày tỏ sự khó chịu trước những

“. . . Gã suốt ngày với dăm khoẻn chữ lỗ mỗ lơ ngơ, sáo mòn vô nghĩa, từ ngữ ta bà sáo rỗng phù vân, phù thế, hư ảo, hư vô. Cái gì cũng “hư”, cái gì cũng “vô”, cái gì cũng “phù”. Gã như con bò nhai lại những xác chữ bã mủn một cách…cực kỳ kinh khóai.. . (Ngộ Không – Gã Thiền Giả)

Người ta thiền, là để tìm cho mình một sự giải thóat. Cũng như người ta (ông) viết là để tìm sự giải thóat trong thế giới chữ nghĩa. Thế mà bạn ông cứ nhai lại những xác chữ bã mủn. Nói cách khác, ông đến với chữ nghĩa bằng một ý thức sáng tạo triệt để, cho dù những gì ông tưởng là sáng tạo lại cũng chỉ là những điều mà người đi trước, người cùng thời, nhắc đến . . . từ khuya rồi. Nhưng sáng tạo (hay công việc đắp chữ vá câu? cái ông Ngộ Không này đến là rối rắm!) phải là đích ngắm đầu tiên và tuyệt đối cho ông, người ngủ với cái bàn máy (chứ không phải . . . vợ). Ông mỉa mai bạn mình với chữ “gã” to tướng trước danh xưng “thiền giả”.

Một lần nữa, tôi lại xin cảnh giác người đọc: Ngộ Không Có biệt tài lộng Chân thành Giả.

Trong lúc chúng ta đang thích thú theo dõi những lời ngoa ngắt của tác giả về chuyện “thiền chướng” của anh bạn mình thì bỗng bật ngửa:

“ . . . Tôi giận gã, nhiều khi phát chán, rồi lại không chán, lại chán, rồi lại không chán. Tôi không bao giờ giận lâu cho được. Tôi cạch mặt gã mấy ngày, gã dửng dưng, tôi sợ mất gã như nhện sợ mất bọc trứng. Vì là bạn gã, tôi hiểu lơ mơ thiền gồm có ngôn ngữ bí ẩn, thái độ kỳ quặc của mấy ông thiền sư khi được vấn đạo. Ông chỉ giản dị nói ra những gì ông thấy và cảm nhận lúc đó. Để người hỏi nhức nhối thêm. Và nếu người hỏi không điên cái đầu là…ngộ, là đạt. Gã như thế đó…Tôi như vậy đấy… Dường như như vậy. Vì vậy tôi mới động não động tình có bài viết này, thưa bạn đọc. Và bạn đọc đừng rỗi hơi hỏi…’’Tôi là ai ?’’. Vì chuyện đâu hãy còn đó.

Chuyện là như trên vừa kể lể, gã viết báo chùa và lấy bút hiệu là…Ngộ Không. Chẳng qua là gã hủ nho, khủng khỉnh cọ đít nồi nhóp nhép được ba chữ chi, hồ, giả, dã. Nếu bạn đọc hỏi nghĩa gì, gã được thể nhang thơm đèn thắp, cảo mực đề văn, nuốt câu bớt chữ, thêm dấm thêm tương dăm văn tự án, gia sản một mẻ ngôn từ như sau: Đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, bất nghi bất ngộ. Ngòai trời bắt đầu mưa lâm râm, tôi nguôi ngoai vì nghe rõ tiếng mưa rơi. Gã nói có mưa đấy, bộ mày không thấy mưa cũng theo nhau về đây đó sao? Có mưa theo nhau, sao mày không theo tao? Thời buổi này mà không theo thiền thì lỗi thời quá đi! Ấy đấy, gã điên thế đấy! Khỉ! Tôi không để ý lời gã nói. Ngoài kia trời vẫn mưa hiu hắt…(Ngộ Không – Gã Thiền Giả).

Té ra “gã”, anh chàng “thiền giả” giả, lại chính là Ngộ Không. Hãy gạch đít: gã viết báo chùa và lấy bút hiệu là…Ngộ Không.

Cái lối tự trào, vừa buồn cười vừa cay đắng này, khẳng định rằng ông viết không phải để . . . mưu sinh. Viết báo chùa mà lị! Càng khẳng định sự thất bại trong nỗ lực sáng tạo của mình. Sáng tạo gì với khả năng chỉ biết “nuốt câu bớt chữ, thêm dấm thêm tương dăm văn tự án . . . (thế chẳng phải là đắp chữ vá câu thì gọi là gì?)” . Cũng như lối “thiền chướng” chẳng hề đem đến sự giải thóat, việc thất bại trong nỗ lực sáng tạo cũng không phải là kinh nghiệm dễ chịu.

Mười năm ăn ngủ với chữ nghĩa, đây là những khỏanh khắc thật cay đắng. Giống như người lúc nào cũng hết lòng với tình nhân, bỗng một hôm khám phá ra hắn (chàng, nàng) chẳng mảy may quan tâm gì đến mình. Nhưng hình như tận đáy lòng ông, vẫn nhen nhúm chút hy vọng. Rằng một ngày nào đó rồi thì mình sẽ được đền bù. Thế nên, trong căn nhà nhỏ ở thành phố Houston, cái “lão điên chữ”, “Gã Thiền Giả” vẫn cứ khọm lưng nhả chữ trên những đầu ngón tay (tôi không quả quyết ông gõ máy với cả 10 ngón hay chỉ hai ngón mổ cò như tôi).

Vấn đề bây giờ, một cách nghiêm túc, chúng ta với tư cách người đọc, sẽ phải ngước mặt lên trời, mà hỏi: To be or not to be? Ngộ Không điên hay không điên? Gã thiền giả hay thiền thật? That is the question.

Thì đây, Ngộ Không trả lời:

“ . . .Giả hay thật. Câu trả lời là có và không. Cũng…có mà cũng…không có. Vật lộn với chữ nghĩa cho lắm tôi nghĩ quẩn về một kiếp lai sinh trong cái vòng lẩn quẩn để chẳng hiểu bản thể của chính mình từ đâu mà có? Và…có hay…không?”(Ngộ Không – Gã Thiền Giả).

Ở trên, trong lời giới thiệu truyện “gã Thiền Giả”, tôi có kể lại câu chuyện (có thật, dĩ nhiên!) về đám tù cải tạo chúng tôi “thiền” trong tù. Sau khi ra tù, thì không còn “thiền” nữa, mà chỉ có “ghe” thôi. Mà “Ghe” thì đối đầu mãnh liệt với “Thiền”. Chuyện này chẳng cần nói hụych tọet ra, ai (nếu không đi tu, nếu  là thiền giả  – tức không phải là thiền thật) đều biết cả. Một bên thì đòi hỏi bao sức lực vận động, thân xác đổ mồi hôi đầm đìa, trước khi đạt tới cảnh giới “vô ngã” (chẳng còn biết trời trăng mây nước gì nữa, chỉ còn biết đọan trường một tiếng kêu trời thất thanh“Oh Yeah!” rất phiền lòng hàng xóm đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi!). Một đằng thì cứ nhắm mắt ngồi đó, không cử động chân tay, lâu ngày chầy tháng riết rồi thì cũng đạt được tới cảnh giới “vô ngã”. Thế thì chẳng phù hợp với lời phán của Ngộ Không “Cũng…có mà cũng…không có” đó sao?

Nhưng tôi phải thú thực một điều, khi buông tay gõ mấy chữ: “Có lẽ, tôi ngưng ở đây để người đọc có thể bước vào thế giới “thiền chướng” của ông Ngộ K(k)hông Phí Ngọc Hùng, một thế giới mà người mang cái tâm tĩnh vào sẽ bị động, mang cái tâm động vào sẽ động hơn, mang cái tâm không tĩnh không động vào thì cũng giống như người bước đi trên một con đường. Tôi được khai ngộ đâu đó rằng: Đường tức là đạo” là lúc Ngộ Không “nhập” vào tôi, chứ cái kiến thức rất “ghe” của tôi thì làm sao viết nổi những câu chữ siêu phàm vốn rất “thiền” như thế.

Cuối cùng, dù được khai ngộ “Đường tức là đạo”, tôi vẫn chưa tìm ra được câu trả lời tương đối “nghe được” về mục đích mà Ngộ Không Phí Ngọc Hùng trải suốt mười năm nay bên cạnh bàn máy và chồng sách thiên kinh vạn quyển của ông. Có nghĩa là chúng ta lại phải đi lại từ đầu với câu hỏi Ngộ KhôngViết cho ai? Viết để làm gì?” mặc dù chính ông đã quát lên “Tôi viết để dối già chứ có để làm quái gì đâu! Chỉ rách việc!”

Có lẽ hay nhất, để khỏi làm . . . rách việc, chúng ta ngưng lại ở đây cuộc truy vấn vô vọng, với niềm an ủi rằng khối người đã từng thất vọng như thế, chứ chẳng phải riêng mình, để dành thì giờ bàn luận đến những khía cạnh khác trong sự nghiệp 10 năm ăn nằm với chữ nghĩa của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.

T.Vấn

Kỳ sau: Ngộ Không (bài 3) – Văn tức Người- Ông già Bắc “cực kỳ”

T.Vấn: Ngộ Không (bài Một)– Lão Điên Chữ

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search