T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Cuộc Nhân sinh . . .

clip_image002

Gởi theo hương hồn một người bạn.

● . . . kiếp này đành gởi nắm xương quê người

Hốt nhiên tỉnh ngộ nực cười

Ở đâu cũng đất cũng trời thế gian

(Trần Trung Hậu)

1.

Sáng nay, trong lúc còn mắt nhắm mở nằm trên giường, tôi nhận được cú điện thoại của người bạn ở xa báo tin rằng, một người bạn tù của chúng tôi vừa mới qua đời vì căn bệnh ung thư ngặt nghèo đeo đuổi anh từ nhiều năm nay. Vậy là thêm một người nữa ra đi. Anh đã sống sót sau nhiều ngày tháng đày ải trong những trại tù từ Nam ra Bắc, sau nhiều ngày tháng vất vưởng trên những hè phố Sài Gòn, không nhà cửa, không công ăn việc làm, không một hy vọng gì vào ngày mai cho đến khi có chương trình HO tái định cư ở nước Mỹ, dành cho những quân nhân công chức chế độ cũ đã từng bị nếm mùi tù ngục của chế độ mới. Như nhiều người bạn khác, trong đó có tôi, anh lên đường đi làm lại cuộc đời nơi xứ người. Những tưởng mọi chuyện sẽ có cái kết thúc có hậu (vui vẻ) như trong những câu chuyện cổ tích, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi ổn định cuộc sống, anh bạn tôi khám phá ra mình đã mắc một chứng bệnh hiểm nghèo, khó lòng chữa chạy, dù anh đang sinh sống ở Mỹ, nơi có những thành tựu y khoa vào bậc nhất thế giới. Khi biết được mình không còn sống bao lâu, anh bạn tôi vui vẻ chấp nhận số phận không may của mình. Anh chỉ băn khoăn cho lẽ hữu hạn của kiếp người.

Gần 10 năm lăn mình giữa lửa đạn của chiến tranh, đã bao lần anh đối diện với cái chết chỉ cách mình trong gang tấc. Và anh cũng đã từng chứng kiến nhiều cái chết trẻ của những đồng đội của mình. Với anh – một người lính – những ngày chiến tranh ấy, cái chết là phần không thể thiếu, không thể tách rời và cụ thể như những cái xác đẫm máu của đồng đội anh từng ẵm trên tay, cụ thể như những chiếc quan tài đơn sơ có phủ lá quốc kỳ và người vợ trẻ oằn mình với tiếng khóc không thành tiếng. Rồi cũng gần 10 năm lê mình qua những trại tù trên khắp các miền đất nước, anh cũng đã từng thấy những cái chết tức tưởi của bạn đồng tù. Có người nằm chết vắt xác trên hàng rào kẽm gai vì bị vệ binh cộng sản phát hiện và xả súng bắn trong lúc đang tìm cách đào thoát ra khỏi trại. Có người chết vì bệnh tật, không thuốc men chữa trị, hoặc đơn giản, chết vì bị ngược đãi, bỏ đói. Rất nhiều lắm những cái chết vô lý sau khi đã sống sót một cuộc chiến tàn khốc.

Sau khi cầm tờ giấy phóng thích cho về cuộc sống ngoài đời, đã nhiều lần anh nghĩ đến cái chết vì phải đối diện với một thực tại thật khắc nghiệt, không nhà cửa (người vợ cũ đã bỏ anh mà đi sau nhiều năm tháng chờ đợi trong vô vọng), không một người thân (anh em ruột thịt của anh đã thất lạc sau nhiều cuộc cưỡng bức kinh tế mới của nhà cầm quyền cộng sản), không công ăn việc làm (người dân bình thường còn vất va vất vưởng, nói gì đến thành phần ngụy cải tạo như anh). Đã có lúc, anh tuyệt vọng còn hơn những ngày anh bị sốt rét nằm run rẩy trên chiếc sạp tre ở một căn lán trại trống huếch trống hoác giữa rừng núi Hoàng Liên Sơn thiếu chăn, thiếu thuốc, mà trong những cơn mê sảng anh chỉ thấy ảo ảnh của tô cháo hành rắc tiêu từ một thời thơ ấu.

Nhưng sức sống mãnh liệt trong anh đã giúp anh tồn tại sau bao gian nan sóng gió mà cuộc sống (con người) đã đổ ập xuống đời anh.

Cuộc hồi sinh từ đổ nát, hủy hoại, tuyệt vọng đã xảy ra như một phép lạ. Và vì có rất nhiều những cuộc hồi sinh như thế, nên người ta gọi đó là khả năng chịu đựng vô hạn của con người.

Có thật là khả năng chịu đựng của con người là vô hạn hay không?

Anh bạn tôi đã từng thắc mắc và cũng đã tìm được câu trả lời cho riêng mình. Những ngày lăn lộn trên giường bệnh với cơn đau nhức triền miên, những cuộc xạ trị khiến thân thể anh gầy đét, tóc râu rụng sạch, anh đã nhận ra được rằng có những giới hạn mà con người không thể vượt qua được, bất kể bộ óc con người thông minh đến đâu, nghị lực con người bền bỉ đến đâu. Cái giới hạn ấy nằm ở chính cái thân xác bọt bèo của con người.

Dù con người tự cho mình là một sinh thể cao đẳng nhất trong thế giới triệu triệu chủng loại sinh thể khác nhau, thì cũng như các chủng loại sinh thể dưới mình, con người vẫn phải nằm trong định luật phổ quát: hễ có sinh, tất có diệt.

2.

Những ngày này, ngoài cuộc đối mặt cũ kỹ hàng ngàn thế kỷ của con người với lẽ sinh tử của vạn vật, người ta còn phải đối mặt với những thế lực thiên nhiên đầy quyền uy và sức mạnh mà – hơn một trăm năm khoa học kỹ thuật đi những đôi hia bảy dặm – chúng ta đã tưởng rằng , những thế lực ấy chỉ có thể đe dọa được con người ở thời kỳ ăn lông ở lỗ.

Cơn sóng thần Tsunami xảy ra ở vùng Nam Á hồi cuối năm ngoái lấy đi mạng sống của gần 200 ngàn người đã mở đầu cho một loạt những tai họa thiên nhiên minh chứng cho sự bất lực của con người . Rồi sau đó là những cuộc động đất, những trận cuồng phong mang theo chết chóc hủy diệt ở vùng bắc Mỹ, mà chính nước Mỹ hùng cường được trang bị đầy đủ các thành tựu kỹ thuật đối phó với thiên nhiên là nạn nhân. Gần đây nhất là cuộc động đất ở Pakistan và Ấn Độ, hàng chục ngàn người chết, bao nhiêu thành phố làng mạc bị phá hủy, bị nhận chìm dưới lòng đất. Một trận gió xoáy (tornado) bất thần đã lấy đi mạng sống của hơn 20 người dân ở Evansville , một thành phố miến nam Tiểu bang Indiana, chỉ trong tích tắc của đêm khuya khi mọi người dân của thành phố nhỏ bé này còn đang yên ngủ. Thậm chí, cả ở Sài Gòn Việt Nam, người ta cũng ghi nhận những cơn địa chấn ngắn ngủi làm hoảng sợ hơn 10 triệu dân của thành phố vốn chưa bao giờ biết đến những tai họa thiên nhiên như động đất, gió xoáy, cuồng phong.

Ngoài ra, còn sự đe dọa toàn cầu của Dịch Cúm Gia Cầm (Bird Flu ), mà một khi trận dịch này bùng nổ, nhân loại sẽ phải đối phó với sự chết chóc hàng loạt chưa từng xảy ra trong lịch sử thành văn của con người. Các viên chức cao cấp của Tổ Chức Y tế Thế Giới ( WHO) đã xác quyết rằng cơn dịch này sớm muộn gì cũng sẽ trở thành đại dịch do nguy cơ lây nhiễm từ gia cầm sang người, từ người sang người chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Tin từ Việt Nam cho biết, đã có người chết vì ăn thịt gia cầm bị bệnh. Cả ba miền của đất nước được đặt trong tình trạng nguy cơ dịch cúm này lan rộng , khiến nhiều người chết , kinh tế bị trì trệ kéo dài. Chính các viên chức thẩm quyền về y tế trong nước cũng xác nhận, nếu có một đại dịch cúm gia cầm toàn cầu, thì Việt Nam sẽ là một trong những nguồn lây lan chính .

3.

Anh bạn tội nghiệp của chúng tôi đã nằm xuống yên nghỉ vĩnh viễn. Cuộc chiến đấu kéo dài mấy chục năm với nhiều đối thủ khác nhau của anh thực sự chấm dứt. Anh đã thắng tất cả, nhưng thua ở trận sau cùng này. Cái chết của anh chứng tỏ sự hữu hạn của khả năng con người. Kể ra, anh bạn tôi cũng đã vinh dự được chiến đấu đến hơi thở cuối cùng rồi mới chịu thua. Còn những nạn nhân của động đất, của cuồng phong, hay điển hình nhất là hơn hai mươi nạn nhân của trận gió xoáy ở Tiểu bang Indiana, họ chết mà không được dịp nhìn thẳng mặt thần chết (dù nhìn với sự sợ hãi hay bất chấp coi thường), không được dịp giằng co, chiến đấu trước khi xuôi tay, nhắm mắt, tan biến vào cõi hư không.

Những người còn sống, như tôi, đang phải đương đầu với sự bất trắc không biết sẽ xảy ra vào lúc nào, ở đâu.

Chỉ nghĩ đến như thế thôi, tôi lại thấy mừng cho bạn của mình.

4.

Hơn bao giờ hết, nhân loại đứng trước nguy cơ phải đối diện với một sự thực là, không có một chỗ nào được gọi là an toàn tuyệt đối trên mặt đất cho con người nữa. Sự hủy diệt tập thể có thể là định mệnh cuối cùng cho con người ở thời kỳ điện tử này.

Thôi thì chẳng qua cũng chỉ là một cách thể hiện cái hữu hạn của kiếp nhân sinh.

Xin chúc cho hương hồn bạn tôi nghỉ ngơi vĩnh viễn.

Chưa biết giữa tôi và anh, ai may mắn hơn ai !

©T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search