T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 46)

clip_image001

“m”

Nhiều học giả cho rằng phần lớn các âm tiếng Việt biểu thị một cái gì đó. Như phụ âm “m”, hàm ý nghe rất…êm dịu, thỏai mái, như:

Mịn màng, mềm mại, mượt mà, man mát, mơn mởn..v..v..

(Nguyễn Triệu Việt – tạp chí Tân Văn)

Xạo luận vui về chữ “Tử”

Chết ở nông trại gọi là…Trang Tử.
Người to lớn mà chết gọi là…Khổng Tử.
Không ốm đau mà chết gọi là…Mạnh Tử.
Chết khi mọi việc đã hoàn tất gọi là…Chu Tử.
Chồng leo núi mà chết gọi là…La Sơn Phu Tử.

(Nguồn ĐatViet.com)

Truyện ngắn V

Văn hay chẳng luận đọc dài

Vừa mở đầu bài đã biết văn hay

(Ca dao)

Câu này là ca dao của các cụ ta xưa như một châm ngôn. Ngày còn trên ghế nhà trường, tôi (Lâm Chương) sợ nhất là môn tập làm văn. Trong đầu không có bao nhiêu chữ nghĩa, nhưng phải nặn óc viết cho ra chữ, càng dài càng tốt. Tưởng sẽ được khen, nào ngờ cô giáo phê một câu độc địa: “nhiều lời ít ý”.

Sau này ngẫm lại thấy đúng. Nhất là đời sống thôi thúc phải chạy đua từng giờ từng phút, không ai có thì giờ ngồi đọc những bài dài lê thê, nhưng nội dung tư tưởng nghèo nàn. Mất thì giờ lắm. Người đọc chỉ muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Nói thế không phải tôi hoàn toàn phủ nhận những bài dài đầy tính nghệ thuật, ý nghĩa sâu xa và lôi cuốn người đọc. Một tác giả viết được nhiều quyển sách, chưa chắc đã hay. Số lượng nhiều vẫn không có gì bảo đảm chất lượng cao.

Viết văn trong thời buổi @ giống như sắc thuốc Bắc, ba chén nấu còn tám phân. Chỉ giữ lại phần cốt tủy mà thôi. Ngắt bỏ những chi tiết râu ria rườm rà không cần thiết cho bài viết cô đọng gọn gàng càng đỡ tốn thì giờ người đọc.

(Lâm Chương – Tán gẫu trong quán cà phê)

Trái, phải

Theo người Tầu bên trái thuộc âm, bên phải thuộc dương, nên khi vua ngự triều, công chúa đứng bên trái, hoàng tử đứng bên phải.

Khi văn hóa Tầu du mục xuống phương Nam đã đổi chỗ:

Nam (dương tính) dành chỗ bên trái, để nữ (âm tính) bên phải.

Vì ta có câu “Nam tả nữ hữu”.

(Vậy đó – Thế đấy)

(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Dấu hỏi và dấu ngã

Nếu chữ “nghỉ” viết dấu hỏi (?) thì có nghĩa là:

“nghỉ-ngơi, nghỉ chân, nghỉ hè, nghỉ mát, nghỉ phép, nghỉ tay, nghỉ trưa, nghỉ việc…”

Còn chữ “nghĩ “nếu viết dấu ngã (~), có nghĩa là:

“nghĩ lại, nghĩ-ngợi, nghĩ thầm, nghĩ vẩn-vơ…”

Dũa mất cái hay!

Gọt dũa trau giồi câu văn, nhiều lúc làm mất cái khí tự nhiên của thơ. Lời thực thà có khi lại có thi vị hơn là câu văn sáo. Kể ra một ví dụ thơ của Lê Ngô Cát:
“Cửu Chân sinh có một nàng,
Tên là Triệu Ẩu cương cường lạ thay!
Gươm thần ngang dọc trên tay,
Tiền thân ấy kịp môn sài nhị Trưng.
Vú dài ba thước vắt lưng,
Cưỡi voi gióng trống, bên rừng trẩy ra.
Cũng toan cất gánh sơn hà,
Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam!
Trời còn chứng kẻ hung tham,
Sa cơ, mụ lại thác làm thần linh.”

Phạm Ðình Toái thu lại còn tám vế:
“Cửu Chân có ả Triệu kiều,
Vú dài ba thước tài cao muôn người.
Gặp cơn thảo muội, cơ trời,
Ðem thân bồ liễu theo loài bồng tang.
Ðầu voi phất ngọn cờ vàng,
Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha.
Chông gai một cuộc quan hà,
Dù khi chiến tử còn là hiển linh.”

Nếu so sánh hai lời văn sẽ thấy lời văn giản dị, tự nhiên của một nhà thơ, đã bị đổi ra bằng một giọng văn tề chỉnh, nghiêm trang, nhưng vô vị, của một nhà văn cử nghiệp.
(Hoàng Xuân Hãn – Ðại Nam quốc sử diễn ca)

Văn chương

Văn chương – Văn: lời văn. Chương: từng bài.

Những gì diễn tả bằng chữ, thành câu, thành bài ghi lại những sự kiện trong đời hay do trí tưởng tượng mà ra, gọi là văn chương.

Truyện Kiều có câu: “Văn chương nết đất – Thông minh tính trời”.

Giai thoại làng văn 54-75

Khi nhóm Sáng Tạo có tổ chức một buổi Hội thảo Văn Học bàn về thi ca do Thanh Tâm Tuyền tổ chức. Người khách mời không thể thiếu được trong những buổi thảo luận này là thi sĩ Nguyên Sa..Ông đã không có mặt vì không được mời. Cung Trầm Tưởng tham dự các buổi thảo luận này, cũng xác nhận là không có mặt Nguyên Sa.

Trước đó, Nguyên Sa có ý chê trách gián tiếp những người của nhóm Sáng tạo muốn xoá sạch văn nghệ tiền chiến. Nhiều người hiểu lầm Nguyên Sa thuộc nhóm Sáng Tạo. Đã thế, lúc đầu có thể Nguyên Sa còn bị nhóm Sáng Tạo “tránh né”. Đặc biệt là Thanh Tâm Tuyền. Bởi vì Thanh Tâm Tuyền có vẻ không ưa gi lối thơ lục bát của Nguyên Sa. Sau này Nguyên Sa viết:

“Tôi đã nói là một số các anh em (ám chỉ Sáng Tạo) đã nói không với tiền chiến. Nhưng thật ra tiếng nói ấy, lời phủ nhận đó mơ hồ lắm, chẳng có gì là rõ rệt cả. Chúng ta vẩn nói là ra đi và vẫn nằm yên trong nơi ở mùa đông đó. Văn nghệ những năm 50, 60 đã cất tiếng, mà tôi gọi là ồn ào phủ nhận văn nghệ tiền chiến, nói lên ý muốn làm mới, làm khác tiền chiến. Vì ồn ào cho nên không rõ rệt…”.

Ca dao

Ca dao là thơ, được gạn lọc từ thời này qua thời khác do những thi sĩ khuyết danh. Cách gieo vần hạ chữ tài tình, giầu âm thanh mộc mạc tượng hình, tượng cảnh:

Có rửa thi rửa chân tay

Chớ rửa lông mày chết cá ao anh

Đúng ra thì còn hai câu nữa là:

Có chết thì chết cá mè ranh

Đừng chết cá trắm, chép mà anh bắt đền

Theo một vị cao niên, uyên bác với ý tại ngôn ngoại thì trong hai câu cuối này:

Không phải là cá mình tròn như cá xộp, cá quả, cá trê. Mà toàn những cá mầu trắng. Thân hình như chiếc lá. Rất gợi hình, ví von.

(Nguyễn Phú Long – báo Xây Dựng)

Thành ngữ dân gian sau 75

“Ai cũng nói nhưng không ai nói điều mình muốn nói.”

“Ai cũng đi làm nhưng không ai làm ra cái gì hết”
“Làm cái gì cũng sai chỉ không làm là đúng”

(Nguồn ĐatViet.com)

Chữ nghĩa làng văn

Văn hóa là vô cùng vô tận, là thiên biến vạn hóa theo thời gian; với văn hóa thì không thể áp đặt, không thể đem văn hóa của dân tộc mình để gán ép cho văn hóa của dân tộc khác. Như Tết cổ truyền của chúng ta là vào tháng 3 chứ không phải vào đầu tháng giêng âm lịch theo người Trung Quốc.

Tết với người Trung Quốc có thịt mỡ, câu đối, nhưng Tết của người Việt ngoài thịt mỡ, câu đối còn có thêm dưa hành với bánh chưng, bánh tét.

Ấy là sự phát triển để hình thành nên một nền văn hóa khác.

(Trần Quốc Vượng – Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm)

Cái ngông trong thơ

Ngông là một phong thái có sức quyến rũ lớn trong cuộc sống cũng như trong văn học. Không hiếm người muốn khẳng định cá tính lúc nào cũng tỏ ra ngông.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, Nguyễn Trãi là người đầu tiên nhận mình ngông. Cái ngông của Nguyễn Trãi được vào thơ, hóa thành thơ. Người ngông nhất trong làng thơ xưa có lẽ là Tú Xương. Sau Tú Xương, có Tản Ðà. Chưa chắc ngông hơn Tú Xương song rõ ràng là Tản Ðà tự giác về cái ngông của mình hơn Tú Xương.
Thời 30-45, không có ai ngông. Thời kháng chiến cũng như mấy chục năm thi ca xã hội chủ nghĩa Miền Bắc, không có ai ngông. Văn học Miền Nam giai đoạn 54-75 thì có. Có hai người: Bùi Giáng và Nguyễn Ðức Sơn. Cả hai đều tận cùng ngông. Sau năm 1975, trong nền thi ca hải ngoại Cao Tần chỉ ngang tàng chứ chưa ngông nghênh.
Dĩ nhiên, trong thơ, không phải ngông mới hay. Nguyễn Du không ngông. Nguyễn Du rất nhẹ nhàng lau lách nhưng lại làm vàng một cõi đìu hiu mênh mông trong lịch sử…
(Nguyễn Hưng Quốc – Nghĩ về thơ)

Việt khác Tầu thế nào

Người Tầu ở nhà hầm, người Việt nhà sàn.
Tầu đúc đỉnh, Việt Nam làm trống.
Kẻ sĩ Tầu nằm ở các đô thị, Việt phần lớn nằm ở làng quê.

Tâm lý dân tộc:

Tầu tâm lý làm lớn, làm lố, duy ý chí.

Việt chủ tình ưa dung hòa…nửa vời.
(Trần Quốc Vượng – Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm)

Trường hợp Chùa Đàn

Chúng tôi cho rằng, Chùa Ðàn là sự kết hợp (có phần khiên cưỡng) của hai mạch văn khác nhau của Nguyễn Tuân. Một mạch văn mới được khơi lên mà có thể gọi là mạch “Sám hối” hay “Lột xác” (chữ dùng của Nguyễn Tuân). Hồi ấy, tâm lý chung của các nhà văn gọi là lãng mạn là như thế: Cảm thấy cái tôi và nghề văn của mình là một cái gì hết sức tầm thường, nhỏ bé, vô ích, thậm chí tội lỗi trước cuộc khởi nghĩa. Họ tuyên bố từ bỏ quá khứ của mình và quyết “lột xác”.
Làm sao có thể diệt được hết con người cũ một cách chóng vánh, gọn ghẽ như thế được! Cho nên mạch văn thứ hai ra đời từ trước cuộc khởi nghĩa vẫn tồn tại và phát triển trong Chùa Ðàn: Mạch “yêu ngôn”.

Xét tương quan giữa hai mạch văn này thì “Sám hối”, “Lột xác” phần mở đầu và kết luận là cái vỏ của tác phẩm, Yêu ngôn mới là cái ruột.
(Nguyễn Đăng Mạnh – Yêu ngôn của Nguyễn Tuân

Ngộ Không

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search