T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ngộ Không (bài Bốn)- Gã biết chữ

clip_image002

Chúng ta đã ngồi ở một quán cóc ven đường, vừa uống cà phê vừa quan sát lão già Bắc kỳ “cực kỳ”, hút “thuốc lào sang sảng” Ngộ Không nói chuyện văn chương bằng cái giọng điệu, ngữ điệu và ngôn ngữ của một miền Bắc chưa xa lắm, còn bàng bạc trong trí nhớ nhiều người. Thì đấy, nhìn cái dáng dấp nhỏ thó, khòm khòm, cục mịch kia của ông, ai không tin rằng quê quán ông phải ở tận cái làng nhỏ bé quanh năm bao bọc bởi lũy tre xanh.

Nhưng đôi mắt loang lóang kia hẳn phải là cửa sổ tâm hồn của một ngừơi có chữ nghĩa hẳn hoi, chứ không thể chỉ là bác nông dân tay lấm chân bùn.

Quả là thế!

Trong mớ gia tài ngồn ngộn những chữ là chữ của ông, người ta không cần phải tinh mắt lắm mới nhận ra được tác giả của chúng phải là một người uyên bác, tinh thông Hán học, tinh thông Văn học, tinh thông Sử học, tinh thông Tửu học, tinh thông Thực học (nghệ thuật ăn uống), tinh thông Cổ học v..v.. .

Đọc ông , nhiều lúc tôi không hiểu ông tìm tòi ở đâu được những kiến thức về mọi lãnh vực (như đã liệt kê ở trên) một cách hết sức “đã đời” như thế. Đã đành, ông sở hữu một tủ sách thiên kinh vạn quyển. Đã đành, tuy không còn trẻ, làm quen với kỹ thuật máy móc muộn màng, nhưng tài nghề len lỏi trong thế giới ảo chẳng thua kém gì anh thanh niên 20 tuổi. Nhưng cái khả năng nối kết những kiến thức ấy, đặt chúng vào đúng chỗ đúng nơi trong dây chuyền lý luận, biện giải, trong tiến trình “đắp chữ vá câu” mới là điều kinh ngạc.

Và thích thú. Vì trong một thế giới chữ nghĩa càng ngày càng đông đảo người viết (dù số người đọc lại ít đi), tôi chưa thấy ai bàn về những vấn đề của “thượng tầng kiến trúc” bằng ngôn ngữ của “hạ tầng cơ sở”. Nôm na, tôi chỉ mới đọc được ông Ngộ Không dùng thứ văn nói, thứ chữ nghĩa bình dân bỗ bã để bàn luận về những chuyện cao siêu, cao đẳng, cao tầng, chuyện sống chuyện chết của những bậc thức giả .

Đọc những tác phẩm mang nội dung biên khảo của Ngộ Không, tôi không thể không hình dung ra hình ảnh anh nông dân, tay vác cầy, tay vung vẩy cái điếu tre dài ngoẵng, miệng gân cổ thuyết giảng về Triết học, Sử học . . .

Chúng ta thử đọc đọan mở đầu của “ Vạn Lý Quan San”, một tiểu luận mang tham vọng đặt lại vấn đề tính chính xác của Sử Học để xem anh nông dân dùng ngôn ngữ giai cấp mình mà “bàn leo” với các nhà sử học ra làm sao:

“ . . . Bạn lọ mọ ghé nhà chơi, hết tửu lạc vong bần rồi cũng đến bắt qua chuyện văn dĩ tải đạo…Lẵng nhẵng thế nào bạn lại nhè hỏi tôi là trống đồng ở đâu mà có, từ đâu mà ra và bạn muốn…”tậu” một cái cho nó oách. Tôi không trả lời ngay, lại khua môi múa mép với quý hồ tinh bất quý hồ đa là cái mai rùa mà tôi nhét trong cái hộp kính treo trên tường. Vì nhất cổ nhì quái ở chỗ trên mai rùa có khắc một bài tứ tuyệt bằng cổ ngữ của người Tầu, thực tình tôi không hiểu bài thơ có ẩn dụ gì, nhưng tôi chắc như đinh đóng cột đó là…cái mai rùa. Bạn chắc mẩm ắt hẳn là chuyện…sờ mui rùa chi đây. Thì cũng đâu đó, nói cho ngay chuyện cái trống đồng, cái mai rùa chỉ là…chuyện thiên địa tù mù. Vạn lý quan san là vậy đấy, vì vậy xin vô phép vô tắc, mạn phép bạn hãy để tôi có dăm hàng về…quá khứ vị lai:

Chuyện là những ngày còn ở bậc trung học, tôi vẫn thường đậm đà với hai bộ môn sử ký và địa dư. Nay đất khách quê người với đường xưa lối cũ, tôi lại ngụp lặn qua những bài viết dông dài với sử thi. Bóng ngả đường chiều, có nhiều người thích quay về một quá khứ nào đó, làng trên xóm dưới, cùng những miếu đền rêu phong ẩm ướt. Riêng tôi thì lẩn thẩn, lang thang trong một cõi u minh của nghìn năm mây bay với Lý, Trần, Lê, Nguyễn, cùng những năm này tháng nọ. Để có một ngày không nắng cũng chẳng mưa lạc đường vào lịch sử với cái trống đồng Đông Sơn rồi lạng quạng tìm về…cội nguồn của tộc Việt. Thế mới nẫu người, thưa bạn. . .” (Ngộ Không – Vạn lý quan san).

Hoặc thử đọc một trích đọan ngắn trong “Nửa vách đèn tàn”, bài viết đặt lại nhiều nghi án văn học, huyền thọai văn học và cả vấn đề đi tìm bản ngã của tác giả mà cái giọng điệu, ngôn ngữ cứ “tưng tửng” như gã nông dân đang say thuốc lào:

“ . . . Và cái bóng ngồi xuống. Nhìn bên cạnh cái đèn hột đỗ là xấp bản thảo, mặt tròn dấu hỏi. Bóng người hiểu ra và làm như gặp nhau từ kiếp trước, xắng xớn vào chuyện:

– Chẳng dấu gì cụ, chả là tôi cứ tức anh ách mỗi khi quan quả đến mấy câu thơ trong bài Tứ thú của nhà thơ Quách Tấn này đây:

Có tiền in sách đẹp

Gặp bạn sẵn thơ hay

Gối tỉnh hồi chuông sớm

Võng đưa giấc ngủ ngày

Nghe câu…gặp bạn sẵn thơ hay, cái bóng lắc đầu quầy quậy:

– Úi dào, tôi chẳng biết làm thơ. Mà ông làm gì mà như rắn ngày vậy.

Đảo mắt qua những con chữ, cái bóng gật gỵa:

– Ông rồ chữ đang túm tó gì đây?

– Thì như cụ đã biết đấy, tôi đang đắp chữ vá câu…

– Chết chửa, ông nói nghe rõ lạ.

– Chả dấu gì cụ, chẻ hoe phơi nắng thì bấy lâu nay trong tủ quần áo có dăm khúc, mươi đoạn chữ nghĩa cứ ngẫng ngẫng cả lên. Nên tôi đang vầy vò thành văn bài bắt chước cụ Tản Đà mang văn lên bán chợ trời đấy thôi, thưa cụ.

Chép miệng cái tách, cái bóng nói đay:

– Hóa ra ông đang làm cái chuyện lai cảo đấy ư. Buồn ngủ gặp chiếu manh, nhân ông nhúc nhắc đến câu…võng đưa giấc ngủ ngày, nay canh khuya vằng vặc tôi chợt dạ quan hoài đến cụ Hoàng Cầm. Cụ nửa đêm thức giấc nghe bà hàng xóm ư hử câu ca dao váy Đình Bảng buông chùng cửa võng nên mới bật ra bài thơ Lá diêu bông. Vậy chứ “cửa võng” là gì? Xin ônggối tỉnh hồi chuông sớm cho.

– Cụ cứ quá nhời ấy thôi. Thôi thì tôi cũng đành bấm bụng xin thượng đội hạ đạp là “váy cửa võng” từ váy đùm, váy kép mà ra. Số là váy cửa võng phần trước váy chùng xuống những mép cong cong như cái cửa võng. Người mặc váy khéo phải thu xếp làm sao phía trước rủ xuống mu bàn chân, phía sau hơi hếch lên gót bàn chân.

Cứ theo cụ Hoàng Cầm váy Đình Bảng chỉ làng Đình Bảng mới có. Bắt qua “cửa võng” là tên gọi phần cửa nhìn ra sân đình để quan viên xem lễ hội làng. Cửa võng được khắc, trạm cầu kỳ cong cong nên còn được gọi là y môn, thưa cụ. . .” (Ngộ Không – Nửa vách đèn tàn).

Đến cái đọan trích dưới đây về cách thức chuẩn bị và nấu nướng món “hạ cờ tây” thì tôi tin rằng khó có bậc thức giả cao sang quyền quý nào sở hữu được, chứ đừng nói đến việc kể lại một cách sống động, hào hứng và cũng là bằng chứng cho kiến thức “thượng vàng hạ cám” của Ngộ Không:

“ .. .Thầy cháu vẫn thường bảo: chó tháng ba gà tháng bẩy, gà lọt dậu chó sáu bát, những anh chị chó đang tuổi hoa niên, lúc ấy đem ra đụng thịt mới ngon. Con chó thui rơm, da nó vàng ươm, lớp bì mỏng tang, cái đuôi ngắn một mẩu, nhọn hoắt, dựng thẳng đơ, thật là ăn miếng nào rõ ra miếng ấy. Khi thui chó, đã đành thầy cháu phải kén rơm sạch, rơm mới, thầy cháu còn rị mọ nhét vào trong bụng nó một nắm lá ổi cho thơm lòng mát thịt. Mà có nằm trong chăn mới biết chăn có rận, có qua nghề nhà mới biết, miếng nạc cắt ra ở đùi ngon một kiểu, miếng thịt cắt ra ở lưng có nhiều bì, lại ngon một cách khác, miếng nầm, tức phần có nhiều sụn ở ức thì nhất. Cháu cũng chả biết con chó có dây mơ rễ má gì với cây đậu xanh không, mà người ta dùng hạt đậu này để đắp vào vết thương bị chó cắn. Nhưng dồi chó thì nhất định phải làm bằng hạt đậu xanh, rang lên, xiết vỡ, thêm ít búp ổi, lá mơ lông, trộn với tiết. Luộc xong, thầy cháu phải hơ qua lửa cho se mịn lại, chứ không thì rỗng tuyềnh tuyệch, cắn nó ngậy, ăn nó bùi nghìn nghịt làm sao ấy.

Ấy đấy, cũng như món rựa mận…Mà nhà bác lầu bầu “dựa mận” với “rượu mận” gì đấy, giời ạ, họ gọi trại là “rựa mận” từ nhựa mận mầu đỏ tím như trái mận ấy, nói vô phép vô tắc chứ nhà bác ăn thịt chó mòn răng mà chả biết chó gì sất cả. Cũng chẳng dấu gì, chứ lại món này nhiêu khê lắm bác ấy ạ, nấu rất hao thịt và nhiều công, nào là phải bóp thịt kỹ với mắm tôm, mẻ và gừng già. Nhớ là gừng chứ không phải là riềng đâu bác ấy nhá, gừng càng già càng cay là thế đấy. Xong phải đun liu riu đều lửa trong nồi gang, người Bắc mình gọi là ninh ấy mà, cho đến khi các miếng thịt đều sậm mầu như mầu mận chín, nước quánh lại sánh sành sanh là đúng cữ. Mấy cụ ở đây vẫn kháo nhau, món này kẹp với bánh đa hoặc ăn với bún thì sướng âm sướng ỉ cả ngày, hôm sau mùi vị vẫn còn lai láng, thịt dắt kẽ răng, xỉa răng xỉa lợi vẫn còn thơm phưng phức mùi gừng . . .” (Ngộ Không – Nhất bạch nhì vàng tam khoanh tứ đốm).

Hoặc đọc thử một trích đọan trong bài Phở thiên biên ký sự” để thấy cái sự đọc của Ngộ Không bao trùm kim cổ:

“ . . . Muốn có đầu có đũa về phở phải quang gánh trở về với những nhà văn tiền chiến một thời…toả khói trong văn chương cùng cái thú ăn phở. Các cụ đã dùng hết chữ như Thạch Lam với: “Chả có gì ngon hơn bát phở”. Nguyễn Tuân sành phở cùng nỗi nhớ của kẻ xa thổ ngơi, bản quán: “Trong cái nhớ nhà có cả một sự nhớ ăn phở”. Nhà văn Vũ Bẵng ví phở bò như: “Một chàng trai mà hào khí bốc lên vùn vụt” còn phở gà như: “Một nàng con gái thanh tân”. Qua Vũ Bằng phở có tình tự trai gái, chuyện rằng: sau xa Hà Nội vài năm, thèm phở, bèn ghé tiệm phở quen mà hai vợ chồng bạn làm chủ, thấy vợ bạn đeo khăn tang, hỏi ra mới biết bạn mình đã ra người thiên cổ. Trong lúc chờ đợi …lửa tắt nồi khô nước, lại quán vắng chiều hôm. Vì là chỗ thân quen, sẵn có máu lãng đãng trong người cùng gái đọan tang, gà mái ghẹ nên tác giả 40 năm nói láo đã…thở khẽ ra một câu đối rất tình và cũng rất…phở:

Nạc mà chi, mỡ mà chi

Sao cứ ỡm ờ không tái giá

Câu đối này lưu lạc vào trong Nam được biến thái giữa một bà hàng phở cũng là góa phụ và một ông khách đang ở cái tuổi muối tiêu mà muối nhiều hơn tiêu như sau:

Nạc mỡ nữa làm gì, em nghĩ “chín” rồi,

đừng nói với em câu “tái giá”

Muối tiêu không đáng ngại, anh còn “gân” chán,

thử nếm cùng anh miếng “gầu” dai . . .” (Ngộ Không – Phở thiên biên ký sự).

Trên T.Vấn & Bạn Hữu năm 2012 đã đi một lọat bài về rượu (ta) của Ngộ Không. Lọat bài ấy cho thấy một mảng kiến thức khác của Ngộ Không, thứ kiến thức thu nhặt được từ dân gian chứ không phải trong sách vở, kể cả trong thế giới ảo. Chúng ta đọc một đọan ngắn trong bài Tửu Sư”, bài đầu tiên trong 4 bài về rượu của ông:

“ . . . Ve vé mắt một vòng, lão bắt gặp cái chõ rượu đang âm ỉ ngự trên cái đầu rau. Kháp với cái chõ là cái ống tre ngang để vắt rượu, từng gịot âm ỉ chẩy xuống cái tĩn nằm trên mặt đất phẳng lì. Ấy là rượu Hồng đào ông cất bằng gạo tẻ như rượu trắng cho khách vãng lai. Lão nho giả đăm đăm ngó chừng bốn cái vại sành đậy nút chuối khô bày một hàng trên cái ghế dài. Lão gật gà gật gưỡng với bức tranh Gà với chữ Dậu trong giây lát rồi cười đánh hậc một cái. Ông dòm thấy ngứa cả mắt, ruột gan muốn lộn tùng phèo. Chả hiểu trời đâm thánh đục sao, lão phủi tay, lững thững đi đến cái nồi, quẹt ngón tay một đường như con giun. Lão ngắm bức tranh, đắn đo cả một hồi lâu, như có gì suy nghĩ lung lắm. Rất nheo mắt, đưa ngón tay nhọ nồi lên từ từ, không phải quẹt cái rẹc, mà rất ư cẩn trọng…

Chấm vào chữ Dậu một chấm nhỏ bằng…hạt thóc.

Ông ngớ ra vì chữ “dậu”, thêm cái chấm thành ra chữ “tửu”. Không quay lại, lão nói trống không…vào mấy vại rượu: “Ngon chăng, nhà bác cho một nậm”. Ông khựng lại, ngặt một nỗi, tay cầm vại Xuân Sinh, cái đầu đất sét lại đóan già đóan non, ngữ này người ngợm nhếch nhác, lại ra dáng lừng khừng, ắt hẳn chẳng phải là tửu đồ. Thế nhưng ít nhất lão ấy cũng chiết tự được chữ tửu ở chữ dậu mà ra, hay lão là cố nhân một thời của bố ông. Vậy thì hãy để lão ấy dùng tạm vại Hạ Trưởng còn non tháng, xem tửu lượng của lão tới đâu rồi hẵng tính. . .” (Ngộ Không – Tửu Sư).

Như đã nói đến trong bài Một lão điên chữ”, tôi ngộp thở khi nhìn gia tài chữ nghĩa của Ngộ Không. Giờ đây, ngồi viết về cái kiến thức kinh người của Ngộ Không, cảm giác ngộp thở bỗng dưng quay về. Làm sao mà cái đầu nhỏ thó của ông chứa đựng được ngần ấy thứ trong đó, để mỗi ngày mỗi đêm của 10 năm nay, theo với ngón tay ông chúng tuôn ra theo một thứ tự lớp lang của từng nội dung bài viết? Có khi nào ông lẫn lộn cái nọ sọ cái kia, râu bà này cắm tai ông kia không?

Quả đáng sợ. Sợ vì rồi đây sẽ đến lúc cái đầu ấy không ngúc ngắc cựa quậy nữa. Thế là chúng ta mất toi đi những thứ quý báu ở trong đó.

Cũng may, nhân lọai còn có chữ viết. Và giấy để in. Và máy móc để lưu trữ.

T.Vấn

Kỳ sau: Ngộ Không (bài cuối) – Một Chút Dối Già hay Lời chia tay nói sớm

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search