T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Những ý nghĩ rời

clip_image002

Kem Hạnh tâm (Đà lạt) – tranh: Trần thanh Châu

“Đường đời muôn vạn nẻo, nhưng chỉ có một nẻo để trở về cố hương. Đó là lối nhỏ đi qua những tấm lòng bằng hữu. Và hành trang là những giọt nước mắt tiễn đưa của gia đình. (T. Vấn)

“Và trên con đường buồn ba, kia chỉ có hơi ấm ở hai bên: vợ con và bạn bè ngày cũ. Cầu xin mọi người giữ mãi ngọn lửa nhỏ nhoi này. (P. Hiệp)

“Hội Ngộ. Tại sao lại hội ngộ? Rất đơn giản: vì đã có cuộc chia tay. Một cuộc chia tay tự nguyện. Ba mươi năm trước chúng ta đã hân hoan nhìn nhau lần cuối rồi mỗi người theo một con đường rẽ về nhiều lối khác nhau. Như xưa kia Mẹ Âu Cơ đã chia 50 con xuống biển, 50 con lên núi. Ba mươi năm sau đầy ắp những thăng trầm. Trầm nhiều hơn Thăng. Nên ngày giờ này, ý nghĩa của Hội Ngộ lại càng đơn giản hơn, dẫu có tha thiết hơn. Đường đời trăm vạn nẻo, nhưng chỉ có một nẻo về Cố Hương. Và cố hương bây giờ là tấm lòng chung của những thằng ngày xưa nuôi bao nhiêu mộng ước đội đá vá trời . . .

Hội Ngộ. Như Trần thanh Châu ở Seattle nhìn lại “Quá khứ như những hạt chuỗi rớt vung vãi, bây giờ nhặt lên và khâu kết trở lại . . .” Rất đơn giản. Đó là ý nghĩa của Hội Ngộ. Đời sống vốn tự nó rất đơn giản và . . . thật thà. Chỉ có chúng ta làm cho nó trở nên phức tạp, rối tinh rối mù, rồi chính mình bị lạc lối trong đó. Và thế là, đời sống bỗng chứa đầy những thứ phù phiếm, không tưởng.

Hội Ngộ. Một thứ chuyện nhỏ nhoi trong cái đầu óc nhỏ nhoi của những thằng nhỏ nhoi. Mẹ Kiếp! còn những điều lớn lao thì sao? có làm được không hay vẫn chỉ là mộng tưởng? Vậy thì ít ra cũng xin làm những điều nhỏ nhoi cho cuộc sống vốn còn nhỏ nhoi hơn được chút ít niềm vui nhỏ nhoi. Có phải thế không các bạn?

Hội Ngộ. Những việc cần phải làm đã được làm. Khởi đầu từ mùa hè năm ngoái. Và bây giờ là nôn nóng, là háo hức. Gần một năm trời chuẩn bị. Chỉ mong đánh thức dậy những nỗi niềm bị bỏ quên, những tâm hồn tưởng mình đã bị bạn bè quên lãng.

Và những nỗi niềm đã thức dậy. Đôi con mắt ráo hoảnh như chưa từng ngủ một giấc ngủ 30 năm mộng mị. Như chưa từng đổ ra những giọt lệ lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo giữa đêm khuya. Và những tâm hồn cũng đã trút bỏ lớp áo cô đơn. Như lần điểm danh sau cùng trước Hội Ngộ, những cánh tay đã mạnh dạn đưa cao cùng với tiếng hô “Có” run run vì bùi ngùi xúc động. Có phải thế không hỡi Sanh, hỡi Lộc, hỡi Hồ, hỡi . . . hỡi . . .

clip_image004

Đường đời trăm vạn nẻo. Chỉ có một nẻo về cố hương. Cố hương là ở trong lòng mình, trong lòng bạn hữu.

Hội Ngộ. Tức là về lại nơi mình đã ra đi. Tức là về lại giữa lòng bằng hữu. Tức là trở về.

Có những đứa dù có muốn cách mấy, dù có tha thiết với Hội Ngộ cách mấy, cũng không thể về được. Cuộc sống mà! Đâu phải chỉ đơn giản hẹn nhau một ngày rồi thì mình sẽ gặp nhau. Đâu phải chỉ sẵn cái vốn chút chút trong túi là có thể hiên ngang khăn gói ra phi trường hay chễm chệ ngồi sau tay lái. Đâu phải chỉ bốc điện thoại lên gọi nhau một tiếng, hay gõ vội dòng e-mail – là lại khề khà bên nhau những câu chuyện xưa như trái đất. Đâu phải . . . Mẹ Kiếp! lại nghe nhói trong lòng câu văn tội nghiệp viết đâu đó của thằng Hiệp Ròm – câu văn mà, đọc xong, nó cứ bám vào đầu tôi như một thứ ám ảnh đau buốt – cái thằng mà thể xác nó cũng mong manh nhạy cảm dễ vỡ như tâm hồn nghệ sĩ của nó – “. . . thôi thì tụi bay có bao nhiêu thì vui với nhau bấy nhiêu đi. Và hãy biết rằng những thằng khốn nạn không về được, trong đó có tao, đang hướng về tụi mày. Bây giờ và mãi mãi.”

Bây giờ và mãi mãi. Hướng về nhau là hướng về một cố hương. Cái cố hương xa tít bên kia nửa qủa địa cầu hay cố hương giữa lòng bằng hữu?

Chúng ta ra đi đã chẳng mang theo bên mình cố hương hay sao?

Còn những thằng bao nhiêu lâu nay thờ ơ nguội lạnh? Hãy tưởng tượng một giây phút bất chợt nào đó trong những ngày đầu tháng 8 sắp tới. Các bạn đột nhiên nhớ ra, giờ này rất đông những bạn bè của mình đang ôm nhau tay bắt mặt mừng. Những bàn tay khô xạm vì cơm áo. Những khuôn mặt nhăn nheo vì tuổi tác. Những mái đầu sương muối vì khổ đau. Nhưng chúng nó có nhau để được cười, được khóc, được chửi thề, được sảng khóai bên những ly rượu tình. Vẫn biết rượu ở đâu thì cũng là rượu. Nhưng rượu tương phùng và rượu uống mình ta uống não nề (thơ Trung Tà) vẫn khác nhau. Khác nhau nhiều lắm nếu chúng ta bình tâm nhìn lại đời mình. Một cuộc đời thậm chí đến rêu xanh cũng không mọc được. Làm sao mọc được trên lớp da khô khốc của bao nhiêu những thất bại chất chồng. Bây giờ chỉ còn chút niềm vui nhỏ nhoi là chén rượu tương phùng bằng hữu bên bờ huyệt của chính mình.

Tụi bay có nỡ chối từ chính mình cái cơ hội cuối cùng có được những phút giây hạnh phúc bên bạn bè và cho vợ con nhìn thấy tận mắt qúa khứ của mình qua bạn bè hay không?

Hạnh phúc dẫu nhỏ nhoi cũng vẫn là hạnh phúc. Phải không?

Chúng ta đã qua một thời binh lửa. Đã có những mất mát vô cùng lớn lao. Đã có những đứa hy sinh trong cuộc chiến. Nhiều đứa cả một thời trai trẻ giam thân trong các nhà tù chạy dài suốt từ Ai Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau. Từ những nhà tù, đã có những đứa không trở về. Đã có những đứa vượt biển bỏ xác dọc đường. Vì thế, nếu tôi có sa đà với những kỷ niệm của hôm qua, có yếu lòng để rơi những giọt nước mắt gìa nua, cũng chỉ là để cho mình tìm lại được chính mình. Tôi chỉ muốn được trở về với cội rễ lòng mình, soi bóng mình còm cõi trong đó, mà tìm lại anh em bạn bè kẻ còn người mất. Người mất thì coi như đã hoàn tất cuộc trở về quê hương đích thực. Kẻ còn thì, đứa lang thang vất vưởng cuộc mưu sinh quê nhà – Thậm chí còn không nuôi nổi hai đứa con dại như NĐL một chân – đứa ray rứt với những hệ lụy của một đời lưu vong quê người. Dẫu quê nhà hay quê người, cũng vẫn là chúng ta. Những thằng ra đi từ ngọn đồi thân thương mùa hè năm ấy. Ba mươi năm một giấc ngủ đông muộn màng.Mẹ kiếp! Nửa đêm thức giấc, bỗng thấy mình chưa thể chết được nếu chưa gặp được nhau để trả món nợ 30 năm. Vả chăng, sống ở đời ai mà không nợ. Không nợ tiền thì cũng nợ tình. Không nợ ân thì cũng nợ oán. Những dòng này được viết để gởi đến những người anh em đã một thời rất thân thương của tôi. Những người anh em mà một thời chúng tôi chia nhau từng điếu thuốc đen khét nghẹt và những ly cà phê bắp rang mà mỗi đứa chỉ đủ tiền để trả cho phần của mình. Chúng tôi đã nợ nhau ân tình những ngày ấy. Cái món nợ mà tôi – mà cả các bạn – đã hân hoan xin được đón nhận. Vì không gì hạnh phúc hơn được nợ nhau một chút tình. Vì sống ở đời, đó là cái nâng đỡ chúng ta vượt qua mọi gian nan sóng gío. Giờ đây, tha phương cầu thực xứ người, chúng tôi không còn hạnh phúc ở bên nhau để có thể mời nhau, chia sẻ với nhau tất cả những gì gọi là lãng mạn nhất, nhưng những cú điện thoại viễn liên thỉnh thoảng vẫn đủ làm ấm lòng người xa xứ. Nơi đây, chúng ta có đủ tất cả nhưng chỉ thiếu một chút tình để được nợ nhau. Có phải vậy không hỡi những bạn hữu bốn phương ?

Hội Ngộ. Có đứa về được và, có những đứa không về được.

Những thằng biết chắc mình không về được – vì những lý do khốn nạn của đời sống – thì coi như đã an phận. Nhưng tấm lòng chúng nó vẫn hướng về Hội Ngộ. Và Hội Ngộ hướng về chúng nó. Mãi Mãi. Rượu tương phùng không được cạn nhưng lòng vẫn cứ ấm. Vì Hội Ngộ đã ở trong máu thịt mỗi thằng.

Trong cái ngày Hội Ngộ ấy, dù ở bất cứ nơi đâu trên quả đất này, tụi bay hãy đọc lại những dòng tao đang viết và rót cho mình một ly rượu nhỏ, rồi – dù là giữa đêm khuya lặng lẽ – cười thật to tiếng cười 30 năm xưa trên ngọn đồi 4648. Chúng ta mất tất cả nhưng vẫn còn có nhau. Và Gia Đình. Nghe không tụi bay?

Hội Ngộ. Lại nhớ đến những đứa đã nằm xuống. Vĩnh viễn. Quê nhà quê người. Trong chiến trận, trong tù đày, trong áo cơm đói khổ. Xin cho người về được nơi sẽ đến.

Mẹ Kiếp! biết rằng rồi cũng sẽ đến lượt mình thôi, không lâu đâu, nhưng sao lòng cứ chùng lại, mắt cứ cay cay. Ở một chốn nào đó nơi cái cõi hư không ấy, tụi bay hãy chuẩn bị đi, hãy chọn lấy một địa điểm đi. Thiên Đàng hay Hoả ngục cũng đều được tuốt. Nhưng có lẽ, để cho được đông đủ và dễ đến, tụi bay hãy chọn Địa Ngục. Sẽ có một ngày tụi tao Hội Ngộ với tụi mày. Chắc chắn sẽ đủ 165 thằng, không thiếu một đứa nào cả đâu. Vì người chết không bao giờ biết đến những dối gian của cuộc đời, không bao giờ nặng những nợ aó cơm, không bao giờ mặc cả những hơn thua phù phiếm. Phải không?

Trong cái ngày Hội Ngộ tháng 8 sắp tới đây, dù tụi bay ở bất cứ nơi đâu trong cái cõi u minh mù mù mịt mịt ấy, hãy dành một sát na ngắn ngủi nhất, nhìn xuống cõi trần gian điên dại,- nơi vẫn còn tụi tao và vợ con gia đình tụi bay – mà nhớ rằng, không bao giờ tụi bay bị bỏ quên. Hãy mở hồn ra mà nhận những nén Tâm Hương của tình bằng hữu muôn thuở.

Thằng Đoàn Chức hãy đại diện anh em mà nhận những tâm tình này, những tâm tình của những người vợ chung thuỷ của chúng mày, dù có lúc đã chới với “Mình thương yêu! em là một con người, thân thể em cũng được cấu trúc bằng xương bằng thịt. Em cũng có một khối óc và một trái tim. Thương anh, yêu anh thật nhiều, nhưng rồi thời gian cũng dần dần nguôi ngoai, cho nên trái tim em cũng có thể bị rung động trước những tình cảm chân thành tốt đẹp mà người khác dành cho em. Em đã ghi sâu tận đáy lòng: Chúng ta sẽ có con, và con chúng ta sẽ là hạt giống nẩy mầm của sự tương hợp giữa chúng ta . . .” (Hồng Vân- Lá thư không địa chỉ người nhận), những tâm tình của những người mẹ tuyệt vời của những đứa con đáng thương của chúng mày, càng đáng thương hơn trong cái ngày Hội Ngộ của tụi tao:

” . . . Hình dung sự vui mừng phấn khởi, hàn huyên tâm sự của các anh trong ngày Hội Ngộ 30 năm NT3 ra trường, em không khỏi bồi hồi xúc động, làm em cảm thấy mình vui hẳn lên. Nhưng rồi em chợt nhớ rằng hôm đó mẹ con em sẽ có những giây phút thật buồn, buồn vì trong nhiều khuôn mặt hớn hở vui tươi đó, em không thể nào thấy được hình bóng của anh, con em sẽ không thấy được người cha thân yêu của chúng. Có chăng chỉ là trong aỏ tưởng. Viết đến đây, tự nhiên những giọt nước mắt lại lăn dài trên má của em – những giọt nước mắt hân hoan chào đón ngày Hội Ngộ của các anh, đồng thời cũng là những giọt nước mắt buồn cho số phận hẩm hiu của mình . . .” (Hồng Vân – Lá thư không địa chỉ người nhận).

clip_image006

Hạnh phúc hay khổ đau đều cần đến nước mắt. Vậy thì hãy cứ khóc đi tụi bay! Ai baỏ là người chết không biết khóc?

Sỏi đá đọc những giòng này còn khóc được, huống chi là người chết! Huống chi là người sống !

Nước mắt của Hồng-vân-quả-phụ-Đoàn-chức đã làm vơi được chút ít nỗi đau mất mát, đã làm đầy thêm được niềm hạnh phúc lớn lao là căn nhà không nóc của mình vẫn còn được những người bạn năm xưa của chồng thương yêu đùm bọc.

Chức ơi! Bình ơi! tụi bay ơi! Lúc tao viết những dòng này cho tụi bay là giữa đêm khuya trần gian lặng lẽ. Vợ và con tao đã ngủ say để chuẩn bị cho ngày mai đi học đi làm. Một mình, tao đã để mặc cho những dòng lệ gìa nua tuôn chảy. Ôi những dòng lệ lặng lẽ giữa đêm khuya. Vừa đau xót, vừa hạnh phúc. Đau xót vì nỗi đau của con bạn, vợ bạn. Hạnh phúc vì đó không phải là nỗi đau của con mình, vợ mình.

Như thế đó. Như thế là Hội Ngộ. Nước mắt lẫn nụ cười. Khổ đau và hạnh phúc. Xét cho cùng, cuộc đời này có gì đáng gía hơn những điều tưởng chừng như tầm thường nhỏ nhoi ấy?

Hội Ngộ. Là hội ngộ của những thằng ra đi từ ngọn đồi 4648 mùa hè cách đây 30 năm. Nói như thế vẫn chưa đủ. Hội ngộ còn là của những người tình người vợ.

Những người tình từ một thời hoa mộng, dấu ấn của những đêm dã chiến vì trốn phố. Giọt nước mắt đêm cuối cùng nàng đã nhỏ xuống chiếc áo trận mới tinh cùng cặp lon Thiếu Uy mua chịu từ nhiều tuần trước đó ở cửa hàng chị Chúc, chị Nghĩa. Mẹ Kiếp! ba mươi năm tình nửa khuya đau đáu. Những người thiếu nữ năm xưa nay ở bất cứ nơi nào trên quả đất này hãy dành một phút giây mà nghĩ về quá khứ, và nếu có thể khóc được, hãy cứ để mặc nước mắt lăn dài trên gò má một thời rất đỏ của Đà Lạt Tình Yêu. Chúng tôi vẫn không quên qúa khứ. Vì quá khứ là một phần không thể thiếu của cuộc đời chúng tôi. Chúng tôi luôn nhìn về qúa khứ với một sự trân trọng.

Cũng xin tha thứ cho nhau. Vận nước nổi trôi nên bao nhiêu anh hùng và thục nữ đã lập lờ như củi mục trên dòng sông nước cạn. Định mệnh đưa mỗi người về mỗi ngả. Ở hai bên Đông Tây của một bến bờ.

Ai phụ ai mà mơ trăm năm. (T.Vấn )

Hội Ngộ như một lần ngoảnh lại nhìn qúa khứ.

Để trân trọng hơn Hiện Tại. Những người vợ. Những người bạn đời. Những Nàng dâu Nguyễn Trãi.

Xin cám ơn Trường Mẹ có anh

Cho em được làm nàng dâu Nguyễn Trãi

(Bé Năm- NT3 Phạm ngọc Hiệp).

Trong ngày Hội Ngộ Lớn này, cũng như bao nhiêu ngày hội ngộ nhỏ trong quá khứ, cũng như bao nhiêu ngày hội ngộ nhỏ trong tương lai. Bao giờ – bao giờ cũng có bóng dáng của Nàng. Bàn tay gầy guộc đầy những gân xanh đã mất hết những búp măng thon thả của một thời con gái. Vì chồng vì con trải qua bao năm tháng từ binh lửa cho đến ngục tù, từ áo cơm vất vả quê nhà đến thân phận long đong quê người. Hãy đọc P. Hiệp nói về tác giả hai câu thơ trích dẫn ở trên: “. . . ngày nào cũng như ngày nấy, ra rẫy từ sáng sớm đến mờ tối mới về, vậy mà mua không nổi nguyên hột gạo phải ăn bắp ăn mì; mua không nổi cái quần cái áo mới để mặc đi làm. Tội nghiệp cô nữ sinh Bé Năm, mỗi ngày phải oằn vai gánh những bó môn ngọt mọc hoang ven suối, những xấp lá chuối, nải chuối quanh rẫy đem ra bán ở chợ xa mấy cây số đường đồi. Có lần gánh dùm qua dòng suối cạn nhấp nhô những đá, tao mới biết được gánh nặng qúa sức một người đàn bà. Nhưng Bé Năm vẫn phải cố vì ít qúa bán không đủ tiền mua một lon gạo để trộn vào bắp vào mì, một rẻo mỡ heo về kho quẹt để có chút ít mùi thịt thà . . .”.

Hội Ngộ. Là không bao giờ được quên, không bao giờ được phép quên, và là cơ hội để vinh danh những nàng dâu Nguyễn Trãi.

Hồi tưởng lại những tháng ngày quá khứ. 30 năm như một giấc ngủ đông muộn màng. Đời chúng ta đã sang trang. Và từng người tình … bỏ ta đi, như những dòng sông nhỏ.

Biết bao dâu bể bể dâu, vẫn còn đó những người bạn đời của chúng ta. Có người đã đi chung “đoạn đường chiến binh” với chồng kể từ cái ngày tấm mẳng năm xưa, có “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Trải bao gió dập mưa vùi, cay đắng ngọt bùi của ba mươi mấy năm binh-lửa-ngục-tù-lưu-vong vẫn đứng bên cạnh chồng rạng rỡ thủy chung hãnh diện được là nàng dâu Nguyẽn Trãi. Có những người bạn đời đã đến với chúng ta trong những ngày khốn khó. Những ngày chúng ta mất tất cả chỉ còn có nhau. Để chỉ nghe kể về quá khứ của chồng mà tưởng như mình đã là một phần trong đó không thể thiếu. Những dòng này tôi đã hơn một lần , đã nhiều lần ghi lại trên trang giấy trắng. Nay lại muốn được viết lại một lần nữa mà vẫn không cảm thấy thừa . . .

Hồi tưởng lại những ngày ấy. Có những điều chỉ nói một lần rồi thôi. Nhưng có những điều không chỉ nói một lần cho đủ. Dù chỉ là lập lại những điều đã nói. Tôi đang nói về những ngày những tháng những năm của một cuộc điêu linh. Điêu linh không chỉ riêng cho chúng ta mà còn cho cả những nàng dâu tội nghiệp. Ôi cánh hoa mong manh trước phong ba bão táp. Làm sao nàng vượt qua được trong nỗi cô đơn khôn cùng – cả thể xác lẫn tâm hồn. Cà phê đắng bỏ thêm đường thì ngọt. Đời đắng cay em biết bỏ thêm gì. Tiếng khóc nỉ non ngày nào tay xách nách mang dắt con lên trại cải tạo thăm chồng bóng gầy xiêu đổ giữa hai hàng cây so đũa đứng lặng câm dọc hai bên đường dẫn vào cổng trại. Lên xe về con hỏi. Mẹ ơi đến bao giờ, lên thăm ba lần nữa, mắt em nhòa hơi mưa. Mắt em nhòa hơi mưa (Lời một bài tù khúc).

Hội Ngộ. Không chỉ là không được quên những ngày tháng đau thương ấy, mà còn là dịp để nhớ về. Những nàng dâu Nguyễn Trãi, nay lưng đã . . . sắp còng, mắt đã . . . sắp sâu, làn da đã . . . sắp đổ đồi mồi. 30 năm đã biến những người thiếu nữ xinh đẹp khả ái năm xưa thành những thiếu phụ gìa nua khó tính. Và đây là đọan mở đầu trong câu chuyện tình đủ những nước mắt nụ cười của Diệp v Oánh và Thoại Khanh, cô sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt năm xưa:

“Oánh yêu dấu! Cái không khí ồn ào, hào hứng chờ đón lần hội ngộ kỷ niệm 30 năm ra trường khóa III Nguyễn Trãi của những người bạn đồng môn với anh làm em nhớ lại chuổi ngày thơ mộng đầy lưu luyến ấy! Thắm thoát đã 31 năm từ sau buổi tối hai đứa mình lần đầu bốn mắt nhìn nhau để mở đầu một chuyện tình ươm đầy nỗi nhớ niềm thương.

Trước mắt em là quang cảnh một đám cưới đang chiếu trong phim. Cô dâu và chú rể tha thiết trao cho nhau ánh mắt nồng nàn, nụ cười mãn nguyện nhất và cùng nhau gợi nhớ lại nỗi gian nan đầy sóng gió đã qua, niềm trăn trở nhớ nhung trong những đêm dài nghìn trùng xa cách… Cuộc hôn nhân tuy đến muộn màng, thời gian đã làm phai đi phần nào màu hồng thắm trên má cô dâu, cùng lúc hằn vết nhăn trên vầng trán rộng của chú rể nhưng chính thời gian thử thách dài đăng đẳng ấy lại làm cho ngày vui nhất đời này mang nhiều ý nghĩa sâu đậm hơn, trân quí hơn . . . “

Như thế đó! Như thế là Hội Ngộ. Để những nàng dâu nhớ về ngày xưa. Như chúng ta đang nhớ về những ngày xưa. Để những nàng dâu được một lần nữa e ấp thẹn thùng cái thời con gái kiêu sa. Và chúng ta, được một lần nữa, giữa chốn ba quân, nói lớn lên để cho cả thế giới cùng nghe: Tạ Ơn Đời, Tạ ơn Em.

Trong cái ngày hội ngộ tháng 8 sắp tới đây, những nàng dâu Nguyễn Trãi 3 nào không may mắn có mặt được, xin nhớ rằng anh em chúng tôi, không quên các chị. Xin hãy bỏ ra khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong một ngày bận rộn của các chị, ngồi xuống bên cạnh những thằng bạn xấu số của chúng tôi, cho chúng nó những gì ngọt ngào nhất mà các chị có thể cho được. Để cùng với nhau, chúng ta nhìn lại ngày hôm qua – trong một chiều dài của 30 năm – nhìn lại, để làm cho cuộc đời ngày hôm nay đáng sống hơn ngày hôm qua gấp bội. Vì, thời gian không còn là đồng minh của chúng ta nữa, các chị ạ!

Cuối cùng, Hội Ngộ không phải chỉ là hội ngộ. Vì Hội Ngộ 30 năm là cơ hội duy nhất được uống chén rượu bằng hữu bên bờ huyệt mộ của riêng mình. Nên Hội Ngộ cũng là sự chuẩn bị rực rỡ cho cuộc Phân Ly. Cuộc Phân Ly cuối cùng để không bao giờ nói đến Hội Ngộ trên trần gian này thêm một lần nào nữa. Phạm ngọc Hiệp đã soạn sẵn cho chúng ta lời kinh cầu nguyện. Xin tất cả hãy dọn mình sám hối!

“Một đời thăng trầm chúng mình đã đi qua, cách này hay cách khác mà cách nào cũng họan nạn nhiều hơn diễm phúc, khổ đau nhiều hơn vui mừng. Qua đi, qua đi, những cơn mê. Tình này chồng chất lê thê. Được, thua rồi chẳng còn gì. Chỉ còn lại là những kỷ niệm rực rỡ của một thời thanh xuân không bao giờ tìm thấy nữa.Là mầy, là tao, là chúng mình, những thằng láo nháo , đùa nghịch tối ngày. Giờ đây, tạm yên thân nơi xứ lạ quê người, cũng là lúc dọn mình đi xuống. Xuống một nơi bình yên nhất của một kiếp nhân sinh phù du.

Và trên con đường buồn bã kia, chỉ có hơi ấm ở hai bên: vợ con và bạn bè ngày cũ.

Cầu xin mọi người giữ mãi ngọn lửa nhỏ nhoi này.”

Tháng 6/2003

© T.Vấn 2007

© T.Vấn 2003

Bài Mới Nhất
Search