T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Captovan: Mời Huynh Đệ Pétrus Ký …Cùng Ký.

clip_image002

Cựu GS Petrus Ký & Tân BCH

Chờ mãi mới tới ngày Chúa Nhật 11 tháng 12/2011 là ngày ra mắt tân ban chấp hành hội Pétrus Ký Nam Cali vào lúc 11 giờ sáng, theo dõi tin tức thì tôi được biết NM (anh em) trong ban tổ chức sẽ đến địa điểm vào lúc 10 giờ sáng để kiểm soát lại các chi tiết của buổi họp mặt cho thật chu đáo, vì các thầy cô sẽ đến rất đúng giờ vào lúc 11 giờ. Tôi là “trò” nên phải đến sớm hơn, nhưng vì nôn nóng nên mới 10 giờ15 đã có mặt và là người “ăn cỗ đi trước” tiên..

Đã từ lâu rồi, biết có hội cựu học sinh LPK Trương Vĩnh Ký, nhưng phần vì bận sinh hoạt với các hội đoàn quân trường, quân đội, phần vì không thấy có tên “thằng bạn” nào cùng lớp xưa kia nên tôi lơ-là với hội nhà, hội của trường cũ. Rồi một ngày kia, thấy trong ban chấp hành của hội có tên Lê Thành Lân, nghe quen quen, tôi lần manh mối mới biết Biệt Kích Dù Lê Thành Lân là dân LPK 62, tức bạn cùng thời, có thể cùng lớp, thế là tôi mò đến làm quen với Lân, với hội LPK, nhưng vẫn còn khớp vì thấy họ nói năng với nhau nhẹ nhàng ôn tồn, mà tôi thì vốn tính ồn ào nên “năm khi mười họa*” mới đến dự (* tôi nhớ câu này thầy Pháp Văn Phạm Văn Ba dịch sang tiếng Pháp nhe rất vui là: “cinq quand dix corbeaux”, thầy là người Nam nên “họa” hay “quạ” cũng mêm-mờ-sô mắm sốt).

Ngày 30/1/2011 nhân dịp thầy Phạm Ngọc Đảnh, thày của tôi năm Đệ Thất, Lục, từ Đức qua Nam CA chơi và cũng là dịp tiệc tất niên của LPK họp mặt nên tôi hẹn với Lân cùng đến dự chứ một mình tôi thì lạc-quạc lẻ-loi quá, không biết nói chuyện với ai. Trong khi chờ Lân đến, tôi bắt chuyện làm quen với anh bạn ngồi cùng bàn:

_ Chào anh, tôi là Vanto, LPK 55-62, còn anh học LPK thời gian nào vậy?

_ Tôi là Đạt, cũng thời gian 55-62..

_ Như vậy là chúng ta cùng thời, nhưng có lẽ khác lớp, hồi đó trong lớp Đệ Thất và Lục B1 của tôi cũng có một thằng tên là Đạt, nó hiền và đàng hoàng nên có cái ních-nêm là “Đạt Thầy Đồ”.

Anh bạn nhìn sửng tôi rồi tủm tỉm cười:

_ Tao nè, chính tao là “Đạt Thầy Đồ” đây nè.

Quý huynh đệ thử tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xẩy ra và vui kể gì nếu một ngày kia huynh đệ cũng rơi vào trường hợp của tôi. Hơn nửa thế kỷ gặp nhau, ngồi bên nhau, không nhận ra nhau “who’s who” là chuyện bình thường, nhưng nhớ tên bạn, cả nick-name nữa thì không bình thường chút nào, bởi vì tôi là con cừu non Bắc Kỳ di cư rau muống vào học LPK, ngồi giữa đàn sói Nam Kỳ giá sống! Ôi đau thương kỳ thị Nam Bắc! Nhưng không ai có thể ngờ sau một thời gian nghinh nhau thì từ trong học đường ra đến ngoài đời tình rau muống xào chung với giá sống thêm tí tỏi thì ôi thôi, tuyệt vời, hòa thuận, đầm ấm, hạnh phúc và … đẻ liên tục.

Khi biết có buổi ra mắt tân BCH và cũng có thể coi như tiệc tất niên, tôi đã nhờ bạn Lân ghi danh và rồi Lân cũng “moi móc”, tìm đâu ra một số bạn “đồng thời” cho đủ mười người, được biết đại sư huynh Bồ Đại Kỳ cũng dự, anh cũng rủ rê đồng môn đủ 1 bàn. Nghe thế là vui rồi nên tôi đến sớm với hy vọng có được những niềm vui bất ngờ, được gặp huynh đệ tán dóc trước giờ khai mạc cũng là niềm hạnh phúc. Huynh đệ cứ xuống phố Little Saigon mà coi, “ngựa xe như nước áo quần như nêm”, ngựa xe thì chạy lòng vòng kiếm parking và rồi không biết nhường ai, áo quần trang sức đầy mình nhưng thiếu tình đồng hương. Ở đâu cũng thấy dư lạnh lùng mà thiếu một nụ cười ấm áp, nhưng ở đây, những buổi họp mặt như thế này, chỉ có bắt tay và nụ cười, hạnh phúc là đây, nào phải đi tìm đâu xa.

Tôi đến lúc 10 giờ 15 phút sáng, nhà hàng chưa có ai ngoài vài LPK trẻ tuổi, quần dài xanh áo sơ-mi trắng với bảng tên trên túi áo, đồng phục thời học trò năm xưa, đang bận rộn làm việc, tôi chưa kịp hỏi thăm thì một “em” LPK đã lên tiếng trước:

_ Chào anh Philato, chúng em xin tặng anh cuốn đặc san Petrus Ký 2011.

Miệng chào, môi cười tay mở thùng đựng sách, cô trao cho tôi 2 tập đặc san. Tôi hết sức ngỡ ngàng khi có một người đẹp xa lạ gọi đúng tên. Tôi chưa biết quý danh của cô, cũng không biết cô học LPK niên khóa nào, nhưng đã 2 lần đến họp mặt với hội, tôi đều thấy cô trong ban tổ chức và làm việc thật nhiệt tình. Sự việc bất ngờ cảm động làm tôi lúng túng, chỉ biết ấp úng:

_ Ủng hộ bao nhiêu một cuốn hả cô?

_ Không, đây là phần của anh có bài viết đăng trong đặc san.

Tôi lí nhí cám ơn rồi đem sách ra xe cất kỹ. Sáng Chủ Nhật, trời lạnh 50 độ F, ôm đặc san trường cũ vào ngực, tôi thấy bớt lạnh, bớt ho và ấm lòng vì phong thái làm việc của các LPK trong ban tiếp tân, tôi hỏi nhỏ một bạn trẻ, tên Văn, trong ban tổ chức:

_ Bông hồng nhung ngồi đầu bàn tiếp tân kia tên gì và học LPK năm nào vậy?

_ Cô ấy tên Xuân Hương, không phải học sinh Petrus Ký mà là bà xã em.

_ Hèn gì ..

Tôi nói “hèn gì” và bỏ lửng không nói tiếp mà bắt tay Văn, nắm thật chặt, lắc lắc thay cho ý muốn nói với Văn và Xuân Hương:

_ Các em thật đẹp đôi, tuổi trẻ, sắc đẹp, tài năng và nhiệt tình làm việc công, không dễ gì tìm ra được những đôi uyên ương cùng hy sinh “vác ngà voi” như thế này. Tôi vui lây với tinh thần làm việc của các em. Hạnh phúc là đây, ở những buổi họp mặt như thế này.

Chỉ là một buổi ra mắt tân ban chấp hành mà số người tham dự gần 30 bàn, trong đó có các anh chị trong hội Liên Trường và các trường bạn, nhưng đáng trân trọng là thành phần giáo sư gần 20 thầy cô đã không quản ngại đường xa, tuổi già mà đến chung vui cùng học trò, một thầy từ VN qua cũng đến dự. Ban tổ chức phải làm việc khéo lắm và thân hữu thương LPK nên buổi họp mặt mới được đông như vậy.

Lễ khai mạc khá đúng giờ, sau nghi thức chào cờ Mỹ-Việt** là một phút mạc niệm với lời dẫn giải thật hay và cảm động, Tuy nhiên người viết xin góp ý với ban tổ chức về việc chào quốc kỳ Mỹ-Việt (**). Theo tôi nghĩ, trong một buổi lễ có 2 quốc kỳ trở lên thì quốc kỳ và quốc ca nước chủ nhà cử hành sau cùng, chúng ta tạm cư trên đất Mỹ, Mỹ là chủ nhà vì vậy quốc kỳ và quốc ca Hoa Kỳ nên cử hành sau cùng. Một số các hội đoàn không để ý đến việc này nên đã có trường hợp khách Mỹ đến tham dự thì họ thắc mắc, vì vậy đề nghị các bạn trẻ coi lại.

Một điểm rất đáng chú ý là trong phần giới thiệu tân ban chấp hành, trong đó có luật sư, bác sĩ và những nghề nghiệp chức tước cao cấp khác, nhưng tất cả chỉ được xướng danh là Pétrus Ký Ngô Bá Định, Dương Văn, Đỗ Trọng Thái, Lâm Mỹ Hoàng Anh, Võ Trọng Đạt v.v… nhưng lại giới thiệu là Giáo Sư (GS) Dương Ngọc Sum. Thật là tế nhị, khiêm nhường và “tôn sư trọng đạo”, các bạn trẻ đã cư xử một việc quá hay, quá tinh tế khi cân nhắc từng lời ăn tiếng nói. Trong phạm vi học đường, tất cả chỉ là trò với thầy (GS) mà thôi, không có bất cứ một chức tước nào khác dù trong thành phần tham dự này có nhiều thứ sĩ và sư lắm, nhưng những sĩ và sư ấy chỉ là học sinh LPK dưới sự dạy dỗ của các thầy, các giáo sư. Theo gương tuổi trẻ tôi cũng chỉ dám gọi các huynh đệ là … PK Bồ Đại Kỳ 54, PK Phạm Gia Cổn 61, PK Võ Thạnh Thời 62, PK Trịnh Thành 62. PK Lê Thành Lân 62 v.v… mà không gọi các anh là đại tá, trung tá, bác sĩ, kỹ sư gì cả, vì đây là đại gia đình của Sư Tổ Pétrus Trương Vĩnh Ký

clip_image004

Tân BCH PK NK 2012-13: Trái Ngô Bá Định (Ngoại vụ), Dương văn (Nôi vụ), GS Dương Ngoc Sum (Cố vấn), Đỗ Trọng Thái (TTK), Lâm Mỹ Hoàng Anh (Tân HT), Võ Quang Đạt (Cựu HT)

Liên quan tới chuyện xưng hô chức tước nghề nghiệp trước đám đông, tôi xin hầu quý huynh đệ một câu chuyện thật 100% mà tôi là nạn nhân phải nghe. Trong đám tang tiễn chân ông cậu về bên kia, một người cháu mà ngưới quá cố đã đem theo khi vượt biên, lên nói lời phân ưu cùng tang gia, anh ta mở đầu bằng lời rất chân tình và “thật thà”:

_“Thưa ..tôi là bác Trần từ Florida qua để tiễn chân…”!

Trời cao đất dầy ơi, ân nhân bệnh hoạn thì không một lời vấn an, nay ông ra đi thì hắn từ Florida sang để mượn xác chết mà quảng cáo cho nghề nghiệp của hắn sao? BS thì ích gì khi người đã chết! Nghĩ mà tức cười, con sâu làm buồn lòng giới y.

Trở lại với buổi họp mặt, sau khi thầy Dương Ngọc Sum giới thiệu tân ban chấp hành thì thầy Nguyễn Thanh Liêm được thầy Sum mời lên có đôi lời “phi lộ”. Trong bất cứ sinh hoạt nào của Pétrus Ký cũng đều có hai thầy, dù khó khăn thì hai thầy vẫn như những “cây tùng trước bão” để chỉ bảo đám học trò.

Tuy là Hiệu Trưởng rồi Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục, nhưng thầy Liêm rất gần gũi thân thiện với học trò, lúc nào cũng cười và đem niềm vui đến cho người xung quanh. Một lần tham dự buổi ra mắt ban chấp hành hội GL tại nhà hàng Emeral Bay, thầy phát biểu:

_ Tôi là rể Gia Long, nhưng không phải rể một lần, mà tới hai lần”.

Hội trường cười vang như pháo nổ, đâu đó có vài chàng LPK cũng là rể GL muốn theo gương thầy, nhưng liếc sang bên cạnh thì GL ngày ấy vẫn còn đây, vẫn đẹp dù đã là bà.

Mặc dù thầy còn dư sức leo núi, nhưng “bị” thầy Sum dìu lên sân khấu nên câu đầu tiên thầy Liêm đã có ý thanh minh thanh nga làm sôi động không khí buổi họp mặt:

_ Hồi này tôi già rồi nên …diễn văn càng ngày càng ngắn đi.

Thưa thầy, ở lớp tuổi ra trường vào thập niên 60 như chúng em thì ai đọc diễn văn, ai nói dài, nói dai nói dở thì tụi em gật gù ngủ gục, nhưng với thầy thì chuyện “ngắn dài” của thầy không thành vấn đề, vì thầy nói chuyện chứ không đọc diễn văn, mà thầy nói chuyện thì duyên dáng vô cùng, không duyên thì làm sao được làm rể GL tới lần thứ hai.

Thầy Liêm giải thích về hai câu đối treo hai bên bức tượng Pétrus Ký với đại ý rằng học cả đạo lý khổng Mạnh với khoa học Tây Âu, Hai câu đối này ở hai bên cổng trường như sau:

Khổng Mạnh Cương Thường Ta Khắc Cốt.

Tây Âu Khoa Học Yếu Minh Tâm.

(Theo thầy Sum thì tác giả vế đối này là của Giáo Sư Ưng Thiều, nhưng cũng có ý kiến nói là của một vị hiệu trưởng…).

Câu chuyện thầy Liêm nói hôm nay là vấn đề “Tôn Sư Trọng Đạo”, tình thầy trò, nên làm gì và không nên làm gì. Những gì thầy nói thì tôi giữ kín trong lòng, và ai cũng đã nghe, nay tôi xin “vuốt đuôi” thầy bằng bài thuyết pháp về “Tôn Sư Trọng Đạo” của Thượng Tọa Thích Thuận Thiện mà tôi đã được nghe.

Thượng tọa nói rằng ở đời có nhiều thứ thầy, thầy dùi, thầy cò, thầy đề, thầy bàn … nhưng có ba thứ thầy quan trọng nhất theo thứ tự ưu tiên là “Thầy Giáo, Thầy Thuốc, Thầy Tu”. Thầy tu có khi còn gọi là Thầy Chùa. Bài thuyết pháp của Thượng Tọa khuyên phàm đã là người thì phải biết đối xử với nhau theo phép tắc, nhất là đối với Thẩy Giáo, “không thầy đố mày làm lên”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Đại sư huynh Bồ Đại Kỳ LPK 48-54, dù là trên lớp của Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, dù trong quân đội, huynh là sĩ quan cao cấp, nhưng trong buổi họp mặt PK, trong sân trường, huynh Bồ Đại Kỳ vẫn gọi thầy Liêm là “thầy”.

Đạo lý là thế, nhưng kẻ vô đạo như họ Mao thì ví trí thức không bằng cục ..phân rồi đến đám hậu sinh khả ố cũng thế, khi họ “giải phống” miền Nam thì họ “giải phống” luôn nền giáo dục, thầy giáo thì bị “tháo giầy”, “mất dậy”, “đi cày”, nhưng đi cày mà không có ruộng!.

Thôi, nhắc chuyện “giải phóng” làm phỏng.. giá, làm ô nhiễm không khí buổi ra mắt ban chấp hành, xin quay lại sân khấu nghe thầy Sum kể chuyện. Thầy kể rằng ngày xửa ngày xưa đã có lúc GL sang học chung với PK nên có nhiều kỷ niệm vui.

Tôi nhớ niên khóa 55-56 khi chúng tôi mới ở lớp Đệ Thất thì các lớp Đệ Tam, Đệ Nhị Đệ nhất có dăm ba tà áo dài trắng phất phơ, và nghe đồn rằng sau 1975 cũng có một số nữ sinh học chung với nam sinh ở ngôi trường này.

PK chung lớp với GL là những ai thì tôi không biết, nhưng tôi biết có rất nhiều PK tuy không chung lớp nhưng lại chung phòng, chung gối, chung cả đường đi lối về, chung con chung cháu v.v…với GL. đó là PK Nguyễn Thanh Liêm, PK Nguyễn Minh Châu, PK Trương Văn Vấn (tức nhà văn T.Vấn, có 2 bài viết trong đặc san Petrus Ký 2011) và cả PK tôi nữa.

Đang nghe thầy Sum nói chuyện về GL thì có một GL mang thiệp tới bàn chúng tôi ngồi để mời họp mặt tất niên, thấy GL này đẹp và lịch sự quá nên nhân dịp này không bắt chước thầy Sum để xin làm quen thì thiếu con mắt thẩm mỹ, tôi hỏi cô thuộc nien khóa nào thì cô bảo:

_ Em là GL 62.

GL 62 tức ra trường năm 1962, như vậy là cùng thời với chúng tôi rồi, hẳn là đã gặp nhau đâu đó, trong sân trường khi đi bán báo, nhưng sao thấy cô trẻ quá, tôi hỏi lấy điểm:

_ GL 62 hay 72?

Cô GL chỉ cười mà không thèm cải chính, cái dễ thương của phụ nữ là vậy. Nếu ở môi trường khác, không gian khác thì chuyện PK nói với GL sẽ là “người cũ không rủ cũng đến” nhưng đây là sân trường, không phải chiến trường nên không được phép “nổ”.

Trong không khí vui chung của buổi ra mắt BCH, có vướng vấn không khí tết Nguyên Đán đâu đây, BCH cũng đã chúc tết thầy cô, huynh đệ và thân hữu..thì mỗi người cũng có niềm vui riêng, tôi vui vì ngày càng tìm được thêm huynh đệ LPK, được trẻ lại với quá khứ LPK 55-62, và mỗi lần đến họp mặt tôi lại gặp niềm vui bất ngờ. Tất niên 2010, bất ngờ là lần đầu tiên gặp lại “Đạt Thầy Đồ” từ thời 55-56, trong buổi họp mặt tất niên 2011, tức buổi ra mắt BCH 2012-2014, tôi lại bất ngờ gặp lại một huynh PK đồng thời cũng là một niên trưởng trường Võ Bị, anh khóa 15, tôi khóa 19. Và thời gian 1985, sau khi ra khỏi nhà tù nhỏ, về nhà tù lớn, anh ở đường Gia Long, tôi đường Trương Định, sáng sánh chia nhau diếu thuốc rê, ly café bên vỉa hè và rồi chia tay tìm đường tỵ nạn, hơn 25 năm sau, bất ngờ gặp lại nhau trong không khí vui tươi của hội LPK, anh là PK Lê Văn Trước.

Điểm dáng ghi nhận trong buổi họp mặt này là thầy Nguyễn Thanh Liêm nhắc nhở và nhắn nhủ các trò rằng hãy cùng nhau kiên trì và cố gắng tìm lại tên trường;

Trường Trung Học Pétrus Trương Vĩnh Ký.

Nghe lời thầy dậy, đã một lần, tôi ghi tâm nguyện này trong bài viết “Thầy Cũ Trưởng Xưa” ( đã có trong đặc san PK 2005 và 2011). Nay xin nhắc lại trong bài viết này như một lời chào tạm biệt quý huynh đệ, chúc huynh đệ mạnh khỏe, chúc tuổi trẻ LPK tiến mãi và sẽ còn gặp lại, gặp lại dưới mái trường xưa LPK Trương Vĩnh Ký. Đoạn tâm ngjuyen65 đó như sau:

Kính thưa quý thầy cô, thưa các huynh trưởng cùng các bạn đồng môn, có nhìn tận mắt mới thấy xót xa và sự phục hồi sức khỏe cho trường Mẹ là cần thiết. Những ai đã từng dậy và theo học tại ngôi trường này, dù lâu hay mau, dù thành đạt hay chỉ là những công nhân, quân nhân, dù xu hướng chính trị có khác nhau nhưng mọi người đều phải có trách nhiệm ít nhiều về cái tên trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký.

Một lời kêu gọi nhiều người hưởng ứng, một chữ ký đòi lại tên trường sẽ có ngàn ngàn chữ ký tiếp theo, cho dù người đối thoại với chúng ta mang máy trợ thính với cái nút nghe luôn luôn vặn về OFF, nhưng rồi có lúc máy nghe hết pin, chắc chắn trong tương lai, chúng ta lại được gọi tên Người. Lúc đó thầy mang hộp sơn, trò cầm cây cọ, chúng ta cùng về vẽ lại bảng tên, sơn lại mái trường.

Một tập thể chỉ có cựu học sinh P.Ký, không có ông nọ bà kia, không có anh Năm chị Sáu, không có ông trưởng bà phó, chỉ có tiếng kêu cứu của Thầy và Trò thì sẽ vọng lên tới Thiên Đình. Tin tưởng vào lòng người, nào xin mời quý thầy và đồng môn:

_ “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đường, lên đường tươi sáng, ta cùng đồng lòng điểm tô ..non sông & trường xưa”.

clip_image006

Căn phòng 2 tầng bên tay trái, trước đây , là phòng Sinh Họat Hiệu đòan ( tức phòng làm việc của Ban Đại diện Học Sinh )

clip_image008

(hành lang phía trước nối liền văn phòng và phòng các giáo sư)

clip_image010

Bức tượng (hiện nay ) không phải là Tượng cụ Trương Vĩnh Ký nữa .

LPK 62 Captovan

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search