T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ngộ Không (bài cuối) – Một Chút Dối Già hay Lời chia tay nói sớm

clip_image002

1.

Tôi đợi đến bài cuối cùng trong lọat bài viết về Ngộ Không mới nhắc đến quyển sách đầu tiên (và duy nhất?) mà ông vừa in xong, với một hàm ý, có quyển sách đó hay không, thì những đóng góp chữ nghĩa của ông cho đời cũng đã được ghi nhận.

Cũng may, chúng ta sống trong thời đại có rất nhiều thành tựu của khoa học kỹ thuật, ảnh hưởng đến mọi lãnh vực sinh họat, trong đó có việc xuất bản sách báo. Sách in đang mỗi ngày lui dần, nhường chỗ cho sách điện tử. Tạp chí văn học dưới dạng điện tử, hầu như đã thay thế hòan tòan tiền thân tội nghiệp của mình. Văn đã chết. Người thư ký tòa sọan cuối cùng (nhà văn Nguyễn Xuân Hòang) hiện đang chịu đau đớn mỗi ngày vì một chứng bệnh nan y. Văn Học cũng đã chết. Người thư ký tòa sọan cuối cùng (Cao Xuân Huy) cũng sắp mãn 3 năm tang chế. Dù vậy, 10 năm nay cái tên Ngộ Không Phí Ngọc Hùng cũng đã có mặt ở nhiều nơi và đã được trang trọng đón nhận. Và đặc biệt trên trang T.Vấn & Bạn Hữu này.

Quyển sách mà Ngộ Không vừa in xong, có tên là Một Chút Dối Già. Anh bạn Ngọc Tự góp phần khá lớn trong nỗ lực thuyết phục ông sắp xếp việc này. Sách in với số lượng rất hạn chế. Chỉ gởi tặng bằng hữu xa gần, không bán.

Về hình thức, sách mang cái nét trang nhã cần thiết của một tác phẩm văn học. Bìa do sự hợp tác thân thiết giữa Ông Ngộ Không và Bà Ngộ Không. Bà chụp hình, ông chọn lại và tự làm lay-out. Sách dầy hơn 600 trang khổ lớn. Cầm hơi nặng tay. Khá nặng tay cho những ông già bà cả.

Sách gồm hai tuyển tập: Tuyển tập 1: 20 bài. Tuyển tập 2: 20 bài. Vị chi 40 bài với hơn 600 trang. Không Tựa, không Bạt.

Một số bài trong hai tuyển tập này đã được giới thiệu trên T.Vấn & Bạn Hữu. Cách phân chia thành hai tuyển tập trong một quyển chỉ giúp người đọc dễ theo dõi, ngòai ra không thấy gì chủ ý trong việc chọn và phân chia bài.

Về nội dung của 40 bài ấy, tôi dùng một trích đọan trong bài giới thiệu tập sách Một Chút Dối Già của Ngọc Tự mà chúng ta đã đọc qua:

Về đề tài và các loại câu chuyện trong nội dung thì thật cứ như gặp phải biển chữ, bơi lội có giỏi đến đâu chắc cũng ngộp đừ khi gặp vùng biển thế này. Thôi thì đủ cả, từ chữ nghĩa văn chương thơ phú, văn học sử, danh nhân, sử sách, đồ cổ đồ xưa, rượu chè ăn chơi, trà đàm trà đạo, cà phê cà pháo, triết lý, lý luận tu đạo, thiền môn cửa Phật, kỷ niệm yêu đương mộng mơ, hò hẹn ái tình, bạn hữu, anh em họ hàng…Tôi có ý nghĩ rằng đây cứ như là một khu chợ trời không bằng, theo cái nghĩa là đã bầy biện ra thật nhiều thứ và không phải hoàn toàn cao sang quý trọng ghê gớm gì. Tuy vậy rất nhiều thứ món mà lắm khi không thể tìm thấy ở một nơi chỗ nào khác cả thì bỗng bất ngờ thú vị vì lại có ở đây. Như thế mới sướng khoái làm sao.( Ngọc Tự – Có lão vừa dối già ).

Nếu Ngộ Không định in hết những tác phẩm của mình, giả sử ngày hôm nay ông hòan tòan ngưng viết, thì sẽ phải cần đến ít nhất 5 quyển sách nữa có cùng một bề dầy mới tạm gọi là xong. Đó là chưa kể những sưu tầm về điển cố, chữ nghĩa trong công trình “Chữ Nghĩa Làng văn”. Và không thể bao gồm công trình “Tác Giả Tác Phẩm”.

Nhưng quyển sách in đầu tiên (và cuối cùng?) này lại có cái tên: Một Chút Dối Già.

Kể ra, ở số tuổi “Thất thập cổ lai hy” của ông, thì việc dối già cũng chả có gì để gọi là sớm, là “gở”.

Trong “Đôi lời bộc bạch” của phần 1, ông “bộc bạch”:

Một ngày như mọi ngày, tay cà phê, tay thuốc lá, ngồi thuốc cù rũ đằng góc vườn, trong bóng tối đợi nắng lên, nắng lan man leo lên đụn cây, nắng lặng lờ bò xuống thảm cỏ để người viết có thêm một ngày…viết để dối già.

. . . .

Mươi năm sau, chiều đến, cũng ở chỗ ngồi cũ, tay điếu thuốc, tay ly rượu, người viết ngồi rị mọ đọc lại dăm trang sách cũ vàng ố có tựa đề Một chút để dối già để tìm thời gian đã mất. Cho đến lúc bóng ngả đường chiều phủ lên vườn nhà, nắng quái chiều hôm chụp xuống cái tuổi lá xanh lá vàng. Người viết nhẹ dần theo mây khói với ngày qua tháng lại, không còn biết mình đang ngồi đây hay là mây đang bay trên trời cao trong những ngày nhạt nắng…”

Tôi có cảm tưởng đúng là việc in quyển sách này chính “để dối già”. Chính quyển sách cầm trên tay (nặng trĩu) là “vật” dối già. Có nghĩa là, sau quyển này, sẽ không còn quyển sách dối già nào khác nữa.

Một tiếng nói trong tôi bảo “Thế phải rồi, in nữa cũng vậy thôi! Người đọc ngày càng thưa, kẻ bỏ tiền ra để mua sách về đọc lại còn thưa hơn nữa, dù chẳng phải nghèo khó thiếu thốn gì”. Nhưng trong miệng cứ đọng một vị đắng. Lẽ ra, sách của ông phải được in từ lâu rồi mới phải. Và chúng phải được nằm trang trọng trên những kệ sách gia đình khắp nơi. Công trình tim óc – dù chỉ của 10 năm – đâu phải để bị lãng quên đau đớn như thế.

Tôi tự nhủ, ít nhất mình có được một phương tiện kỹ thuật trong tay và nhất quyết sẽ không để những công trình tim óc ấy bị mai một, nhưng làm sao gợi cho ông có được cái cảm giác “Mươi năm sau, chiều đến, cũng ở chỗ ngồi cũ, tay điếu thuốc, tay ly rượu, người viết ngồi rị mọ đọc lại dăm trang sách cũ vàng ố có tựa đề Một chút dối già để tìm thời gian đã mất.”.

Chỗ cũ ấy trong khu vườn nhà ông, tôi đã từng ngồi. Mai sau dù có bao giờ, tôi ghé qua thành phố bụi bậm ấy, tìm trú ẩn trong ngôi vườn cô tịch , có giỏi lắm thì cũng chỉ một tay cầm ly rượu, một tay cầm cái máy đọc (E-Book Reader), giở ra đúng cái đọan “Một Chút Dối Già để tìm thời gian đã mất”. Nhưng mặt cái máy đọc lúc nào cũng như lúc nào, đâu có cái màu ố vàng để nhắc nhớ đến người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ.

Thời gian thì chắc chắn rồi sẽ mất. Có đi tìm cũng chỉ là hòai thiên cổ. Người thì cũng chắc chắn đã (sẽ) đi vào cõi hư không. Nhưng cái còn lại vẫn cứ sẽ còn lại. Dù là còn lại dưới hình thức “những trang giấy úa vàng” hay trong những quyển sách điện tử không bao giờ mang dấu vết thời gian, ngọai trừ con số ngày tháng in trên đó.

Có phải vậy không ông Ngộ Không Phí Ngọc Hùng?

2.

Tôi đã dùng tới 5 bài viết chỉ để nói về Ngộ Không Phí Ngọc Hùng. Chính xác hơn, để đưa ra một cái nhìn – của riêng tôi – về văn chương Ngộ Không.

Có phải là cung cách “mặc áo thụng vái nhau” mà người ta có thể thấy xẩy ra đâu đó?

Nói của đáng tội, mang tiếng 5 bài riêng rẽ, nhưng nếu gộp chúng lại thì cũng có thể nằm gọn được trong chỉ 1 bài (tuy hơi dài). Tôi chia chúng ra, mỗi bài nói về một tính cách riêng của văn chương Ngộ Không như tôi nhìn thấy, chỉ để cho dễ viết, dễ đọc, nhất là khi chúng đến với độc gỉa trên trang báo điện tử.

Tất nhiên chúng không hề có chút họ hàng gì với cung cách “mặc áo thụng vái nhau”. Tôi “say” chữ nghĩa Ngộ Không khi ông còn xa lạ, chưa là gì với tôi. Tôi “chóang” chữ nghĩa Ngộ Không từ vị thế độc giả, đọc văn một người, và tự cảm thấy mình nợ người ấy một đôi lời “phải quấy”. Những ý tưởng nền tảng cho lọat bài về Ngộ Không hình thành trong tôi từ ngày tôi thức hẳn một đêm đọc văn “người viết mới” Ngộ Không Phí Ngọc Hùng mấy năm trước. Khi ấy, nghĩa bằng hữu mà cả ông lẫn tôi đều coi trọng hơn mọi thứ hư danh, hão danh vẫn chưa manh nha hình thành. Đó là việc sau này qua những lần gặp gỡ bên ly cà phê đắng , bên chén rượu nồng, bên những trang viết ngồn ngộn những chữ là chữ.

Mấy hôm trước, tôi nhận được lá thư “hốt hỏang” của Ngộ Không. Ông nửa đùa nửa thật trách tôi đã làm ông có cảm tưởng như người bị “tẩu hỏa nhập ma”. Đến độ ông không còn quả quyết mình là ai nữa. Mới hôm nào, tôi bảo ông là “lão điên chữ”. Ừ thì cũng được đi, vì quả có là như vậy. Rồi hôm qua, vào trang TV&BH, thấy mình được gọi là “gã thiền giả”. Giả thiệt thiệt giả cũng chẳng chết ai. Bỗng hôm nay, thấy mình được thêm danh xưng mới: Ông già Bắc “cực kỳ”. Thế “nà” thế “lào”? Ấy là lúc đó Ngộ Không chưa biết sẽ còn danh xưng: Gã biết chữ.

Tôi im lặng. Cứ để cho Ngộ Không “hốt hỏang”. Tôi – với tư cách người đọc – có quyền có cái nhìn riêng của mình về ông – với tư cách người viết – dựa trên những gì ông đã phô bày cho công chúng: chữ nghĩa. Thế nên, chữ nghĩa chỉ đóng vai trò trung gian. Còn người viết vẫn cứ là người viết, Ngộ Không vẫn cứ là Ngộ Không, bất kể người đọc gọi ông bằng bất cứ danh xưng gì. Chiếc áo chẳng thể làm nên ông thầy tu.

3.

“Ngày giời tháng bụt” qua mau như ánh chớp. Ngộ Không Phí Ngọc Hùng đã hiên ngang bước qua ngưỡng cửa cổ lai hy. Tôi thì cũng đã đến giai đọan nghe điều không thuận tai vẫn giữ được tâm lặng lờ không mảy may xao động (lục thập nhi nhĩ thuận). Có thể “Một Chút Dối Già” là dịp duy nhất cho tôi được múa may đôi điều về ông già điên chữ Ngộ Không. Cái ngày mai bất trắc mà chúng tôi trông chờ ấy tuy chưa gần nhưng cũng chẳng mấy xa. Chỉ sợ đến lúc không kịp nói cả lời chia tay. Nói gì đến tình tri ngộ qua chữ nghĩa.

Còn bây giờ, xin được trân trọng “Một Chút Dối Già” cho đời thêm hương sắc. Vì có thể, đó là lời chia tay nói sớm.

T.Vấn

16 tháng 8 năm 2013

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search