T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

LN Đồng : Rượu – Tản mạn về nghệ thuật uống rượu (2)

clip_image002

 

Bia, Rượu vang hay Cỏ nhắc?

 

Bia:

Nói về bia, hiệu nào ngon nhất thì cũng tùy từng người. Ngày còn ở VN thiếu thốn đủ mọi thứ thì chẳng nói làm chi: bia mập (bia Con Cọp) làm chuẩn, cả năm mới dám lên Kim Sơn một hai lần, bắt trước Trần Đại (Điệu ru nước mắt – Duyên Anh) uống bia 33 đặc, ngậm xì-gà Hav-A-Tampa; họa hoằn lắm mới dám chơi bia ngoại quốc như Heineken, San Miguel, Budweiser, Miller…

Sang tới Úc mới đủ khả năng, điều kiện để lựa chọn. Lúc đầu, LNĐ uống Carlton Draught, sau đổi sang Foster, tới khi đi làm chung với dân Úc mới “khám phá” ra Victoria Bitter (mà người bản xứ gọi tắt là VB).

clip_image004

LNĐ cũng chẳng hiểu tại sao mình lại khoái “vi-bi”. Bởi vì loại bia phổ biến nhất thế giới là lager (nhiều bọt, vị ngọt, dễ uống), bằng cớ là hiệu Foster (Lager) được xuất cảng đi khắp các nước. Còn nói về “thơm” thì phải nói tới loại bia pilsener (xuất phát từ Tiệp-Khắc), chẳng hạn hiệu Heineken của Hòa Lan. Nếu nói về đậm đà thì bia nào bằng bia đen (stout, hoặc porter) của Anh, Ái Nhĩ Lan… Vậy mà phe ta lại khoái VB-bia đắng!

Một vài người Úc giải thích như sau: VB muốn uống ngon thì phải ướp thật lạnh, lạnh tới mức khi uống không thấy vị đắng, vì thế trong nắng hè trên dưới 40 độ của Miệt Dưới, không gì đã khát (và có hậu) cho bằng VB.

Cũng cần nhắc lại là trong cuộc chấm điểm 10 hiệu bia bán chạy nhất ở Úc hồi gần đây, ban giám khảo đã cho VB và Crown Lager đứng nhất đồng hạng (nên nhớ Crown mắc hơn gấp rưỡi VB), dựa trên 10 tiêu chuẩn, trong đó có màu sắc, bọt, xủi tăm, mùi, vị, độ đậm đặc, và hậu sau khi uống.

Uống bia ở trong quán rượu (pub, nơi mà ly đã được ướp lạnh) thì không nói làm gì, nhưng uống ở nhà, nhất là uống VB thì phải ướp lạnh đúng mức (khoảng 4 độ C). Nếu rót ra ly thì phải là ly có quai (beer mug), hay ly có chân (hoặc ly có đế cao) để khi cầm lên, hơi  ấm từ bàn tay không truyền sang làm bia mất lạnh. Dĩ nhiên ta có thể bỏ thêm đá vào ly nhưng cực chẳng đã mới phải làm thế, vì bia sẽ bị lạt đi. Tiện nhất (và ngon nhất) là uống thẳng từ chai nhỏ (stubbies, 375 hoặc 250ml) đã được ướp lạnh; chỉ có điều đáng tiếc là một khi không rót ra ly thì không thấy được cái đẹp của màu bia và bọt bia!

(Những người thích hương vị của bia bitter nhưng lại sợ… đắng, có thể uống thử Melbourne Bitter, dễ uống hơn VB, nhưng cái hậu thì không bằng).

Trở lại với bia nói chung, trong những buổi họp mặt đông người, không gì lý tưởng bằng uống bia. Vì bia là loại rượu phổ biến nhất, và có nồng độ thấp nhất, nên có thể uống tương đối nhiều mà không sợ say, hoặc vừa uống vừa tán dóc cũng phải cả tiếng đồng hồ sau mới bắt đầu thấm. Hơn nữa, bia có thể “đi” với bất cứ món ăn, món nhậu nào trên cõi đời này (ngoại trừ món sushi của mấy anh Nhật Lùn, LNĐ không thể thưởng thức nổi; có lẽ phải uống với rượu  sake hay một loại vang nào chăng?!)

Khi một vài người bạn tới nhà chơi mà không nhằm bữa, thì uống bia với khô thiều khô mực, hay “beer nuts” (đậu phộng, hạt điều, hạt dẻ…) cũng đủ vui câu chuyện.

Mùa hè nóng nực, cắt cỏ xong, ngồi ngoài sân chờ khô mồ hôi để đi tắm rửa, làm một lon hay chai bia nhỏ thì không còn gì “đã” cho bằng. Mùi cỏ mới cắt, chai bia, điếu thuốc cũng đủ  để quên thân phận… phu (quân) cắt cỏ!

Rồi tới bữa cơm chiều. Ngày LNĐ chưa biết thưởng thức rượu vang, nếu không có một, hai ly bia đi kèm thì cho dù thức ăn do bà xã nấu có đạt tiêu chuẩn quốc tế, cũng thấy vô duyên, vô vị. Nhưng không chỉ có bữa ăn chính, mà kể cả những bữa ăn phụ hoặc ăn vặt, một khi đã bỏ vào miệng thứ gì mằn mặn, không có chút bia cũng có cảm tưởng như thiếu một cái gì.

Thành thử, tuy không ghiền bia cỡ Homer Simpson, LNĐ cũng thông cảm với việc đương sự thú nhận… “No beer, no TV makes Homer something… something crazy!”

Nhưng bia, cũng giống bất cứ loại rượu nào khác, uống nhiều chắc chắn phải có hại cho sức khỏe. Tai hại của bia, LNĐ sẽ bàn tới sau cùng, ở đây chỉ nói về cái bất tiện khi uống bia (uống nhiều), đó là việc phải đi tiểu tiện – người bình dân gọi là “xả xú-bắp”.

Vì thế, nhà (người Việt) nào mà tổ chức giỗ kỵ, thôi nôi con, đầy tháng cháu, vợ chồng hấp hôn, mừng cậu ấm cô chiêu vào đại học… ở phía sau nhà vào buổi tối với 3,4 chục người tham dự, thì không thể tránh khỏi tình trạng “ô nhiễm môi sinh”, thường là ở góc cây hay góc vườn. Những nàng đào, lê, mơ, mận… mà được “ơn mưa móc” thì có thể xum xuê tươi tốt, nhưng nàng hồng dòn, nàng ngọc lan mà bị tưới u-rê thì coi như tàn đời.

Rút kinh nghiệm ấy, hiện nay nhiều gia chủ đã cẩn thận nghiên cứu địa hình địa vật trước, để tìm ra một vị trí kín đáo, an toàn rồi cho bạn bè biết hầu tránh tình trạng… tưới bậy. Việc làm này vừa chứng tỏ gia chủ là người chu đáo, vừa đem lại cho khách sự thoải mái, gia tăng cảm giác thú vị khi nhẹ gánh tang bồng – vì lúc ấy, chỉ có “tôi với trời bơ vơ”!

Rượu vang (rượu nho):

clip_image005

LNĐ được biết mùi rượu vang đầu tiên cách đây khoảng 35 năm, nhân dịp theo một tay bạn học về thăm nhà ở Đà Lạt. Trong bữa ăn tối, ông già hắn xách ra bình rượu chát Bồ Đào Nha (loại bình trong giỏ đan có quai xách, khá thịnh hành trong giới trung lưu thời bấy giờ). Thú thật, lúc đó LNĐ chỉ thấy nó vừa chua vừa chát chứ chẳng ngon lành một chút nào cả.

Sang Úc, vào đầu thập niên 80, bạn bè của LNĐ đa số còn nghèo, lại phải chắt chiu từng đồng gửi về cho bà xã và xấp nhỏ ở VN, nên chẳng mấy ai có khả năng tài chánh để uống bia hàng ngày. Vì thế một vài người chuyển sang uống rượu vang loại rẻ tiền nhất (bình 4 lít, lúc đó giá khoảng 4-5 đô-la), vừa tiết kiệm vừa ra vẻ… dân tây! Riêng LNĐ, vốn “con nhà lính, tính nhà quan”, không có tiền uống bia thì đành nhịn, chứ không thể enjoy được loại rượu vang này.

(Tới đây cũng cần mở một dấu ngoặc để độc giả nào đang uống rượu nho trong bình 4 lít khỏi buồn: rất nhiều người Úc, kể cả một số có đồng lương tương đối, thường ngày vẫn uống rượu nho trong bình 4 lít, chỉ có cuối tuần hay có khách, hoặc đi ăn nhà hàng mới uống rượu trong chai mà thôi. Họ coi loại rượu trong bình 4 lít như một thứ giải khát – refreshment – có chất men vậy).

Về sau, LNĐ quen một bà bạn Úc thuộc giới trung lưu, lần nào tới thăm cũng “bị” bả mời rượu vang, kể cả ngoài bữa ăn. Cái khổ tâm chính của LNĐ không phải là không biết thưởng thức mà cứ bị mời, nhưng là không hiểu biết gì về rượu vang cả mà cứ bị hỏi “Du (you) thấy chai rượu này uống được không”? (Sau này mới biết thường thường, khi khui một chai rượu khá mắc tiền, người ta hay hỏi cảm tưởng của khách). Dĩ nhiên, bố bảo LNĐ cũng không dám cương ẩu, khen bậy, mà đành phải thú thật là mình “no idea” vì chỉ quen uống bia thôi!

Lần đầu tiên trong đời, LNĐ uống rượu vang thấy ngon là vào khoảng cuối thập niên 80,  khi đại diện TVTS tham dự buổi phát giải thưởng kinh doanh sắc tộc (dành cho cá nhân, hoặc công ty thành công nhất trong năm) do một ngân hàng nọ bảo trợ và hệ thống truyền thông SBS đứng ra tổ chức tại đại sảnh của khách sạn 5 sao Grand Hyatt ở đường Collins St, Melbourne – nơi mà trước kia chính phủ tiểu bang Victioria (thời John Cain) đã tổ chức quốc yến để chào mừng Thái Tử Charles và Công Chúa Diana khi hai vợ chồng sang thăm Miệt Dưới.

(LNĐ kể tên khách sạn này ra không phải để “khoe” mà chỉ để quý tửu sĩ độc giả thấy được rằng trong một buổi ăn tối trịnh trọng, người Tây phương chỉ uống rượu vang).

Tối hôm ấy, trong thời gian chờ đợi, chuyện trò ngoài tiền sảnh (foyer), mọi người được mời uống bia sâm hoặc sâm-banh.

Vào bên trong, LNĐ ngồi chung bàn với một người Việt và 6 người Tây phương. Thực đơn trước sau chỉ có 3 món ăn (tuyệt vời): 1 món ăn chơi (entrée) và 1 món ăn chính (main course), nhưng trước mặt mỗi người có đặt sẵn 4 cái ly – 1 ly lớn, 2 ly vừa vừa, 1 ly nhỏ và cao, cái lớn nhất, LNĐ đoán là để uống bia. Nào ngờ người ta chỉ cho mình uống rượu vang (sau này mới biết cái ly lớn nhất là để uống… nước lạnh, còn cái ly nhỏ và cao là để uống rượu ngọt sau bữa ăn).

Không thấy “người rót rượu” mang bia ra, LNĐ ngơ ngác như  “mán về thành”, bèn lén liếc sang vợ chồng nhà báo gốc Đức ngồi bên cạnh để quan sát. Thấy họ cầm cái ly vừa vừa lên thì mình cũng bắt chước, họ uống rượu đỏ thì mình cũng uống rượu đỏ, tới khi họ đổi ly để uống rượu trắng thì mình cũng làm y hệt, thậm chí thấy họ ăn thứ gì mình cũng ăn thứ đó, cho chắc ăn!

Lúc đầu còn thấy hơi ngượng ngập, nhưng sau hai, ba ly thì đã “thuộc bài” và trở thành “tự nhiên như người Hà Nội”.  Và quan trọng hơn cả là thấy ngon miệng!

Có thể nói chính nhờ bị uống rượu vang bất đắc dĩ trong buổi dạ tiệc đó mà LNĐ có cơ hội thưởng thức được (một phần nào) cái ngon của rượu đỏ, rượu trắng.

Từ đó, LNĐ mới bắt đầu quan tâm tìm hiểu về rượu vang (qua hỏi bạn Úc và qua sách vở, “phụ trương rượu vang” của các báo). Học phải đi đôi với hành, cho nên ngoài những lần uống “rượu chùa”, lâu lâu kẻ hèn này cũng phải móc bóp mua một chai về để vừa thưởng thức, vừa thu thập kinh nghiệm.

Sau một thời gian tập tành, LNĐ bắt đầu uống thường xuyên, nhất là trong bữa cơm tối (thường là uống chardonnay). Trước kia mỗi lần bà xã làm một món ăn đặc biệt, LNĐ mở tủ lạnh lấy lon bia ra là bị cự ngay: “Ông uống bia thì đầy bụng rồi, làm sao ăn còn thấy ngon nữa!”

Bà xã của LNĐ đã sai ở chỗ không biết rằng với một người thích uống rượu thì thức ăn càng ngon càng cần phải có chút bia, chút rượu đi kèm, bằng không thì thà đừng ăn còn hơn. Nhưng xét cho kỹ thì bả “cảnh cáo” như thế cũng đúng một phần. Bởi vì ăn càng ngon miệng thì càng uống nhiều, và chỉ cần hai lon là đã cứng bụng, không thể ăn thêm được nữa.

Vì thế, khi LNĐ chuyển sang uống rượu vang, cái lợi đầu tiên là có thể vừa ăn vừa uống cho tới cuối bữa mà vẫn không bị đầy bụng. Kế tiếp, uống rượu vang tiện lợi ở chỗ muốn uống ít hay nhiều cũng được, khác với bia, khui ra là phải uống hết chai, hết lon.

LNĐ là người uống ít nhưng lại hay uống. Khi nào điều kiện cho phép (ngày nghỉ, hoặc cuối tuần) thì kể cả bữa trưa, dù chỉ là cặp sandwich, cũng thích có chút men đi kèm. Khui chai bia thì uống không hết (vả lại giờ đó còn sớm quá, uống bia chưa ngon), nên không gì tiện bằng một ly vang trắng hay vang đỏ!

Tới đây, dù có bị “môn phái vi-bi” khai trừ, LNĐ cũng phải công nhận uống rượu vang là một cái thú mà mình nên tập tành. Đồng thời cũng là một nét văn minh mà một người sống trong xã hội Tây phương nên học hỏi để khi cần, chứng tỏ mình dù không thích, cũng biết.

LNĐ cũng khuyên dân Mít nhà mình ai chưa làm quen với rượu vang, nên uống thử cho biết và bỏ chút công sức tìm hiểu. Người mình xưa nay vốn có tiếng là “biết chơi” (và thường chơi bảnh, chơi tới nơi tới chốn). Chẳng hạn ngày xưa ở VN mà đã biết uống rượu cỏ-nhắc, chơi loa AR, máy chụp hình Nikon…, thì nay , ra tới hải ngọai, dù lúc đầu chưa thưởng thức được cái ngon của rượu vang, cũng nên có một số vốn liếng kiến thức căn bản về loại rượu này để cho dân tây họ nể.

Dĩ nhiên, một người bình thường thì không thể bỏ công tìm hiểu cặn kẽ, nghiên cứu tường tận, mà chỉ cần biết những loại rượu căn bản; và muốn biết hiện nay đang có những loại rượu nào ngon thì chỉ cần đọc trang giới thiệu rượu vang, trong “phụ trương ăn uống” của các nhật báo .(chẳng hạn phụ trương Epiture của The Age, ngày thứ Ba).

Vấn đề thứ hai được đặt ra là uống rượu cỡ bao nhiêu tiền một chai thì mới được coi là… dân chơi. Xin thưa ngay: không cần phải chơi những chai Grange giá trên dưới 300 đô-la, mà chỉ cần mua những chai 10 tiền.

Lại nói có sách mách có chứng: trong trang rượu vang của The Age, khi liệt kê các chai rượu ngon, đáng đồng tiền bát gạo nhất trong tuần, người ta luôn luôn phân ra nhiều cỡ giá tiền khác nhau, mà rẻ nhất là 8-10 đô-la. Và việc những chai rượu “nhà nghèo” này chẳng những không bị “kỳ thị” mà còn có khi được chấm “đáng đồng tiền bát gạo” (value for money) đã cho thấy chỉ cần uống rượu vang giá từ $8-10 trở lên là không sợ bị Úc họ cười.

Nhưng bị cười hay không là một chuyện, còn có cảm thấy ngon hay không lại là một chuyện khác. Theo cá nhân LNĐ – một người không dễ tính mà cũng chẳng khó tính – rượu giá $12 trở xuống là “tạm được”, $12 trở lên là “khá ngon”, trên dưới $20 là “rất ngon”, và từ $35 trở lên là “ngon tuyệt”.

(LNĐ có một ông bạn già, trước kia làm chủ nhà hàng bên Pháp – tức là rành sáu câu về ruợu – nay sang Úc định cư, cho biết theo ông thì rượu vang đỏ ở Úc giá $12-15 là ngon lắm rồi, dân nhà giàu bên Tây đi ăn nhà hàng thường cũng chỉ chơi tới cỡ đó mà thôi!)

Từ tiêu chuẩn đó, cộng với khả năng tài chánh không lấy gì làm dồi dào của mình, LNĐ thường nhật chỉ uống rượu trong bình giấy 2 lít (giá trên dưới $12 một bình, nếu vô chai giá khoảng $6-7 một chai), của các hãng như De Bortoli, Yalumba, Bankrock, Station, Remano…

Cuối tuần, hoặc có bạn hiền tới chơi thì uống rượu $12 trở lên. Chỉ trong những dịp đặc biệt như sinh nhật “vợ hiền”, Father’s day, hoặc “trúng mánh” thì mới dám chơi rượu 20 đô… Tính trung bình, mỗi tuần tốn khoảng $20-25 cả rượu lẫn bia (dĩ nhiên, khi có party, bà xã phải chi thêm).

Cuối cùng, vì trên đây đã viết về cái bất tiện của bia (xả xú-bắp), tuần này cũng phải nêu ra một trở ngại của rượu đỏ rượu trắng. Đó là vì không có chất “ga” nên rượu vang thấm vào máu tương đối chậm, tới khi biết mình say thì đã “too late”.

Cho nên khi phải lái xe, đi đâu được mời uống rượu vang thì phải tự lượng sức mình. Bên cạnh đó, uống rượu vang nhiều rất dễ buồn ngủ. Trong bữa ăn tối, ngon miệng quá trớn làm tới  3,4 ly thì sau đó khoảng nửa tiếng mắt cứ híp lại. Thành thử những người cần thức khuya để làm việc (như nhà báo, người may tại gia…) mỗi bữa không nên uống quá hai ly. Riêng với những đấng làm chồng (có vợ còn trẻ hoặc đang độ hồi xuân) mà ăn tối xong, xem tivi, đọc báo một lát là lăn đùng ra ngủ thì quả là một tội nặng.

Vẫn biết “Ăn được ngủ được là tiên” nhưng nếu tiên chỉ biết “ăn” và “ngủ” thì có lẽ trong chúng ta, trừ các vị chân tu ra, chẳng ai muốn làm tiên cả!

clip_image006

Rượu cỏ-nhắc (cognac):

Gọi là rượu cognac bởi vì được làm ở hạt Cognac, miền Tây Nam nước Pháp, cũng giống như gọi là rượu champagne (sâm-banh) vì xuất xứ của nó là vùng Champagne. Đầu tiên cần phải đề cập tới hai chữ Cognac và Brandy.

Nhiều người – nhất là dân uống cognac – khẳng định cognac và brandy là hai loại rượu khác nhau, trong khi một số khác cho hai thứ chỉ là một loại rượu.

Thật ra, phe nào cũng đúng!… Giải thích?

Trước hết, giải thích chữ brandy. Brandy là rượu mạnh cất (distilled) từ nho (đã được ủ cho lên men), cũng giống như rượu whisky cất từ lúa mì lúa mạch, rượu để cất từ gạo nếp… Theo định nghĩa căn bản đó, cognac cũng chỉ là một loại brandy.

Nhưng bởi vì nó được cất từ một loại nho đặc biệt trồng ở hạt Cognac, nho được ủ, rượu được cất giữ cũng theo phương pháp đặc biệt của vùng này, cho nên hương vị, chất lượng của nó khác hẳn và vượt xa các loại brandy khác (dù là brandy của Pháp).

Tự điển Collins Concise đã định nghĩa: Cognac là loại brandy có phẩm chất cao, sản xuất tại hạt Cognac, Pháp Quốc. Tự điển Macquarie thì chi tiết hơn, cho biết cognac là rượu brandy được sản xuất tại hạt Cognac và “chỉ được phân phối từ một số địa điểm ấn định hợp pháp nằm quanh thị trấn Cognac”.

Như vậy, muốn cho đầy đủ, phải gọi những chai Martell, Rémy Martin, Courvoisier, Hennessy, Camus, Bisquit… là “Cognac brandy” (rượu brandy vùng Cognac). Nhưng gọi như thế thì dài dòng văn tự, người ta bèn rút ngắn lại là “rượu cognac”.

Cho nên nếu mình mời một ông Úc bà Mỹ nào đó uống cognac, mà họ xua tay “Tôi không uống brandy đâu” thì cũng đừng vội chê họ “dốt”, bởi vì ý họ chỉ muốn nói “Tôi không uống được rượu mạnh” mà thôi. Chỉ có người uống cognac (hoặc có kiến thức rộng rãi về rượu) mới để ý, mới biết phân biệt giữa cognac và brandy mà thôi.

XO-VSOP: độc quyền của cognac?

Cách đây ít năm, khi phong trào đi du lịch bắt đầu rộ, một số văn phòng du lịch của người Việt đã quảng cáo đại khái “mỗi vé máy bay về thăm quê hương hay đi ngoại quốc sẽ được tặng một chai rượu XO của Pháp”.

Dân không sành uống rượu nhưng đã từng được nghe người ta nói “XO” là loại rượu cao cấp nhất, thấy quảng cáo như thế cũng khoái, liền đem về nhà hãnh diện trưng bày trong tủ kính.

Nếu không được bạn bè, người quen (sành uống rượu) giải thích cho thì không bao giờ biết được cái chai rượu này chỉ là XO brandy chứ không phải XO cognac, mà một chai XO brandy thì giá chỉ tương đương với một chai whisky 12 năm tuổi (chẳng hạn Johnnie Walker nhãn đen), hiện nay giá khoảng 45-50 đô-la, tức rẻ hơn một chai cognac bình thường (VSOP), hiện giá khoảng 70-80.

Như vậy những chữ viết tắt VSOP và XO có phải là “độc quyền” của rượu cognac?

Xin thưa, trên nguyên tắc thì không phải.

Trước hết nói về bốn mẫu tự VSOP mà ta thường thấy trên nhãn một chai rượu cognac. Đó là viết tắt của hàng chữ “Very Special Old Pale”, hoặc “Very Superior Old Pale”. Cũng theo tự điển Collins, VSOP dùng để chỉ bất cứ loại rượu mạnh, rượu port nào đã được cất giữ trong thùng gỗ từ 20 tới 25 năm trước khi vô chai.

Tới đây vòng vo Tam Quốc nói chuyện bên lề: tại sao rượu cognac của Pháp lại xài tiếng Anh? Muốn có câu trả lời chính xác thì phải hỏi mấy ông tây sáng lập ra các hãng rượu, mà giờ này thì họ đã về Thiên đường từ khuya rồi, cho nên LNĐ chỉ có thể đoán mò là ngày xưa dân Pháp thích xài tiếng Anh, cũng như dân Anh khoái xài tiếng Pháp.

Bằng cớ là Hoàng tộc Windsor – tức Hoàng gia Anh – cho tới nay vẫn giữ 4 chữ Dieu Et Mon Droit (Thượng đế và Quyền hạn của Trẫm) trên phù hiệu của mình; đồng thời trên phù hiệu của Cảnh sát Victoria cũng chơi một câu tiếng Pháp Tenez La Loi (Hãy duy trì luật pháp), và mới chỉ đổi lại sang tiếng Anh (Uphold The Law) cách đây mấy năm mà thôi.

Trở lại với 4 chữ VSOP, trên nguyên tắc thì có thể ghi lên nhãn của bất cứ chai rượu brandy, rượu port nào có tuổi rượu từ 20 tới 25 năm, nhưng trên thực tế vì VSOP đã được các hãng rượu cognac sử dụng từ bao năm qua (trong khi các loại rượu khác không sử dụng), nên một khi nói tới VSOP, là dân uống rượu biết ngay đó là một chai cognac.

(VSOP đã được dân uống cognac diễn dịch thành nhiều câu rất hay ho, độc đáo, mà theo LNĐ thú vị nhất có lẽ là câu tiếng Pháp “Verser Sans Oublier Personne” – (Rót không sót một ai cả).

Còn XO? Xin thưa đó là viết tắt của chữ Extraordinary (tiếng Anh) hay Extraordinaire (tiếng Pháp), có nghĩa là “phi thường” (cũng có hãng không viết tắt là XO mà viết nguyên chữ Extraordinaire trên nhãn chai rượu). Thường thường, một chai XO cognac giá đắt gấp 2 lần rưỡi, hoặc gấp 3 lần một chai VSOP cùng hiệu. Hiện nay, trung bình một chai cognac XO giá từ khoảng $170 tới hơn $200.

Dĩ nhiên, tùy theo tuổi của rượu, có những chai cognac đặc biệt giá trên $500 , hoặc cả ngàn đô-la, nhưng ở đây chỉ nói về những loại phổ thông.

Cũng giống như trường hợp của VSOP, trên thực tế nói tới XO, là người uống rượu nghĩ ngay tới rượu cognac. Vậy khi quảng cáo tặng rượu XO mà không phải cognac thì cũng nên ghi rõ (chẳng hạn, XO brandy) để tránh bị hiểu lầm là cố tình “lập lờ đánh lận con đen”!

Nhưng cognac không chỉ có hai hạng VSOP và XO. Nếu không kể những chai đặc biệt (mắc tiền hơn XO) thì còn hai hạng khác.

Thứ nhất là các chai rượu pha chế để tạo ra mùi đặc biệt, không gọi là VSOP hoặc XO mà có tên riêng, chẳng hạn Cordon Bleu, Médaillon, Napoléon, v.v… Những chai này đương nhiên phải mắc tiền hơn VSOP, có khi giá gần bằng XO.

Thứ hai là hạng Very Special (gọi tắt là VS), nằm dưới hạng VSOP. Trước năm 1975, tổng số lần LNĐ được uống cognac có lẽ không đủ để đếm trên 10 đầu ngón tay, nên không dám quả quyết là vào thời gian đó đã có hạng VS hay chưa.

Nhưng theo như lời những tay uống cognac chuyên nghiệp thì VS chỉ mới có đây thôi. Họ nói rằng mục đích của các ông tây khi tung ra loại rượu này là để “dụ” những người thích được tiếng là “dân uống cognac” mà không biết rằng VS là hạng kém hơn VSOP, hoặc biết nhưng không có đủ tiền, hoặc không dám bỏ tiền mua VSOP (ở Úc, giá một chai VS bằng khoảng 2/3 giá VSOP – tức là bằng hoặc mắc hơn chút đỉnh so với một chai whisky Johnnie Walker nhãn đen, hay whisky Chivas Regal).

Không phải chỉ có LNĐ – con nhà lính tính nhà quan – mà hầu như người nào biết thưởng thức cognac cũng chê hạng VS này. Nói cách khác, đối với LNĐ và các tửu sĩ ấy, VSOP đã trở thành tiêu chuẩn căn bản của cognac, ngon hơn thì càng tốt nhưng dở hơn là không được.

Từ VS cognac tới Mercedes C-class:

Dĩ nhiên, các ông tây đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán hơn thiệt rồi mới tung ra hạng VS cognac, nhưng kết quả là bên cạnh cái lợi trước mắt về mặt tài chánh (có thêm nhiều người uống cognac), đã không tránh khỏi cái hại về lâu về dài (tiếng tăm của mình). Tương tự những gì xảy ra cho cái “name” của Mercedes-Benz hồi gần đây.

Người chơi xe, hoặc thích nghiên cứu, tìm hiểu về xe hơi, hẳn đồng ý rằng nếu không tính những loại xe sản xuất hạn chế như Rolls-Royce, Bentley, Aston, Ferrari, Lamborghini, Massareti… thì Mercedes (tên đầy đủ là Mercedes-Benz) nói chung, là hiệu xe sang trọng nhất. Các hãng xe Âu châu nổi tiếng khác như BMW, Volvo, Audi, Porshe, saab… có thể cũng có những loại xé xịn, mắc tiền bằng, hoặc hơn Mercedes, nhưng người chạy những hiệu xe đó chắc chắn không được tiếng “sang” bằng người chạy Mercedes.

Riêng tại Úc, ngày xưa có xe Lexus của Nhật, và xe 4WD chưa được mấy người ta ưa thích, dân Miệt Dưới đã có một nguyên tắc “bất thành văn” về xe hơi như sau : bác sĩ+ chủ tịch, giám đốc công ty (president, director) ngồi Mercedes; luật sư +giám đốc thừa hành (manager, executive) lái xe BMW; nhà giàu căn cơ (hoặc sợ chết vì đụng xe) thì chạy Volvo.

Và cũng vào khoảng thời gian đó, nếu chỉ tính xe du lịch, hãng Mercedes có hai hạng chính là S-class và E-class (từ đó mới thêm thắt, thay đổi để có thêm SE, Sl, SEL…). tính bằng trị giá đô-la Úc hiện nay, không một kiểu S-class, E-class nào giá dưới $100,000.

Về sau, với mục đích cạnh tranh với các loại xe sang trọng giá rẻ hơn, đồng thời để cho “giấc mơ làm chủ xe Mercedes của quý vị dễ trở thành hiện thực hơn bao giờ hết”, Mercedes đã tung ra thị trường C-class, giá từ khoảng $80,000 một chiếc. Thời gian đầu, khá nhiều người đã mua C-class; họ có thể là những người đã từ lâu mơ ước được làm chủ một cái xế có gắn “ngôi sao ba cánh” (three point star), họ cũng có thể là người trước kia dự tính mua BMW, Volvo, Saab… nay thấy Mercedes rẻ nên thay đổi ý định…

Nhưng chỉ được một vài năm, “cơn sốt C-class” bị xìu. Bởi vì người ta tin rằng, theo đúng nguyên tắc “tiền nào của nấy”, một chiếc C190, C220… cho dù khi đóng cửa có “êm tai” (một trong những đặc điểm của Mercedes) như một chiếc E190, E220, và mức độ an toàn của khung phòng (chassis) có giống hệt, thì chắc chắn cũng đã bị bớt đi một số tiện nghi – nói cách khác, tiêu chuẩn “sang trọng” đã bị hạ xuống thấp hơn.

Đó là nói về giá trị vật chất, còn về tinh thần thì khi một chiếc C-class và một chiếc E-class đậu cạnh nhau, hoặc cùng ngừng lại ở đèn đỏ, người ngồi trên chiếc C-class chắc hẳn phải mang mặc cảm thua kém, còn người ngồi trên chiếc E-class thì nhìn sang, nếu không với ánh mắt “kẻ cả” thì cũng là ánh mắt “tội nghiệp” cho người thích xế Mercedes nhưng không có nhiều tiền, đành phải chạy C-class!

Một nhà báo viết về xe hơi đã cho rằng bên cạnh việc người chạy Mercedes C-class bị mang mặc cảm “khách hàng hạng hai” còn phải nói tới việc một số chủ nhân E-class, S-class không “happy” về việc hiệu xe sang trọng của mình nay cũng có những chiếc “rẻ tiền”. Không thể chấp nhận những “con ngựa cùng tàu” (same stable) như thế được. Tức là kẻ thì mặc cảm, người thì bất mãn. (Chú thích của T.Vấn: bài này được viết vào thập niên 1990s; ngày nay, Mercedes C-class đã được cải tiến và bán khá chạy).

Tại sao giữa 3-series và 5-series, hoặc 7-series của hãng BMW không xảy ra “hiện tượng” đó? Bởi vì, thứ nhất, ngay từ đầu, đã có đủ bằng đó series để tùy ý khách hàng kựa chọn; thứ hai, quan trọng hơn, sự phân hạng của hãng BMW mang tính cách lớn nhỏ (size) nhiều hơn là phẩm chất (quality), bằng cớ là trong mỗi series đều có thượng vàng hạ cám (thí dụ 3-series thì có 318, 320, 325, 330…)

Suy ra, về mặt tiếng tăm, C-class đem lại hậu quả tiêu cực cho cái “name” Mercedes-Benz thể nào thì loại rượu Very Special (VS) cũng làm mất tiếng của rượu cognac như thế.

Tuy nhiên trong khi người chơi xe Mercedes C-class trước khi mua đã biết rõ xe của mình thua kém E-class thì đại đa số người mua rượu VS cognac không hề biết đây là hạng cognac dở nhất. Bởi vì nếu biết thì đã chẳng dại gì mang tiếng mua rượu “tiêu chuẩn thấp”, cho dù có tiết kiệm được 20 đô-la.

Bên cạnh đó, theo nhận xét của LNĐ, các ông tây mũi lõ còn “ma giáo”, ít khi viết tắt là VS mà thường chơi nguyên 2 chữ “Very Special” (Rất đặc biệt) chần dần trên chai rượu, khiến người không sành cognac cứ tưởng đây là rượu “chiến”!

LNĐ viết những điều này ra không phải để chê bai hay châm chọc người mua VS cognac, mà chỉ có mục đích góp ý với quý độc giả không rành về loại rượu này. Mua VS về uống trong gia đình thì không sao, mua để đãi đằng cũng còn được (vì chưa chắc khách đã là dân sành cognac), nhưng mua để làm lễ vật trong các đám cưới hỏi, hoặc mua để biếu “anh sui” thì không nên; bởi vì cho dù anh sui không biết, con anh sui cũng không biết, nhưng lỡ có người quen (vô tình) nói cho anh sui biết giá trị của cặp cognac Very Specail nó là “như dzậy”, thì sẽ mang tiếng. Thà mình biếu cặp whisky chiến (cũng giá cỡ VS cognac) thì lại không sao!

Eau-de-vie:

Mặc dù trên nhãn chai brandy XO Dorville có nói rượu này là phối hợp của nhiều loại Eau-de-vie (Nước của sự sống, hay Nước của cuộc đời) nhưng thông thường, nói tới Eau-de-vie là nói tới rượu cognac. Bởi vì, có thể nói mà không sợ quá lời, kể từ ngày ông No-ê (Noah) khám phá ra cách làm rượu (theo Cựu Ước) cho tới nay, không có loại rượu nào trên trần đời này ngon cho bằng rượu cognac.

Tả cái ngon của rượu bằng bút mực là việc làm ngoài khả năng của LNĐ, cho nên chỉ biết mời những ai chưa uống nên uống thử cho biết. Tuy nhiên, ít ra cũng có thể viết đôi chút về mùi thơm tuyệt vời của cognac. Bà xã của LNĐ là người không thích uống rượu, vậy mà chỉ sau một lần thử pha chút cognac vào ly coca cola, đã nhớ mùi thơm ấy suốt đời (mặc dù cognac mà pha coca là trật sách vở). Một bà bạn nọ, cũng không biết uống rượu mạnh, nhưng mỗi khi chồng uống cognac, dù là uống ở nhà mình hay nhà bạn bè, cũng đều yêu cầu đức lang quân “Anh cho em hửi một cái đi!”

Kể cả một số người không biết uống rượu, hoặc bị bác sĩ cấm uống rượu, khi có dịp cũng thường ngửi cognac “cho đời lên hương”.

Vậy, những ai chưa uống cognac thì nên uống thử, những ai nhất định không uống rượu cũng nên ngửi thử cho biết mùi. Trong Ngũ Giới của nhà Phật chỉ cấm UỐNG rượu chứ không cấm NGỬI rượu; hơn nữa ngửi mùi rượu cũng chẳng có hại gì cho sức khỏe (như ngửi khói thuốc), tại sao lại không ngửi thử:

Sống trên đời ngửi mùi cognac

Lên thiên đàng đã chắc có chưa!

LN Đồng

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search