T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu!

 

clip_image002

Hãy khóc cùng tôi này em nhé

Non sông hoa gấm đã xa rồi

Chinh chiến cũng qua rồi em hỡi

Thiên thu còn giọt lệ cho đời

 

( Thơ Ngọc Phi )

1.

Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu. Đó là nhan đề một quyển sách dịch, của dịch giả Nguyễn Hiến Lê, từ tác phẩm: Cry! The beloved country! của Alan Paton, một nhà văn người Nam Phi, viết về đất nước Nam Phi thời chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc vẫn còn ngự trị trên đất nước vừa đăng cai thành công giải vô địch túc cầu thế giới tháng 6 năm 2010 (World Cup) vừa qua.

Câu văn của tiềm thức, gần 50 năm trước, bỗng bật lên trong trí tôi, khi nhìn thấy một cô gái Nam Phi có khuôn mặt xinh xắn, trên đó còn in dấu hai hàng lệ chảy ra từ khóe mắt. Cô khóc cho đội bóng tròn của đất nước cô đã phải sớm từ biệt những cuộc tranh tài quốc tế trên sân cỏ. Lúc ấy, tôi đã thầm ganh tị với cô gái nhỏ tội nghiệp. It nhất, cô cũng còn có một quê hương để nhỏ đôi hàng nước mắt, dù chỉ với lý do đội bóng nhà đã bị thua trong một trận đấu, dù có thể ngay sau đó cô sẽ hòan tòan quên bẵng đi tại sao mình đã khóc. Còn tôi, tôi đã không còn có quê hương để thêm một lần được khóc, dù với những lý do lớn hơn rất nhiều cái lý do khiến cô gái Nam Phi phải nhỏ lệ.

Câu văn của tiềm thức 40 năm xa xưa ấy, lại một lần nữa bật lên trong trí, vào một ngày tháng 7 nóng như đổ lửa. Tôi vừa gập lại quyển sách của sử gia Mỹ Andrew Wiest: “Một quân đội bị quên lãng của Việt Nam. Anh hùng và phản bội trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa ” ( Vietnam’s forgotten army. Heroism and betrayal in the ARVN ). Quả thật, tôi có quá nhiều lý do để khóc cho một quê hương đã chỉ còn trong trí nhớ, cái trí nhớ còm cõi của một người không còn trẻ. Cái nóng đổ lửa của một ngày hè xứ người, cũng chỉ khiến trí nhớ còm cõi ấy thêm nhớ những mùa hè đỏ lửa quê nhà. Khóc lên đi! ôi quê hương yêu dấu! Bi kịch này của đất nước hẳn sẽ còn ám ảnh người trong cuộc cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay .

Tác phẩm của sử gia Mỹ Andrew Wiest, phát hành từ năm 2008, đã được nhiều người nói tới *. Đó là một quyển sử liệu dưới góc nhìn khác với những quyển sách viết về chiến tranh Việt Nam trước đó. Tài liệu căn bản của tác phẩm, được dựa vào những dữ kiện do tác giả phỏng vấn những người trong cuộc, những nhân vật đã từng sống qua cuộc chiến. Tất cả được rọi chiếu bằng một nhãn quan nhân bản: tâm tình của người lính trong cuộc, nhất là khi phải đối diện với sự sống và sự chết, chẳng những của chính mình mà còn của đồng đội, của những người lính thuộc quyền. Trọng tâm của tác phẩm là hai viên sĩ quan quân lực VNCH: cựu thiếu tá Trần Ngọc Huế và cựu trung tá Phạm văn Đính. Do những tình cờ của số phận (cá nhân và đất nước), họ đã đi song hành với nhau gần hết cuộc đời lính chiến. Họ lần lượt là những cấp chỉ huy, từ nhỏ đến lớn, ở cùng một đại đơn vị vùng hỏa tuyến, cùng tham dự nhiều trận đánh lớn và cùng nhanh chóng trở thành những vị chỉ huy trẻ, giỏi giang, anh hùng của quân lực VNCH. Tháng 3 năm 1971, trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, thiếu tá Huế, với cương vị tiểu đòan trưởng một tiểu đòan của sư đòan 1 BB, đã bị trúng đạn cối, bị thương nặng và cuối cùng, bị bắt làm tù binh, đưa ra miền Bắc. Trước đó, thiếu tá Huế đã cương quyết từ chối sự tản thương, và buộc viên tiểu đòan phó phải tìm mọi cách dẫn dắt thuộc quyền trở về vùng an tòan. Tháng 3 năm 1972, tức một năm sau ngày thiếu tá Huế bị bắt, cao điểm của trận chiến mùa hè đỏ lửa, trung tá Đính, lúc này là trung đòan trưởng trung đòan 56, sư đòan 3 BB tân lập, dưới quyền chỉ huy của tướng Vũ văn Giai. Ngày 30 tháng 3 năm 1972, trên con đường tiếp nhận căn cứ hỏa lực Carrol ở Cam lộ, Đông Hà, đơn vị của trung tá Đính bị sư đòan 308 Bắc Việt bao vây. Sau nhiều cuộc chạm trán với sự thiệt hại nặng nề của cả hai phía, trung tá Đính xin quân đòan tiếp viện, nhưng bị từ chối. Đối diện với một tình hình nguy ngập không thể cứu vãn, và trước sự sống chết của gần một ngàn người lính thuộc trung đòan, trung tá Đính đã nhận lời đề nghị của phía đối phương, và chấp nhận đầu hàng. Ngày 1 tháng 4, ông Đính cùng với 600 quân nhân thuộc quyền ra đầu hàng địch ở căn cứ Khe Gió. Sau đó, tất cả được đưa về miền Bắc. Tại đây, trung tá Đính đã lên đài phát thanh Bắc Việt đọc lời kêu gọi quân đội VNCH đầu hàng.

clip_image004

Ông Phạm văn Đính khi đã đầu hàng Bắc Việt

Số phận còn buộc hai ông Huế và Đính gặp nhau một lần nữa trong trại tù binh Sơn Tây, Bắc Việt. Theo lời kể của ông Huế, thì ông Đính , với quân phục của quân đội miền Bắc và cũng mang cấp bậc trung tá, đã đến trại tù binh này khuyến dụ các sĩ quan quân lực VNCH bị bắt, hãy đầu hàng và gia nhập quân đội Cộng sản miền Bắc như ông Đính. Ông Huế và những sĩ quan khác đều từ chối.

Chiến tranh chấm dứt ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tháng 5 năm 1983, sau gần 12 năm bị cầm tù trong các nhà tù Cộng sản kể từ năm 1972 tại Lào, cựu thiếu tá quân lực VNCH Trần đình Huế đã được thả về với gia đình. Ngày 7 tháng 11 năm 1991, ông Huế và gia đình lên máy bay rời khỏi Việt Nam để đến Hoa Kỳ, định cư tại Falls Church, tiểu bang Virginia. Tại đây, vợ chồng ông Huế cùng với 3 người con gái đã bắt đầu một cuộc sống mới sau 20 năm chiến tranh, chia ly, tuyệt vọng và thiếu thốn.

Về phần viên cựu trung tá (cả quân lực VNCH lẫn quân đội nhân dân Việt Nam) Phạm văn Đính, sau khi chiến tranh chấm dứt đã trở về đời sống dân sự, định cư ở thành phố Huế quê hương của cả ông Đính lẫn ông Huế. Ông Đính vẫn tham gia chính quyền mới với chức vụ nhỏ trong một cơ quan chuyên trách về thể thao, rồi sau đó là một cơ quan kinh tế. Năm 1989, ông Đính “từ quan”, ra làm doanh nghiệp riêng. Ông mở một công ty vận chuyển nhỏ có tính cách gia đình cùng với các con. Năm 2001, tương đối thành công trong doanh nghiệp của mình, ông Phạm văn Đính đến Mỹ, theo lời mời của sử gia Andrew Wiest để trả lời những câu hỏi phỏng vấn liên quan đến phần đời quan trọng nhất của ông Đính, và nhất là về quyết định đầu hàng của ông. Trong khi ở chính trên quê hương của mình, với chính quyền mà ông đã đầu hàng, tiết kiệm biết bao sinh mạng của cả hai bên tham chiến, ông Đính không được phép kể về sự kiện ấy. Khi đến Mỹ, ông Đính cũng không được những người từng một thời là chiến hữu của ông, cấp chỉ huy của ông, thuộc quyền của ông, chấp nhận. Họ gọi ông là kẻ phản bội. Trở về nước, ông Đính đã qua đời năm 2007 vì tai biến mạch máu não. Cho đến chết, bàn tay ông chìa ra với những chiến hữu năm xưa vẫn không có ai nắm lấy.

2.

30 năm sau cuộc chiến tranh, sau những quãng đời đánh đu giữa sống và chết, hai người đã từng một thời là chiến hữu, từng song hành trên mọi khúc rẽ đau thương của đất nước, cuối cùng đã đi về hai phía khác hẳn nhau. Ông Trần ngọc Huế đặt chân đến Mỹ để cố quên hết đi quá khứ đau thương, đầy chia ly và gian khổ, và mong ước lập lại cuộc đời mới trên mảnh đất tự do. Ông đi về phía tương lai. Ông Phạm văn Đính, đến Mỹ với tâm trạng muốn mở một con đường đến với những chiến hữu cũ, để ông có thể có cơ hội kể lại câu chuyện đau thương 30 năm xưa, tại sao ông đang là một người hùng của quân lực VNCH, bỗng trở thành kẻ phản bội. Ngược với ông Huế, ông Đính bước lùi về quá khứ, thứ quá khứ thật chua chát của mình, thứ quá khứ vẫn ngày đêm tra tấn ông, cho đến chết. Ông chưa hề được tha thứ, bởi những chiến hữu của mình. Và, cũng có lẽ, bởi chính ông.

Đúng như Thượng nghị sĩ James Webb viết trong bài giới thiệu tác phẩm của sử gia Andrew Wiest, cuộc đời của hai viên cựu sĩ quan của một quân đội bị quên lãng, có tầm mức của một lọai bi kịch Hy Lạp khi người ta đau xót nhìn cái giá phải trả cho chiến tranh và cái giá của lòng trung thành.

Cuộc đời của họ bị chi phối và hình thành bởi cuộc chiến tranh tàn khốc 20 năm với gần 3 triệu mạng người ở cả hai bên đối địch, nhưng đồng thời cũng là những người cùng chung chủng tộc máu đỏ da vàng. Định mệnh của đất nước đã xui khiến họ đi chung đường, để rồi từ những bi kịch cá nhân, hai người đã kết thúc phần đời quan trọng nhất của mình ở hai ngã rẽ khác nhau. Dù khác nhau, đó cũng chỉ là hệ quả đến từ cuộc chiến mà họ bị buộc phải tham dự, không thể không tham dự. Từ giây phút ấy, tấn bi kịch – cá nhân và dân tộc – đã được sọan xong.

3.

Khóc lên đi! Ôi quê hương yêu dấu. Những ngày hè nóng cháy của vùng biên giới Hạ Lào 1971 của thiếu tá Huế với những vết thương trí mạng trên da thịt, trong tâm hồn viên sĩ quan bị bắt làm tù binh, có khác gì không với những ngày hè đỏ lửa của trung tá Đính với nỗi dằn vặt nghẹt thở của người nắm quyền chỉ huy chiến trường: sống hay là chết, cho mình và cho thuộc quyền? có khác gì không với những ngày hè bứt rứt xứ người mấy mươi năm về sau, nỗi bứt rứt về bi kịch của một thế hệ đã chết trước khi được sinh ra, đã bị kết án trước khi phạm tội?

Đau xót hơn nữa, câu chuyện của hai con người Việt Nam lại được kể bởi một người không phải Việt Nam. Bàn tay chìa ra đã không được nắm lấy bởi những người từng là anh em. Trong cơn lốc quay cuồng của bom đạn, của chết chóc, của thù hận không duyên cớ, của những người bạn đồng minh sẵn sàng bỏ của chạy lấy người bất cứ lúc nào, của những cấp chỉ huy chỉ biết đặt quyền lợi phe nhóm, quyền lợi và danh vọng cá nhân lên trên sự an nguy của thuộc cấp, lên trên sự tồn vong của đất nước, mọi quyết định đúng sai chỉ mang ý nghĩa tương đối. Dù sao, câu chuyện đã được kể lại. Những bi kịch trong thời chiến thường mang tầm vóc của sử thi, do đó, chúng đòi hỏi một cách nhìn vượt lên trên mọi quy ước hạn hẹp.

Khóc lên đi! ôi quê hương yêu dấu. Giọt nước mắt lăn trên má cô gái Nam Phi tưởng niệm một cơ hội bỏ lỡ của đất nước cô, dù ở một ý nghĩa nào, cũng chỉ là giọt nước mắt. Giọt nước mắt lăn trên má những anh hùng già nua của một quê hương xa vời vợi của tôi, chắc chắn phải là một điều gì đó nặng hơn, mặn hơn, xót hơn những giọt nước mắt. Vì, chẳng phải tấn bi kịch của những người từng đổ máu cho quê hương cũng là tấn bi kịch cho chính quê hương khốn khổ đó hay sao?

T.Vấn

Mùa hè 2010

© T.Vấn 2010

*Ghi chú thêm:

Andrew Wiest là giáo sư Sử học và là (đồng) Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Chiến tranh và Xã hội của trường đại học Southern Mississippi.

clip_image005

“Vietnam’s forgotten army. Heroism and betrayal in the ARVN” là tác phẩm thứ ba nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam của ông. Quyển sách này ra mắt độc giả (Việt và Mỹ) tháng 2 năm 2008. Ngay lập tức, tác phẩm gây được sự chú ý của giới cựu quân nhân VNCH. Nhiều bài điểm sách chú trọng đến tính cách “anh hùng” và sự “bị bỏ quên” của quân lực VNCH. Có bài chú trọng đến câu chuyện “như tiểu thuyết” của hai viên cựu sĩ quan mà nhiều quãng đời của họ đã đan trùng với nhau. Bài viết này không hề có ý định “điểm sách”, cũng không phải “đọc sách”. Nó chỉ kể lại câu chuyện đời hai con người Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến đẫm máu, khốc liệt, được gợi lên từ những trang sách sử, và cái nóng nung người của mùa hè miền trung tây nước Mỹ, khiến nhớ đến những mùa hè đỏ lửa từ một quá khứ xa xưa, ở một miền đất mà người viết gọi là quê hương khốn khổ. Miền đất mà hơn 40 năm trước, nhà văn Phan Nhật Nam đã mô tả ” . . . Mùa Hè 1972, trên thôn xóm và thị trấn của ba miền đồng bốc cháy một thứ lửa nhân tạo, nóng hơn, mạnh hơn, tàn khốc gấp ngàn lần, vạn lần khối lửa mặt trời sát mặt. Lửa ngùn ngụt. Lửa bừng bừng. Lửa kêu tiếng lớn đại pháo. Lửa lép bép nức nở thịt da người nung chín. Lửa kéo dài qua đêm. Lửa bốc khói mờ trời khi ngày sáng. Lửa gào chêm tiếng khóc của người. Lửa hốt hoảng khi cái chết chạm mặt. Lửa dậy mùi thây ma. Lửa tử khí trùng trùng giăng kín quê hương thê thảm khốn cùng.
Kinh khiếp hơn Ất Dậu, tàn khốc hơn Mậu Thân(**), cao hơn bão tố, phá nát hơn hồng thủy.Mùa Hè năm 1972- Mùa Hè máu. Mùa Hè của sự chết và tan vỡ toàn diện. Mùa Hè cuối đáy điêu linh. Dân tộc ta sao nỡ quá đọa đày! ” ( Mùa hè đỏ lửa – Phan Nhật Nam ).

Để, những ngày cuối đời, đứng từ bên này bờ đại dương, chúng ta còn được thảng thốt kêu lên: Khóc lên đi! ôi quê hương yếu dấu! (T.Vấn)

Bài Mới Nhất
Search