T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tuổi trẻ hôm qua, tuổi trẻ hôm nay

clip_image002

Tôi vừa rà sóat lại lần cuối đỏan văn “Để tập làm người” trong bộ bút ký “Dấu Binh Lửa” của nhà văn Phan Nhật Nam để đưa lên mạng theo lịch trình. Ông viết về một buổi sáng tháng hai năm 1965, đơn vị ông đang hành quân ở Đất Đỏ, Vũng Tàu, bỗng được lệnh tiến về Sài Gòn chiếm . . . Đài Phát Thanh. Linh cảm thấy đây lại là một trong những màn chỉnh lý, đảo chánh xẩy ra như cơm bữa những ngày sau cách mạng tháng 11 năm 1963, nên viên chỉ huy trẻ miễn cưỡng thi hành lệnh cấp trên. Đọan cuối của đỏan văn, ông viết: “Thấp thoáng trước thềm đài một lô sĩ quan cao cấp đang đứng nói chuyện hân hoan. Đột nhiên tất cả những ồn ào lắng xuống, tôi như bị bao cứng bởi một nỗi buồn rầu, giận dỗi vô cớ… Tội nghiệp cho tôi biết bao nhiêu, nào ai biết được? Sĩ quan trẻ đầy tương lai!” .

Câu kết ấy của đỏan văn khiến tôi, người đọc ở khỏang cách thời gian gần nửa thế kỷ cũng cảm thấy “như bị bao cứng bởi một nỗi buồn rầu, giận dỗi vô cớ…” . Và cũng cảm thấy tội nghiệp cho chính mình, ngày ấy cũng là một “Sĩ quan trẻ đầy tương lai!”

Lại liên tưởng đến những người trẻ bây giờ ở Việt Nam, những Nguyễn Phương Uyên, những Đinh Nguyên Kha. Và mảnh đất Long An, nơi vừa xẩy ra cái gọi là tòa án xét xử họ.

Tôi nhớ gì được về cái địa danh Long An, một tỉnh nhỏ nằm sát nách Sài Gòn với khỏang cách 40 cây số đường xe chạy về phía tây? Một ngày đầu tháng 5 năm 1973, 4 thằng sĩ quan trẻ vừa tốt nghiệp khóa học gần 3 năm ở một quân trường miền cao nguyên của đất nước, đến đáo nhậm đơn vị đầu tiên ở tiểu khu Long An. Con đường lớn nhất của thị xã từ bến xe ngòai quốc lộ 4 dẫn vào đến châu thành, nơi tọa lạc bộ chỉ huy tiểu khu tên là gì tôi không thể nhớ. Chỉ nhớ quán cơm nằm ngay đầu đường, có cái tên rất hòa bình “Thanh Nhàn” nhưng thực khách hầu như tòan bộ là lính tráng, sĩ quan của tiểu khu, của các đơn vị địa phương quân trú đóng gần đó. Và nhớ đến cái khách sạn 2 tầng lầu duy nhất của thành phố nằm ngay trên quốc lộ đối diện với bến xe đò. Nó có tên là Đông Kinh – Tokyo. Cũng nơi đó, đêm đầu tiên ngủ với Long An, 4 thằng sĩ quan trẻ tuổi vừa trên hai mươi, hai mốt và 3 năm quân trường đã để chí trai (tội nghiệp) của mình chìm trên thân xác cùng một người đàn bà và cùng trên một chiếc giường. Để rồi, sáng hôm sau, cả thị xã đồn ầm lên là “đêm qua 4 ông thiếu úy Đà Lạt chết trên cùng một chiếc lỗ”. Thật tội nghiệp. Không ai biết rằng cả 4 thằng sĩ quan trẻ đều còn tân trước khi xẩy ra cái sự kiện của “đêm qua”. Tuổi trẻ chúng tôi ngày ấy chỉ khi đi vào cuộc chiến rồi mới biết đến . . . thân xác đàn bà. Có đứa chết với cả thân xác lẫn trái tim vẫn còn trinh nguyên.

Dưng không hôm nay cái thành phố nơi tôi sống hơn hai năm từ ngày ra trường đến ngày bỏ thành phố mà chạy lại bỗng trở nên sống động? Có lẽ là mải mê theo dõi bước chân của những người biểu tình ủng hộ Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, tôi nhận ra đâu đó mảnh ký ức năm xưa, có bóng dáng chàng sĩ quan trẻ đầy nhiệt huyết. Tôi cố tìm trên mặt đường dấu chân của bạn bè, cố tìm trong những quán xá bên đường cái chỗ ngồi (tưởng tượng) chúng tôi thường ngồi bàn bạc bao dự định đẹp đẽ cho tương lai. Tôi cũng cố tìm vị trí của trại cải huấn năm xưa, nơi giam giữ những tù binh và những người tình nghi là Việt cộng, nơi tôi và tóan chính huấn của mình hàng tuần đến đó ca hát, chuyện trò với họ để mong tìm ra nhất điểm lương tâm con người trên những khuôn mặt ngây ngô vì thất học, vì mù quáng, vì ngộ độc hận thù chủ nghĩa. Cũng nơi đó, do một lý cớ không đâu, vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến, tôi đã “hiên ngang”, thứ ngang ngạnh đáng ghét của những người trẻ tuổi độc thân điếc không sợ súng, đấu khẩu tay đôi với  chính vị thượng cấp của mình, mới từ đơn vị khác chuyển về. Làm sao tuổi trẻ có thể chấp nhận được những khái niệm “thần thế”, “quen biết lớn” , “thế lực mạnh” v. . .v và v. .. . Viên thượng cấp của tôi đã “dại dột” đem những thứ đó ra “dọa nạt” một sĩ quan trẻ điếc không sợ súng là tôi. Tội nghiệp ông sĩ quan già xuất thân từ lính khố xanh khố đỏ. Ông muốn chứng tỏ uy quyền, cả uy quyền có thực lẫn uy quyền vay mượn (thần thế) và muốn một sự phục tùng. Khi không có sự phục tùng, ông dùng đến bạo lực, thứ sức mạnh lụi phát lụi tàn của của kẻ có quyền. Ông sai viên sĩ quan tùy viên chở tôi đi nhốt vào nhà lao quân đội. Thì đã sao, tôi nhẩy phóc ngay lên xe jeep, ngồi bên cạnh anh bạn tài xế. Ông giận dữ, hạ nhục tôi hơn nữa bằng cách bắt tôi phải xuống ngồi băng sau, dù trên xe chỉ có hai người: tôi và viên sĩ quan tùy viên của ông. Đêm hôm đó, thức trắng đêm ở nhà lao, tôi đã có dịp chiêm nghiệm lại ước vọng tuổi trẻ của mình sau hai năm xuống núi. Và nghĩ đến cuộc chiến đang sắp sửa kết thúc với thân phận kẻ thua trận của mình. Kể từ giây phút ấy, tôi không còn tìm thấy chút biện minh nào cho sự thua trận của chính mình. Kể từ giây phút ấy, tôi biết mình sẽ mãi mãi là kẻ bại trận.

Những ngày sau đó là cuộc chiến thầm lặng của tôi nhằm tìm một sự “bù đắp” cho một đêm ngủ nhà lao. Mọi cửa ngõ tôi gõ tới đều được đón nhận bằng chỉ một lời khuyên “sắp chạy đến nơi rồi, bỏ qua đi thôi”. Và cũng đến ngày, cả tôi lẫn vị thượng cấp khố xanh khố đỏ bỏ Long An mà chạy. Sau này, gặp lại vị thượng cấp đó trong nhà tù Yên Bái, tôi chán ngán chẳng hề hé môi nửa lời về câu chuyện cũ.

Nhìn những người trẻ bây giờ, như những Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, tôi biết rằng tuổi trẻ thời nào, nơi nào cũng là tuổi trẻ với những thuộc tính quý giá mà khi về già, người ta sẽ mất dần, hoặc có cố lắm thì cũng chỉ còn giữ được rất ít. Bạo lực hôm nay, hay bạo lực hôm qua, ở trời Tây hay trời Đông, dù mặc bất cứ chiếc áo nào, về bản chất vẫn là bạo lực, là thứ mà chính kẻ dùng nó sẽ chết vì nó. Người ta thiết lập cái gọi là tòa án để xét xử những người trẻ yêu nước (theo cách riêng của họ) chẳng qua cũng chỉ là một hình thức chứng tỏ quyền uy và muốn sự phục tùng, không phải với chỉ những người trẻ trong cuộc (những Nguyễn Phương Uyên, những Đinh Nguyên Kha) mà còn nhắm tới tất cả những người trẻ khác. Tội nghiệp thay những đầu óc của lính khố xanh khố đỏ thế kỷ 21. Họ cũng vừa nhận thấy mình đã làm một hành động dại dột. Vì thế mà bản án xét lại đã có phần nhượng bộ. Nhưng lỗi lầm đã phạm, khó có thể rút lại.

Với sức mạnh liên kết của những người trẻ hôm nay, sẽ đến một ngày (không xa) quan tòa và bị cáo đổi chỗ cho nhau.

Với tư cách của một người trẻ của hôm qua, tôi gởi đến những người trẻ hôm nay lời chúc mộc mạc nhưng chân thành:

Chân cứng đá mềm nhé! các bạn trẻ của tôi!

T.Vấn

(Ngày 19 Tháng 8 năm 2013)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search