T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Qúa khứ một thế hệ

Gởi người bạn tù Trại VQ.

Chúng ta chấp nhận cuộc sống lưu vong, vì, trên đất nước của mình, chúng ta không được quyền nặng lòng với quê hương. Cuộc ra đi này là cuộc ra đi của những kẻ thất phu còn muốn được chút gì hữu trách trước vận nước hưng vong.

(T. Vấn – Quê Nhà Quê Người)

Một người bạn tù, đọc được những bài viết của tôi ở đâu đó, đã có lần gởi vỏn vẹn cho tôi vài hàng qua điện thư. Quá khứ đã thuộc về hôm qua. Tại sao không để lòng thật thanh thản mà sống cho ngày hôm nay? Những hàng chữ làm buốt óc. Vừa hàm ý thông cảm, vừa muốn đưa lời trách móc. Đành rằng dĩ vãng đã qua. Vì chính tay tôi đã nhiều lần đào huyệt chôn quá khứ. Đã nhiều lần tống tiễn chúng vào lò thiêu để thiêu như thiêu những thứ uế vật ghê tởm.

Quá khứ một đời người. Có thế nào đi nữa thì nằm xuống rồi, mọi chuyện coi như đã xong. Người ta vẫn thường nói chết là hết. Nhưng đó chỉ là một đời người.

Những năm gần đây, khi cuộc sống lưu vong đã tạm ổn định trên xứ người: một chỗ để ở, một công việc làm tương đối đủ trang trải mọi chi phí, con cái đã lớn khôn, trưởng thành và có thể tự lo lấy được mình. Nói tóm lại, những thứ không thể thiếu của cuộc sống thực tế được thỏa mãn, và những âu lo đời thường tạm nhẹ bớt, thì chúng tôi, những người sống sót qua một cuộc chiến tranh, hai cuộc lột xác đổi đời: một lần là cuộc lưu đày quê nhà và một lần là lưu vong quê người, bỗng thấy mình phải đương đầu với một khó khăn khá phức tạp: Làm thế nào để chôn một lần và mãi mãi cái quá khứ không phải chỉ cho một người, mà là quá khứ của cả một thế hệ?

Quá khứ một thế hệ. Có thế nào đi chăng nữa thì không thể một người nằm xuống, hay nhiều người nằm xuống, hay cả thế hệ ấy nằm xuống, là có thể nói rằng mọi chuyện đã xong. Ở đây, cái chết không là mốc để chấm hết một bi kịch. Bởi lẽ, thân phận một thế hệ luôn gắn liền với vận mệnh của một dân tộc, một đất nước. Và từ đó, thân phận ấy trở thành lịch sử, có khả năng tác động đến các thế hệ tương lai. Một thân phận thế hệ càng bi kịch, càng là nguồn cơn của nhiều hệ lụy, càng là nguồn cơn của nhiều tranh cãi, bất đồng kéo dài đến nhiều thế hệ mai sau.

Trở lại câu hỏi buốt óc của người bạn tù. Có lẽ, anh bạn tôi cũng đã tự đặt câu hỏi ấy cho chính mình. Điều dễ hiểu, chúng tôi là một thế hệ.

Tại sao không để lòng thật thanh thản mà sống cho ngày hôm nay?

Có lẽ, dưới đáy cùng những băn khoăn suy nghĩ cho một cuộc sinh tồn nơi xứ người, tôi – và những người bạn cùng một lứa bên trời lận đận – vẫn còn bị ám ảnh về những sứ mạng chưa được chu toàn, những sứ mạng sẽ không bao giờ được chu toàn, những sứ mạng tưởng tượng hay có thật, để ngày nay, đau xót nhận ra rằng đã quá muộn để bắt đầu làm lại, đã quá muộn để có đủ can đảm đối diện với những ảo vọng một thời, nay biến thành nỗi ám ảnh khôn nguôi, cái ám ảnh của kẻ thất phu nhìn sự thất bại của đời mình như là căn rễ cho sự mục nát của một giai đoạn lịch sử, sự nhiễu nhương của một thời đại và sự nhọc nhằn cho một thế hệ tương lai.

Ước mơ hay hoang tưởng? Ngày hôm qua, ước mơ là ước mơ, là sự đẹp đẽ của khát vọng con người, là lý tưởng khi ước mơ ấy là mục tiêu hướng tới của một thế hệ. Ngày hôm nay, ước mơ ấy không thành. Sự đẹp đẽ của nó bị đem ra cật vấn, nghi ngờ. Lý tưởng bị đổi tên thành Hoang tưởng. Chỉ vì ngày hôm qua đã là quá khứ của ngày hôm nay. Ước Mơ và Hoang Tưởng là hai điều không bao giờ giống nhau. Tại sao chúng có thể đổi chỗ cho nhau một cách dễ dàng như vậy?

Chúng tôi nhìn lại quá khứ, nhìn lại hôm qua là để tìm câu trả lời cho vấn nạn ấy. Như đã nói ở trên, hai chữ chúng tôi bao hàm một thế hệ. Nói ước mơ hay hoang tưởng, là nói ước mơ hay hoang tưởng của một thế hệ. Ước mơ của một con người có thể vượt quá khả năng thực hiện của người đó. Nhưng ước mơ của một thế hệ chính là sứ mạng mà lịch sử giao phó cho thế hệ ấy. Ở đây, không hề có sự cường điệu của chữ nghĩa, sự giả dối của bọn đầu cơ trên nỗi ray rứt chính đáng tại sao không để lòng thật thanh thản mà sống cho ngày hôm nay. Chính ở chỗ này mà bi kịch một thế hệ – chúng tôi – bị nhân lên gấp nhiều lần bi thảm. Sứ mạng không được hoàn thành, có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng sứ mạng vẫn còn đó, và cần phải được chu toàn. Bằng cách này hay cách khác. Bởi thế hệ này hay thế hệ kế tiếp. Lịch sử sẽ không còn là lịch sử nếu những sứ mạng mà nó giao cho từng thế hệ không tạo được cái nền cho nhiệm vụ mới trong tương lai. Tương tự như những cánh tay nối dài trong mỗi gia phả của từng cá nhân. Ước mơ của đời cha sẽ được đời con truyền nhau tiếp nối. Trong thực tế, rất nhiều khi, những điều đời cha không làm được, đời con đời cháu đã hoàn thành.

Sứ mạng của một thế hệ phải được hoàn thành. Bằng cách này hay cách khác. Bởi thế hệ này hay thế hệ kế tiếp. Điều tưởng chừng như rất mặc nhiên đã không còn là mặc nhiên. Đây chính là bi kịch trên hết mọi bi kịch của thế hệ chúng tôi. Chúng tôi ra khỏi cuộc chiến với những sứ mạng không hoàn thành, những ước mơ chưa thành sự thật. Và bởi những hệ lụy chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, chúng tôi thấy mình bị đặt trước một thực tế phải xét lại những giá trị cốt lỏi mà chúng tôi hằng tin rằng không thể có một cách đánh giá nào khác. Nguyên nhân chỉ vì chúng tôi đã thua trong cuộc chiến ấy. Một cuộc chiến, mãi cho đến ngày nay, sự sai và đúng còn là đề tài để nhiều người trong cuộc và ngoài cuộc bàn cãi. . . .

Người lính già mặc lại bộ quân phục cũ của mình mỗi khi có dịp tụ họp gặp anh em bạn bè chiến đấu ngày xưa, như để nhắc nhau đã có một thời vó câu yên ngựa bụi khói sa trường, như để nhắc nhau ngày hôm nay bôn ba nơi xứ người là vì những sứ mạng chưa được chu toàn. Trong ý nghĩa đó, ngoài sự hiện diện của quá khứ, còn có bao băn khoăn cho ngày mai. Và tất nhiên, những ước mơ muốn truyền đạt đến thế hệ mai sau. Cùng lúc, ông vẫn không thể gạt qua một bên cái cảm thức hình như mình đang tìm cách níu kéo quá khứ, không để cho nó đi như lẽ ra nó phải biến mất từ lâu. 30 năm sau một cuộc chiến chinh. Những nấm mồ đã không còn nhận ra được nữa, những góa phụ tử sĩ đã có thể không nhớ mình đã một thời là góa phụ, là tử sĩ. Người lính già đã có lúc nghĩ rằng sự sống sót của mình là một nỗi bất hạnh. Ông đã trải qua nhiều năm tháng tù ngục. Và nhất là sự nhục nhã của một hàng binh. Nhưng tất cả những điều đó không có nghĩa là ông không nên mặc lại bộ quân phục cũ của mình. Dẫu sao, cả cuộc đời tuổi trẻ của ông là bộ quân phục ấy. Cũng như cả một thế hệ tuổi trẻ cùng thời với ông. Và tất nhiên, họ cũng như ông, canh cánh bên lòng về những sứ mạng – có thật hay tưởng tượng – chưa được chu toàn, hay đúng hơn, không bao giờ được chu toàn, ít nhất là ở thế hệ của ông. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu thế hệ tiếp nối có chấp nhận rằng, sứ mạng của thế hệ ông cũng là sứ mạng của thế hệ họ, và sẽ hết sức để chu toàn sứ mạng ấy, vì, rõ ràng là, thế hệ ông chắc chắn không thể chu toàn được?

Đó là điều đau xót ở dưới đáy lòng ông. Lẽ ra, câu hỏi ấy không phải đặt ra. Phải chi, ông đã lầm đường, đã hy sinh cho những điều không tưởng, cho cam. Ước mơ đời ông, người lính già không bao giờ khinh rẻ bộ quân phục của mình, là ước mơ của một thế hệ, là lý tưởng của nhân loại. Ông không thấy có gì sai trong đó cả.

Đó là lý do khiến những người lính già chúng tôi không thanh thản để sống cho ngày hôm nay. Chứ chẳng phải cái quá khứ chiến tranh và tù đày làm chúng tôi nhọc lòng.

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search