T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Thảo Trường – Nhân Chứng Cuối Cùng

clip_image001

Thảo Trường – tác giả của hai tác phẩm tiêu biểu, tiểu thuyết BÀ PHI trước 75 và Những Miểng Vụn của Tiểu Thuyết khi ra hải ngoại đã rời thế gian cách đây đúng ba năm. Ông sống được 73 năm cũng là điều lạ, lẽ ra phải đi sớm hơn do hệ quả cũa những tác hại trên thân thể sau 17 năm ở tù Cộng  sản. Nhưng nhờ vậy Thảo Trường được kể là nhà văn quân đội có số năm ở tù lâu nhất sau chiến tranh.

Sau hai chục năm im tiếng, Thảo Trường viết lại. Những tác phẩm được viết tại hải ngoại không hẳn chỉ là những hồi ức, ghi chép cá nhân mà được giới phê bình và độc giả đã biết ông gần nửa thế kỷ đánh giá công trình này như “tiếng nói của lương tâm” khơi dậy cho nhiều thế hệ đương thời và về sau cái khắc nghiệt dã man của một chính sách được che đậy dưới cái tên cải tạo nhân đạo khoan hồng.

Nếu chỉ kể là một viên chức của chế độ cũ thì những tháng năm trong lao tù cộng sản Thảo Trường cũng giống bao người khác, nhưng vì là nhà văn, người cầm bút chân chính với bề dày nghiệp vụ cả nửa thế kỷ, ông không còn là cựu thiếu tá Trần Duy Hinh mà trở thành một Thảo Trường, chứng nhân tiêu biểu cho một thời đầy khổ nạn khi chính ông đã mục kích, trải nghiệm, chịu đựng suốt cuộc hành trình ‘cải tạo’ từ đầu đến cuối để viết lại thuật lại những điều mắt thấy tai nghe bằng lối viết sâu lắng, trung thực, đầy lòng trắc ẩn của một cây viết được xếp trong số tác giả hàng đầu của miền Nam trước đây.

Nếu đem so sánh với những khuôn mặt nổi tiếng cũng là nạn nhân của chế độ cộng sản một thời như nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn của Quần đảo ngục tù, hoặc nạn nhân của nạn diệt chủng dưới thời phát-xít Đức là tác gia Elie Wiesel người Do Thái qua tác phẩm Night thì e rằng có phần cường điệu, nhưng thử hỏi có ai đủ trọng lượng để thuật lại cho người ta tin, tin một cách tự nguyện, chẳng phải cho thế hệ này, mà còn cho các thế hệ về sau, nếu người đó không có một bề dày trải nghiệm và một sở trường văn bút để phác thảo cụ thể sinh động những gì đã xảy ra trong gần hai chục năm trong ngục tù cộng sản được dàn dựng qua cái tên ‘học tập cải tạo’ (re-education camp) một từ vựng mới nhất đi kèm từ vựng ‘thuyền nhân’ (boat people) mà cộng đồng thế giới  biết đến và quan tâm như hệ quả khốc liệt của chiến tranh Việt nam sau ngày tàn cuộc.

Cho nên người ta mừng là đã có một nhân chứng đủ uy tín để nói hộ viết hộ hàng trăm ngàn người, đa số đã khuất bóng, già nua, thương tật là những nạn nhân âm thầm sau cuộc chiến, họ cũng muốn nói mà không nói được, muốn viết mà không viết được do hạn chế mặt này mặt khác, nên chi không gì bằng có người đồng hương đồng cảnh làm lại công việc của  Solzhenitsyn, của Wiesel để gióng lên tiếng chuông thức tỉnh lương tâm của người Việt, người Mỹ, của cộng đồng nhân lọai hãy lên án và cảnh giác về cái ác không còn tính người của một chủ nghĩa, một chế độ mà bản chất của nó không hề thay đổi bất kể không gian thời gian, từ Âu sang Á, rồi điểm hẹn cuối cùng của tội ác trớ trêu thay lại đổ trên đầu người dân miền Nam sau chiến tranh.

Nói như vậy không hẳn phủ nhận những sách báo, tác phẩm của nhiều tác giả đã dùng tâm huyết để ghi lại những chuỗi ngày cay đắng pha máu và nước mắt đã được in ấn trước đây, nhưng dù sao tìm được một chứng nhân tiêu biểu trong khi cả ngàn người được tha được thả sau mười, mười lăm năm giam giữ, thì một người như Thảo Trường lại được nhà nước ưu ái cầm chân ở lại một trại giam heo hút vùng đất đỏ miền Đông, nơi chỉ còn khoảng trên chục người tù, khoảng non chục cán bộ, và trăm con bò, cán bộ lo gìữ tù, tù coi bò, bò tự ăn cỏ, chẳng ai cải tạo ai, cứ thế mà sống cho đến ngày…xả trại.

Cũng chuyện ở tù, nhiều người thấy lạ sao cộng sản họ giữ ông quá lâu. Thực sự chẳng phải vì ông thuộc diện ‘tứ trụ ác ôn’ (ông vốn ngành An ninh quân đội), cũng chẳng phải vì ông có quê quán xứ đạo vùng châu thổ sông Hồng cùng diện Bắc kỳ di cư vốn không ưa cộng sản, hay vì là cấp Tá có sứ mạng đặc biệt được theo các phái đoàn quân sự bốn bên ra vào Hà nội nhiều lần trước hiệp định đình chiến. Mấy diện này chỉ đáng trả giá trên dưới mười năm, nhưng cái tội lớn nhất (và cộng sản ‘sợ’ nhất) vì ông là… nhà văn, một nhà văn có hạng. Tha ông  sớm ông sẽ đoàn tụ với vợ con (di tản hồi 75), lúc đó không thể bịt miệng ông, ông sẽ viết ông sẽ lên tiếng. Tốt hơn là giữ ông lại để ông xuống tinh thần, suy thần kinh, bịnh hoạn, bại liệt và bỏ xác trong tù như một số nhà văn uy tín của miền Nam đã bạc phận vì sức khỏe, tuổi đời cạn kiệt.

Nhớ lại khi ra mắt tác phẩm để đời Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết cách đây đúng 5 năm, những người tham gia buổi ra mắt đã được nghe một tham luận của một cây viết nữ là nhà văn Đặng Thơ Thơ, được Thảo Trương chọn lựa như người tâm đắc với tác phẩm ông viết. Bài viết ‘Tôi đọc Thảo Trường’ của cô trở thành một bài điểm sách mà giá trị học thuật của nó rất đáng suy ngẫm. Xin lược trích một đoạn dưới đây:

Tôi đọc Thảo Trường như đọc một bản cáo trạng viết từ địa ngục. Một bản cáo trạng mỉa mai, chua sót, nhưng nhân bản. Môt cái nhìn thấu đáo về chủ nghĩa Cộng sản và tính chất ‘súc vật’ của nó, như Thảo Trường nhận xét. Trong bản cáo trạng đó, thủ phạm đã phủi tay, gần như trắng án. Để đi tìm lại bóng dáng của những địa ngục đó, chỉ còn cách thu lục những dấu tích còn tồn tại trong ký ức của những người còn sống sót. Trong lời khai của nhân chứng. Tôi đọc Thảo Trường như đọc lời khai của nhân chứng đầu tiên và cuối cùng.

Bản cáo trạng thì được khái quát như vậy, còn cách viết cáo trạng không gì tinh tế hơn khi nghe Trần dạ Từ, một nhà văn nhà thơ cùng thời, cũng ở tù Cộng sản đã ca ngợi người bạn văn của mình, “Những Mảnh Vụn Của Tiểu Thuyết là tác phẩm cổ điển, hiểu theo nghĩa ‘bất tử’, đồng thời đây cũng là thứ chữ nghĩa tối tân, mạnh mẽ nhất của thời đại chúng ta”.

Riêng cá nhân tôi, một người biết ông từ thuở sinh thời, khi hai đơn vị phục vụ chỉ cách nhau một hàng rào, không tâm đắc lắm với cái tựa của sách mà cần cụ thể hơn, chẳng hạn ‘Người chăn bò ở Bình Tuy’ (nơi ông bị cầm chân giai đoạn cuối). Nhưng nghĩ lại chả quan trọng. Có điều nếu cùng là những người viết ‘cáo trạng’ qua những thời điểm lịch sử khác nhau, Solzhenitsyn đã nhận giải Nobel văn học, Wiesel nhận giải Nobel hòa bình cùng nhiều phần thưởng danh giá khác, thì Thảo Trường vẫn là Thảo Trường, một con người rất bình dị, khi chết ông không muốn đăng cả cáo phó, ngay phần tiểu sử do chính ông ghi lại cũng chỉ  sơ sài vài dòng, di sản văn học ông chỉ ghi số lượng không có tựa đề tác phẩm, quan tài đậy kín từ lúc liệm xong, lễ tang đơn giản chỉ râm ran lời cầu nguyện. Dù mang bạo bệnh, ông ra đi thanh thản sau giấc nghỉ trưa, thỏa lòng khi viết xong tác phẩm để đời làm tròn thiên chức của ngòi bút, và điều mong mỏi nhất là ông luôn luôn muốn “quên”, thì khi nằm trong quan tài đóng kín, Thảo Trường đã quên.

Ông quên nhưng những người ở lại và thế hệ về sau sẽ nhớ ông, nhớ tác phẩm của ông. Ông trở thành nhân chứng của thời đại với tư cách một nhà văn, nhân chứng đầu tiên và cuối cùng.

ĐỖ XUÂN TÊ

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search