T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nhạc sĩ Phạm Duy: thêm một sự việc khó hiểu

clip_image001

1.
Theo sự mách bảo của một người bạn rất thông thuộc mọi đường đi lối về của thế giới ảo (internet), tôi vào trang nhà của nhạc sĩ Phạm Duy (www.phamduy2000.com), được thực hiện sau khi ông về ở hẳn Việt Nam và đóng cửa trang nhà cũ (www.nguoitinhgia.com).
Website mới của nhạc sĩ Phạm Duy trình bày sáng sủa, trang nhã và có nội dung xoáy vào giai đoạn ông trở về Việt Nam sống. Có lẽ ý đồ ấy đã được bộc lộ ở ngay cái tên mà ông chọn: Phamduy2000. Ngoài những chuyên mục thuần túy bàn về âm nhạc, có chuyên mục “Tạ ơn đời”, nơi ông cho đăng lại những bài viết liên quan đến việc ông trở về của những tác giả ở cả trong nước lẫn ngoài nước. Tất nhiên, chỉ những bài có nội dung ủng hộ ông trong quyết định đã gây sôi nổi dư luận người Việt hải ngoại một thời. Đọc danh mục khoảng hơn 20 bài viết của chuyên mục này, tôi thấy vài bài đã xuất hiện trên talawas, trong đó có bài “Trở về hay ra đi” của tôi, đăng tải ngày 04 03-2005 ở mục Tản văn thứ Sáu.
Như bất cứ một người viết nào bị nhiễm trong máu cái chất “văn mình vợ người”, tôi mở ra đọc bài viết của mình để nhớ lại mình đã viết gì về sự trở về của nhạc sĩ Phạm Duy vào thời điểm này, thời điểm mà ông chưa chính thức về hẳn Việt Nam (ngày 17-05-2005), cũng như chưa có những câu trả lời phỏng vấn báo chí trong nước với nội dung khó hiểu và gây kinh ngạc cho nhiều người, cả trong nước cũng như ngoài nước (trong đó có tôi). Đọc lại bài viết của chính mình mà tôi cảm thấy ngờ ngợ, vì vài chỗ chuyển đoạn “trớt quớt” (câu trước và câu sau không ăn nhập gì với nhau). Có câu văn bị bỏ lửng, không trọn ý, thay vào đó là những dấu ba chấm. Tôi nhìn xuống dưới cuối trang, thấy có dấu © 2005 talawas, có nghĩa là bài được lấy về từ trang talawas. Mở lại bài lưu trữ ở talawas, đối chiếu với bài trên trang nhà của nhạc sĩ Phạm Duy, tôi hiểu ra tại sao lại có những chỗ “trớt quớt” đó.
Bài đăng lại, so với bản gốc ở talawas, đã bị cắt xén nhiều chỗ. Và nội dung những đoạn bị cắt rất có “ý nghĩa”.
Sau câu văn: “Trở về để rồi lại ra đi. Ra đi để có ngày trở về. Cái điều tưởng chừng như rất bình thường ấy, rất đơn giản ấy, đã không còn bình thường, đơn giản nữa”, bản đăng lại thiếu hẳn một đoạn văn như sau (tôi in đậm):
Người ta đã dùng nó để phục vụ cho những mục tiêu chính trị ngắn hạn, thiển cận, và độc ác.

Sự việc một người già chọn sống ở quê hương những ngày cuối đời đã bị đem ra làm công cụ tuyên truyền cho một chế độ cần được loại trừ càng sớm càng tốt. Sự việc một người nghệ sĩ (hay nhiều người nghệ sĩ) đem nghệ thuật phục vụ cho đông đảo đồng bào mình ở quê nhà, đã được dùng để đánh bóng cho cái thô nhám của một học thuyết văn hóa dung tục, thô thiển và phi nhân bản.


Quê hương, dân tộc là của tất cả mọi người, không của riêng một chế độ nào, một nhóm người nào, dù đó là nhóm cầm quyền. Trở về giữa lòng quê hương, là trở về với vòng tay mẹ, không phải là chấp nhận sự tồn tại của một chế độ không có lòng dân. Tương tự như vậy, người nghệ sĩ tài năng phải được coi là tài sản của dân tộc. Tác phẩm của ông phải được coi là di sản cần được bảo tồn cho các thế hệ mai sau.

Sau câu văn: “Người ta không chịu nhìn ra cái nguyên ủy của hệ lụy lưu vong quê nhà”, bài đăng lại thiếu đoạn sau đây (nhưng lại thêm vào những dấu chấm lửng):
nằm ở chính cái chế độ thiển cận kia, nó đã hủy hoại đi bao nhiêu những cơ hội để xây dựng đất nước, hòa giải dân tộc. Tệ hại hơn hết, nó đã chặn đường về của những con người còn nặng một tấm lòng. Ở ngoài này,
Sau câu văn: “Mắt nhắm mắt mở vì những hỏa mù”, bài đăng lại thiếu ba chữ: từ trong nước nhưng lại thêm vào chữ: nên.
Tôi hiểu ra, những đoạn văn bị “cắt xén” (bị kiểm duyệt? người đăng lại tự kiểm duyệt?) là những đoạn có nội dung “đụng chạm” đến chính quyền ở trong nước mà nhạc sĩ Phạm Duy, nay đã chọn về nước sinh sống, ắt phải ở trong “vòng kiềm tỏa” của họ.

2.
Một lần nữa, sau khi đã không hiểu được tại sao nhạc sĩ Phạm Duy, lúc đặt chân lên mảnh đất quê nhà 3 năm trước đây, lại có những lời tuyên bố “khó hiểu” liên quan đến cộng đồng người Việt hải ngoại, nơi ông đã sinh sống và sáng tác trong gần 30 năm sau chính biến tháng 4-1975, thì nay tôi cũng không hiểu được tại sao ông phải làm công việc “khó hiểu” như thế này, công việc lấy bài viết của người khác nói về mình rồi cắt xén một cách có chủ ý trước khi đăng tải.
Nếu cần những lời khen tặng, ông đã có quá nhiều những bài viết khen tặng từ mấy chục năm nay, được viết bởi những tên tuổi lẫy lừng trong mọi lãnh vực văn học nghệ thuật, xá gì một bài viết nhỏ nhoi từ một người viết vô danh trong hàng ngàn người viết hiện nay. Nếu cần một sự cảm thông cho việc trở về của ông, ngay trên mục “Tạ ơn đời” của ông đã có 23 bài viết của cả những người ở trong lẫn ngoài nước, thì thêm một bài nữa, chưa chắc đã đáng với cái “rủi ro” do việc ” cắt xén” nói trên gây ra.
Hay do tuổi tác, ông không còn nhạy bén nữa, để nhận ra rằng, kỹ thuật lưu trữ thông tin trên mạng ngày nay đã cho phép bất cứ ai, tinh ý một chút, và nếu quan tâm, dễ dàng nhận ra sự “cắt xén” ấy. Động cơ nào khiến ông làm việc đó, với một sự rủi ro không nhỏ, vì sự việc không đơn giản là “cắt xén” bài viết của người khác, mà là ở thái độ chính trị của ông, một người nghệ sĩ đối với nhà cầm quyền toàn trị cộng sản trong nước.
Kẻ hậu sinh này, người luôn tìm được những khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi trong ngày nhờ kho tàng âm nhạc đồ sộ của ông, không dám bắt lỗi ông về việc ông “cắt xén” bài viết nhỏ nhoi của mình, nhưng anh ta vẫn có thể nói: Thưa nhạc sĩ, tuổi tác của ông, tầm vóc của ông, chỗ đứng của ông trong nền âm nhạc Việt Nam lớn hơn bất cứ sức mạnh chính quyền nào, dù đó là chính quyền toàn trị cộng sản. Họ sẽ không dám làm gì ông, cho dù ông có công khai lên tiếng phê phán họ ngay giữa lòng thành phố Sài Gòn. Huống gì những lời chỉ trích họ trong một bài viết của người khác, mà ông lấy về đăng trên trang nhà của mình. Vả lại, ông vẫn có thể lựa chọn KHÔNG LẤY bài viết ấy, thưa nhạc sĩ!
Hay có thể, do kinh nghiệm từ trường hợp nhà văn Nguyễn Tuân, tên tuổi lẫy lừng là như thế mà vẫn phải nhờ biết sợ mới sống được, nên ông không thể làm khác chăng? Nhưng thưa nhạc sĩ, thời thế đã thay đổi. Ngày nay, quyền lực của nhà cầm quyền cộng sản đang như chỉ mành treo chuông. Chỉ cần những ngọn gió dân chủ hợp nhau thổi thật mạnh là nó sẽ tiêu vong. Vả lại, nhờ khoa học kỹ thuật, thế giới hôm nay đã ở gần nhau như trong một nhà. Mọi động tĩnh, đàn áp của chính quyền, dễ gì người ta bỏ qua, nhất là người bị đàn áp lại là nhạc sĩ Phạm Duy.
Hay là ông không đồng tình với những chỉ trích ấy? Tôi không nghĩ vậy. Không một người nghệ sĩ chân chính nào lại chọn đứng về phía một chính quyền không cho nghệ sĩ được tự do sáng tạo. Hẳn là ông hiểu điều đó hơn ai hết trong khi đệ đơn xin phép cơ quan văn hóa thông tin trong nước được trình diễn và lưu hành những tác phẩm của mình.
Hay là ông còn những lý do nào khác để hành xử như vậy, những lý do không phải cho riêng cá nhân ông, mà có thể cho những thân nhân ruột thịt của ông? Quả thực, khi đặt câu hỏi như vậy, tôi cũng đã thấy mình quá mạo muội.

3.
Tôi không thể hình dung được đời sống của mình thiếu vắng âm nhạc của Phạm Duy. Hẳn là nó sẽ buồn tẻ và bất hạnh biết chừng nào. Tôi lớn lên, trưởng thành, yêu quê hương mình, xa quê hương nhưng tâm hồn lúc nào cũng hướng về mảnh đất nghèo ấy, trong sự thôi thúc âm ỉ đến từ nhạc Phạm Duy. Ở một nghĩa cụ thể nhất, chính nghệ thuật làm lớn con người, hoàn thiện con người và đem hạnh phúc đến cho con người. Với tôi, âm nhạc của Pham Duy chính là thứ nghệ thuật đó. Và tôi tin rằng, trong thế hệ của mình, tôi không phải là người duy nhất mang ơn ông. Mặt khác, trong sự nhìn nhận của rất nhiều người, sự đóng góp của nhạc sĩ Phạm Duy cho âm nhạc Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20 là sự đóng góp lớn nhất, lớn đến độ tôi tin rằng trong một hai thập niên tới, khó có ai làm lu mờ được chỗ đứng của ông.
Vì thế, tôi rất cẩn trọng khi cho phổ biến bài viết này. Sau chiến tranh, đất nước chúng ta đã chịu đựng quá nhiều oan khiên. Có những oan khiên thật vô lý, chỉ nghĩ tới thôi cũng đã thấy mình điên rồ, huống hồ gì chúng đã thực sự hiện hữu. Một trong những oan khiên đó là mối quan hệ của kẻ trong nước, người ngoài nước, của sự trở về (quê nhà) hay ra đi (quyết không về chừng nào còn sự thống trị của cộng sản). Và một trong những điển hình của mối oan khiên đó là trường hợp nhạc sĩ Phạm Duy. Thiết tưởng, không cần nhắc lại sự ồn ào một thời ấy ở đây. Và tôi lại càng không muốn bài viết này của mình cung cấp thêm chất liệu cho một thiểu số dung tục muốn sổ toẹt toàn bộ sự nghiệp đóng góp của nhạc sĩ Phạm Duy cho nền âm nhạc Việt Nam chỉ vì một quyết định gây nhiều tranh cãi của ông. Đó là một sự bất công, dù quả thực tận thâm tâm, tôi nghĩ rằng ông về thì ông cứ về, nhưng tốt nhất ông đừng nói những điều lẽ ra ông không nên nói, đừng làm những gì lẽ ra ông không nên làm.
Và càng cẩn trọng suy nghĩ về trường hợp người nhạc sĩ lớn nhất thời đại, tôi lại càng nhìn thấy rõ ràng hơn nguyên ủy của bao nỗi oan khiên nằm ở ngay chính chế độ hiện đang thống trị ở trong nước (đây cũng là ý một đoạn văn mà nhạc sĩ Phạm Duy đã cắt bỏ trong bài viết “Trở về hay ra đi” khi đăng lại bài này trên trang nhà của mình). Chính sự toàn trị độc tài đã khiến nhạc sĩ Phạm Duy, để có một cơ hội cuối cùng trong đời nhìn sự nghiệp 50 năm chắp cánh giữa bầu trời quen thuộc quê nhà, phải tự làm nhỏ mình đi qua một loạt những việc làm “khó hiểu”. Trong quá khứ, sự độc tài toàn trị ấy đã bóp nghẹt nhiều tài năng rực rỡ (các nhà văn nhà thơ của nhóm Nhân văn – Giai phẩm), đã làm hèn đi những con người lẽ ra họ đã không hèn (Chế Lan Viên, Nguyễn Khải và có nên kể thêm Nguyễn Tuân như chính ông đã thú nhận không?). Vì, bất kể những nỗ lực tách rời tác phẩm ra khỏi con người thì cách hành xử của con người nghệ sĩ (do sức ép của quyền lực) đã làm ảnh hưởng đến giá trị tác phẩm của họ.
Đó là sự mất mát lớn nhất của công chúng yêu chuộng nhạc Phạm Duy.

T.Vấn

( 30-09-2008)

Phụ Lục :

Đối chiếu giữa nội dung hai bài: Bài gốc xuất hiện trên Talawas tháng 3 năm 2005 và bài được đem về đăng lại trên trang nhà của nhạc sĩ Phạm Duy có những đoạn bị cắt (tự kiểm duyệt? bị bắt buộc phải kiểm duyệt?), mà những đoạn bị cắt có nội dung nhằm phê phán chế độ hiện cầm quyền trong nước.

Dưới đây, dùng bản đăng trên trang nhà nhạc sĩ Phạm Duy làm nền, tôi lấy những đoạn bị cắt đặt chúng chen vào chỗ “thiếu”. Những đoạn “thiếu” có chữ mầu xanh và in đậm.

Những chữ màu đỏ là do trang nhà Phạm Duy đổi sang màu đỏ (có lẽ do mục đích nhằm nhấn mạnh).

T.Vấn

(25-09-2008)

T. Vấn – Trở về hay ra đi? (Gởi một thế hệ Việt Nam thay lời Kinh cầu hồn.)

clip_image002

Người phiêu lãng,
Nước mắt có về miền quê lai láng
Xa quê hương! Yêu quê hương!
(Tình hoài hương – Phạm Duy)

Như vậy là người nhạc sĩ già ấy đã chọn cho mình được một chỗ để yên nghỉ. Không nhất thiết phải nói ra, ai cũng biết rằng đó là quê nhà. Thời đại mà ông – người đã để lại những dấu ấn vĩ đại trong suốt nửa thế kỷ – đang sống nốt những ngày cuối cùng, là một thời đại có quá nhiều những cay nghiệt, quá nhiều những đảo lộn của lịch sử, quá nhiều những nhiễu nhương vượt khỏi tầm nhận thức thông thường, nhiễu nhương đến độ khi chọn cho mình một lối về như quê nhà, cũng là chọn con đường đi đầy hệ lụy. Định mệnh của người nghệ sĩ, ngoài một kiếp tằm nhả tơ, còn là nỗi khao khát một môi trường, ở đó tác phẩm của mình tồn tại, và chính mình, được khẳng định. Định mệnh ấy, ở thời đại của chúng ta, thời đại của nhiễu nhương, đã trở thành một bi kịch cho người nghệ sĩ. Và người nhạc sĩ già thấy mình đang ở ngay trọng tâm của cơn lốc ác nghiệt.
Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn,
Nước tuôn trên đồng ruộng vắn,
Lúa thơm cho đủ hai mùa…

Đã bao lần tôi nghe những lời nhạc xoáy lòng của Tình hoài hương. Đã bao lần tiếng hát vượt thời gian vượt không gian đuổi theo tôi trên những con đường xa lộ xuyên bang thăm thẳm đi tìm một người bạn thời hoa niên, uống với nhau chén rượu, và kể cho nhau nghe câu chuyện kể đi kể lại hàng ngàn lần về một quê nhà xa tít tắp bên kia bờ đại dương. Để viết được một bài hát có tầm cỡ như Tình hoài hương, ngoài tài năng, người nghệ sĩ phải có một tấm lòng thật sâu đậm với đất nước. Nếu không thì làm sao nó có thể làm rung động được lòng người. Nếu không thì làm sao cả hai thế hệ người Việt ở miền Nam, nay dù phiêu bạt ở bất cứ nơi đâu trên những mảnh đất xa lạ, lúc vui lúc buồn vẫn cứ nghêu ngao:

clip_image004

Quê hương ơi! Tóc sương mẹ già yêu dấu
Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu,
Cánh tay êm tựa mái đầu,
Ôi bóng hình, từ bao lâu còn ghi mãi sắc mầu,
Quê hương như người mẹ, chiều xuống đứng tựa cửa ngóng những đứa con đi xa đang rảo bước trở về. Và cả những đứa không trở về, hay không còn sống để trở về. Trở về để rồi lại ra đi. Ra đi để có ngày trở về. Cái điều tưởng chừng như rất bình thường ấy, rất đơn giản ấy, đã không còn bình thường, đơn giản nữa.

Người ta đã dùng nó để phục vụ cho những mục tiêu chính trị ngắn hạn, thiển cận, và độc ác.
Sự việc một người già chọn sống ở quê hương những ngày cuối đời đã bị đem ra làm công cụ tuyên truyền cho một chế độ cần được loại trừ càng sớm càng tốt. Sự việc một người nghệ sĩ (hay nhiều người nghệ sĩ) đem nghệ thuật phục vụ cho đông đảo đồng bào mình ở quê nhà, đã được dùng để đánh bóng cho cái thô nhám của một học thuyết văn hóa dung tục, thô thiển và phi nhân bản.
Quê hương, dân tộc là của tất cả mọi người, không của riêng một chế độ nào, một nhóm người nào, dù đó là nhóm cầm quyền. Trở về giữa lòng quê hương, là trở về với vòng tay mẹ, không phải là chấp nhận sự tồn tại của một chế độ không có lòng dân. Tương tự như vậy, người nghệ sĩ tài năng phải được coi là tài sản của dân tộc. Tác phẩm của ông phải được coi là di sản cần được bảo tồn cho các thế hệ mai sau.

Người nghệ sĩ đích thực, trở về hay ra đi, hoàn toàn ở ngoài vòng cương tỏa của những khái niệm ngắn hạn, giả dối, độc ác. Vì ông, bằng tài năng và tấm lòng, đang vĩnh cửu hóa những giá trị nhân bản trong thời đại ông, làm giàu có thêm những thế hệ tương lai của đất nước.

Rồi đây, lịch sử sẽ phân biệt rõ ràng cái trường cửu của những giá trị nhân bản, tập thể quần chúng nhân dân với sự tồn tại ngắn ngủi của một chế độ, một nhóm cầm quyền. Nhập nhằng hai khái niệm ấy là thiếu trung thực và thiếu công bằng với người, với mình. Ở hải ngọai có ai đó lên tiếng thống trách. Thương nữ bất tri vong quốc hận. Người ca nữ không biết đến cái nhục mất nước. Nhưng nước có mất đâu. Nước vẫn còn đó, dân vẫn còn đây. Vì non xanh nước biếc vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, vì dân vẫn là cái gốc trên đó mồ mả cha ông làng quán họ hàng lề thói tập tục tồn tại, và cũng từ đó những chế độ cầm quyền ra đời, nên cuộc ra đi nào cũng phải chứa cái mầm của sự trở về.

clip_image006

Nhìn hình ảnh người nghệ sĩ già trong bộ quần áo nâu giữa những đường phố quê hương tấp nập người qua kẻ lại, tôi hiểu được cái tâm tình ngổn ngang của người đã từng đặt những bước chân mình trên các thủ đô tráng lệ của thế giới. Không nơi đâu cho mình được cảm giác yên bình bằng quê hương. Không nơi đâu cho mình được sự tự tin vững chãi bằng quê hương. Từ đó, những tác phẩm nghệ thuật ra đời. Từ đó, những mảnh vụn của lòng được chắp vá lại. Từ đó, cuộc sống được mang thêm nhiều phần ý nghĩa. Và cũng từ đó, người ta dễ dàng tha thứ cho nhau.

Nhưng để có được sự chọn lựa ấy, sau bao nhiêu trăn trở, xét mình, còn cần đến cả đảm lược. Bởi vì kên kên vẫn rình rập đâu đó chờ ăn sống nuốt tươi tâm hồn mong manh dễ vỡ của người nghệ sĩ. Bởi vì những oan nghiệt lưu cữu của cuộc chiến 30 năm vẫn dễ dàng ập lên đầu người nghệ sĩ nhiều ngộ nhận, trách móc hoặc thậm chí, lên án.

Người ta không chịu nhìn ra cái nguyên ủy của hệ lụy lưu vong quê nhà… nằm ở chính cái chế độ thiển cận kia, nó đã hủy hoại đi bao nhiêu những cơ hội để xây dựng đất nước, hòa giải dân tộc. Tệ hại hơn hết, nó đã chặn đường về của những con người còn nặng một tấm lòng. Ở ngoài này,  Đây đó xuất hiện những quan niệm thiển cận không kém. Mắt nhắm mắt mở vì những hỏa mù từ trong nước  (nên ) cũng vô tình tiếp tay chặn đường về của chính mình và người khác.

Ai cũng có một quê hương để trở về, nơi đó có mồ mả cha ông và núm ruột để lại. Ai cũng có một thành phố của những ngày mới lớn trái tim biết rung động lần đầu tiên để những đêm không ngủ thổn thức nhớ về. Ai cũng có căn nhà thuở ấu thơ để khi mái tóc bạc phơ về lại trước hiên nhà, đứng kiễng chân nhìn vào mà tưởng tượng như còn nghe tiếng mẹ hát ru à ơi đưa con vào đời. Không tôn trọng những riêng tư ấy ở một con người là độc ác. Lợi dụng những tình cảm ấy cho những mục tiêu chính trị nhất thời là vô luân.

Khi tôi nói lên những điều này, có thể tự tôi đã chất lên vai mình thêm những hệ lụy không cần thiết. Nhưng biết làm sao khác hơn được. Cõi người ta tự nó vốn đã không bằng phẳng dễ đến dễ đi, mà những cư dân ở đó lại chọn cho mình niềm vui bằng cách làm cho mọi việc trở nên rối rắm hơn. Âu cũng là định mệnh làm người, cái định mệnh có ma đưa lối, quỷ dẫn đường.
Giờ đây, khi ngoảnh mặt nhìn lại đoạn đường đời đã đi qua, bất chợt, tôi thấy đoạn đường còn lại phía trước sao mà ngắn ngủi. Và cũng bất chợt, tôi nhìn ra những giằng xé buốt lòng của người nghệ sĩ già. Phần cuối con đường đang sừng sững phía trước, bây giờ là lúc nên tiếp tục ra đi hay trở về? Nhưng đi là đi đâu, và về, là về đâu? Hay lại giống như nỗi bất hạnh của một người nghệ sĩ khác, suốt một đời trăn trở, giây phút cuối cùng nằm xuống cũng vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho câu hỏi mà chính ông đã đặt ra cho mình. Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà. Bao nhiêu người ra đi đã thực sự chuẩn bị cho mình ngày trở về? Và khi đối đầu với giây phút phải làm một sự lựa chọn, mấy ai không thao thức trăn trở? Tôi cũng sắp sửa phải đối diện với phút sự thật ấy của riêng mình. Ra đi hay trở về, tôi chưa biết mình sẽ chọn con đường nào, nhưng cái trăn trở của tôi còn là liệu mình có đủ đảm lược để đi theo con đường mình chọn hay không?
Người ta cần đến đảm lược để sống đã đành, nhưng để chết, cũng phải cần đến đảm lược hay sao?

© 2005 talawas

Bài Mới Nhất
Search