T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 48)

clip_image001

Mì là… mì, là cái sợi làm bằng bột mì được các ông, các bà ăn hàng ngày đấy. Mì khô, mì ướt, mì xào. Mì Mỹ Tho, mì Nam Vang. Vậy mà không biết à? Vậy mì là… cái gì?

Đại Nam quốc âm tự vị (1895) của Huỳnh Tịnh Của định nghĩa (chữ Nôm) như sau:

Mì, lúa mì : thứ lúa gạo người phương Tây hay dùng. Khoai mì : khoai tốt bột, cũng là khoai sắn(g), khoai gòn. xọa là bột làm ra (từ) sợi nhỏ

Tên Mì là do người Việt đặt ra? Tên từ đâu ra?

Người Việt ngày nay ai cũng biết là bánh mì của Pháp (ngoài Bắc trước kia gọi là bánh tây), nướng trong lò. Cắt ngang một ổ bánh mì thì thấy bên ngoài có một lớp mỏng giòn, bên trong là ruột mềm. Người Pháp gọi lớp giòn là crote, ruột mềm là mie (đọc là mi). Có nhiều khả năng là từ Mie đã được Việt hoá thành ?

Thế mới biết sức cám dỗ của cái bánh tây của thực dân Pháp. Làm thay đổi cả cách ăn nói của người Việt. Ghê gớm thật !

(Nguyễn Dư – Chim viêt.free.fr)

Truyện ngắn VII

Lại nói đến hành văn rắc rối, chữ nghĩa khó khăn. Xưa nay tôi vẫn thầm ngưỡng mộ những người làm thơ viết văn. Chữ nghĩa đầy bụng, họ là bậc thầy của ngôn ngữ. Trong một bài chỉ ngần ấy chữ, nhưng họ khéo léo sắp xếp đúng vị trí ngôn từ làm thành bài thơ hay, đọc lên nghe truyền cảm lạ lùng.

Ngược lại cũng có những người nhân danh đổi mới cấu trúc, làm mới ngôn từ, họ không đi theo “đường xưa lối cũ” nữa. Họ chủ trương khai phá những vùng đất âm u chưa có người đặt chân đến bao giờ. Vậy thì tốt thôi, nhưng xin đừng chê bai những người theo “đường xưa lối cũ”. Cái gì là “hậu hiện đại” chứ? Tôi có đọc những bài lý thuyết về “hậu hiện đại”, nhưng thật tình không hiểu các ngài muốn nói cái gì? Xin đừng hù nhau theo kiểu đó nữa. Đổi mới cách hành văn, làm mới ngôn từ ư?

“Trời oản lưng gánh đá – Rét bắt đầu ngun ngoe…”. Lại cái gì nữa đây? Lại cũng xin thưa rằng, đây là đoạn trích dẫn mở đầu một bài viết thể hiện sự đổi mới ngôn từ.

Hiểu gì? Có hiểu gì không?

Ngun ngoe gánh đá – Oản lưng gừ gào

Hiểu gì? Không hiểu gì sao?

Thả gồng bắp gỗ chui vào chăn mây…

Mới đọc chừng ấy thôi, tôi đã mất hứng vì chẳng hiểu “thả gồng bắp gỗ” với “oản lưng gừ gào” sương muối là ký gì ?!

(Lâm Chương – Tán gẫu trong quán cà phê)

Tục ngữ Tầu và Ta

Bất quái tự gia ma thằng đoản

Chỉ quái tha gia cố tính thâm

(Không trách dây thừng mình ngắn

Chỉ đi hậm hực giếng người sâu)

(Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài

Ngờ đâu giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Tự điển

Chữ quốc ngữ sau khi thành hình không lâu đã có cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên của Paulus Huỳnh Tịnh Của, cuốn Đại Nam Quốc Âm Tự Vị xuất bản cuối thế kỷ 19.
Dựa theo cuốn tự điển đầu tiên này nhiều tự điển và từ điển Việt Nam khác được các tác giả sau này biên soạn. Phía nhà cầm quyền cộng sản sau 1946 không biên soạn tự điển tiếng Việt ngay. Cho tới khi cộng sản chiếm hoàn toàn miền Nam Việt Nam năm 1975 cuốn từ điển thông dụng của họ chỉ có Từ Điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên. Nguyễn Văn Tu viết rằng từ trước tới nay Việt Nam chỉ có 6 cuốn từ điển tiếng Việt mà ông gọi là từ điển một ngôn ngữ. Tác giả liệt kê những từ điển có trước 1945 như cuốn từ điển của Huỳnh Tịnh Của, Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức và kể thêm một cuốn của Đào Văn Tập xuất bản tại Sài Gòn.
Sau đó, cũng tác giả cho in cuốn Các Nhóm Từ Đồng Nghĩa Trong Tiếng Việt, khi liệt kê các từ điển Việt Nam có ghi thêm Từ Điển Tiếng Việt Phổ Thông của Viện Ngôn Ngữ Học nhưng cả hai cuốn sách của ông Tu đã dẫn đều không hề nói tới cuốn từ điển của Lê Văn Đức.
Việt Nam Từ Điển của Lê Văn Đức được biên soạn trong mười năm với sự hiệu đính của nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ, ấn hành trong ba năm và tới năm 1970. Bộ từ điển gồm hai cuốn khổ lớn, chữ nhỏ dày tổng cộng 2515 trang có đầy đủ phần định nghĩa thông thường và các phần nhân danh, địa danh, tục ngữ, thành ngữ, điển tích . . .
Chẳng lẽ Nguyễn Văn Tu là một giáo sư nhiều năm, đã từng viết sách về ngôn ngữ mà không biết tới bộ từ điển đồ sộ Lê Văn Đức. Thực ra thì ông Tu biết nhưng hoặc là theo chỉ thị hoặc là tự ý ông muốn dìm những tác phẩm của miền Nam chăng vì cho rằng cái gì xuất hiện ở miền Nam đều vô giá trị.

Con cọp, con chó

Người Mường có danh từ Khai để chỉ con chó, đồng thời lại có nghĩa là con cọp. Theo cố đạo L. Cadière thì tiếng Việt xưa cũng gọi con chó là Khai, hình thức cổ sơ của danh từ…con cầy.

Trích…“Tập làm văn”

Đề: Em hãy miêu tả mùa xuân.

“Mùa xuân ở quê em mở rất nhiều hội. Những ngày ấy trên đường có rất nhiều các ông các bà tay cầm ô đen, ô đỏ đứng nói chuyện râm ran như bầy chim líu lo gọi mẹ????”.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nếu biết rằng em đã lấy chồng

Anh về, tưởng tượng đại là không

E-mail cứ viết, phone cứ gọi

Sẽ có ngày em…ly dị chồng

Giai thoại làng văn

Nguyễn Hữu Thỉnh có máu làm quan, chỉ cố chí leo lên cho được một cái ghế lãnh đạo. Không biết có phải nhờ trời phật phù hộ không mà Thỉnh cứ lên vùn vụt. Từ uỷ viên chấp hành lên Tổng thư kí Hội nhà văn. Xuýt nữa vào nhà đỏ thay Tố Hữu.

Lúc ấy Nguyên Ngọc bắt đầu bị cấp trên để ý. Lãnh đạo tỏ ra khó chịu về cái vai tổng biên tập báo Văn nghệ khá bất trị của anh, và muốn tìm người thay. Một trong những người được các vị nhắm tới là Hữu Thỉnh. Hôm ấy, cùng Thỉnh đi dạo trên hè phố Hải Phòng, Thỉnh nói với tôi dứt khoát: “Em với anh Nguyên Ngọc, đời nào em lại muối mặt ngồi vào chỗ anh ấy”. Vậy mà chỉ ít ngày sau, đã thấy Thỉnh nhận chức Tổng biên tập Văn nghệ. Con người này, đúng là không thể tin cậy được.

So sánh Thỉnh với những ông Tổng thư ký tiền nhiệm xem, thử nghĩ mà xem, các ông Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm có gì hơn Thỉnh nào? Các vị đã làm được gì để bảo vệ anh em những lúc bị quy chụp chính trị bừa bãi, thậm chí bị tù oan? Đã làm gì để giúp Hữu Loan trong những ngày khốn khổ ở Thanh Hoá? Đã làm gì để bênh vực Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Phùng Quán, Lê Đạt… trong vụ Nhân văn – Giai phẩm? Đã làm gì để cứu Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Hoàng Cầm khỏi đi tù? Đã làm gì để giúp đỡ gia đình Nguyên Hồng trong những ngày đói khát ở Nhã Nam? Đã làm gì để bảo vệ danh dự cho Trần Độ, đến lúc chết vẫn còn bị vu cáo?…v.v…

Té ra tất cả, từ Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm đến Hữu Thỉnh đều là một lũ bù nhìn, đều vô tích sự như nhau cả thôi.

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Câu đối đề tặng:

Nếu giầu quen thói kình khơi, con cháu nương nhờ vì ấm

Việc nước ra tay chuyên bát, bắc nam đâu đấy lại hàng

(Lê Thánh Tông, câu đối đề ở một hàng bán giầu (trầu) nước)

Ráng

Ráng mỡ gà thì gió

Ráng mỡ chó thì mưa

Ráng là đám mây phản chiếu ánh sáng mặt trời vào buổi sáng hay buổi chiều.

(Khải-Chính Phạm Kim-Thư, báo Tự Do)

Báo chí và văn học

Tình trạng ở Việt Nam cho tới nay, báo chí vẫn chiếm vị trí trung tâm trong sinh hoạt văn học: Báo chí là nơi giới thiệu những tài năng mới, là nơi đầu tiên công bố phần lớn các tác phẩm văn học, và cuối cùng, là phương tiện chủ yếu để nuôi sống những cây bút “chuyên nghiệp”. Lịch sử văn học hiện đại Việt Nam, do đó, gắn chặt với lịch sử báo chí. Trung tâm của mỗi giai đoạn văn học thường là một hay vài tờ báo nào đó của hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 20 là tờ Đông Dương và tờ Nam Phong; của thập niên 30 là những tờ Phong Hoá và Tiểu Thuyết Thứ Bảy; của những thập niên từ 50 đến 70, ở miền Bắc là Nhân Văn và Giai Phẩm, rồi sau đó, Văn Nghệ và Tác Phẩm Mới; ở miền Nam, là Sáng Tạo, rồi Thế Kỷ 20, Văn, Bách Khoa..v..v…

Nên lưu ý là phần lớn những tờ báo lớn và được xem là trung tâm của mỗi giai đoạn vừa kể đều không hẳn là những tờ báo thuần tuý văn học. Ngay cả tờ báo nổi tiếng lừng lẫy như Phong Hoá cũng chỉ là một tờ báo pha tạp giữa văn học và xã hội. Cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Nhà Văn Việt Nam vẫn là một tờ báo văn nghệ (Văn Nghệ) chứ không phải là văn học. Hơn nữa, hầu hết các tờ báo thường được gọi là thuần tuý văn học cũng chỉ là những tạp chí (magazine) chứ không phải là chuyên san hay tập san (journal), nghĩa là có tính đại chúng hơn là chuyên môn.

(Nguyễn Hưng Quốc – Việt Nam một nền văn học nghiệp dư)

Việc sử dụng dấu chấm câu trong báo chí

Sách báo trong thời gian gần đây rất ít dùng dấu phẩy (,).

Dấu phẩy để ngắt các thành phần trong câu. Sau đây chúng tôi xin dẫn chứng ra một số trường hợp dùng dấu sai trên các sách báo:
– Trong báo Lao động thủ đô có viết: “Nhiều sự việc xảy ra trên địa bàn Hà Nội báo chí Hà Nội được sự chỉ đạo tạm thời không đưa tin…”

Đúng ra thì sau “… địa bàn Hà Nội” phải để dấu phẩy: “Trên địa bàn Hà Nội, báo chí Hà Nội được sự…”.

(Trần Dĩ Hạ – Tạp chí Tài hoa trẻ)

Đọc thơ và hiểu thơ

Việc đọc thơ và hiểu thơ không đơn giản chút nào, không phải chỉ những bài thơ viết bằng chữ Hán, chữ Nôm mà ngay cả với chữ quốc ngữ.

Như câu thơ của Hàn Mặc Tử đã từng gây nên nhiều tranh cãi:

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió, mây đường mây

Tại sao mặt chữ điền? Vì “chữ điền” thường để chỉ mặt đàn ông.

(Nguyễn Cẩm Xuyên – Lá trúc che ngang mặt chữ điền)

Ngộ Không

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search