T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Những ngày trên 60 tuổi

clip_image002

The old man – Tranh của Van Gogh

1.

Như thường lệ hàng năm, tháng 9, trong dịp lễ Lao Động (Labor Day), là tháng những người bạn gìa chúng tôi họp mặt lại. Cũng là dịp anh em ở xa, hay đúng hơn, ở những khu vực mà chỉ cần vài tiếng đồng hồ lái xe là có thể ngồi bú khú với nhau bên những bàn tiệc khuya, ăn uống chẳng bao nhiêu nhưng . . . nói thì hơi nhiều hơn bình thường. Tháng 9 năm nay, cuộc họp mặt ở Dallas cũng không đi ra ngòai thông lệ đã có từ lâu ấy. Chỉ khác một điều (quan trọng) là chúng tôi có dịp cùng nhau mừng . . . thượng thọ lục tuần (60 tuổi).

60 tuổi, dân gian hay gọi đùa là 6 bó (mỗi bó đếm được 10), thực ra, cũng chỉ là một chặng mốc trong đời một con người, như những chặng mốc 20, 30, 40, 50 hay 70, 80 tuổi. Có khác chăng chỉ là ý nghĩa của chặng đường 60. Khổng Tử xưa kia bảo: “lục thập nhi nhĩ thuận”.(*) Người sống tới 60 tuổi tất phải  thông hiểu những gì mắt thấy tai nghe do kinh nghiệm 60 năm làm người chồng chất, cũng hàm nghĩa sở học đã chín mùi, nghe điều gì cũng thấy thuận tai, vì lẽ đời không có gì là sai hòan tòan và đúng hòan tòan. Thông hiểu mọi chuyện nhân tình thế thái hay không thì chúng tôi không qủa quyết, nhưng cái cảm gíac khi nhìn vào con số 60 của anh em chúng tôi không dễ chịu chút nào. Có thể đó cũng là lẽ thường tình của những người cùng thế hệ hệ từ Âu sang Á, cái thế hệ babyboomers, nhìn nhận rằng “bước sang tuổi 60 là một giai đọan  gây sốc khá mạnh”, nhất là với những người tin rằng mình còn trẻ chán (như tôi), chưa đến nỗi phải bị cất vào viện bảo tàng những đồ cổ.

Chính vị  tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ là ông Bush (con), ngày tròn 60 tuổi, ông đã phải thốt lên “tôi nhớ rõ rằng, khi tôi còn là một cậu bé, nhìn người 60 tuổi, tôi đã nói “Ồ, một người cổ” . Còn vị tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ là ông Clinton thì rất thẳng thừng: “Tôi ghét tuổi 60″  khi ông bước vào tuổi này tháng 8 năm 2006. Ông than phiền rằng “trong suốt quãng đời họat động của tôi, tôi luôn luôn là người trẻ tuổi nhất so với những đồng sự chung quanh. Bỗng một hôm thức dậy , tôi trở thành người già nhất trong căn phòng”. Những ngày 60 tuổi, ông biết rằng chuỗi ngày còn lại trước mặt ít hơn rất nhiều so với những ngày tháng sau lưng. Và ông tỏ ra biết ơn với mỗi buổi sáng thức dậy, nhìn chung quanh biết mình còn sống, còn đi lại làm việc được.

Có người cho rằng, sau 60 tuổi, những ngày sống kế tiếp là những ngày được hưởng thêm (bonus), những ngày sống ân sủng của Thượng đế.

Nhưng, vị cựu đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton lại lạc quan hơn rất nhiều. Ngày 25 tháng 10 năm 2007, bà mừng sinh nhật thứ 60 của mình giữa lúc bà đang nỗ lực hết sức mình để giành vé đại diện đảng dân Chủ trong cuộc tranh cử Tồng thống năm 2008. Trong buổi tiệc, bà vui vẻ tuyên bố: “Thật tuyệt vời khi bước vào tuổi 60. Tôi vẫn sung sức nên đã có kế họach lớn như tranh cử tổng thống”. Bà còn cho rằng, tuổi 60 chỉ là chặng mốc 50 được làm mới lại. Thực sự, sự nghiệp chính trị của bà Hillary Clinton chỉ bắt đầu khởi sắc những ngày bà 60 tuổi.

Nữ ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh lừng danh Cher, những ngày trên 60 tuổi đã ký một hợp đồng trị gía 60 triệu với trung tâm giải trí Caesars Palace Las Vegas, thay thế ca sĩ trẻ tuổi (hơn) Celine Dion vừa hết hợp đồng. Bà còn chuẩn bị để chụp một lọat những bức hình khỏa thân, đánh dấu giai đọan mới của một thân hình tuyệt mỹ, giai đọan “tuổi 50 được làm mới lại”.

Ở Canada, tháng 6 năm 2009, một  người phụ nữ gốc Ấn độ 60 tuổi đã vào bệnh viện Calgary để  cho ra đời một cặp bé song sinh. Dù phải dùng phẩu thuật để giúp hai bé chào đời, nhưng kết quả vẫn mỹ mãn: mẹ tròn con vuông. 60 tuổi mới được làm mẹ sau bao cố gắng vô cùng gian nan và tốn kém, cuối cùng, với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, bà đã mang thai rồi sinh nở . Với bà mẹ “trẻ” này, có lẽ nên dùng câu của bà Hillary Clinton với chút ít sửa đổi, tuổi 60 chỉ là “tuổi 20 được làm mới lại“.

2.

Chặng mốc 60 tuổi phức tạp hơn cái vẻ ngòai đơn giản của nó.

Nhà văn lừng danh người Mỹ Mark Twain đã viết: “Tuổi tác phần lớn đều là do cái đầu. Nếu bạn chẳng quan tâm đến nó, thì có gì đâu mà phải suy nghĩ” (Age is mostly a matter of the mind! If you don’t mind, it doesn’t matter).

Nhưng ai là người có thể thực sự giả vờ không nhìn thấy cái chặng 60 nó đang đứng sừng sững trước hiên nhà, dù có mời hay không,  vị khách khó chịu ấy cũng sẽ bước vào, và ở lại. Một khi thân xác đã lão hóa, thì cái đầu dù có gắng gượng cách mấy, trán vẫn cứ nhăn, da cũng vẫn cứ đổ đồi mồi, mắt vẫn cứ mờ, tay chân vẫn cứ lóng nga lóng ngóng như trẻ nhỏ mới tập đi. Nhưng tệ hại hơn hết phải kể đến cái trí nhớ nghễnh ngãng cứ quên trước quên sau, hay cứ quên những điều phải nhớ nhưng lại nhớ những điều cần phải quên. Vì thế, những câu chuyện nửa khuya nhiều khi được những vị lục tuần kể lại kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ dù chúng xẩy ra đã bao nhiêu năm. Nhưng, chỉ tiếc một điều, các vị lão ông khả kính đã quên mất rằng, cũng một câu chuyện ấy đã từng được ông kể đi kể lại cả trăm lần .

Ngạn ngữ Tây phương có câu: Đàn ông chỉ gìa khi ông ta cảm thấy mình già, còn đàn bà chỉ già khi vẻ ngòai của họ trông già mà thôi (A man is as old as he feels, and a woman as old as she looks ).

Những người bạn từ thuở thanh niên mắt sáng môi tươi, tóc bời lộng gió như anh em chúng tôi hẳn ít ai chịu nghĩ mình gìa, dù con số 60 cứ  đập vào mắt rõ ràng như đọan cuối con đường đang hiện ra trước mặt. Cái câu ngạn ngữ nói trên chỉ đúng cho đến lúc này. Nhưng khi chúng tôi nhìn thẳng vào mặt nhau, cái mái đầu bạc trắng kia, cái khuôn mặt nhăn nhúm kia, thì ảo tưởng “trẻ mãi không gìa” đã tan biến đi nhanh chóng. Mấy ai soi gương mà thấy mình gìa, ngọai trừ đủ can đảm soi vào mặt bạn bè. Tấm gương “trung thực” ấy sẽ nói hết, dù một sự thực não lòng. Nhìn qua những người vợ “trông còn trẻ” của chúng tôi đang ngồi tíu tít với nhau về những điều phiền lòng họ phải chịu đựng với những đức ông chồng của mình, thì qủa thật câu ngạn ngữ phương Tây trích ở trên đúng hẳn một trăm phần trăm. Họ sẽ không già bao lâu họ “trông vẫn trẻ”. Họ trông còn trẻ vì đứng cạnh những ông chồng gìa.

Trong hành trình cuộc đời, người ta đi qua nhiều chặng mốc, từ trẻ đến gìa, từ ngây thơ đến chai sạn. Nhưng càng già, càng chai sạn, càng thông hiểu thế thái nhân tình thì người ta lại càng chậm lụt trong việc nhìn nhận một điều thật sơ đẳng: ai cũng phải gìa và ai cũng phải chết. Thú nhận rằng mình đã gìa, đòi hỏi nhiều can đảm, nhất là ở phái nữ. Nghĩ đến một ngày mình sẽ biến mất khỏi trần gian này, ai là người không rùng mình, sợ hãi và nhận chân rằng cái chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào, nhất là khi người ta đã bước qua ngưỡng cửa 60. Vì thế, khi người ta gìa, càng cần phải có nhiều đảm lược để . . . đón cái chết.

3.

60 tuổi là chặng nghỉ cuối trước khi tiếp tục cuộc hành trình về nơi miên viễn. Cũng là lúc ngóai nhìn lại những gì đã làm được của 60 năm làm người. Người ta đặt tên cho những việc đã làm được ấy là sự thành đạt. Nhưng thế nào là sự thành đạt? Một địa vị nào đó trong xã hội? những tích lũy về của cải vật chất? Tiếng tăm có được do những họat động trong các lãnh vực văn hóa, chính trị, xã hội? Tất nhiên, những cái được ấy  phải được coi là sự thành đạt. Nhưng ý nghĩa của sự thành đạt không nên ngừng ở giới hạn ấy. Những đứa con trong gia đình, đã trưởng thành, đã nên vợ nên chồng, đã có một mái ấm riêng và công ăn việc làm. Những thứ ấy cũng phải được coi là sự thành đạt, nếu không, sẽ có rất nhiều người bước qua tuổi 60 với cảm tưởng mình vẫn hai bàn tay trắng như thuở mới vào đời ở chặng mốc 20 tuổi.

Ý tưởng sở hữu một sự thành đạt làm cho người 60 tuổi dễ sống hơn, dễ chấp nhận hơn thực tại gìa nua của mình, vì sự mãn nguyện bao giờ cũng cho người ta cảm gíac ấm áp, dịu dàng, êm ái. Nhưng, cuộc đời như quyển sách, mỗi người đọc khác nhau đều rút ra những điều khác nhau cho riêng mình. Vì thế, ở tuổi 60, lúc người ta có nhiều thì giờ hơn để nghiền ngẫm những gì trong quyển sách đời mình đã đọc, rất nhiều người đã nhận ra cái hư ảo của sự thành đạt, nhưng cũng có người lại khao khát hơn những gì họ chưa có được, không có được, dù biết rằng, xét cho cùng, cũng chỉ là hư danh phù phiếm mọi thứ hơn thua trong cuộc đời.

60 tuổi chưa hẳn đã giúp người ta miễn nhiễm với những thứ dịch cúm háo danh, háo tiếng.

4.

Anh ơi có bao nhiêu / sáu mươi năm cuộc đời” . Đó là hai câu hát mở đầu của một bài hát thời trang nổi tiếng một dạo của nhạc sĩ Y Vân. Trong đêm họp mặt của những người bạn lục tuần chúng tôi cũng có vài tiết mục văn nghệ do các con cháu phụ trách. Họ đã hát bài nhạc của Y Vân, nhưng lại thay bằng “anh ơi có bao nhiêu / Chín mươi năm cuộc đời” . Việc (tự ý) sửa đổi lời bài nhạc được nhạc sĩ Y Vân viết cách đây hơn 40 năm có lý do khá . . . chánh đáng. Ngày nay, nhờ vào điều kiện sống phát triển cùng với khả năng ngừa bệnh, chữa bệnh tân tiến, tuổi thọ con người đã vượt xa so với 40 năm trước. Ở Nhật, Singapore, một số khu vực ở Pháp, Tây ban nha, tuổi thọ trung bình đã đạt tới 83 tuổi rưỡi. Ở  Mỹ (khá thấp) khỏang 78 tuổi. Ngay ở Việt nam, tuy nghèo thế, vẫn có tuổi thọ trung bình (theo sự xếp hạng của Tổ chức Y tế Liên hiệp quốc  tháng 5- 2009) là 72, với  nam là 70 tuổi và nữ là 75 tuổi.

Thế nên, “có bao nhiêu 90 năm cuộc đời”  không hẳn là cường điệu.

Cái ý tưởng có được thêm 30 năm nữa trong cuộc đời thật thú vị. Trước hết, nó làm cho người 60 tuổi có cảm tưởng mình chưa già. Kế đến, hiểu sống thêm như là một ân sủng của Thượng đế khiến người ta phải tìm cách sử dụng ân sủng ấy vào những việc chưa có thì giờ làm được trong suốt 60 năm cơm áo gạo tiền. Giống như người ta tìm cách tự thưởng cho mình những món quà xa xỉ bằng đồng tiền thưởng cuối năm của xí nghiệp.

Nhưng, lực bất tòng tâm, sức người vẫn không thể vượt qua được quy luật sinh diệt của vạn vật. Phần “sống thêm” hậu hĩnh có thể có được nhưng sinh lực thực sự để đem lại gía trị cho sự sống chưa hẳn đã có được. Sống thêm mà sống dật dờ với đủ mọi thứ căn bệnh của tuổi gìa thì chưa hẳn ân sủng ấy là trọn vẹn.

Ấy là chưa kể có những người thực sự “sống hùng sống mạnh” trong khỏang 30 năm “bonus”, rồi khi đi đến chặng mốc 90 tuổi, có mang tâm trạng bằng lòng, mãn nguyện chưa hay lại vẫn cứ dùng dằng chưa chịu vén áo bước lên tàu.

5.

clip_image004

Đọc báo trong nước ngày 09-09-09, thấy người ta đang đốn bỏ những gốc me gìa trên 60 tuổi dọc theo đường Công Lý (bây giờ là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) ở Sài Gòn, với lý do để tránh cây đổ, gây tai nạn cho người đi đường. Theo phóng viên có mặt tại chỗ, thì những cây già 60 tuổi này “hầu hết phần rễ các cây me bị đốn hạ sâu cách mặt đất khoảng 0,5 mét đều đã bị mục gần hết mặc dù cành và lá trên thân cây vẫn xanh tươi”.

Người đi đường cũng đứng lại coi và tỏ ý tiếc rẻ những cây cao đã từng nhiều năm tháng đem lại bóng mát cho đường phố. Điều an ủi là giới chức thành phố hứa sẽ trồng lại me non ở những chỗ cây gìa (60 tuổi).

Cây 60 tuổi thì như thế. Cây già phải nhường chỗ cho cây non.

Còn người 60 tuổi thì sao?■

*Căn-cứ theo sự giải-thích của Khổng-Tử, con người đến một mức tuổi nào đó mới hiểu rõ được một số điều mà những người chưa đến tuổi đó không hiểu nổi. Chính vì thế mà Khổng-Tử đã nói: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất-hoặc, ngũ thập nhi tri thiên-mệnh, lục thập nhi nhĩ-thuận, và thất thập nhi tùng-tâm sở-dục bất du-củ.” Ngoài tuổi “tam thập nhi-lập”, con người ta đến 40 tuổi mới có trình-độ “tứ thập nhi bất-hoặc”, tức là có thể hiểu được lý-lẽ trong thiên-hạ, phân-biệt được điều phải điều trái, ai tốt ai xấu, và ít khi sai lầm; đến 50 tuổi mới có trình-độ “ngũ thập nhi tri thiên-mệnh”, tức là có thể hiểu được mệnh trời hay chân-lý của tạo-hóa; đến 60 tuổi mới có trình-độ “lục thập nhi nhĩ-thuận”, tức là có học-vấn và kinh-nghiệm trường đời chín-mùi, sự hiểu-biết và việc-làm mới chu-đáo, không thấy những gì nghe được là khó hiểu hay chướng-ngại, và có thể phán-đoán được ngay mọi việc; đến năm 70 tuổi mới có trình-độ “thất thập nhi tùng-tâm sở-dục bất du-củ” rất tự-nhiên, tức là khi 70 tuổi thì hễ nói hay làm một điều gì là tự-nhiên thể-hiện đúng chủ-tâm của mình, muốn sao được vậy, không vượt ra ngoài khuôn-khổ đạo-lý hay lẽ phải. (Theo: Phạm Kim Thư).

©T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search