T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Chiều thơ nhạc ra mắt tuyển tập Du Tử Lê

clip_image002

(Nguồn: Nguoi-viet.com)

‘Một đời làm thơ, hơn một mối tình’

Linh Nguyễn/Người Việt

WESTMINSTER (NV) – Chiều thơ nhạc ra mắt  “Tuyển Tập Thơ Du Tử Lê 1957-2013” nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của rất đông thân hữu và giới hâm mộ thi ca, diễn ra vào lúc 2 giờ ngày Thứ Bảy tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.

clip_image003

Nhà thơ Du Tử Lê ký sách trong buổi ra mắt Tuyển Tập Thơ tại hội trường nhật báo Người Việt. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Đây là một tuyển tập đầu tiên đánh dấu hơn nửa thế kỷ làm thơ của tác giả và cũng là tác phẩm thứ 58 được in thành sách.

Ngoài phần nói chuyện của diễn giả và phần văn nghệ đặc sắc, người tham dự muốn biết bài thơ nào nhà thơ Du Tử Lê ưng ý nhất và ông sẽ còn có mối tình nào khác trong cuộc đời làm thơ của ông không.

“Với tôi, thơ như tình mẹ thương con. Người mẹ thương đứa con bị khuyết tật nhiều nhất nhưng đứa nào cũng thương. Còn về mối tình trong tương lai, tôi phải nói thật là tôi nghĩ rất có thể, dù biết rằng hôm nay có sự hiện diện của vợ tôi!” người thi sĩ được biết là lãng mạn, trả lời.

Nhiều người xếp hàng mua sách và đợi lấy thủ bút của tác giả nơi bàn ngay lối vào hội trường.

clip_image004

“Món quà” là nhà thơ Trần Dạ Từ (trái), bên cạnh tác giả. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Quan khách tham dự gồm có Bác Sĩ Trần Ngọc Ninh, viện trưởng Viện Việt Học; nhà văn Phạm Xuân Đài; nhà thơ Trần Dạ Từ, chủ nhiệm Việt Báo; nhà báo Ngọc Hoài Phương,; nhà báo Đỗ Việt Anh, nữ tài tử Kiều Chinh, nhà thơ Hạ Quốc Huy, ông Hồ Đắc Huân, ông Bằng Phong Đăng Văn Âu và một số thân hữu khác.

Trước đó, trong phần mở đầu, sau khi khai mạc đúng giờ, và người tham dự chật ních hội trường. Một số người phải đứng.

“Nói đến tác giả của tuyển tập thơ này, không cần phải dùng đến danh từ ‘nhà thơ’ hay ‘thi sĩ’, mà chỉ cần dùng ba chữ ‘Du Tử Lê’ là đủ,” MC Đinh Quang Anh Thái, phụ tá chủ nhiệm nhật báo Người Việt, phát biểu, trước khi ông giới thiệu diễn giả đầu tiên là nhà báo Đỗ Dzũng.

“Tôi không biết nhiều về nhà thơ Du Tử Lê nhưng tất cả những gì ông nói đều chứa đựng một cái gì đặc biệt, nhưng lại rất vừa phải,” nhà báo Đỗ Dzũng, tổng thư ký nhật báo Người Việt, nói.

clip_image002[1]

Orchid Lâm Quỳnh, cô con gái nói về bố. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Qua những lần tiếp xúc hay đọc những tác phẩm của ông, tôi luôn thấy thơ văn của ông có nhiều bí ẩn. Nhưng có lẽ trong tình yêu, ông yêu nàng thơ của ông nhiều hơn hết. Đúng như ‘trong tay thánh nữ có đời tôi’ mà chúng ta thường nghe qua thơ của ông,” nhà báo này nói.

Ngoài tình yêu, nhà thơ Du tử Lê còn có cách diễn tả ngôn từ rất đặc biệt.

“Sự phá cách trong cách dùng chữ của ông cũng ảnh hưởng đến thế hệ trẻ, như tôi từng được nghe ông nói chuyện cho các sinh viên tại Coastline College. Ông dùng dấu chấm, phẩy như để diễn tả thi hứng, chứ không có tính cách quy luật về văn phạm,” nhà báo trẻ nhận xét.

Sự quan sát của người đọc tác phẩm của ông lại rất khác với sự nhận thức của cô con gái rất gần gũi, và ảnh hưởng ít nhiều cá tánh của thi sĩ Du Tử Lê. Đó là cô Orchid Lâm Quỳnh.

“Hôm nay Lâm Quỳnh lên đây xin phép được ‘nói xấu’ bố và sẽ ‘nói dở’ nhưng sẽ chứng minh,” cô nói khi bước lên sân khấu.

Lời phát biểu gây chú ý và khiến mọi người vỗ tay, chờ đợi.

“Làm con của một thi sĩ cực kỳ khó. Không được nói chuyện trần gian!” cô giải thích khiến mọi người chú ý hơn.

“Ở tuổi 30, Lâm Quỳnh không được nói rằng mình lo cho gia đình, cho sự nghiệp. Với bố, mình phải nói ‘Thời gian qua vun vút mà ta đã làm chi đời ta’,” cô hóm hỉnh nhìn xuống hàng ghế, nơi bố của cô đang hồi hộp.

“Theo bố thì phải nói ‘ta tiếc thiên đàng sớm lập xong’ hay ‘ở chỗ nhân gian không thể hiểu!” cô nói và bị gián đoạn bởi những tràng pháo tay nổi lên như tỏ vẻ thông cảm cho cô con gái của tác giả tập thơ được phát hành.

Cô kể đến những kỷ niệm sống trong nhà làm mọi người phá lên cười.

clip_image005
Phần trao đổi ý kiến giữa tác giả và khách tham dự. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“’Chí Phèo’ bị nạn là tựa đề của điện thư bố gởi cho mẹ con Lâm Quỳnh. Ông đặt tên con chó cưng của Lâm Quỳnh là ‘Chí Phèo’,” cô giải thích khi mọi người vỗ tay.

Chưa hết, cô nói thêm: “Thay vì nói quý vị phải mua sách ủng hộ, Lâm Quỳnh là con của thi sĩ sẽ phải nói rằng ‘Khi ra về quý vị phải cầm trên tay cuốn thơ, trước khi thành quá muộn’!”

Rồi giọng Lâm Quỳnh chùng xuống cố nén nỗi xúc động.

“Phải đợi đến khi ông lâm bệnh, Lâm Quỳnh mới nhận ra rằng ông bố rất hiền lành. Thấy xót xa trong lòng khi thấy ông phải ăn từ dĩa rau này sang dĩa rau khác, theo lời dặn của bác sĩ,” cô kể.

Cô nhắc kỷ niệm “bố chạy trên treadmill, tay vẫn cầm điếu thuốc cho quân bình” rồi cô nói: “Ông Lê Cự Phách, ông không còn ‘gai góc’ của Du Tử Lê.”

“Danh xưng ‘thi hào’, ‘thi sĩ’ trở nên vô nghĩa khi Lâm Quỳnh chở bố vào nhà thương. Ấy thế ông lại là người thoát bệnh ung thư. Ngày mai sinh nhật bố, con dành tặng bố món quà, con sẽ mời người ấy lên đây,” cô nói.

Khi ấy, từ hàng ghế khán giả, một người đàn ông tay cầm tuyển tập thơ mới, bìa đen, mới xuất bản, đi lên gần máy vi âm. Món quà ấy là thi sĩ Trần Dạ Từ.

clip_image006
Ca sĩ Lê Hồng Quang với “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”, nhạc phổ thơ Du Tử Lê. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Đây là một tập thơ nặng ký. Thi sĩ là người trong thế giới thơ. Có nhiều loại thi sĩ. Thi sĩ là sự nghiệp của một bài thơ, nhưng sự nghiệp của ‘một đời thơ’ được ví như một giòng sông lớn. Nhìn phải, nhìn trái, kể cả hư hỏng cũng vẫn là thơ,” nhà thơ Trần Dạ Từ phát biểu, đứng bên cạnh là người bạn cố tri, nhà thơ Du tử Lê.

Rồi ông nói “tôi cũng liều và nhảy xuống giòng sông đó” và lặp lại những lời thơ “những ngọn nến cháy như da thịt, như nỗi sầu đau đớn đến tận xương!”

Xen kẽ trong chương trình là phần trình diễn văn nghệ với sự điều khiển của MC Mai Phương, gồm nhiều tiếng hát quen thuộc như Lê Hồng Quang, Thúy An, N. C. Nam Trân, Vy Hà, Kim Yến, Thái Hoàng, Hồng Tước, Lê Thảo, Ngọc Quỳnh, qua các nhạc phẩm của các nhạc sĩ, như Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng, Đăng Khánh, và Trần Duy Đức.

Đặc biệt có phần ngâm thơ do Trọng Nghĩa với tiếng đàn dương cầm của Mộng Lan. Bác Sĩ Phạm Gia Cổn góp tiếng đàn saxophone qua bài “Ta tiếc thiên đàng mới lập xong”.

Phần hai của chương trình là phần trả lời các câu hỏi của khán giả. Chủ đề của đa số các thắc mắc xoay quanh tình yêu và thơ văn của thi sĩ Du Tử Lê.

Trong số người tham dự, có người từng làm việc chung với tác giả tập thơ, như ông Dương Đình Bộ, 81 tuổi, xưa làm việc với tá giả Du Tử Lê ở hãng Rockwell, Newport Beach. Có những người trẻ lắng nghe và mua sách.

Trả lời câu hỏi có gì muốn nói với thệ hệ trẻ, nhà thơ Du Tử Lê trả lời: “Các bạn nên quan tâm đến văn học và nghệ thuật vì mọi thể chế, hình thức chính trị rồi sẽ qua đi. Những gì còn lại cho dân tộc là văn học và nghệ thuật.”

Nhiều bài thơ được phổ nhạc từ các bản gốc của ông, như các ca khúc “Ðêm, nhớ trăng Sài Gòn,” “Khúc Thụy Du,” “Trên Ngọn Tình Sầu,” “Giữ Ðời Cho Nhau” (tức “Ơn Em”)… hay “K Khúc Của Lê,” “Lệ Buồn Nhớ Mi,” “Em Ngủ Trong Một Mùa Ðông,” “Trong Tay Thánh Nữ Có Ðời Tôi,” “Chỉ Nhớ Người Thôi Ðủ Hết Ðời,” “Hiến Chương Yêu,” “Khi Tôi Chết, Hãy Ðem Tôi Ra Biển,” “Dòng Suối Trăm Năm,” “Quê Hương Là Người Ðó”…

“Tuyển Tập Thơ Du Tử Lê 1957-2013” giá bán $28, có thể mua tại nhật báo Người Việt, 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, điện thoại 714-892-9414, hoặc tại trang mạng www.nguoivietshop.com, hoặc đặt mua tại công ty phát hành sách Amazon (dù quý vị ở bất cứ nơi nào trên thế giới).

Độc giả nào muốn sách có chữ ký tác giả, xin email: dutule@dutule.com

Bài Mới Nhất
Search