T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Cuộc đời này quá đỗi mong manh

clip_image002

Gởi gia đình Rogers ở Missouri.

 ● Trước nỗi thống khổ của con người, mọi lý giải trần gian đều trở nên bất lực và hèn mọn.

Hàng năm cứ vào dịp  Lễ Lao Động (Labor Day), vợ chồng tôi lại cùng hai cháu nhỏ, chất nhau lên xe xuôi Nam hướng về Texas, để tham dự buổi họp mặt hàng năm  của nhóm anh em học cùng Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt năm xưa.

Năm nay*, thời tiết khác thường hơn mọi năm. Sau hơn hai tuần có những ngày nóng  từ 100 độ Farenheit trở lên, là những ngày mưa tầm tã. Mưa suốt buổi sáng thứ bảy lúc gia đình tôi rời nhà ở Wichita , Kansas vào xa lộ xuyên bang I-35. Qua thành phố Oklahoma, trời có hơi tạnh ráo. Rồi lại là những cơn mưa nối đuôi nhau từ biên giới hai Tiểu Bang Oklahoma và Texas, mưa chỉ ngớt khi chiếc Mini Van của gia đình chúng tôi chạm ven thành phố Dallas. Tối hôm đó, chúng tôi vui với gia đình những người bạn ở Kansas, Oklahoma và Houston tụ hội về Dallas. Có cả gia đình một anh bạn ở mãi tận Florida cũng bay đến để chúng tôi có cơ hội gặp nhau sau gần 30 năm xa cách. Ngày hôm sau, chủ nhật, chúng tôi dành cả buổi trưa để chuyện vãn hàn huyên tại một Câu Lạc Bộ ngoài trời, rồi mới chia tay. Gia đình tôi, trên đường về, ghé qua thành phố Oklahoma thăm vợ chồng anh chị bạn. Tại đây, anh bạn bảo tôi nên gọi điện thoại hỏi Sở Giao thông thành phố xem con đường xuyên bang về lại Wichita có trục trặc gì không, vì hình như có một đoạn đường nào đó bị đóng vì mưa lụt. Tôi  làm  như anh nói, và được biết, không có gì trở ngại cả.

Đêm hôm đó, tuy một phần của thành phố Oklahoma vẫn còn mưa, nhưng sau gần 3 tiếng lái xe, gia đình tôi bình an về đến nhà lúc 2 giờ sáng. Các con tôi ngủ vùi trên xe vì đã quá khuya và cũng vì mệt mỏi sau hai ngày vui chơi thoả thích với các bạn của chúng. Tôi lần lượt bế từng đứa vào giường, đắp chăn mền cẩn thận cho con, trong lúc vợ tôi thu dọn các thứ cần phải làm ngay trong xe, rồi cũng vội vàng tắm rửa và đi ngủ. Tôi vốn có thói quen vào giường trễ, nên sau khi làm các công việc vệ sinh cần thiết xong, tôi mở tủ lạnh lấy lon bia và ngồi vào phòng khách mở TV  xem một đài truyền hình địa phương phát lại chương trình buổi tối. Một mẩu tin làm tôi chú ý ngay. Hôm thứ bảy – cùng ngày  gia đình tôi xuôi Nam đi Dallas – trên xa lộ xuyên bang I-35 về hướng  Bắc, cách thành phố Wichita của chúng tôi khoảng 120 dặm, vào lúc xế chiều, do mưa quá lớn, một quãng đường I- 35 đã bị nước dâng lên cao hơn 2 mét  so với mặt đường, cuốn đi những tảng xi măng ngăn chia hai bên Nam Bắc, cùng với 6 chiếc xe bị kẹt trên quãng đường đó lúc ấy. Trong số những xe bị kẹt , có chiếc Mini Van của một gia đình 6 người từ Missouri, gồm hai vợ chồng, 4 đứa con  nhỏ, tuổi từ 8 xuống đến 1. Nước đã cuốn đi người vợ, 4 đứa con nhỏ, còn người chồng sống sót. Trong số bị nước cuốn, có một người đến từ Fortworth, Texas. Số còn lại thoát thân an toàn. Tôi bàng hoàng ngồi chết lặng. Thì ra đó là đoạn đường bị đóng mà anh bạn tôi ở Oklahoma đã nghe nói đến. Trên màn ảnh truyền hình, là khu vực  đường bị lụt cùng với những chiếc xe nằm chỏng gọng sau khi nước rút đi. Trước mặt tôi,  người chồng người cha chẳng may sống sót sau cơn tiểu hồng thuỷ đứng bên cạnh chiếc xe Mini Van gia đình nghiêng ngả méo mó, đang cố kềm lại nỗi đau mà tôi biết vô cùng khủng khiếp. Đôi mắt anh khô khốc, thất thần và đầy vẻ kinh ngạc. Vì những sự việc vừa xảy ra với anh, có lẽ chỉ như một cơn ác mộng. Anh nói với giọng nói không phải của một con người. Anh hỏi. Tại sao? tại sao lại là tôi, là gia đình tôi vào thời khắc định mệnh này, vào quãng đường định mệnh này, mà trước đó, chưa hề xảy ra một sự việc tương tự? Tôi không có câu trả lời. Nhưng tôi có niềm tin vào Đấng Tối cao. Người sẽ có câu trả lời cho tôi và gia đình tôi. Giây phút này đây, không một lý lẽ nào, không một lời giải thích nào làm nguôi được nỗi đau trong lòng người đàn ông khốn khổ ấy. Chỉ trong một buổi chiều ngắn ngủi, trong lúc anh đang cùng gia đình hưởng niềm vui quây quần bên nhau  trên đường đi thăm bạn bè, thân quyến  nhân ngày  nghỉ lễ – cũng như gia đình tôi – thì bỗng dưng, tai hoạ giáng xuống, anh mất tất cả. Những người thân yêu nhất của anh biến mất trước mặt anh, chìm nhanh dưới màn nước mà anh thì bất lực đau đớn. Anh kể lại giây phút kinh hoàng ấy, chỉ có anh và vợ anh cởi được dây Belt an toàn. 4 đứa con nhỏ của anh, tất cả vẫn còn dây belt giữ chặt vào ghế xe. Chúng kêu khóc hoảng sợ. Vợ chồng anh nhìn nhau, nhìn con, bất lực. Và rồi mọi chuyện biến mất cho đến khi anh không còn biết gì nữa. Giọng anh lạnh lẽo  đến làm tôi phát run người. Trước nỗi thống khổ của con người, tất cả những lý giải trần gian đều bất lực và hèn mọn.

Tôi thoáng nhớ đến một câu chuyện trong Cựu Uớc về một người tên Job. Ông là một người giàu sang, phú quý, con cháu đầy đàn. Bỗng một hôm, ông mất tất cả, của cải, gia đình. Đã có lúc, ông vì qúa  đau khổ, đem bụng nghi ngờ lòng thương yêu của Thiên Chúa. Ông nguyền rủa, oán hận, trách móc. Nhưng rồi sau đó, ông vẫn giữ vững được lòng tin. Tôi không biết người đàn ông khốn khổ kia, trong 24 tiếng đồng hồ nửa tỉnh nửa mê nửa tin nửa ngờ ấy, có lúc nào mất đi chỗ nương tựa vững chãi nhất của anh trong lúc này  là Niềm Tin của anh hay không, nhưng nhìn nét mặt anh, mọi ham muốn trần gian của tôi bỗng hoá thành rác rưởi. Anh nghẹn ngào nói với những người đang vây quanh. Bất cứ lúc nào bạn  ở bên cạnh những người thân yêu nhất của mình, hãy nói với họ rằng bạn  yêu họ, hãy ôm lấy họ, hãy hôn họ, hãy làm tất cả những gì bạn có thể làm được, cho những người thân yêu ấy được vui, được hạnh phúc. . . Bởi vì, chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Cuộc sống này quá đỗi mong manh. Người đàn ông gục mặt vào vai một người phụ nữ đứng bên cạnh, có lẽ là mẹ anh. Tôi thấy vai anh run lên và nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt những  người đứng chung quanh, cả người phụ nữ ở Fortworth , sau khi nhận được cú điện thoại di động kêu cứu của chồng, đã lái xe suốt đêm thứ bảy, vượt đoạn đường hơn 400 dặm đến mong cứu được chồng, chỉ để chờ nhà chức trách tìm kiếm thi hài chồng còn kẹt ở một hốc đá nào đó.

Trong đêm khuya, tôi không thể nào chịu đựng được những tiếng khóc tức tưởi. Tôi tắt TV, đứng dậy. Lon bia trên tay tôi vẫn còn nguyên, chưa mất một giọt. Tôi mở cửa phòng các con tôi. Chúng đang ngủ thật say. Giấc ngủ trẻ con bao giờ cũng là những giấc ngủ thiên thần. Tôi bước tới hôn nhẹ lên trán từng đứa, như tôi vẫn làm hàng đêm. Nghĩ đến những lời nhắn nhủ nghẹn ngào của người cha khốn khổ vừa mất một lúc 4 đứa con, tôi ôm chặt lấy hai con, nước mắt tôi trào ra. Giữa đêm khuya, tôi như nghe được tiếng rơi của những giọt nước mắt của mình. Những giọt nước mắt thật hạnh phúc, cũng là những giọt  nước mắt có hơi hướm của một nỗi lo sợ viễn vông. Điều gì sẽ xẩy ra, nếu trước đây chừng một tiếng đồng hồ trên con đường xuyên bang I- 35 quen thuộc ấy, tay lái xe của tôi chỉ lạc đi một chút vì mệt mỏi? Tôi không dám nghĩ tiếp. Nhưng tôi hiểu rằng, trên cõi trần gian tạm bợ này điều gì cũng có thể xẩy ra được. Ngay lúc  đó, một ý nghĩ  khác làm nhói lòng tôi. Đấng Tối Cao đã cho chúng ta sự sống, cho chúng ta niềm vui được làm người, rồi Ngài lại lấy những thứ ấy đi theo ý Ngài. Vậy trần gian này sẽ lấy chuẩn mực gì để lý giải những điều đó?  Giả sử chúng ta cho một đứa bé viên kẹo. Trong lúc nó đang nhấm nháp, thưởng thức vị ngọt của kẹo, chúng ta lại giằng đi niềm vui ấy từ tay nó. Đứa bé sẽ làm gì? Gào lên đòi lại viên kẹo đã bị giằng? Đứng khóc tức tưởi một mình mong đợi lòng thương của người vừa lấy đi viên kẹo? Lặng lẽ cam chịu vì dù đầu óc non nớt cũng hiểu được rằng, kẻ nào cho thì kẻ ấy có quyền lấy lại?  Nhưng cử  chỉ cho và đòi lại ấy – ở con người – có được xem như  là một cử chỉ thân ái – theo chuẩn mực tạm bợ của trần gian – hay không?

Tôi trở về phòng của mình. Trong một khoảng thời gian rất lâu, tôi đứng lặng lẽ ngắm người vợ đầu ấp tay gối của tôi đang ngon giấc. Nàng quá mệt mỏi sau một chuyến đi xa. Trong lòng tôi dâng lên một cảm xúc không biết gọi tên là gì. Tôi vào giường, nhẹ nhàng kéo chăn, ôm lấy tấm thân mềm mại ấm áp ấy  và hít thật sâu mùi da thịt quen thuộc của người mẹ của các con yêu quý của tôi. Để biết mình vẫn còn trong tay những tặng phẩm quý giá nhất mà Thượng Đế đã ban  tặng. Một cách không ngờ, giấc ngủ đến với tôi thật mau chóng và nhẹ  nhàng, cùng với ý nghĩ, cuối tuần này, tôi sẽ bảo  hai cháu dùng số tiền chúng được các bác các chú thưởng trong đêm văn nghệ tâm giao tại Dallas, gởi đến cho gia đình bất hạnh kia, như một sự chia sẻ, như một tấm lòng của những con người còn nghĩ đến con người.

Trong giấc ngủ, tôi nghe được những tiếng cười trẻ thơ. Thứ Ân sủng quý giá nhất mà loài người có được.

*2003.

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search