T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Của Chó (Mèo) và Người

clip_image001

Chú mèo Frisco, kẻ thừa hưởng gia tài

1.

Mới đây, ở thành phố Memphis, tiểu bang Tennessee, Hoa Kỳ, Leon Sheppard Sr., một thương gia giàu có, khi chết đi đã để tòan bộ gia sản lại cho hai người bạn “thân” của ông: đó là hai chú mèo Frisco và Jake, mặc dù ông có tới 5 người con còn sống, 12 cháu nội ngọai và 6 chắt (great-grandchildren). Số gia sản mà hai chú mèo thừa hưởng gồm 250 ngàn đô la tiền mặt và căn nhà rộng hơn 4 ngàn bộ vuông tọa lạc trong một khu an ninh kín cổng cao tường.

Theo như di chúc của người quá cố, khỏan tiền mặt ấy sẽ được dùng để bảo đảm cho Frisco và Jake một cuộc sống sung túc như khi ông còn sống và cũng sẽ được trích ra một phần cho các khỏan bảo trì căn nhà mà hai chú mèo cư ngụ. Sau khi Frisco chết đi (người ta không biết số tuổi của Frisco nhưng theo đài truyền hình địa phương, Frisco đã “già” lắm rồi), số tiền còn lại sẽ được chia cho các con cháu (của người quá cố) với hàm ý rằng chú mèo Jake phải được chăm lo kỹ lưỡng.

Thực ra, hai chú mèo Frisco và Jake không phải là những “con thú bốn chân” duy nhất được thừa hưởng gia tài do người chủ khi chết để lại, và tài sản chúng thừa hưởng cũng không thể liệt chúng vào hàng ngũ những con pets giàu nhất. Năm 2007, Leona Helmsley, nữ tỷ phú kế thừa của hệ thống khách sạn New York chết đi, bà cụ đã viết di chúc để lại phần lớn gia tài của mình – trị giá khỏang 12 triệu đô la Mỹ- cho chú chó giống Maltese nhỏ nhắn xinh đẹp nhưng lại có cái tên Trouble. Tuy vậy, sau đó một viên thẩm phán đã giảm số tiền nói trên xuống chỉ còn khỏang 2 triệu để dùng cho việc mua thực phẩm (chó) 10 ngàn đô la mỗi năm và chi phí chăm sóc bộ lông trắng đẹp đẽ của kẻ (chó) thừa kế. Năm 2011, Trouble qua đời, không biết số tiền còn lại sẽ thuộc về ai (chó nào). Cũng năm này, góa phụ một đại thương già người Ý, tên bà là Maria Assunta, qua đời ở tuổi 94, gia sản được di chúc để lại cho chú mèo thân thiết Tommaso, trị giá trên 13 triệu đô la gồm tiền mặt, các bất động sản tọa lạc ở các thành phố lớn nước Ý.

Việc những con thú bốn chân nuôi trong nhà được thừa hưởng gia tài sau khi người chủ của chúng qua đời đang là đề tài được các giới khoa học Mỹ nghiên cứu và dư luận bàn tán với sự nghiêm túc cần thiết. Nhưng vẫn chưa lạ bằng câu chuyện một người muốn được xã hội xem mình như “chó” với cung cách sống của chó như người ta thường thấy hiện nay.

clip_image003

Boomer-the-dog, tức Gary Matthews trong bộ trang phục “chó”

Ở Winterville, tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ có một người tên Gary Matthews, 48 tuổi nhưng thích được người khác gọi mình là “Boomer the dog”. Boomer-the-dog đeo vòng cổ chó, ăn thức ăn của chó, những thứ mang nhãn hiệu Pedigree bán ngòai chợ (khu thực phẩm chó). Ông thích khóac trên người mình bộ “dog suit”, gồm những mảnh giấy được máy cắt nhỏ (shredded paper) dán lại thành hình thù bộ lông chó. Thỉnh thỏang với trang phục chó, Boomer-the-dog đi dạo chơi trên đường phố, hễ có xe đi qua thì lại giơ “mõm’ sủa vài tiếng thân thiện hoặc giả bộ giơ hai “chân”(tay) trước cào đất trên nền cỏ vệ đường.

Được hỏi có cảm giác thích thú gì khi ông ở trong bộ dạng chó, Boomer-the-dog bảo những lúc ấy, ông mới thấy mình đích thực là mình, dù là một cái tôi cô độc (ông không có một “chó bạn” nào).

2.

Trong đại tác phẩm “ Trại Súc Vật” của nhà văn lừng danh George Orwell viết năm 1945, tức 68 năm trước, ông đã cho những con thú nuôi trong nhà hành xử hệt như những con người trong bối cảnh một cuộc cách mạng vô sản, trong đó những diễn tiến đấu tranh giai cấp xẩy ra cũng “long trời lở đất” không thua gì những hiện tượng tương tự xẩy ra trong xã hội lòai người như ở Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam v..v.. Dĩ nhiên, Orwell đã dùng xã hội súc vật với mục đích là để mô tả xã hội lòai người, xem chúng là đại diện của tầng lớp vô sản và lòai người đại diện cho tầng lớp hữu sản.

Trong tác phẩm “Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc”, một tác phẩm biên khảo tương đối đầy đủ nhất về vụ án NVGP của nhà phê bình Thụy Khê, ở chương 14, phần về Phùng Cung , tiểu đọan Đấu tranh giai cấp giữa chó và người, bà viết:

Dưới mắt Phùng Cung, chính sách Đấu Tranh Giai Cấp của Đảng Cộng Sản, được mô tả dưới dạng phân chia giai cấp giữa Chó và Người.

Giai cấp mà ông gọi là chó thuộc thành phần những kẻ “úp mặt hôn mê liếm lộc”, những kẻ “cưỡng bức ngữ ngôn”, những kẻ “tình nguyện trọn kiếp bút nô”,những kẻ “ngợi ca tội ác”… Và trong bối cảnh “chó đô hộ người” các công tác dò thám, hãm hại, thủ tiêu, đều đạt đỉnh điểm. Sự triệt tiêu văn hoá trở thành quốc sách. Chưa một ngòi bút nào đi xa đến thế trong việc mô tả xã hội toàn trị. Tư tưởng chủ đạo này chi phối toàn bộ tác phẩm của Phùng Cung, mỗi truyện có nhiệm vụ biểu trưng một vấn đề mà nhà văn đưa ra. Cách nhìn xã hội chó-người này, sẽ sống lại trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, sau này. Con ngựa già của chúa Trịnh, tác phẩm duy nhất của Phùng Cung in trong thời NVGP, tả bọn quần thần như những con ngựa già suốt đời nhắm mắt bịt tai cúi đầu phủ phục lãnh tụ.

Ngay từ Con ngựa già của chúa Trịnh, Phùng Cung đã lấy đất Sơn Tây làm nền cho tác phẩm: từ vùng đất tổ, phát xuất giống ngựa nòi, sau này sẽ bị thế quyền làm mai một, mất giống. Lão Nông là hình ảnh đầu tiên về người nông dân chân chính của vùng đất tổ.

Con ngựa già của chúa Trịnh viết về con thần mã Kim Bông của lão Nông ở Sơn Tây, có sức vượt nghìn dặm với cái thế “cao đầu phóng vĩ” của nòi ngựa chiến. Bất cứ cuộc đua nào, Kim Bông cũng đứng đầu. Tin đồn đến tai chúa Trịnh, nhà chúa bèn cử người đến mua con ngựa quý. Dù luyến tiếc vô cùng, lão Nông bắt buộc phải giao ngựa về kinh. “Kim Bông phi như gió, trả lại đằng sau những đồi núi, cây cỏ hỗn độn của vùng Sơn Tây. Chỉ trong nửa ngày đã về đến Thăng Long”. Về kinh, Kim Bông trở thành con vật sủng ái, được kéo xe hầu chúa. Sống trong nhung lụa, thần mã được ngự tại mã đài ngày ngày chỉ ăn và tắm. Chúa ban áo mão cân đai, đặc biệt cái mũ cánh chuồn, như hai chiếc lá đa che tai, che mắt, chỉ để lộ mỗi con ngươi nhìn thẳng về phía trước. Rồi đến lúc can qua, chúa cần con ngựa chiến dũng mãnh ngày xưa, nhưng than ôi, con thần mã đã quen thói cung đình, bao nhiêu năm che tai, bịt mắt, khi tháo mũ áo ra, nó hoa mắt, đầu choáng váng, chân không phóng được nữa. Thần mã cố sức bình sinh, dốc hết tàn lực rồi ngã vật xuống đất, đứt ruột mà chết.

Kim Bông tượng trưng cho những tài năng lớn, khi đã mũ ni che tai, quỳ gối, úp mặt, phục vụ thế quyền, để tìm bổng lộc, đều trở thành những con ngựa già, vô dụng. Kim Bông là “nhân vật” đầu tiên, từ “thần mã” xuống “chó” mà Phùng Cung mô tả.

Là một trong những truyện ngắn hay nhất thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, cùng với Tiếng sáo tiền kiếp của Trần Duy, Con ngựa già của chúa Trịnh mang tính chất ẩn dụ tế nhị, kín đáo và sâu sắc, khó có thể kết tội công khai tác giả.” ( Thụy Khê – Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc).

3.

Nhiều người (Mỹ) hiện nay dành rất nhiều thời giờ, năng lực, tiền bạc và tình cảm cho những con thú (chó, mèo) họ nuôi trong nhà. Vị trí của chúng hầu như tương) sống chung một đương (hoặc có thể hơn) vị trí của những con người khác (vợ, chồng, con cái, cháu chắtmái nhà. Chắc ít có ai còn nhớ, biết, nghe nói về một thời kỳ ghê rợn mà người trong cuộc thường gán cho những con thú ngày nay được trọng vọng ấy những gì độc ác nhất, tồi bại nhất.

George Orwell khi viết trại súc vật đã giải thích trong Lời tựa được dịch sang tiếng Ukraine dành cho lần xuất bản đầu tiên vào năm 1947, rằng ông muốn nhấn mạnh đến sự kiện “nếu loài vật nhận thức được sức mạnh của chúng thì con người không thể nào còn điều khiển được chúng nữa và con người bóc lột loài vật cũng hệt như các tầng lớp hữu sản bóc lột giai cấp vô sản vậy.

Nhưng đến Phùng Cung thì tình hình hòan tòan khác, do cuộc đấu tranh giai cấp ở Việt Nam vào thời kỳ ấy khủng khiếp hơn những gì George Orwell đã trải nghiệm. Cũng không trách gì sự chua chát của Phùng Cung khi ông hạ thấp “tư cách lòai chó” bằng cách đồng hóa chúng với những con (người) không có tính cách gì có thể gọi là “tương cận”, thậm chí còn hòan tòan tương phản với “tính cách chó” như chúng được tòan thể lòai người nhìn nhận hiện nay.

Có lẽ, đã đến lúc, người ta cần đến sự chính danh, trả sự vật, sự việc về với tên gọi đích thực của chúng. Chẳng hạn, “tính cách chó (má)” mà Phùng Cung gọi những kẻ trong guồng máy quyền lực đã nhẫn tâm nghiền nát ông, gia đình ông và bè bạn ông bằng cái tên đích thực của chúng là “tính cách cộng sản” chăng?

T.Vấn

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search