T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Một chuyến đi

clip_image002

Gởi Nguyễn văn Dần ở San Jose

▪ Manh chiếu trần gian nát tả tơi

(Ngọc Phi)

1.

Từ trên khoang máy bay nhìn xuống, tôi thấy thành phố nhỏ dần, nhỏ dần, rồi chỉ còn một mầu xanh nhạt ngút ngàn. Đây chẳng phải là lần thứ nhất tôi đến San Jose. Gần hai năm trước, cùng với gia đình, chúng tôi đã có hai tuần lễ đáng nhớ tại thành phố nhỏ về diện tích, nhưng lại rất lớn về số người Việt cư ngụ trong vùng. Lần đó, vì bận rộn với các cuộc họp mặt lớn nhỏ cùng những người bạn cách biệt nhau hằng nhiều năm vì chiến tranh, rồi tù đày, rồi vượt biên hay xuất cảnh bằng diện HO, nên tôi ít có thì giờ đi đây đó ngắm cảnh thành phố. Ngày đó, khi rời San Jose bằng chiếc xe thuê từ Quận Cam đi lên, tôi đã tưởng như sẽ không còn có dịp trở lại nơi đây một lần nữa. Cuộc sống với trăm thứ bề bộn hàng ngày, để có được chuyến đi hai tuần lễ đó, vợ chồng chúng tôi đã phải cố gắng lắm mới thu xếp xong các công việc nhà việc sở mà lên đường. Lập gia đình muộn màng, trong lúc các bạn cùng trang lứa đã có cháu ngoại cháu nội ẵm bồng, hoặc trễ lắm thì con cái cũng đang bước vào ngưỡng cửa đại học, còn vợ chồng chúng tôi thì hai đứa con còn quá nhỏ, muốn đi đâu cũng phải đem chúng đi theo. Nói như thế thì thực ra không được công bằng cho lắm. Nhờ các cháu còn nhỏ, nên đi đâu cũng được chúng bằng lòng đi theo. Tuy có hơi bận rộn, nhưng niềm vui lúc nào cũng đầy ắp. Và nhờ vậy, vợ chồng tôi được bạn bè khen trẻ hơn tuổi của mình.

Tôi không thể quả quyết, cảm giác tâm hồn mình trẻ hơn số tuổi mang trên vai là điều may mắn hay chỉ là cái cảm giác ảo khiến cho một người già khó sống hơn với thực tại, nhưng chuyến tái ngộ San Jose lần này của tôi – một thân một mình, không vướng bận thê nhi – quả là một kinh nghiệm mới mẻ.

2.

Người bạn thân từ những ngày chúng tôi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường suốt 7 năm trung học, đã đưa tôi đi hầu khắp các đường phố trong một buổi chiều nắng nhẹ, và sau cùng chúng tôi ngồi lại với nhau tại một quán cà phê lộ thiên – như ngày xưa chúng tôi thường ngồi với nhau những buổi chiều trốn học đi hoang, tay phì phèo điếu thuốc Basto xanh thời thượng và ly cà phê đậm chát uống với đường thẻ (một thứ thời thượng khác) -. Chúng tôi, cũng vẫn như bao nhiêu năm về trước, chọn một chỗ ngồi, từ đó, có thể nhìn khắp những ông đi qua, bà đi lại, và thỉnh thoảng nháy mắt nhau về một bóng hồng nào đó.

Tôi không thể nghĩ đến một ngày, tóc bạc da mồi, – riêng anh bạn tôi thì không còn một sợi tóc trên đầu (dù là tóc bạc), miệng móm mém vì có bao nhiêu răng đã nhổ sạch để chuẩn bị làm hàm răng giả (theo lời anh, để có cái mà nhai) – và ở một vùng đất cách xa quê nhà cũ hằng nửa vòng quay địa cầu, chúng tôi lại được ngồi lại với nhau, nhắc lại với nhau những kỷ niệm cũ, những người quen biết cũ, sau biết bao nhiêu những biển dâu thăng trầm của cuộc đời. Ngày xưa, chúng tôi ngồi bên nhau, những câu chuyện là về bao mộng ước cho tương lai, bây giờ, những câu chuyện chỉ quẩn quanh những điều không như ý trong cuộc đời. Cuộc sống, với hai người bạn của gần 50 năm, dường như đứng lại trong buổi chiều dài bất tận. Cũng có những người con gái đi qua, vẫn có ánh mắt nhìn theo, nhưng cái nhìn hằn vẻ mệt mỏi. Trong trí tôi vẫn văng vẳng câu thơ của Hoàng Anh Tuấn thuộc nằm lòng trong những buổi chiều Sài Gòn nhàn nhã. Có đi qua xin em đừng ngoảnh lại. Tóc buông rèm lứa tuổi thích ô mai. Và anh bạn tôi thì hóm hỉnh chọc quê tên học trò si tình bằng hai câu thơ của Nguyễn Du còn nhớ được là nhờ những giờ Việt Văn buồn tẻ trong lớp. Người đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không.

Thời gian quả đáng sợ. Chúng tôi đã đi qua không biết bao nhiêu con đường. Có đoạn đường bằng phẳng, có đoạn đường đầy những mìn bom, hầm hố, ở gà .Chúng tôi đã đi qua những dấu mốc không thể quên của đất nước, của tuổi trẻ thế hệ chúng tôi: cuộc chiến tranh 30 năm khốc liệt, cuộc lưu đầy nhiều năm trên hầu khắp các vùng đất quê hương, và cuối cùng là cuộc lưu vong tự nguyện. Chúng tôi cũng đã từng ngã xuống, đã đứng dậy vịn quá khứ mà bước tới. Hơn 40 năm sau, ngồi lại bên nhau, nhìn thấy dấu ấn khủng khiếp của thời gian mà thở dài.

… Nhiều lúc, tôi tự hỏi mình. Có ích gì không khi cứ khơi lại những kỷ niệm cũ? tuổi trẻ đã qua đi, mấy ai níu nó lại được. Dẫu cho chỉ là cái cảm giác ảo là mình vẫn còn trẻ như ngày nào. Chẳng phải chúng ta đã từng đếm từng tháng từng ngày cho đến khi cầm được thẻ căn cước trên tay mà háo hức bước vào đời làm người lớn tự do thoát ra ngoài vòng kềm tỏa của cha của mẹ, của kỷ luật gia đình? Chẳng phải chúng ta cứ hăm hở lao mình về phía trước, vững chãi tự tin với mớ tuổi đời mỗi ngày một thêm nặng? Vậy mà, bây giờ . . . sợ hãi nhìn ngày tháng trôi qua vùn vụt, soi gương nhổ từng sợi tóc mệt mỏi trên đầu, như tìm mọi cách bịt mắt mình không cho thấy dấu vết hủy hoại của thời gian. Thân xác già nua còn có các loại thuốc men và mỹ phẩm để làm chậm lại quá trình lão hóa.

Còn tâm hồn già nua thì lấy gì cứu chữa?

3.

Vài ngày ngắn ngủi ở thành phố thung lũng hoa vàng xinh đẹp còn cho tôi cơ hội gặp gỡ vài người bạn văn chương tóc bạc. Buổi nhạc nhẹ bỏ túi, một cây đàn thùng, căn phòng nhỏ nhắn, màu rượu lóng lánh hổ phách, và những tâm tình ẩn hiện lung linh dưới ánh sáng nến nhè nhẹ với âm thanh đầy ắp những hoài niệm. Lại những hoài niệm và những thở than cho một kiếp người và tình đời bạc bẽo.

. . . Cũng những người bạn ấy nhiều năm về trước, mỗi tối thứ bảy, chúng tôi tụ họp nhau lại đàn hát. Căn phòng không chỉ nhỏ mà còn là phòng giam ngột ngạt hàng trăm người. Không có rượu lóng lánh hổ phách, chỉ những lon guigoz nước đun sôi. Không có nến lung linh nhè nhẹ, chỉ một ngọn đèn dầu con leo lét ở góc phòng. Vậy mà, khi ấy, ngoài những hoài niệm, chúng tôi vẫn có cái háo hức của tương lai, dù một ngày về còn mù mù mịt mịt giữa chập chùng của núi, của đồi, của rừng hoang, của âm u nước độc . . .

Một người bạn thi sĩ nhét vội vào túi tôi bài thơ mới viết trên trang giấy học trò với màu mực tím thuở hoa niên. Gặp nhau sông núi ngời trong mắt. Chập chùng như thấy bóng quê xưa. Nhìn nhau thương khó đời phiêu bạt. Lệ chảy mà quên chuyện gió mưa. (thơ Ngọc Phi). Tôi nghe tiếng hát mình như ống bơ dỉ và mệt mỏi. Nếu các con tôi ngồi đây chúng sẽ lại đồng ca bài ca quen thuộc Thôi bố ơi đừng hát nữa làm chi như chúng đã từng làm như vậy mỗi khi vợ tôi ấn cây đàn vào tay tôi và yêu cầu một bài hát của ngày chúng tôi mới quen nhau. Tự nhiên, tôi nhớ vợ con quay quắt. Chỉ muốn bay về ngay lại thành phố nhỏ bé tĩnh lặng của mình. Đây là lần đầu tiên tôi đi xa một mình. Cảm giác cô đơn dưng không ập về.

. . . Giữa tiếng nhạc hoài niệm chập chùng và lời thơ than thở, tôi nghĩ về sự cần thiết của những người thân yêu nhất của tôi trong khoảng đời mà rất nhiều lúc tôi chỉ ngoảnh cổ ngó lại phía đằng sau. Tôi nghĩ về người vợ không còn trẻ nữa của mình và sự cần thiết chúng tôi phải đi bên nhau cho đến cuối con đường. Tôi nghĩ về những đứa con còn rất trẻ của chúng tôi và sự cần thiết của những nương tựa, khi vui lúc buồn, khi yêu thương khi hờn giận. Tôi nghĩ về tổ ấm đơn sơ của mình và sự cần thiết của một nơi chốn lúc nào cũng mong được trở về như trở về cõi địa đàng an nhiên thoải mái.

4.

Vì thế, tôi rời thành phố San Jose với tâm trạng phấn khởi không ngờ. Cũng như tôi đã mạnh dạn gạt bỏ gợi ý của người bạn thời đi học về cú điện thoại cho một người quen cũ hiện bây giờ đang ngụ cư trong thành phố. Chúng tôi ai cũng có một đời sống cùng với những đau khổ hạnh phúc riêng, tốt nhất là không nên khơi lại những kỷ niệm cũ. Chỉ làm cho kỷ niệm trở nên đáng ghét thêm mà thôi.

Buổi sáng hôm tôi rời San Jose, người bạn cũ dẫn tôi ra quán cà phê lộ thiên ở khu Century một lần nữa. Tôi nhìn ông đi qua, bà đi lại, những thiếu nữ xinh xắn trẻ trung mà lòng thanh thản. Cuộc sống cứ trôi chảy về phía trước. Nếu mình đứng lại giữa đường, dòng sống sẽ như dòng sông đẩy mình ngã xấp.

Già rồi mà còn ngã xuống, liệu có đứng dậy nổi nữa hay không?

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search