T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Xuân Thiệp: Cùng ra nơi quan ngoại

clip_image001

(Nguồn: Sangtao.org)

Hôm nay, ngày thứ hai tuyết rơi đầy trời, phủ trắng mái nhà, bờ rào, đường sá đóng băng. Nguyễn tôi phải ngồi bó gối ở nhà, mở máy ra gõ, báo tin cho người xa biết:

Tuyết vẫn rơi
những bông fleuries
nhẹ như tơ trời
nhẹ như tình tui…

Nhưng còn cả ngày dài, không lễ cứ ngồi gõ thơ, gõ mãi e cũng có lúc bí chớ. Bèn lật lại chồng báo Phố Văn cũ ra xem, tình cờ bắt gặp bài viết cách đây cũng đã nhiều năm – bài “Cùng Ra Nơi Quan Ngoại”. A, được đây. Tuyết rơi, ngồi đọc chuyện Chưởng, mơ màng nghĩ tới người đẹp ở Tiểu Kính Hồ, còn gì thú bằng. Vậy, ta cùng “luyện chưởng” chơi nha các bạn.
Có thể nói, trong số 100 người đọc sách ở lứa tuổi biết được mệnh trời thì có đến 99 người từng đọc và mê Kim Dung. Kẻ này cũng là một người trong số đó. Còn nhớ, hồi còn trong quân trường Thủ Đức, vớ được cuốn Cô Gái Đồ Long đọc ngày đọc đêm. Chỗ ngồi đọc, còn nhớ như in, là dưới mái hiên cuối dãy nhà trại, nhìn sang Câu Lạc Bộ Diệm Song. Đọc không rời mắt khỏi trang sách. Đọc lúc giữa trưa hay trong đêm khuya, dưới ánh đèn vàng. Đọc, có lúc mê quá đến độ phải nín tè. Từ Cô Gái Đồ Long, đọc tới Thần Điêu Đại Hiệp, Lục Mạch Thần Kiếm, Tiếu Ngạo Giang Hồ v.v… Cuốn nào cũng hay, cuốn nào cũng hấp dẫn. Trí tưởng tượng của Kim Dung quả là khủng khiếp. Ông dựng lên những mối tình cổ kim hiếm có, trong đó phải kể tình yêu của Đoàn Dự với Vương Ngọc Yến, Kiều Phong với A Châu rồi A Tử, kéo theo luôn cả anh chàng Du Thản Chi tội nghiệp. Trong tình yêu của Kiều Phong và A Châu, kẻ này nhớ một câu A Châu nói với Kiều Phong về ước nguyện của hai người, là sau này khi bốn biển sóng yên gió lặng, sẽ cùng ra nơi quan ngoại, tháng ngày chăn dê và yêu nhau. Ôi đẹp thay. Có đôi lứa nào yêu nhau, yêu nhau thực sự chứ không vì cái gì cả, mà không ước mơ được sống mãi bên người mình yêu. Hoặc là cùng chết -như Tiêu Nhiên và Mỵ Cơ, Roméo (chớ đọc là Rô Méo) và Juliet… Nhưng những chuyện tình vừa nói có lẽ chỉ có trong thơ và tiểu thuyết, còn thực tế e rằng hơi khác, vì tình yêu của chúng ta chưa đủ nồng cháy mãnh liệt để vượt qua cái chết (tôi quên chuyện tình của nhà danh họa Modigliani và nàng Jeanne Hébuterne. Hai người yêu nhau trong cảnh nghèo, và khi Modigliani chết vì bệnh lao, Jeanne đã nhảy từ lầu cao xuống chết theo chàng). Ngày nay, người ta yêu nhau chỉ trong một tháng một năm, rồi good-bye nhau đi xây mộng giàu sang. Còn nhớ đêm xưa (chuyện trong tiểu thuyết hay phim ảnh?) chàng hỏi nàng có giám bỏ hết tất cả đem nhau ra một hòn đảo -Cancun chẳng hạn- sống với nhau yêu nhau, và sau đó uống thuốc rầy cùng chết, như đám người ở San Diego năm sao chổi Ha-lây xuất hiện, đã nằm chết bên nhau ngay hàng thẳng lối, thật bình yên thanh thản. Nghe câu chàng hỏi, nàng run rẩy, không phải vì cảm động mà vì hoảng sợ trước một tình yêu định mệnh (Tây gọi là amour fatal). Thế, thế đấy, nhưng làm sao trách được, vì cuộc đời vốn mạnh hơn chúng ta, mạnh hơn tình yêu.

Trở lại với mối tình của Kiều Phong và A Châu, A Tử. Trong bài tạp ghi nhan đề Đoạn Cuối Một Cuộc Tình, đăng trên Phố Văn số 14, nhà văn Phan Lạc Phúc có viết: “….Kiều Phong đánh một trận trời long đất lở (với quần hào Trung Nguyên) nhưng mãnh hổ nan địch quần hồ, Kiều Phong suýt chết, sau nhờ được một cao nhân cứu thoát, nên Kiều Phong mới đem được thân hình sống dở chết dở của người yêu A Châu đến Tiểu Kính hồ….” Ở một đoạn khác tác giả lại viết: “… Ở Tụ Hiền Trang, Tiết Thần Y không chịu chữa, Kiều Phong thân bại danh liệt, đem được A Châu chạy đến Tiểu Kính hồ… “

Một độc giả (không cho biết tên) viết thư nói ông không nghĩ như vậy. “Theo pho truyện tôi đọc được trước 75, hồi còn ở VN, thì sau khi A Châu lẻn vào chùa Thiếu Lâm đánh cắp pho sách “Dịch Cân Kinh” bị chưởng môn Thiếu Lâm đánh một chưởng bị thương rất nặng. Kiều Phong bồng A Châu đi khắp nơi chạy chữa nhưng vô hiệu, cuối cùng ông bỏ nàng lên xe đẩy đến Tụ Hiền Trang để nhờ Tiết Thần Y chữa trị. Tại đây đã xảy ra một cuộc ác chiến long trời lở đất giữa Kiều Phong và quần hùng Trung Nguyên. Dù võ công xuất chúng, nhưng mãnh hổ nan địch quần hồ, Kiều Phong suýt bị quần hùng Trung Nguyên giết chết, may nhờ một ân nhân bịt mặt cứu. Vị ân nhân này đưa Kiều Phong đến một hang động hẻo lánh xa xôi để dưỡng thương, trong khi đó thì A Châu vẫn còn nằm tại nhà Tiết Thần Y ở Tụ Hiền Trang chứ “Kiều Phong không đem được thân hình chết dở sống dở của nàng theo…” Mãi về sau, nhờ Bạch Thế Kính, Trưởng lão Cái bang, nhận lời ủy thác của Kiều Phong, dùng áp lực buộc Tiết Thần Y phải chữa bệnh cho A Châu. Khi lành bệnh, nàng cải trang làm Tiết Thần Y trốn thoát khỏi Tụ Hiền Trang và tìm đến Nhạn môn quan, chờ đợi năm ngày năm đêm mới gặp lại Tiêu Phong. Lúc này thì bệnh tình của A Châu đã hoàn toàn bình phục, hai người bàn nhau quay lại Trung Nguyên để tìm cho được gã ‘thủ lãnh đại ca’ để báo thù. Hai người đến tìm Từ trưởng lão, Triệu Tiền Tôn, Đàm Bà, rồi Trí Quang đại sư…Và cuối cùng A Châu cải trang làm Bạch Thế Kính đến gặp Mã phu nhân (vợ của phó bang chúa Mã Đại Nguyên) để tìm cho ra sự thật. Không ngờ hai người lại sa vào bẫy của Mã phu nhân, nghe theo lời lừa gạt của mụ tìm đến Tiểu Kính hồ và gặp Đoàn Chính Thuần ở đây, và cũng tại đây, Kiều Phong lỡ tay đánh chết A Châu trong khi nàng cải trang làm họ Đoàn để thế mạng cho cha mình.

Và cũng tại đây, Kim Dung lại “đẻ” thêm một nhân vật nữ thứ hai là A Tử, em ruột của A Châu. Cô bé tinh nghịch này, sau đó lại phóng độc châm toan hại Kiều Phong nên bị ông đánh cho một chưởng thập tử nhất sinh. Ở giai đoạn này, Kiều Phong mới ẵm cái xác dở sống dở chết của A Tử đi khắp mọi nơi tìm cách chạy chữa nhưng đều vô hiệu. Cuối cùng, ông lạc đến núi Trường Bạch gặp bộ lạc Nữ Chân rồi sau đó lạc sang kinh đô nước Đại Liêu, nhờ dược liệu quý hiếm của hai nơi này mà bệnh tình của A Tử mới chữa khỏi…”

Người viết xin cảm ơn vị độc giả ẩn danh đã góp ý.

Viết thêm sau khi đọc lại: Nguyễn tôi nhân ngày tuyết rơi, nhàn rỗi, có lên lưới xem lại Hồi 19 và 20 của “Lục Mạch Thần Kiếm” (muôn vàn cám ơn Website Đặc Trưng nha!), bắt gặp Kiều Phong chở A Châu đến Tụ Hiền Trang rồi xảy ra ác chiến… Ôi, tuyết vẫn rơi. Tuyết trắng ngần tinh khiết có rửa sạch những mối oan cừu trong thiên hạ không?

Nguyễn Xuân Thiệp
Tháng 3. 2003
Tháng 2. 2011
Trích Tản mạn bên tách cà phê
Nguồn: Tác giả gửi

Bài Mới Nhất
Search