T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 51)

clip_image001

Tục ngữ Tầu

Biện tửu bất nan thỉnh khách nan

Thỉnh khách bất ban, khoản khách quan

(Bày tiệc không khó, mời khách khó

Mời khách không khó, đãi khách khó)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Tiếng Việt, dễ mà khó

Trước đây, đã lâu lắm, đọc cuốn Ngôn Ngữ và Thân Xác của Nguyễn Văn Trung, tôi thấy tác giả giải thích hai chữ “vợ chồng” đại khái như sau:

“Chồng” là chồng lên nhau, nằm lên nhau.

Còn chữ “vợ”? Nguyễn Văn Trung chỉ viết bâng quơ, trong câu chú thích in cuối trang: “Chữ vợ phải chăng là vơ, vớ, đọc trại đi, theo giọng nặng; nếu thế, chữ vợ chỉ thị việc quơ lấy quàng lên, vơ vào, phù hợp với việc chồng lên trong hành động luyến ái?”
Ðọc đoạn ấy, tôi hơi ngờ ngờ, nhưng rồi cũng bỏ qua, không chú ý mấy. Gần đây, tôi sực nhớ lại vấn đề ấy khi đọc cuốn Phương Ngữ Bình Trị Thiên của Võ Xuân Trang. Tôi được biết là ở Bình Trị Thiên, thay vì nói cái “vai”, người ta lại nói cái “bai”; thay vì nói đôi “vú”, người ta lại nói đôi “bụ”; thay vì nói “vải”, người ta lại nói “bải”; thay vì nói “vá” áo, người ta nói “bá” áo; thay vì nói “vả” (vào miệng) , người ta lại nói “bả” (vào miệng).

Qua những sự hoán chuyển giữa hai phụ âm “v”“b” như thế, tự dưng tôi nảy ra ý nghĩ: phải chăng nguyên uỷ của chữ “vợ” là… bợ? “Vợ chồng” thực ra là “bợ chồng”?
Ðặt trong toàn cảnh mối quan hệ giữa hai phụ âm “v”“b” cũng như quá trình biến đổi phụ âm đầu như thế, chúng ta sẽ thấy ngay giả thuyết cho nguồn gốc của chữ “vợ” trong “vợ chồng” là “bợ” rất có khả năng gần với sự thật. “Vợ chồng” như thế, thực chất là “bợ chồng”. “Bợ”: từ dưới nâng lên; “chồng”: từ trên úp xuống. Danh từ “bợ chồng” diễn tả tư thế thân mật giữa hai người nam nữ khi ăn ở với nhau. Cách gọi tên khá thật thà như thế kể cũng thú vị đấy chứ?

(Nguyễn Hưng Quốc – e-cadao.com)

Dầy như đất

Một lần lễ lộc nhà nấu xôi chè, sau khi cúng kiếng và gia đình đã ăn xong, mẹ tôi bảo anh tôi, lúc bấy giờ khoảng chừng sáu tuổi, mang sang biếu nhà bà Bác ở xóm kế bên.

Anh tôi trở về nhà báo cáo với bố tôi là sứ mạng đã hoàn thành:

-Thưa Thầy con đã mang chè sang biếu Bác.

-Con mang sang cho Bác, có nói gì với Bác không?

-Dạ, con nói với Bác là nhà cháu ăn thừa mang sang biếu Bác…

Bố tôi nghe đến đây thì nổi ngay lên một cơn nhồi máu cơ tim:

-Ối giời ơi cái thằng chết tiệt! Ai bảo con lại nói thế? Cái thằng tối như đêm, dầy như đất!

Từ đó anh tôi có cái tên: “Cái thằng mặt dầy như đất “.

(Nguyễn Tài Ngọc – Bắc kỳ)

Thôn Đoài

Tiếng Hán theo quẻ Càn với Đoài là người con gái ở phương tây. Cho nên trong tiếng Việt thường nói “thượng hạ đông đoài”, thôn Đoài là thôn ở phía tây.

Cũng theo quẻ Càn với Cấn là người con trai ở phương đông. Ca dao có câu “Làm trai cho đáng nên trai – Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên”.

Trong bài thơ Tương tư, Nguyễn Bính viết: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông – Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”.

(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Tiếng Việt thương không…dễ

Các câu ví von miền Nam :
– Không có chó, heo gác cửa. Không có gà, ngỗng báo thức.
– Hỏi hổ mượn heo.
– Người sợ nổi tiếng, heo sợ vỗ béo.
– Kẻ điếc không sợ súng, heo chết không sợ bong.

– Mặt heo hay mặt lợn.
– Heo mắc nợ chó.
– Heo cười quạ đen, quạ cười heo chẳng ra màu
– Heo xổng chuồng, chuồng không xổng heo.

– Heo gánh gộc chuối

– Nuôi heo lấy mỡ, nuôi người ở đỡ chân tay.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Văn hóa cà phê

Sân trường Văn Khoa cũ vào thời điểm 1963-1967, khu đất ở khúc cạnh đại lộ Gia Long là sân trống anh em dựng lên ngôi nhà mỗi bề 5 hay 6 mét gì đó, mái tôn, tường bằng liếp, ván ép. Và thêm tấm bì viết tay đề hai chữ Quán Văn. Thế là Quán Văn hiện diện.

Một trong mấy nhân vật chủ trì quán này là Đỗ Việt Anh, Đinh Bá Ái vốn học Dược khoa. Rồi thêm Phan Huy Đạt học Sử địa đại học Sư phạm, Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Sơn, Hoàng Ngọc Tuấn. Chỉ vài tháng sau, những bàn ghế nhỏ của Quán Văn đã lan ra sân trường với những đêm văn nghệ ngoài trời. Nơi đó những Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, cặp Lê Uyên Phương xuất hiện…

(Phạm Quốc Bảo – Những mối giao tình thân hữu…)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Vợ là…“cơm nguội” của ta

Nhưng là…“phở tái” của cha láng giềng!!!

Chén thù chén tạc

Uống kiểu chén thù chén tạc là uống hai người : chủ và khách.

Bên chủ là bên ” tạc ” có nghĩa là chúc mừng.

Bên khách là bên ” thù ” có nghĩa là uống đáp lại.

(Lý Khắc Cung – Uống rượu kiểu Việt Nam)

Bài thơ Cảnh thu

Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa

Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ

Bài “Cảnh Thu” trên nhiều người cho rằng có thể là của bà Hồ Xuân Hương chứ không phải là của bà Huyện Thanh Quan.

(Nguyễn Vĩnh-Tráng – Chimviet.free.fr)

Bòng bong che…

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là một nhân chứng của thời kì Pháp xâm chiếm Nam Kì. Văn thơ của ông ghi lại được nhiều sinh hoạt xã hội đương thời.

Chẳng hạn như hai câu: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan – Ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ”.

Bòng bong được định nghĩa là một thứ cỏ rối (Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức, 1931); một loại dây leo mọc xoắn vào nhau thành từng đám, ở bờ bụi. Bòng bong còn có nghĩa là xơ tre vót ra bị cuốn rối lại, thường dùng để ví tình trạng rối ren (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê, 1988). Nếu Bòng bong chỉ có nghĩa như vậy thì dứt khoát nó không phải là một đồ vật (trắng lốp) dùng để che. Bòng bong của Nguyễn Đình Chiểu chắc chắn không phải là Bòng bong của tiếng Việt ngày nay.

Bòng bong, bong, bùng hay bạt là tấm vải lớn che mưa nắng, cuộn lại được.

Nguyễn Đình Chiểu thấy bòng bong che trắng lốp nghĩa là thấy tàu Pháp giăng bạt màu trắng, chạy trên sông.

(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Đau thiết, thiệt van

“Thiết” là một biến thể ngữ âm của “siết” trong “rên siết” và là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở âm Hán Việt là “sất” có nghĩa là la, hét. “Sất” còn có nghĩa đánh bằng roi mà âm xưa cũng là “thét” như trong Chinh phụ ngâm, câu: “Thét roi cầu Vị ào ào gió thu”.

Vậy “thiết’ có nghĩa là…thét, la hét và ‘’đau thiết, thiệt van’’ có nghĩa là đau thì rên rỉ mà thiệt thì năn nỉ.

(Phan Trọng Hoa – Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu)

Chữ nghĩa thập niên 20

Hoa đào – Ám chỉ mỹ nhân, Trang đài ký chép rằng; Trong cung vua Văn đời Tùy, gọi là Đào hoa điện, Tô Thúc khi uống rượu với Nhàn sơn cư sĩ có ngâm rằng “Thập phân liễm diễm quân hưu xích – Thá khán đào hoa hảo diện bì”, nghĩa là bác hãy cứ xem mặt hoa đào đẹp thế nào, thì mặt say rượu này đẹp như thế.

(Phan Mạnh Danh – Thập nhị văn)

Viết hoa địa danh

Có nhiều cách viết.
Thí dụ: Sài Gòn, Sài gòn, Sài-Gòn, Sài-gòn, Saigon…
Đối với tên người và tên nơi chốn, viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết, không dùng gạch nối. Thí dụ: Trần Quốc Toản, Quang Trung, Hà Nội, Bình Trị Thiên, Vũng Tàu.
Thế nhưng, không ít trường hợp vẫn còn khiến mọi người băn khoăn. Viết miền Nam hay Miền Nam, viết Bắc bộ hay Bắc Bộ, viết kiểu nào?

(Nguồn : e-cadao.com)

Lịch Tầu, lịch ta

Người Việt nói lịch Ta là lịch Tầu. Nhưng người Tầu gọi tên 12 con giáp khác hẳn Ta:

– Thử, ngưu, hổ, miêu, long, xà, mã, dương, hầu, kê, khuyển, trư.

Với lịch Ta, riêng năm sửu bắt nguồn tiếng Mường: “tru”, sau này phiên âm Hán-Việt từ “tru” thành…”trâu”.

Với năm thìn. Chữ thìn chỉ con rồng vốn có nghĩa là…con rùa.

Xưa kia, tiếng Việt cổ gọi con rùa, con ba ba là con đìn địn. Ca dao có câu “Mồng tơi chưa chín, đìn địn đã rừ”.

Người Phúc Kiến gọi con thìn là con đìn. Cung thìn, trong thiên văn cổ Tầu gọi là cung huyền vũ và ứng với chòm sao thọ tinh (huyền vũ là rùa đen, loại rùa sống lâu). Sau người Tầu đổi tên thành Thiên long.

(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Muối tinh

Chữ nghĩa “Ẩm thực” thì dường như người ta lại không thấy cần từ ngữ  “chuẩn” cho lắm. “Muối vừng” có thể có đến 80% là lạc rang giã nhỏ trộn vừng. Ốc nhồi lá gừng có thể là ốc luộc vối lá chanh !Tôi muốn mua muối để đánh răng, người ta đưa cho tôi một lọ  muối trộn với gia vị, tôi chưa bao giờ đánh răng với gia vị và cũng không muốn thử.

Nếu muốn có muối như tôi hiểu thì phải nói rõ là “muối tinh”.

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Câu chuyện “hội nhập”)

Ngộ Không

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search