T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: CỬA ĐÃ MỞ!

clip_image002

 

Tranh : Trần Thanh Châu

Tặng Lữ Kiều

Đúng là cánh cửa đã mở, một cánh cửa nặng tưởng chừng như Ngũ hành sơn đè trên lưng Tôn Ngộ Không.

Nặng và to như thế nhưng không hề có một tiếng động nào cho dù rất nhỏ.

Cửa mở lúc 4 giờ!

Cửa mở cho riêng ông, mỗi một mình ông, cánh cửa của một đời người. Vậy nên, trong cái lạnh của miền cao, mọi người trong nhà không một ai hay biết. Ngay cả người bạn đời đang cuộn mình trong chăn như con nhộng nhăn nheo trong cái kén vàng rực, cũng tưởng là mình đang hóa bướm.

Vậy thì đừng có khóc than giận hờn rằng, cuộc từ ly sao mà thui thủi một thân, nếu đó là cuộc ra đi không bao giờ trở lại.

Cánh cửa đã mở toang, nhưng ông chỉ cảm thấy chứ không trông thấy. Cảm thấy bằng thịt da bởi vì cửa mở dưới lưng ông, nhanh như nhát kiếm, như tia chớp với một sức mạnh khủng khiếp tưởng chừng tâm bão Haiyan cuốn lấy ông, kéo tuột ông xuống một nơi thăm thẳm không biết đến bao giờ mới chạm được đáy.

Bác sĩ hỏi, lúc đó anh thấy thế nào? Đáp: lúc 4 giờ, tôi định đi toilet, nhưng ngã vật ra, dán chặt xuống giường không cách gì ngồi dậy được.

“Sao anh không gọi tôi dậy?”

“Tôi sợ anh mất ngủ”

“Tai anh có ù không?”

“Không”.

“Mắt anh có mờ không?”

“Không”.

“Vậy thì không sao đâu. Để tôi đo lại huyết áp”

…..

“Có khi nào huyết áp anh tăng cao không?”

“Thường là rất thấp, nhưng có lần uống Bò húc lên đến 15”

“Giờ là 16,9. Cũng khá cao, nhưng sáng ra tôi kiếm thuốc cho anh uống. Sẽ hạ xuống thôi. Sợ tuột áp, chứ lên chừng này cũng không ngại lắm”

Sự bình tĩnh của bác sĩ, một sự bình tĩnh dạn dày, có sức nâng đỡ mạnh mẽ khiến ông cảm thấy cánh cửa sau lưng mình như đã được bàn tay kỳ diệu của một kẻ vô hình khép lại.

Đúng là thiếu chút nữa ông đã bị đột quỵ. Giả dụ lúc 4 giờ sáng ông không ngồi dậy trên giường mà trên một sàn nhà cứng như đá ở nhà ông, hay trong toilet, trên sân thượng, trên con dốc sâu thẳm dẫn xuống điền trang, cái cách ông ngã vật ra cứ như một người Do Thái trốn đâu đó bị một tên gestapo đạp vào ngực, thì thế nào sọ ông cũng bị rạn, những mạch máu nhỏ li ti trong não sẽ bị đứt và thế là ông đi đoang!

Có nhiều cách gọi cho cuộc ra đi không mong đợi ấy. Văn vẻ trang nhã thì từ trần. Bác Hồ đang sống bỗng sang từ trần (Bút Tre) . Bình dân quê mùa thì ngủm. Ngủm củ tỏi hay ngủm cù đeo cũng là chết giống như ngoẻo. Ở quê người đẹp của đời ông thì có một tiếng gọi không giống ai, là tru. Lão ấy trẩu rồi!

Ôi chao, thế thì một ngày sẽ không giống như mọi ngày, một ngày hết sức bận rộn với xe chớp đèn hụ còi liên tục, với người vợ sẽ biết thế nào là góa phụ, với điện thoại di động sẽ reo lên như dế gáy để báo cho nhau biết có kẻ chán đời bỏ cuộc chơi!

Ông đâu có chán đời nhưng cái cách bỏ đi như thế, hay bắt buộc phải bỏ đi vì đã đến lúc, nhưng quá bất ngờ khiến cho người ở lại cảm thấy giật mình. Cánh cửa của mỗi người không chỉ mở ra lúc 4 giờ sáng, mà có thể lúc 5 giờ chiều. Có thể mở ra trên cao nguyên xanh rực nắng, mà cũng có thể mở ra giữa một con phố hắt hiu đèn vàng… Mở ra bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Sẽ không có một hồi chuông báo tử lãng mạn. Cũng sẽ không có tiếng gõ cửa lạnh lùng của định mệnh. Chỉ giống như chiếc xe đang bon bon trên đường cao tốc bỗng sụp xuống một cái ổ voi, không phải voi buôn Đôn mà voi ma mút!

8 giờ sáng, ông ngồi dậy được, huyết áp xuống 12. Ông đã có thể một mình ra ngồi phơi nắng trước cửa. Dưới kia là vườn cà phê lác đác chín đỏ, những trái hồng ấm áp còn sót lại trên cành cây trụi lá và phía xa thấp thoáng mái chùa Tàu tưởng chừng hãy con vang vọng những câu kinh bằng tiếng quan thoại.

Đấy là đời sống, là phía bên này cánh cửa, là cái mà nhiều người và chính ông gọi là cõi tạm. Có nghĩa rằng người ta tin bên kia đời sống này còn có một đời khác miên trường vĩnh cửu.

Nhưng, đó là trước lúc 4 giờ sáng kém một phần ngàn giây, lúc mà ông và mọi người phung phí những phút giây của đời mình như tiền âm phủ; còn giờ đây, cũng rừng cây ấy, cũng màu nắng ấy, cũng trước hiên ngôi nhà ấy, giữa những lao xao thăm hỏi của bạn bè, ông không còn nghĩ đó là cõi tạm nữa.

Ông nghĩ đó là cõi duy nhất để sống, để yêu, để vui chơi, để đau khổ…ngoài ra không còn cõi nào khác.

Cửa đã mở nhưng không phải để đưa bước chân vào cõi thiên đường, cũng không phải vào chốn thường trụ, lại càng không phải là cõi vĩnh hằng như cách nói của những kẻ làm dáng. Đó là cõi không tức là không có cõi nào.

Đã đến lúc trở về nơi ông đã khởi sự đến. Cha con chủ nhân và ba người bạn già ái ngại dìu ông lên tận đầu con dốc. Ông có cảm giác như đây là con dốc của Quang Dũng, dốc cao đến nỗi súng ngửi trời. Ông cũng bàng hoàng nhận ra đó là con dốc mà lúc 4 giờ sáng ông tưởng mình đã bị đạp cho một đạp lăn xuống. Giờ ông mới thấy được đứng trên đầu dốc là cái gì gần như ơn phước, một sự bình yên nói sao cho xiết bùi ngùi.

Mọi người tiễn ông đi với nụ cười chúc phúc, nụ cười mà ông cho là rất đẹp, nụ cười của cuộc sống không bao giờ là quạnh hiu, không bao giờ bị bỏ quên.

Trên đường về xuôi, ngang qua rừng thông Dạ Oai và rừng nguyên sinh Khánh Vĩnh, mặc dù xe đi trong mưa và mây mù, trái tim ông có vẻ như đang ngủ yên. Ông lơ mơ sống lại những giờ phút cũ. Ông tưởng như đang đi trong gió lạnh quanh đường bờ hồ, rồi quành lên nhà tu kín Domaine de Marie, qua nhà thờ con gà, lên chùa Tàu, ngồi uống cà phê trong một cái quán cóc có chiếc bàn tự quay…rồi xuống thủy tạ, đi xem triển lãm tranh của Đinh Cường, Thân Trọng Minh…đêm đốt lửa ngoài sân vườn, ngồi quanh uống rượu Chivas cực kỳ ngon, nghe người vợ mộc mạc cất tiếng hát để mừng sinh nhật một người không còn trẻ nhưng chưa muốn chịu già, tiếng hát sang trọng bất ngờ nghe như của một cô đầm lai…ông sống lại chứ không phải nhớ lại khoảng thời gian mà lúc này ông thấy là tuyệt đẹp, những phút những giờ trước lúc được coi là định mệnh ấy, 4 giờ kém một phần ngàn giây.

Đương nhiên, cánh cửa sẽ mở ra một lần nữa nhưng ông tin hãy còn lâu.

Chỉ hù một chút chơi, nói như Bùi Giáng, cho vui thôi mà!

03/12/2013

Khuất Đẩu

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search