T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nghe và đọc Nhạc của Diệu Hương (hay “con chim ẩn mình trốn bão”)

clip_image001

       • Gởi Ý-Vy và Ý-Vân, để 20 năm sau các con  sẽ đọc.

Xin hãy lặng yên,

          Vì quanh đây,

          Còn bao nhiêu nỗi muộn phiền

                  (Diệu Hương)

1.

Diệu Hương, cái tên chưa được quen thuộc lắm, ít nhất là với tôi. Nhưng khi cầm 2 CD nhạc của cô trên tay, tôi như bị một cái gì đó cuốn hút. Hình như là đôi mắt. Cả đôi mắt trên hình bìa Album KHẮC KHOẢI (*)  lẫn Album Ở LẠI TA ĐI (**). Đôi mắt của một người không quen, quả thật là thế. Nhưng lại dường như rất quen thuộc. Tôi cố lục ký ức của mình.

Tôi chợt nhớ lại  đôi mắt của một con chim trong một buổi tối mùa đông không xa lắm. Hôm đó, tôi và hai đứa con gái nhỏ ngồi trong nhà, bên cạnh lò sưởi ấm áp nhìn ra khoảnh sân trước nhà đã bị tuyết phủ trắng xóa. Ngoài trời đang có một cơn bão tuyết. Nhìn những lọn tuyết lả tả dưới ánh đèn Giáng Sinh mà cha con tôi đã bỏ khá nhiều thì giờ chăm chút, chúng tôi hình như nghe cả được tiếng gió rít rất mạnh. Bỗng nhiên, từ một khoảng bóng tối nào đó, một bóng chim nhỏ lảo đảo ngay trước mái hiên nhà tôi. Cái bóng nhỏ nhắn co ro sợ hãi trước cơn thịnh nộ của đất trời. Nó rúc vào một bụi cây mà chung quanh tôi đã treo dầy đặc những chụm đèn xanh đỏ, Các con tôi nhìn thấy con chim và reo lên “Bố ơi! có con chim đang ẩn mình trốn bão“. Con chim dường như nghe được tiếng reo thích thú của trẻ thơ, nó thò đầu ra, đôi mắt như nói lên nhiều điều lắm. Có thể là những lời than van về những sóng gió của cuộc đời, về những mất mát không tránh khỏi . . . tôi đoán vậy vì thấy chim lẻ loi có một mình giữa không gian lạnh lẽo, với những lọn tuyết tuy đẹp nhưng vô cùng độc ác. Và gió, những cơn gió sẵn sàng cuốn đi mọi thứ. . . .

Đứa con gái nhỏ 5 tuổi của tôi bỗng tỏ ra rất trịnh trọng bảo tôi: “Bố ơi! Đêm nay bố cứ để đèn Giáng Sinh sáng suốt đêm nghe Bố! Con chim nó ngủ một mình nên nó cần đèn sáng. Được không bố?“. Tất nhiên, tôi đã chiều ý con tôi, dù tôi biết sẽ phải trả thêm một khỏan  tiền điện cho tháng. Thậm chí, tôi còn lấy máy quay phim ra ghi lại hình ảnh đáng nhớ này.

Con chim nhỏ đêm hôm đó đã có được một chỗ ấm áp để ẩn mình trốn bão.

Qua đôi mắt của người không quen ấy trên hai bìa CD nhạc của Diệu Hương, và hồi ức về đôi mắt chim cô đơn một đêm mùa đông năm xưa, chưa cần nghe những dòng nhạc – với tôi là mới mẻ – tôi cũng có thể nhận ra được những cảm xúc của mình.

2.

20 bài hát, bao gồm trong 2 CD Nhạc, được  tác giả viết ra, để:

… hát cho người,

hát cho đời,

hát cho tôi.

………………..

hát cho thinh không . . .

(Hát cho đời, hát cho người. Nhạc và Lời: Diệu Hương)

Từ bài đầu tiên “Tôi muốn hỏi tại sao” được viết từ 1978  như khao khát được bày tỏ “một trong những niềm khắc khoải của tôi khi vừa mới lớn” cho đến những bài viết mới đây ở đầu thế kỷ 21. 20 bài hát, trải dài một khoảng thời gian hơn 20 năm, với một khoảng không gian cũng rộng không kém, từ mảnh đất đau khổ bất trắc quê nhà đến khoảng trời tuy rộng nhưng cũng không thiếu những gian nan hệ lụy nơi quê người. 20 năm của một đời người – mà lại là đời một người con gái vừa mới hăm hở bước vào đời với bao mộng ước của thời mới lớn – lẽ ra phải mượt mà đẹp đẽ như màu áo lụa nàng mặc khi bước xuống cuộc đời. Nhưng mệnh nước nổi trôi, cuốn theo biết bao nhiêu những anh hùng và thục nữ. Thế nên, 20 năm thăng trầm ấy, đời người (con gái) cũng lênh đênh theo vận nước. Thế nên, 20 năm ấy cũng là 20 năm của bao mất mát, chia lìa, lo âu, sợ hãi, của những nỗi niềm khắc khoải về tình yêu, về thân phận, được gói ghém, cô đọng, tinh lọc, trong 20 bài hát.

… Giữa đêm khuya thinh lặng, những âm thanh rơi xuống, khi nhẹ nhàng, khi dồn dập, khi bâng khuâng, khi khắc khoải, khi than van, khi kể lể . . . Trong bóng đêm – giây phút của những mặt nạ đời thường bị cởi bỏ – tôi nhìn thấy dòng lệ chảy trên đôi má một thời tuổi trẻ. Và đôi mắt kia, sững sờ nhìn thế giới, như không tin trần gian này sẽ dung chứa cuộc đời mình . . .

Tôi ngồi đây sợ bóng tối,

Ngó tôi qua đêm dài,

Đêm quạnh hiu ôi xơ xác,

Linh hồn tôi khắc khoải

(Khắc Khoải – Nhạc và Lời: Diệu Hương)

Tôi hôm nay là ai?

Thà như một phiến đá nằm

Trăm năm như ngàn năm

Người cùng đá bâng khuâng

(PHIẾN ĐÁ SẦU – Nhạc và Lời: Diệu Hương)

. . . Theo tiếng hát, tôi trở mình. Tôi đưa tay sờ lấy bóng tối chung quanh. Bằng bước chân của người mộng du, tôi đi về phía tủ rượu, tự rót cho mình một ly rượu vang quen thuộc, như hằng đêm tôi vẫn tự cho phép mình có một chút hư hỏng. Ly rượu trên tay, tôi mở cửa bước ra vườn. Hương đêm tinh khiết. Gió đêm ngọt ngào. Tiếng hát của người phụ nữ có đôi mắt tội nghiệp của con chim non một đêm mùa đông đuổi theo tôi như muốn linh hồn tôi ngộp thở – vì đớn đau? vì hạnh phúc?

Lòng tôi ơi, đừng ưu tư!

Đừng âu lo! – Ngày hôm nay

Hạnh phúc có rồi đi qua

Vòng tay xin gìn giữ kỷ niệm

Ngày mới đến – Một mai xa

Ngồi tiếc nhớ

Cuộc đời qua

(NƠI ĐÂU HẠNH PHÚC – Nhạc và Lời: Diệu Hương)

Tôi chợt thèm một hơi thuốc nửa đêm, dù đã dứt khoát với người tình khói sương từ nhiều năm nay. Trong cái dày đặc của Đêm, cái lặng lẽ của Hư Không, cái u uất của âm nhạc và cái ngây ngất của Rượu, thêm một chút lãng đãng của khói thuốc lá và cái mênh mông của mái tóc mượt mà chảy dài trên vùng chăn nệm trắng tinh. Đó có phải là ảo ảnh một thời đã qua? Tôi đang tự đánh lừa mình? Hay là hạnh phúc được đắm chìm trong những ký ức khi ẩn khi hiện của thời hoa niên . . .

Bao nhiêu năm

Tưởng đã lãng quên rồi

Ôm  trong tim

Niềm mơ ước xa xôi

Câu đam mê

Ấp ủ

Như mộng thôi

(TÌNH XƯA –  Nhạc và Lời : Diệu Hương )

Tôi rời khu vườn ngát mùi đêm. Đêm đã khuya thêm một chút. Sương cũng dầy thêm một chút.  Hồn tôi muốn thêm một chút nấn ná với thú đau thương. Cổ họng tôi muốn thêm một chút vị rượu vang vừa chát vừa ngọt. Tôi liếc nhìn mặt kim đồng hồ phía cuối phòng. Chẳng còn bao lâu nữa, trời sẽ sáng. Ảo ảnh rồi sẽ tan đi.  Mà tôi còn ngồi đây, ly rượu trên tay, tiếng nhạc còn khẽ khàng lan tỏa.

Đêm tan rồi người hỡi

. . . . . . . . . . . . . . . . . . .

sắt se nỗi ngậm ngùi

một góc đời

lặng nhìn ta thôi

(LẶNG NHÌN TA THÔI – Nhạc và Lời: Diệu Hương)

Vậy ư? tội nghiệp con chim bé nhỏ, nàng chỉ còn có “một góc đời” để “lặng nhìn ta thôi“. Còn tôi? “đêm tan rồi người hỡi“, mà ly rượu còn trên tay, với bóng tôi trên vách cúi đầu.

clip_image002

3.

Tan vỡ, mất mát, chia lìa, lo âu, sợ hãi, cái chết . . . Đó là những đặc tính không thể thiếu của tình yêu và thân phận con người. Cũng vì thế, chẳng có gì mới khi nói về những điều đó. Nhưng cũng không bao giờ cũ, khi nói lại những điều đó. Mỗi thời đại, mỗi xã hội đều có cách thế bày tỏ riêng của nó. Tất nhiên, ở mỗi người nghệ sĩ, đều có một sự cố gắng đặt dấu ấn riêng của mình trên cách thể hiện những đề tài quen thuộc.  Ở Diệu Hương, đó là nét chừng mực, ở cả câu chữ lẫn tiết tấu của nhạc. Cũng vẫn là câu chữ ấy, nhưng không ra dáng thời thượng, không sáo mòn, cường điệu. Cũng vẫn nét nhạc ấy, nét nhạc được sự ưa thích của những người trên dưới 50 tuổi, nhưng không có sự dễ dãi như thường thấy ở một số tác giả của giai đoạn này. Mặt khác, tiết tấu nhạc Diệu Hương tương đối vào khuôn vào phép, không có sự đột phá nào có thể làm những người trẻ phải dừng chân lại nghe ngóng. Âu cũng là điều dễ hiểu.

Khía cạnh nữ tính là một điều khác cần nói đến ở sự thể hiện của Diệu Hương. Điều này dễ nhận ra vì chúng ta không có nhiều người nữ viết nhạc như trong lãnh vực văn và thơ. Không biết, môi trường hiếm hoi những người nữ viết nhạc có là yếu tố thúc đẩy Diệu Hương đi xa hơn nữa trong sự nghiệp sáng tác của  mình hay cảm giác cô đơn, lẻ loi khiến cô chỉ muốn tìm một “phiến đá sầu” bên đường, ngồi xuống đó để cùng đá băn khoăn phiến đá có tình yêu không? phiến đá có linh hồn không?

4.

Âm nhạc, ở một nghĩa nào đó, là linh hồn của thời đại. Nhạc buồn bã, ủy mị là biểu hiện của một thời đại có quá nhiều những nhiễu nhương. Nhạc vui tươi trẻ trung là biểu hiện của một đất nước đang chuyển mình về phía mặt trời. Tất nhiên, nhận định này chỉ tương đối, không nhất thiết phản ảnh thực tại của mọi thế hệ, mọi khía cạnh của đời sống. Thí dụ như Tình Yêu. Nói đến tình yêu, người ta liên tưởng ngay đến cách thức thể hiện qua thơ và nhạc. Và thời đại nào mà không có những chuyện tình buồn. Dù là trong thời bình hay thời chiến. Dù trong một đất nước đã thịnh vượng hay vẫn còn nghèo đói .  . .

Mặt khác, phải kể đến khoảng cách thế hệ (generation gap) trong các lãnh vực của đời sống, nhất là lãnh vực sáng tác và thưởng ngoạn nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Ngay đến ở một thế hệ, cũng có sự thay đổi trong sáng tác và thưởng ngoạn nghệ thuật, do bởi tâm thức con người biến đổi từ giai đoạn mới lớn, trưởng thành cho đến khi già cội, cuộc sống ngưng đọng lại.

Cũng tương tự như vậy, khi xếp loại (nếu quả thật cần thiết phải làm một công việc như thế) nhạc Diệu Hương, một người trưởng thành trước 1975 ở Sài Gòn (?), nhưng chỉ tham gia sinh hoạt nghệ thuật ở Hải Ngoại và cũng chỉ vừa mới đây thôi, dù cô bắt đầu viết nhạc từ rất lâu. Chính vì thế, cô đã kinh qua những nổi trôi của vận nước, những vui buồn của cuộc đời, trong đó, có cả những vơi đầy của lòng người. Nhạc của cô – theo tôi – mang dấu vết của thế hệ chúng tôi . . . thất vọng, buồn bã, hoài cổ. Nhưng, đã nhận xét ở trên, Diệu Hương khá chừng mực trong sự thể hiện thiên hướng này.

Và đó là – theo tôi – điểm đáng yêu nơi dòng nhạc Diệu Hương. Đáng yêu đến độ, khiến tôi phải ngạc nhiên:

Em từ đâu đến

Mang tiếng hát xa xăm

Bên cây đàn

Tôi,

Một người đi qua

Phải dừng chân

Nghe khúc tình ca

(BÀI TÌNH CA CỦA EM – Nhạc và Lời : Diệu Hương )

5.

Mỗi người nhạc sĩ đều có một bài hát đặc biệt nào đó đóng vai trò mở rộng cửa đưa người nhạc sĩ ấy vào lòng người  thưởng ngoạn. Thí dụ như  Trịnh công Sơn có Diễm Xưa, Đức Huy có Bay đi cánh chim biển, Vũ Thành An có Bài không tên số 2, Từ Công Phụng có Bây giờ tháng mấy. Với Diệu Hương, đó là nhạc phẩm Mình Ơi. Nhạc phẩm này, tuy hoàn toàn khác hẳn những bài nhạc khác của cô về âm điệu, biến tấu, nhưng – theo tôi – chính là bài hát giới thiệu cô với người thưởng  ngoạn. Bài nhạc mang hơi hướm dân ca, vừa đẹp, vừa tình tứ, vừa tha thiết. Trong Album Ở lại ta đi mà tôi có trong tay, Diệu Hương thể hiện nhạc phẩm Mình Ơi của mình một cách thật . . . tình tứ. Hai chữ này làm tôi nhớ đến một bài viết trong loạt bài Thư Gửi Bạn Ta của Tác Giả Bùi Bảo Trúc. Trong đó, ông nói đến ranh giới giữa tình tứ và lẳng lơ trong phong cách thể hiện bài hát của ca sĩ. Theo ông, ranh giới này rất mong manh. Người ca sĩ dễ bị ngả về phía bên lẳng lơ nếu quá sa đà vào tình tứ. Tôi muốn mượn ý của nhà văn Bùi Bảo Trúc để nói về giọng hát của Diệu Hương trong nhạc phẩm Mình Ơi. Theo tôi, Diệu Hương rất chừng mực và chững chạc trong việc thể hiện hồn nhạc phẩm. Tình tứ đấy, tha thiết đấy, nhưng người nghe vẫn có cảm tưởng chớ nên liên tưởng quá xa, nếu không muốn làm tan vỡ đi cái đẹp đang lơ lửng giữa thinh không. Có lẽ là vì Diệu Hương viết và hát bài này thay cho người mẹ của mình bày tỏ lòng thương nhớ đến người chồng – tức thân phụ Diệu Hương – đã chẳng may khuất mặt quá sớm, nên lẽ tự nhiên, phải biết chừng mực. Theo tôi, cho đến nay, mới chỉ có Diệu Hương đạt được “tiêu chuẩn” tình tứ  khá “rắc rối” của ông Bùi Bảo Trúc trong phong cách diễn đạt một bài nhạc tình như bài Mình Ơi.

6.

Tôi – người thưởng ngoạn âm nhạc – nhìn những nốt nhạc nằm trên gạch kẻ, thấy chúng trơ trẽn, vô hồn. Những Do, Re, Mi, Fa, Sol . . . chẳng là gì hết. Cho đến khi, có bàn tay ai đó chạm vào, sắp xếp chúng lại, cho chúng một đời sống, truyền cho chúng những niềm vui, những nỗi buồn . . .

Tôi– người thưởng ngoạn âm nhạc – cảm được sự sống trong những âm thanh kỳ diệu ấy. Và tôi cũng vui buồn như những nốt nhạc đã vui buồn, dưới bàn tay sáng tạo của người nghệ sĩ.

Xin cám ơn cuộc sống này còn cho chúng ta những nhà phù thủy của âm thanh.

7.

Một ngạc nhiên thích thú khác mà 2 Album nhạc của Diệu Hương mang lại là người ca sĩ trẻ Quang Dũng. Một cái tên dường như còn khá mới (?) trong danh sách các ca sĩ thế hệ thứ hai sau biến cố 1975. Giọng hát Quang Dũng êm ái, mượt mà. Trong đêm thanh vắng, tiếng hát Quang Dũng nghe như những làn gió ấm thổi trên da thịt. Ở những nốt cao, giọng Quang Dũng tròn đầy và nhất là rất ít những hạt cát  lợn cợn. Âm hưởng ở những chỗ ngân và láy khá đài các. Ngạc nhiên ở chỗ, người ca sĩ này trông còn trẻ lắm, nhưng lối diễn đạt hồn bài hát lại như là của một người đã từng trải. Nghe Quang Dũng hát, những dây đàn vô hình trong tôi như rung lên theo âm hưởng tiếng hát của anh, làm xôn xao một phần đời tưởng chừng như tôi mới vừa đánh mất hôm qua. . .

Có lẽ:

Khi người nghệ sĩ,

Cất tiếng hát

Hát lên từ trái tim

Mang cả dòng sông

Bỗng phút chốc sẽ quay về nguồn . . .

(BÀI TÌNH CA CHO EM –  Nhạc và Lời: Diệu Hương)

Hiển nhiên, Quang Dũng còn cả một con đường dài để đi và hoàn thiện chính mình, nhưng bước khởi đầu này xem ra gây khá nhiều thích thú cho những người khó tính, tiêu biểu là kẻ viết bài này. (Hôm trước, nhận được một món quà là 2 CD nhạc mới nhất của QD do một người bạn cũ ở San Jose gởi cho. Nghe qua 2 CD nhạc này, tôi thấy nhận xét của mình cũng không đến nỗi sai.).

8.

Chúng ta vốn ưa chuộng cái đẹp. Không chỉ vì cái đẹp là cái đẹp mà cái đẹp còn là thực phẩm cho tâm hồn. Như  chúng ta nhìn ngắm một bức tranh, chiêm ngưỡng một pho tượng. Hoặc, trần thế hơn, say sưa nhìn ngắm một khuôn mặt đẹp, một thân hình đẹp. Nhìn ngắm và nghĩ về sự chiếm hữu. Vì thế mà, người đàn ông cần người đàn bà đi bên cạnh mình.

Tôi có cùng cảm nghĩ ấy khi cầm trên tay 2 CD Album nhạc của Diệu Hương. Không biết từ trước tới nay có nhà sản xuất nào cho ra đời những CD nhạc dưới hình thức tương tự, nhưng với 2 CD nhạc của Diệu Hương, lần đầu tiên tôi nhìn thấy một CD nhạc được trình bày lạ, đẹp và ý nghĩa như 2 CD này. Dưới hình thức Album, nội dung từng bài nhạc trong CD được in thật đẹp (đó là lý do tôi đặt tên bài viết này là: Nghe và Đọc nhạc Diệu Hương), bên cạnh đó là hình ca sĩ trình bày. Nền cho mỗi lời bài hát là một tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh tuyệt vời.

Tôi nghĩ, cái đẹp luôn hiện hữu, chỉ có điều là lòng mình có luôn rộng mở để đón cái đẹp hay không mà thôi.

9.

Một hôm, vợ chồng tôi và các con giở chồng phim quay những hình ảnh gia đình ra xem lại, đến đoạn thu cảnh con chim co ro trốn tuyết dưới mái hiên nhà tôi mùa Đông năm nào, đứa con gái nhỏ – bây giờ đã 7 tuổi – buột miệng hỏi tôi: “bố ơi! bố có nghĩ là bây giờ con chim này còn sống không?”.

Tôi quay lại nhìn con, nó chớp chớp mắt nhìn tôi tinh quái. Tôi im lặng không trả lời. Nó cũng không buồn hỏi thêm, vì thực ra, con chim còn sống hay chết cũng chẳng là điều làm nó quan tâm, dù cách đây 2 năm, chính nó đã yêu cầu tôi để đèn sáng suốt đêm cho con chim trốn bão sưởi ấm.

Khi con tôi lớn lên, nó sẽ hiểu rằng, đời sống nào rồi cũng có lúc chấm hết. Mọi con đường đều có chỗ gọi là cuối của con đường. Như những đời người, đời chim rồi cũng sẽ đến lúc lặng lẽ ra khỏi chỗ con mắt trần gian có thể nhìn thấy được.

10.

Con gái yêu của Bố! Con chim nó đâu có ẩn mình chờ chết! Nó chỉ tìm nơi ẩn náu cho qua cơn bão tuyết mà thôi! Như những lời than van trong dòng nhạc Diệu Hương. Nàng chỉ tìm nơi ẩn trú trước những phong ba bão táp của một cuộc nhân sinh vui ít buồn nhiều. Và, nghệ thuật, nơi nàng tìm đến, đã cho nàng sức mạnh và niềm tin để đi hết con đường (đời).

10(bis).

Gần nửa năm, sau khi tôi viết xong đọan văn số 10, một hôm mở thùng thư, tôi nhận ra nét chữ viết tay quen quen trên một gói bưu kiện nhỏ. Bên trong, là một Album CD nhạc mới nhất của nhạc sĩ Diệu Hương: Giòng Lệ Khô (Tình Ca Diệu Hương 3). Vẫn hình thức trình bày trang trọng và tuyệt đẹp. Vẫn là đôi mắt chim mùa đông năm nào cha con vợ chồng tôi ngồi ôm nhau ấm áp mà thương cho phận chim đơn độc. Đôi mắt thật sâu khiến những giọt lệ đã chảy hết vào trong. Chỉ còn lại cái khô khốc của một niềm tuyệt vọng đến cháy bỏng, tưởng có thể đốt cháy được những mảnh vụn vỡ của trái tim vốn hằng thèm khát “những yêu dấu trong tâm hồn con người”.

Tôi lắng nghe tiếng chim than thở:

” . . . có đôi khi tôi vẫn buồn như thế và vẫn để cho giòng lệ khô tàn phá trong mình. Nhưng nơi chốn tận cùng của đớn đau, nơi ẩn náu của dằn vặt, tôi lại thấy một cảm xúc khác giúp tôi phá vỡ được giòng lệ khô đang âm ỉ chảy, một âm thanh xa xăm từ đâu vang vọng lại, một giai điệu trầm bổng nơi đâu vụt trở về . . . Thế giới ưu tư của tôi đã mở cánh cửa ra để đón nhận những cung bậc đó và trong những xúc cảm  sau cùng tôi đã hòan tất tập tình ca Giòng Lệ Khô . . . như một bầy tỏ duy nhất cho cuộc đời . . .” (Diệu Hương – Lời mở cho tập tình ca Giòng Lệ Khô) .

Giờ thì tôi tin rằng con chim nhỏ ẩn mình trốn bão năm nào trước hiên nhà tôi vẫn còn sống. Nó phải còn sống vì bất chấp những sóng gió phong ba độc ác của cuộc đời, ngay đến một trái tim mong manh dễ vỡ như trái tim một người nghệ sĩ vẫn còn có thể tìm ra được một “sinh lộ”, huống gì một hay nhiều cơn bão tuyết của đất trời.

CD Giòng Lệ Khô, cũng có 10 bài nhạc. 10 bản tình ca. Và vì là những giòng lệ khô, nên tiết tấu những bản nhạc mới nhất của Diệu Hương không phảng phất nhiều lắm những ủ rũ của Khắc Khỏai  và Ở Lại Ta Đi. Trái lại, dường như đã hiểu ra định mệnh một đời người vốn:”Chỉ có một thời để cho lòng ngẩn ngơ” nên người nhạc sĩ đã đẩy âm điệu dòng nhạc của mình đi vào một thế giới tương đối đỡ ủ dột hơn, dù lời nhạc vẫn cứ than van :

Đời vẫn cứ vô tình với em mà thôi

Chờ đón những con tim mang hy vọng người ơi

Ngồi mãi nơi kia trong góc đời lẻ loi

Vì đôi chân đã không bao giờ nhẹ bước cùng người

(Những Tâm Hồn Khát vọng – Nhạc và lời: Diệu Hương)

Hay nuối tiếc:

Rồi em bước chân đi

Còn tôi đứng nơi này

Trông theo buồn vời vợi

Xác lá khô rụng đầy

Gió cuốn đi ngàn lời

Mà giòng lệ không rơi

(Giòng Lệ Khô – Nhạc và lời: Diệu Hương)

Hoặc nhẹ nhàng . . . triết lý:

Người ơi cuộc đời là những ngày ngắn trôi

Người hỡi cuộc tình rồi bỗng chốc phai phôi

Xin hãy đến xin dâng hiến cho đời một tấm lòng

Một tấm lòng vì chẳng có bao năm

(Chợt thấy – Nhạc và lời: Diệu Hương)

11.

Con gái yêu của Bố! Khi con đọc được và hiểu được những điều Bố viết ra ở đây, tức là con cũng đã từng có lần phải tìm nơi để trốn những cơn bão của cuộc đời. Cầu mong con tôi gặp được những tấm lòng từ tâm, sẵn lòng chia cho con chút hơi ấm trong cơn gió rét, như chính con đã xin bố để đèn suốt đêm cho con chim trốn tuyết sưởi ấm ngày nào.

Wichita tháng 5 năm 2004

T.Vấn

* Diệu Hương Music –  Nhạc CD. Không đề giá bán

** Diệu Hương Music – 2002. Nhạc CD. Không đề giá bán

© T.Vấn 2007

Bài Mới Nhất
Search