T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: MÊ NHẠC SẾN

clip_image002

(Hình: Courtesy of Yeuhacsen.net- Cung bậc của cảm xúc)

Ngày vọng Giáng Sinh, tôi đi làm vừa đánh máy vừa khóc lai rai. Tôi khóc phụ anh chị em đài Radio Bolsa vừa mất đi Việt Dũng, tiếng nói đã gắn kết những người lưu lạc lại với nhau như một thứ keo hồ. Tôi khóc phụ Minh Phượng, cái tên đã kết với Việt Dũng như một tên kép, lòng nghĩ thầm đến cặp bài trùng Eugene Siskel và Roger Ebert trên TV show. Hồi đó khi Siskel qua đời, Ebert đã im tiếng một thời gian, mọi người ngậm ngùi chờ đợi và thở phào khi Ebert trở lại ngồi vào ghế điểm phim nối tiếp… Bây giờ, Minh Phượng qua một vài ngày đã cố cất tiếng dù trong nước mắt, sao tôi không cảm thương được chứ.

Tối đến tôi lại khóc, vì một chuyện khác. Tôi khóc nức nở, khóc um sùm, khóc sưng cả mắt rồi ngủ thiếp đi. Sáng dậy vừa mở mắt tôi lại khóc. Ngày Giáng Sinh không lẽ chỉ khóc. Tôi ra máy tìm đọc lơ quơ cho qua ngày rồi sửa soạn đi lễ. Tôi đến nhà thờ ngay gần nhà mà rất ít khi tới vì đã quen đi nhà thờ Tam Biên. Bắt đầu bài giảng, cha bỗng hát 4 câu nhạc do ông viết khi còn trẻ dù bây giờ thì ông cũng còn rất trẻ. Bốn câu hát rất mùi mẫn yêu đương, và cha xin các cụ bỏ qua, dù bây giờ chỉ biết có Chúa nhưng những hình ảnh yêu đương nó cứ mò vào đầu thì cũng đâu biết phải làm sao, và nếu có trách thì cũng huề chứ làm gì nhau. Cả nhà thờ cười với câu nói vui ấy, nhưng tôi thì bừng sống. Vì mấy câu hát mới nghe lần đầu đó thì cũng vẫn là quen tai với tôi _ nó giống nhạc sến, thứ nhạc tôi hằng mến yêu và đã được phong tặng là đại lý nhạc sến.

Về, tôi mở trang nhà xem lại bài của Hạ Đình Nguyên về nhạc sĩ Thanh Bình với ca khúc Tình Lỡ và mở link nghe lại bài hát mà tôi đã thuộc năm 13, 14 tuổi. Hồi đó tôi thấy bài đó hay hết biết, và bây giờ 40 năm sau nghe lại, dẫu âm thanh đã rè tôi vẫn thấy nó hay góa chời. Nhạc sến muôn năm. Nhưng giữa lúc lơ mơ nhìn khúc phim cũ và nghe Tình Lỡ, tôi chợt thấy sự mâu thuẫn của mình. Tôi hằng cho rằng Tình Lỡ là nhạc sến và cũng hằng cho rằng cái gì Khánh Ly- Lệ Thu -Thái Thanh- Mai Hương hát thì không phải nhạc sến. Rồi đọc câu trích “nghe vàng mùa thu sau lưng ta” tôi lại càng bâng khuâng. Dường như bài nào bắt tai tôi thì là nhạc sến. Tôi đâm ngờ cái định giá chung chung của mình về nhạc sến. Thế nào là sến?

Trong một cố gắng để trả lời cái dốt của mình, tôi nhớ lời bàn của Hoài Nam đất Úc. Hoài Nam cho rằng cái mọi người gọi là sến (không nhất thiết phản ảnh quan điểm của Hoài Nam!) có lẽ bắt nguồn từ những âm giai hay âm điệu (không biết cái nào đúng) ngũ cung thường thấy trong những ca khúc của các nhạc sĩ ở miền Nam. Nhưng có giai điệu ngũ cung không đủ để làm nên nhạc sến. Ngẫm lại tất cả những bài sến đã thuộc, tôi cho rằng nó còn có đặc điểm là nhạc, đặc biệt là lời rất đơn sơ _ một đôi khi đến chỗ ngây ngô, và cũng là những lời bộc lộ tình cảm tha thiết chứa chan, bộc lộ những xúc cảm cụ thể, chứ không phải là những lời ngậm ngùi dấu kín, những lời gián tiếp, những hàm ý, hay bâng quơ. Như bài Gánh Lúa của Phạm Duy, lời lẽ chân thật êm đềm vui vẻ ý nhị, nhưng tình cảm đó dù bộc lộ cũng không phải là những cảm xúc dạt dào, nó chỉ được gọi là nhạc tình quê hương. Trường ca Con Đường Cái Quan thì lại có những lời tuy êm đềm tha thiết, âm điệu cũng rất nhịp nhàng dễ nghe dễ hát theo, nhưng ý tứ thì hàm chứa một cái gì đó xa hơn là nỗi lòng của một phút đau thương hờn giận sung sướng vui tươi.

Một đặc điểm dễ thấy khác của nhạc sến, hay còn gọi nhạc đại chúng nhạc thời trang vân vân, chính là nội dung của nó. Đa phần là nói về một chuyện tình, và đa phần trong chủ đề chuyện tình đó là những bất hạnh cách ngăn, trực tiếp bởi chiến tranh (anh đi lính em cũng vừa lên mười) hay gián tiếp vì xã hội bất ổn mà nhiều người nghèo, phải tha phương phải phụ phàng nhau… Gián tiếp hơn nữa, là sự có mặt của những bài nhạc dễ nghe dễ hát ấy đáp ứng một nhu cầu của tầng lớp nghèo khổ chiếm đa số: nhạc và lời mà cao siêu quá khó thưởng thức, chủ đề xa cách với cuộc sống của họ quá thì chả ai buồn nghe.

Trở lại với Khánh Ly và bài Tình Lỡ. Tôi vẫn ngoan cố rằng Khánh Ly hát thì không sến, và nếu ai trả vài triệu đô biểu hát nhạc sến có lẽ Khánh Ly cũng không hát được nếu muốn (thử tưởng tượng KL hát câu chuyện tình đôi mươi chan chứa không bao giờ vơi, hay mỗi năm đến hè lòng man mác buồn… xem có muốn ném đá không!!!) Như vậy, bài Tình Lỡ nếu không là nhạc sến thì nó đã có những đặc điểm gì để tôi khăng khăng như vậy mấy chục năm trời?

Bài Tình Lỡ mang đủ những đặc điểm của nhạc sến: lời giản dị, rõ ý buồn, tiếc thương một mối tình, âm điệu đầy nỗi xúc động. Nhưng nơi cách hát của Khánh Ly mà cái khác của Tình Lỡ nổi bật: trong những lời giản dị đó còn có những câu gợi suy nghĩ sâu xa về một cuộc đời _ đó chính là những câu Hạ Đình Nguyên trích dẫn Phương trời mình đi xa thêm xa, nghe vàng mùa Thu sau lưng ta, anh ơi anh ơi thu thiết tha. Ai khác hát hỡi người bỏ ta trong mưa bay thì câu đó cũng chỉ tàng tàng ướt át, chứ không mang cho mình một hình ảnh cay đắng dù nỗi buồn thì chỉ man mác như khi nghe Khánh Ly hát. Khác biệt chính ở cái giọng hững hờ lành lạnh mà dung chứa nhiều nỗi niềm của Khánh Ly.

Nói vậy chẳng khác nào xác nhận nhạc sến sến vì nó cũng cần một cách hát riêng, cách diễn tả mùi mẫn với làn hơi ngân nga, giọng uốn sao cho hoặc nức nở nghẹn ngào hoặc oán thương buồn hận lộ rõ. Như đã nói qua, để KL hát Nỗi Buồn Hoa Phượng thì sến không nổi, hư bột hư đường hết. Với một số bài hát, cách hát của ca sĩ làm bài nhạc trở nên sến hay hết sến, như bài Tình Lỡ, hay Bão Tình do Mai Hương hát trong phim Bão Tình; nhưng cũng có những bài mang bản sắc cố định, hát làm sao cũng không thể thay đổi được đặc tính của nó. Thí dụ như Ướt Mi rên rỉ mấy cũng không mùi được, mà Căn Nhà Màu Tím thì nghiêm cẩn đến đâu nó vẫn là nhạc mùi mẫn.

Từ bài của Hạ Đình Nguyên mà tôi còn biết ra một điều, bài Tình Lỡ là nhạc phim Nàng với Thẩm Thúy Hằng vai chính. Ở chỗ này nhìn lại, tôi mới hiểu tại sao có những bài không những sến nửa chừng (như hai bài vừa nhắc) mà lại còn mang chút gì rời rạc, một câu chuyện không đâu ra đâu chứ không gọn gàng chặt chẽ như những bài nhạc sến khác, thí dụ Áo Em Chưa Mặc Một Lần… Cái chỗ trống trong những bài nhạc đó chính là những hình ảnh của phim mà bài hát ấy làm nền.

Hóa ra sến không chỉ một kiểu, một loại. Gẫm lại, nhạc dễ nghe dễ nhớ của miền Nam xưa nhiều vô kể, nếu gộp hết mọi thứ dễ nghe vào thể loại nhạc sến e không nói hết được cái hay của nó để 40 năm sau tôi vẫn thuộc vẫn ư ử hát theo, để những ca sĩ trẻ sau này vẫn có thính giả khi hát loại nhạc ấy. Tôi lớn lên trong thời “thịnh trị” của nhạc sến, hít thở không khí ỉ ôi ấy, đâm yêu mến những bài hát mà thở ra tôi thấy tôi ở một góc nào đó trong xóm nghèo, thấy anh tôi ở một chòi gác nhân dân tự vệ, thấy chị Ba Cổ Cò giúp việc nhà lúc đi chợ về. Có quá đáng không nếu nói nhạc sến là một phần của xã hội miền Nam?

Thế nào là nhạc sến xin chờ những bậc cao tay chỉ dạy, nhưng trong lúc này, xin vẫn cứ hân hoan làm đại lý nhạc sến dẫu bị phán là đần.

Lưu Na

12/27/2013

.

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search