T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Về một thời bi tráng

clip_image001

Chiến Mã -Tranh của Trần Thanh Châu

Lời tác giả: Bài viết này không mới. Nó hình thành từ bài tựa cho tập nhạc “Chiến Mã Ca” của Nhạc sĩ Trần Lê Việt mấy năm trước.  Nhân dịp cuộc hội ngộ những người tù năm xưa ở thành phố Dallas, tạp chí Ca Dao cần một bài viết cho chủ đề Hội Ngộ chào mừng cuộc gặp gỡ lịch sử ấy. Vì thế, bài viết được “viết  lại”, như một lời chào hội ngộ đến những anh em của những năm tháng không quên ấy.

T.Vấn

Tháng 10/2008

 

Ngựa về gục khóc Trường Giang lạnh

   Gươm súng đưa chàng theo núi sông

                    (Khúc minh Tùng)

1.

Chiến tranh, thời nào cũng có. Nhưng trong thời đại của chúng tôi, nó được gắn liền với những hình ảnh bi tráng nhất mà trí tưởng tượng của loài người có lúc đã không thể hình dung ra được. Chúng tôi, một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam, sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong và bởi chiến tranh. Vết chàm bi tráng ấy, cùng với vận nước nổi trôi, đã ám ảnh chúng tôi suốt một thời tuổi trẻ. . .

Những buổi đến lớp học, thấy mỗi ngày một đứa lặng lẽ biến mất. Chúng nó – tình nguyện hay bị bắt buộc – theo nhau đi vào cuộc chiến. Những buổi chiều Sài Gòn chợt mưa chợt nắng chia tay người yêu mà không biết chắc rằng lần hẹn tới có còn đến với nhau được nữa hay không. Những đêm dài chiến địa, nốc chai rượu đế cay xè, căng mắt mệt mỏi nhìn vào khoảng tối hư không  chờ đợi những kẻ thù không một lần biết mặt. Những giọt nước mắt quệt vội cho người bạn vừa nằm xuống đâu đó trên một vùng đất  xa lạ bỗng chốc trở nên quen thuộc với người thành phố. Và cả những giọt nước mắt khóc thầm cho một người bạn từng chia với mình hơi thuốc lá tập tễnh vào đời nay đang có mặt ở bên kia chiến tuyến. . .

Như thế đó, chúng tôi lớn lên, đi vào cuộc chiến và . . . biến mất trong cuộc chiến.

Khi tiếng súng không còn nổ trên những mảnh ruộng khô cằn, trong những làng mạc phố xá đìu hiu, thì chúng tôi – những kẻ chẳng may sống sót – tiếp tục phí phạm tuổi trẻ của mình trong những nhà tù tiền sử trải dài trên khắp miền đất nước. Trong những năm tháng tủi nhục, qua thân phận nửa thú nửa người,  chúng tôi đau xót hiểu được hơn ai hết, cái cảm thức lưu đày ngay trên chính quê hương của mình, miền quê hương mà chúng tôi đã góp một phần đời – mà bạn bè chúng tôi, có những đứa đã góp cả cuộc đời – để chiến đấu  bảo vệ. Rồi sau đó là những năm tháng vất vả long đong với miếng cơm manh áo, và những chuyến tìm đường vượt biên thất bại sau khi được thả ra khỏi nhà tù nhỏ để bước vào một nhà tù khác rộng lớn hơn. Một lần nữa, chúng tôi bị bắt buộc làm người ăn nhờ ở đậu, người tạm trú ngay trong căn nhà chúng tôi được sinh ra, trong thành phố chúng tôi lớn lên, trên quê hương chúng tôi đã đổ máu gìn giữ.

Cuối cùng là cuộc lưu vong tự nguyện. Chúng tôi hân hoan rời bỏ địa ngục – quê nhà chúng tôi năm ấy – để bước vào một cuộc đời mới. Nơi đây, hình như chúng tôi có tất cả, chỉ thiếu tuổi trẻ  và những khát vọng đội đá vá trời đã từng sôi sục trong buồng ngực chúng tôi năm xưa, dù là trong những ngày tháng tù đày. Và thế là lại bắt đầu cho những ngày tháng dằn vặt mới. Chúng tôi chưa đủ già để chỉ sống với quá khứ và chờ ngày về với cát bụi, nhưng chúng tôi cũng không còn đủ trẻ để có thể hăm hở bước về phía trước mong khâu vá những đổ vỡ. Vở BI KỊCH THỜI ĐẠI  đang ở cao độ của xung đột kịch tính. Để diễn tả toàn bộ tính chất thời đại của vở kịch bi tráng này, đã có nhiều người – ngoài cuộc cũng như trong cuộc – sử dụng nhiều phương tiện văn học nghệ thuật khác nhau như văn, thơ, hồi ký, biên khảo, âm nhạc. Trong số này, âm nhạc – do khả năng truyền đạt rộng rãi và dễ dàng – đã được chú ý nhất, tuy số tác phẩm không nhiều.

2.

. . . Và tôi có trong tay, tập CHIẾN MÃ CA  của Trần Lê Việt, gồm 15 bài hát mà Tác giả muốn được gọi là những tình khúc, theo cái nghĩa không thông thường và nguyên thủy của tên gọi – nỗi lòng của con người được diễn đạt bằng sự hòa hợp của âm thanh và ngôn ngữ. 15 Tình khúc này được thai nghén, sinh đẻ và nuôi dưỡng trong suốt chiều dài hơn  một phần tư thế kỷ của cơn lốc lịch sử – bị cuốn trong cơn lốc ấy là tác giả và bạn bè – với khoảng không gian cũng rộng không kém – từ miền đất lưu đày quê nhà đến lưu vong quê hương của người – Là người trong cuộc – trong thời buổi điêu linh ấy ai mà không phải là người trong cuộc – Trần Lê Việt đã nói lên, cho chính mình và cho bạn bè, những nỗi lòng bi thiết nhất về quê hương, về thân phận, về tình yêu và về bè bạn.

Ngày còn lê đôi chân trần trên những con đường lưu đầy của rừng già Việt Bắc, của đồi núi Trung du chập chùng, của mùa đông Hoàng Liên Sơn lạnh cắt da tím mặt, của mùa hè Tam Đảo nóng cháy cả lỗ chân lông, đã có lúc chúng tôi, để giữ cho đôi chân được đứng vững, từng nhủ lòng:

Ta sẽ về, ngất ngưởng trong tiếng ca vang,

Dù thời gian làm héo khô thân gầy

Dù có sóng táp mưa bay

Dù có nước mắt đong đầy

Thành phố ơi, miền đất Hứa!

Ta sẽ về ôm trọn thành phố trong tay

Nhìn hàng me xưa, già cỗi trong mong chờ

Được bước giữa phố thênh thang

Thảnh thót tiếng hát giáo đường

Dù phải thở hơi cuối cùng

(Thành phố lá me bay – Nhạc và Lời: Trần Lê Việt)

[(Bấm vào đây để nghe  Thành phố lá me bay ]

Để rồi, khi ngày ấy đến, chúng tôi quay trở về căn nhà xưa, về thành phố xưa, thì kỷ niệm xưa đã theo với người xưa xuống tàu vượt biên tìm đất sống:

Khi ta về, nhìn Sài Gòn thật quen

Ngày đêm nào, ta chẳng thấy trong mơ.

Sài gòn ơi, sao nhìn ta xa lạ !

Bao năm rôi, đâu phải mới hôm qua .

(Sài Gòn ngày trở lại – Nhạc và Lời: Trần Lê Việt)

(Bấm vào đây để nghe  Sài Gòn ngày trở lại)

Từng ấy hệ lụy, trên bối cảnh có một không hai trong lịch sử hiện đại, tưởng phải tốn thật nhiều giấy mực mới có thể ghi lại trọn vẹn được. Vậy mà, chỉ qua vài nét chấm phá của âm thanh phối hợp cùng chữ nghĩa, chúng tôi – những người lính năm xưa mang cùng số phận nghiệt ngã như tác giả – hình như  đã thấy lại được chính mình  trong những bài hát ấy.

Có những bài, khi hát lên, quá khứ đau thương của chúng tôi từ nhiều năm về trước như sống lại. Vì chúng đã từng được cất lên trong những nhà tù khổng lồ từ Bắc vào Nam, trên những chuyến xe chuyển tù xếp cá hộp với từng cổ tay gầy giơ xương bị còng chung một cái còng số 8.

Biển kể rằng, có những đoàn người đi hôm nay

Biển kể rằng, có những đoàn người mất quê hương

Biển kể rằng, trên khuôn mặt đầy nét đau thương

Là những giọt nước mắt, thương một cuộc đời lưu vong

. . . . . .

Rừng kể rằng, có những đoàn người trên non cao

Rừng kể rằng, có những đoàn người đang xông pha

Rừng kể rằng, có những người ngã xuống hôm qua

Để cho cuộc sống đang vươn mình nẩy mầm xanh tươi

(Chuyện Biển Rừng –  Nhạc và Lời: Trần Lê Việt)

Năm tháng qua đi, kéo theo những con ngựa già trơ xương vì đói, vì lạnh, vì nhớ rừng xưa, mà ngày thoát cũi sổ lồng cứ xa ngút ngàn và mơ hồ như những câu chuyện cổ tích:

Vàng phai trên thanh gươm,

Người mái tóc điểm sương

Ngựa tung vó trong đêm trường trên quê hương sầu thương

Đường mây vỡ tan thang mộng trong cô đơn còn mơ

Sa trường . . .

. . . .

Bóng xô nghiêng hoàng hôn . . .

Bóng dõi bóng quê hương . . .

(Chiến Mã ca – Nhạc: Trần Lê Việt; Lời: Lê Xuân Nho)

(Bấm vào đây để nghe  Chiến Mã ca)

Có những bài hát về thân phận tuổi trẻ chúng tôi cùng những ước mơ tình yêu ngày mới lớn bị thui chột vì chiến tranh, vì tù đày. Hát lên mà trái tim già nua cứ rưng rưng những giọt lệ khô khốc:

Tháng Sáu tôi về,

Hàng so đũa đưa chân

Cửa trại giam không có linh hồn

Tháng Sáu tôi về

Trời mưa bay Xuân Lộc

Xác xơ bàn tay vẫy  bạn bè

Tháng Sáu tôi về

Bữa cơm chiều đã muộn

Sao vẫn nồng nàn hơi ấm năm xưa

Tháng Sáu tôi về

Cơn thèm khát bỗng dưng

Cơn mơ ngủ vùi trên cánh tay em

(Ngày tôi về – Trần Lê Việt phổ thơ Ngọc Phi)

(Bấm vào đây để nghe  Ngày tôi về)

Có những bài hát về nỗi cô đơn của chúng tôi những ngày lưu vong quê người, thèm được ngồi bên bạn bè để nhắc lại với nhau những câu chuyện kể đi kể lại hàng ngàn lần không biết chán:

Chiều buồn, ngồi bên ly rượu

Bên hiên nắng chiếu lung linh

Bóng ta dài theo bóng nắng

Và chỉ một bóng ta thôi

Cầm đàn tay hờ hững rơi

Âm thanh nghe quá khô khan

. . . .

Ta cất tiếng ca,

Giọng ca già như cổ thụ

Mơ tiếng vỗ tay,

Không còn một tiếng vỗ tay

Ly cũng thấy buồn

Thèm nghe tiếng thủy tinh reo

Ly bỗng cô đơn,

Ly đầy rồi ly lại vơi.

(Cô Đơn – Nhạc và Lời: Trần Lê Việt)

(Bấm vào đây để nghe  Cô Đơn)

Chúng tôi gậm nhấm những vết thương chưa thành sẹo ấy trong cân não mình qua âm vang những bài hát của quá khứ, của hiện tại, để tự nhủ lòng rằng trái tim già nua này đây chưa hẳn đã nguội lạnh, vì nó vẫn còn biết đau đớn, biết khao khát, biết nói lời yêu thương với cuộc đời .

Trong ý nghĩa đó, CHIẾN MÃ CA  là chứng từ  sống về một thời đại nhiễu nhương, là kinh cầu hồn cho một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam tội nghiệp, một thế hệ “tha hương ở ngay trái tim buồn quê hương” (Lê Xuân Nho), một thế hệ ý thức rõ ràng rằng “thời gian qua đi, riêng tôi ngừng lại” (Vũ Cao Hiến).

Vì đó là một thời bi tráng.

3.

. . . Sông Mê. Bến đò Ô Lâu. Chiều ảm đạm núi rừng Yên Bái. Đoàn tù khổ sai cứ 50 người một bước chân xuống phà. Rồi lại cứ 50 người một bước lên toa xe lửa. Những khoang toa nặng mùi phân súc vật và ngai ngái rơm khô. Chuyến xe lửa biến mất trong bóng đêm và rừng rậm. Mùa xuân tu hú kêu từng chập / Đợi chuyến tù đi Hoàng Liên Sơn (thơ Ngọc Phi). Rất nhiều năm về sau, nhiều người tù khổ sai năm ấy, đã từ cõi chết trở về và hồi sinh. Hiển nhiên, cũng không ít người ở lại vĩnh viễn.

Đó là bức Thông Điệp của quá khứ gởi đến cho hiện tại và tương lai. Trong tận cùng Nỗi Chết, luôn luôn chứa sẵn mầm mống của Sự Sống. Trong tận cùng của Khổ Đau, luôn có mặt bóng dáng của Hạnh Phúc. (Hồi Sinh – T.Vấn)

4.

Là một trong những người từ cõi chết trở về, tôi xin được chuyển đến những người cũng đã từ cõi chết trở về hiện đang có mặt ở thành phố Dallas cho cuộc hội ngộ đánh dấu cuộc hồi sinh bức Thông Điệp ấy của quá khứ. Tất cả những người được nhắc tên trong bài viết này, các tác giả của Thơ, Họa, Nhạc  đều là những người đã từ cõi chết trở về và đã hồi sinh. Ngoại trừ Vũ Cao Hiến thoát khỏi khu rừng già Yên Bái để rồi bỏ mình trên biển cả, hoàn tất vế thứ hai trong tâm niệm trọn đời anh: Tự Do hay là Chết.

Cám ơn Trần Lê Việt đã cho tôi mượn những tác phẩm của anh chỉ để nói về một quãng đời không thể quên được bao lâu chúng ta còn làm người.

Vì chúng ta, đã sống qua một thời bi tráng.

_________________________________________________

© T.Vấn 2008

Bài Mới Nhất
Search