T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Khai bút…

DOI_DOI_2(2)

Đổi Đời – Tranh : Trần Thanh Châu

“…Giờ thì đã có thể coi như cuộc đời tôi không đi lính ngày nào, vì tôi lớn lên sau năm 1975. Nhưng cha tôi là lính. Lúc tôi còn rất nhỏ. Mẹ tôi với tôi, thêm đứa em gái nữa, chúng tôi sống với ông bà nội vì cha tôi đi lính nên ít về nhà. Nhưng thỉnh thoảng thấy bạn bè của cha tôi cùng về nhà nội với cha. Thường thì mẹ tôi rất bận rộn chuyện nấu nướng để phục vụ cho bàn nhậu của cha tôi với các bạn lính của ông.

Riêng tôi rất thích những dịp gia đình đông vui đó. Nhất là được chơi với các chú, bác bạn của cha. Bao giờ tôi cũng học hỏi được một trò hay, hay một mẹo nhỏ gì đó từ những người… trông hơi dữ, nhưng khi tiếp xúc mới biết các chú, bác đều hiền, rất vui tính, và…quỷ quyệt.

Đương nhiên tôi thích sự quỷ quyệt đó vì tôi là con trai. Tôi học được trò vui nào thì ngay hôm sau vào lớp là làm thử ngay. Lần tôi nhớ nhất là tôi đã canh me thật kỹ, đúng thật đúng thời cơ… thì phải can đảm và nhanh tay vì thời cơ không trở lại bao giờ! Hành động phải dứt khoát, nhanh. Về mặt tâm lý phải chuẩn bị trước để không lộ ra bất cứ sợ hãi nào cho người khác bắt mạch và truy tội mình… Những lời giáo huấn của chú Tường, (là lính truyền tin chung đơn vị với cha tôi). Tôi nhớ rành mạch hơn cả bài học thuộc lòng sau mấy đêm thao thức tới ngủ gục.

Thế là vào trường, tôi lợi dụng sáng thứ Hai, toàn trường phải ra sân chào cờ. Đúng khoảnh khắc hỗn loạn nhất, nhưng thuận lợi nhất là khi các thầy cô giáo phải sắp xếp lớp mình cho ngay hàng thẳng lối, và bắt học trò im lặng! Tôi thình lình nắm tay thằng bạn ưa đánh tôi nhất… vỗ vào mông cô giáo lớp bên cạnh – đang quát học sinh lớp cô ấy phải im lặng…!

Quan trọng nhất là khi cô giáo đó hoảng hồn quay ngoắt lại! Nó thì đỏ mặt, lóng ngóng… như thằng ăn trộm bị bắt quả tang; cô giáo đỏ mặt rồi chuyển qua tím, qua xanh gì đó… Tôi không thấy gì hết vì tôi đang đứng nghiêm như một học sinh gương mẫu và im lặng nhất trường, mặt tôi lúc ấy thánh thiện nhất (ít nhất là tôi nghĩ như thế)! Nên ai dám nghi ngờ gì tôi chứ! Và rất hiệu nghiệm với gương mặt tỉnh bơ, lại nhận lên đó đôi mắt trong sáng để chuẩn bị hát quốc ca…

Cô giáo lớp bên cạnh chẳng nghe lời phân bua nào của thằng bạn (bị bán đứng). Lôi thốc nó đến trước mặt cô giáo lớp tôi – nói một hơi giận dữ về hành vi của nó. Cô giáo tôi mím môi tức giận, lôi cổ nó vô lớp, quất không nương tay với cây thước kẻ…

Dĩ nhiên là trí khôn của tôi khi ấy chưa lường được hậu quả. Hay tại chú Tường say sớm nên quên dạy tôi cách đối phó với hậu quả – là tan trường ra về, nó dần cho tôi một trận còn tan nát hơn cô giáo dần nó.

Nhưng đã tới hôm nay thì sẽ tới hết đời tôi không quên gương mặt thằng bạn lúc ấy… đúng là đực mặt ra, muốn chối chối không được vì cứng họng – nên càng tức với bao nhiêu ánh mắt khinh bỉ của bạn bè nhìn nó; lại ăn thêm trận đòn oan thì dư hận để nó có thể giết tôi.

Nghĩ lại, nó dần tôi một trận bầm mắt, tím môi là còn nhẹ. Cho dù lớn lên mới hiểu trò ném đá dấu tay là bẩn thỉu, không bao giờ chơi trò ấy nữa! Nhưng vẫn không thể nín cười khi bất chợt nhớ những ngày xưa. -Nhất là sau biến cố tháng 4 năm 1975. Thỉnh thoảng cha tôi mới có một, hai, (thường là chỉ một) người bạn lính ngày xưa ghé thăm. Suốt bữa nhậu hai người (ba người) không nghe gì ngoài chuyện “ngày xưa tụi mình” của cha tôi và chú, bác… Khi gặp lại nhau trong hoàn cảnh nào (vì có khi, có người đang hoạn nạn, bệnh tật, hay gặp chuyện không may… thì cũng chỉ vài câu thăm hỏi, chia buồn với nhau, rất ngắn gọn. Còn lại là nhắc nhớ bạn bè, ôn lại những trận đánh đã cùng nhau chiến đấu; những gian khổ, nan nguy được kể lại trong tiếng cười ngạo nghễ là đặc trưng của lính trong ký ức tôi…

Rồi tôi đã có gia đình, dư lớn để ngồi chung bàn bia với cha và chú, bác, là bạn lính cũ của cha khi bất chợt chú, bác ghé nhà thăm cha tôi. Một tình cảm khác hẳn tình láng giềng, tình chung xóm, chung cơ quan. Tình thương giữa họ nghe ngọt trong xưng hô “mày-tao” – bất kể tuổi đời đã là ông nội, ông ngoại. Và ,“Thằng”. Thằng nào cũng thằng. Nhưng thằng-bạn-lính khác các thằng khác. Thằng chết rồi thì anh em còn ngồi chung chiếu nhậu ngậm ngùi tưởng nhớ. Dù vẫn… chửi thề tơi bời hoa lá về một việc gì đó thiếu thông minh của người quá cố khi còn tại ngũ! Thằng đang bệnh hoạn thì chung nhau chút tiền gởi cho nó thuốc thang, (không ai quan tâm là tao góp bao nhiêu, mày bao bao nhiêu…) chỉ biết thằng đang bệnh hoạn sẽ đỡ khổ, vui mừng với những thằng-bạn-lính không quên nó!

Song vợ tôi là con một nên chúng tôi sống nhiều bên nhà vợ hơn. Cha vợ tôi cũng lính, nhưng cấp bậc thuộc hàng sĩ quan thì sao chứ! Cũng “mày-tao” và tất cả là “thằng” trong những bạn lính mà ông còn gặp. Cha vợ và các bạn lính ở hàng sĩ quan của ông cũng không khác cha tôi và bạn lính ở hàng hạ sĩ quan. Việc tôi được ăn ké ông già vợ đi định cư nước ngoài qua chương trình H.O như một ngoại lệ của lính.

Đời sống mới với gia đình có cha mẹ vợ ở chung. Vợ chồng con cái tôi không gặp khó khăn hay trở ngại gì. Thậm chí thuận lợi hơn nhiều gia đình trẻ như vợ chồng tôi vì chúng tôi được đi chơi khuya – có bà ngoại coi cháu. Tôi được ngủ thêm vì có ông ngoại đưa cháu đi học giùm. Tôi được ăn rau, trái hái từ vườn nhà do ba má vợ trồng. Con cái tôi nói tiếng Việt giỏi vì trò chuyện hàng ngày với ông bà ngoại… Và cũng những bữa nhậu của lính tại nhà. Ban đầu mới tới còn hỏi thăm nhau về sức khoẻ; khuyên nhau phải giữ gìn, kiêng cữ nọ kia… Nhưng đã khui lóc bóc một hồi thì ai cũng bất cần thân thể nữa. Những hôm làm tiểu nhị cho chú bác ấy. Tôi nghĩ ngày xưa chú bác nhậu bất cần thân thể sau một chuyến hành quân vì cuộc hành quân tiếp theo đâu biết ai còn ai mất với bom đạn vô tình. Thì bây giờ chú bác cũng đang sống với sinh lão bệnh tử mà ai cũng đang ở ngưỡng thứ ba thì cũng đâu biết ngày mai ai còn ai mất… máu dân trong người lính vì cuộc sống đổi thay là loại máu lưu vong buồn chán khi họ đã mang trong mình máu lính chánh tông. Thôi. Can ngăn làm chi, cùng lắm chú này bác nọ ngủ sofa nhà mình một bữa để vui nhiều ngày cô đơn sau đó trong tuổi già mong gặp chiến hữu là điều con cháu nên mắt nhắm mắt mở với cha chú là đúng hơn…

Tôi còn nhớ một chuyện trong gia đình, là mỗi lần các chú bác và cha vợ tôi gọi nhau cháy phone để chuẩn bị quân phục, quân kỳ cho buổi lễ kỷ niệm những ngày lễ lộc trong năm. Cha vợ tôi bận mấy cũng đánh bóng hai đôi giày, một cho cha và một cho bác Thanh. Tôi thật sự nghĩ trong lòng, cha vợ tôi là thuộc cấp của bác Thanh xưa kia. Bây giờ bác Thanh không có quyền bắt ông đánh giày cho bác nữa. Nhưng chút tình quân ngũ còn đọng trong lòng cha vợ… kể cũng hay!

Ai mà ngờ hôm bác Thanh mất, cha vợ tôi khóc lóc bên quan tài, “…Thanh ơi! Tao phạt mày bao nhiêu lần về tội đôi giày không bóng thì tao đánh giày lại cho mày còn chưa đủ… sao mày bỏ anh em…”

Tôi rất xúc động với sự vỡ lẽ của mình. Thì ra cha vợ tôi mới là thượng cấp của bác Thanh. Nhưng ông sợ mất mặt binh chủng mỗi lần ra quân thượng kỳ kỷ niệm Ngày Quân Lực hay Quốc hận… nên nai lưng đánh giày cho bác Thanh lè phè nổi tiếng.

Tôi chỉ buồn một sáng năm xưa, hôm đó cuối tuần nên ở nhà đông đủ. Cha vợ tôi sau ly cà phê sáng – đến ly trà là xong tờ báo. Giấc đợi mẹ vợ và vợ tôi chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà, ông thường khề khà kể chuyện đời lính của ông cho con cháu nghe. Gặp hôm thằng con trai tôi phải gió. Nó lớn tiếng với ông ngoại, “…Ông ngoại không có chuyện gì khác để kể hay sao? Con thuộc lòng chuyện của ông ngoi rồi! Con biết luôn chuyện sáng nay ông ngoại kể thiếu hết mấy chi tiết so với tuần trước… Ông ngoại đi ngủ thêm đi!”

Tối đó cha vợ tôi ngồi một mình ngoài sân sau nhà. Trên tay ông ly trà đã cạn khô từ bao giờ… Con người nghiêm túc giờ giấc của ông đã chết. Ông ngồi như gỗ mục tới quá giờ ông thường đi ngủ. Tôi rót hai ly vang ra sân – mời cha một ly. Hôm đó, cha vợ tôi chỉ nói một câu với tôi trong suốt bui tối, “phiền anh vô nhà lấy chai rượu dở ra đây…” Nhưng đó là hôm ông nói chuyện với tôi nhiều nhất qua chất nước thánh của đàn ông. Hai cha con không biết cưa hết mấy chai vang trong im lặng nhìn sao trời mà mỗi vì mang một kỳ bí riêng tư… Chỉ biết là từ đó, cha vợ tôi không nói gì nữa về đời quân ngũ, chuyện quân ngũ của ông. Dù tôi đã lột da thằng con út tôi một trận sau đó, nó đã ân hận và xin lỗi ông ngoại. Nhưng người lính ấy đã qua đời trong trận chiến với thời gian. Sự im lặng của cha vợ làm tôi ưu tư tới ngày ông mất lâm sàng – vài năm sau đó.

Giờ thì cha ruột, cha vợ tôi đều đã hoàn thành vai trò người trai thời đại các ông. Nhưng ngày Memorial Day, tiếp đến D. Day, và Ngày Quân Lực VNCH vẫn về hàng năm, làm cho những thế hệ con cháu trên địa cầu đều tưởng nhớ đến những người lính với sự dũng cảm chiến đấu và những hy sinh mất mát của họ. Những hình ảnh về họ vượt thời gian khi con người đời sau còn chút lương tri nguyên thủy của loài người…”

Dù hôm nay, mới ngày đầu năm tây 2014. Chưa đến những ngày lễ trọng về người lính trên toàn cầu. Tôi chỉ dọn dẹp lại bàn viết – trong phòng sách – như lời hứa với hiền thê, “…Xin cho anh đến nghỉ lễ cuối năm. Anh sẽ dọn đẹp mắt lại thư phòng như lần đầu em sắp xếp cho anh…” Nhưng nghỉ lễ từ trước Noel, tới sáng mai đã đi làm lại thì nay mới dọn dẹp vì còn mê vui, ham chơi lễ lộc… Chỉ là trang báo cũ trong đống tạp nham như giấy vụn nơi góc bàn viết, tôi lướt mắt qua xem cái gì bỏ; cái gì cần giữ lại thì sắp xếp ngay ngắn… để đổi lấy bữa cơm chiều có món đưa cay. Ai dè trang báo cũ mà tôi đã xé từ đâu, bao giờ… không biết. Sự tồn tại của nó trên bàn viết của tôi chỉ vì những con chữ vô tri, vô nghĩa,… nhưng khi, gặp người biết sắp xếp, chắp nối chúng lại thì không bỏ được. Đó là cuộc viếng thăm hi hữu trong đời thường, nhưng tất yếu, là sợi dây ràng buộc của những người lính. Xin chép lại đây để mở ra suy tư về sau,

“…Cha tôi, tên Angelo, đang nằm trong bệnh viện ở Tacoma, Washington. Ông là cựu Thủy Quân Lục Chiến và là chiến binh thời chiến tranh Triều Tiên, hiện phải qua cuộc giải phẫu xương đầu gối lần thứ ba.

Cuộc giải phẫu dài và đau đớn càng trở nên tồi tệ hơn khi cha phải chịu đựng nó một mình. Không có ai bên cạnh cầm lấy bàn tay cha, không có những tiếng nói thân yêu an ủi, khích lệ. Mẹ thì đau ốm, không thể theo ông vào bệnh viện, thậm chí cũng không thể đến thăm ông trong thời gian phải chịu đựng cuộc giải phẫu. Các chị và anh tôi thì ở tận California, còn tôi càng ở xa hơn nữa, trên vùng Indiana. Không có ai lái xe đưa cha đến bệnh viện, ông phải gọi xe taxi chở đi. Ý nghĩ phải để cha ở một mình trong nhà thương khiến tôi bứt rứt, khổ sở. Nhưng ở tận nơi xa xôi này tôi còn có thể làm gì được?

Tôi nhấc máy lên và gọi cho tổng đài của cơ sở huấn luyện Thủy Quân Lục Chiến tại Puyallup -nơi tôi từng có mặt cách đây 10 năm. Tôi hy vọng là có thể nói chuyện với những người lính ở đây để một người trong số họ có thể đến thăm cha tôi ở bệnh viện.

Tôi quay số. Một người trả lời tôi với giọng nói đầy tự tin.Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, trung sĩ Van-es đây. Tôi có thể giúp gì ạ? Cảm thấy vững bụng, tôi trả lời, Thưa trung sĩ Van-es, có thể ông thấy lời yêu cầu này hơi khác thường một chút, nhưng đây là điều tôi muốn nhờ cậy. Và tôi nói cho ông ấy biết về tôi và cha tôi, cũng là một cựu binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến và tàn phế hoàn toàn sau chiến tranh Triều Tiên. Tôi cho biết cha tôi hiện nằm trong bệnh viện một mình, không ai tới lui thăm viếng. Rồi tôi ngỏ lời xin trung sĩ Van-es chịu khó đến thăm cha tôi.

Không ngần ngại, ông trung sĩ nói ngay, “Được lắm chứ,”

Tôi lại hỏi: Nếu tôi gởi hoa đến trung tâm huấn luyện, thì xin ông vui lòng chuyển cho cha tôi nhé.

Thưa cô, tôi rất lấy làm vui sướng được đem hoa trao lại cho cha cô. Tôi sẽ cho cô địa chỉ của tôi. Chắc chắn cha cô sẽ nhận được hoa.

Sáng hôm sau, tôi mua hoa gởi đến địa chỉ của trung sĩ Van-es như đã dự tính. Tôi đi làm và chiều đến khi về nhà tôi gọi điện cho cha hỏi về việc người khách lạ đến thăm.

Ồ, nếu có bao giờ bạn được nói chuyện với một đứa bé khi nó vừa mới gặp Santa Claus, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui sướng tột độ trong giọng nói của cha tôi qua điện thoại. Cha vừa thức giấc thì thấy hai người lính Thủy Quân Lục Chiến trong đồng phục màu xanh đứng ở chân giường,… Cha kể cho tôi nghe với giọng điệu phấn khởi. Cha cứ nghĩ là mình đã chết và đã lên tới thiên đường. Nhưng họ có thực và đang đứng đó!

Tôi bật cười thành tiếng, một phần vì thấy cha vui, phần khác cha đã quên bệnh tật của mình. Cha cảm thấy rất vinh hạnh: Hai người lính Thủy Quân Lục Chiến cha chưa bao giờ gặp lại cất công đến thăm một cựu Thủy Quân Lục Chiến như cha. Cha cứ kể đi kể lại hai người lính trông mới hùng dũng làm sao, và các y tá trong bệnh viện cứ nghĩ rằng cha phải là nhân vật quan trọng lắm. Nhưng làm sao con lại thực hiện được điều này?

Dễ thôi cha. Tất cả chúng ta đều là Thủy Quân Lục Chiến mà cha, ngày xưa cũng như bây giờ. Và đây là sợi dây ràng buộc.

Sau khi chấm dứt cuộc nói chuyện với cha, tôi quay số gọi trung sĩ Van-es để cám ơn ông đã viếng thăm cha tôi. Hơn nữa, để cám ơn ông về cái cách thức đặc biệt ông đã thực hiện: mặc đồng phục màu xanh truyền thống, mời thêm một bạn Thủy Quân Lục Chiến cùng đi -lại còn mang theo camera. Ông đã ghi lại hình ảnh của cuộc viếng thăm -hai người lính TQLC trong đồng phục truyền thống đứng cạnh giường cha tôi. Tối hôm ấy, ông email tất cả cho tôi, để tôi thấy cha tôi không cô đơn và rồi ông sẽ khỏe mạnh trở lại.

Còn về bó hoa, với những màu rực rỡ, đã giúp tôi nói lên ý tình của mình đối với cha. Tấm thiệp ghi như sau: Những bông hồng màu vàng, đỏ thắm, hồng phấn và trắng xanh này… sẽ nói với cha về lòng yêu và nỗi nhớ cũng như lời cầu nguyện của con cho cha được an lành. (theo Tré M. Barron)”

Tôi đã dọn dẹp xong phòng sách. Không ngồi nán để tận hưởng sự sạch sẽ bụi bặm của bàn viết, mọi thứ ngăn nắp. Nhưng tôi không rời được trang báo cũ với bao suy tư… Ngày xưa của cha chú chúng tôi – muôn đời của người lính từ cổ đại tới mai sau. Ngày xưa người lính thuyên chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác; họ đi khắp bốn vùng chiến thuật… Thì giờ đây, con cháu đi xa hơn cha chú; chúng tôi đổi hãng xoành xoạch hơn cha chú đổi đơn vị ngày xưa… Sao ngày đầu năm thiêng liêng của đất trời bao la nước Mỹ, không có tình thân nào đủ mãnh liệt đến tôi phải ra khỏi nhà để đi thăm viếng đồng nghiệp nào cả. Tôi cô đơn khổ sở hơn nhiều sự ở nhà một mình để dọn dẹp. -Là do cái khác của cuộc chiến ý thức hệ là đổ máu so với cuộc chiến không tiếng súng là quyền lợi. Cha vợ bạn tôi phạt người thuộc cấp không chỉnh tề quân phục; nhưng trong lòng ông là người bạn lôi thôi do cá tính trời ban cho bác Thanh – là chuyện của bác Thanh. Còn cha vợ bạn tôi thương bác ở tình đồng đội – sống chết có nhau.

Một điều khác nữa mà tôi cảm nhận được từ trang báo cũ là chúng tôi đi làm một mắt – một mắt dòm ngó những hãng khác trả lương cao hơn cho cùng một việc. Khi chúng tôi đổi hãng xong thì để mắt tới những người làm chung… sao anh kia chậm chạp hơn mình, anh nọ lười thấy rõ… mà không bị đuổi việc; thậm chí lương hai người đó bao nhiêu mà thấy họ phong lưu hơn mình… Lại còn bà xẩm bán tương hột – múc chậm còn đếm từng hột đậu tương sợ lỗ vốn công ty kia nữa…câu giờ không biết mắc cỡ! Suy ra, mình là người thiệt thòi nhất nơi đây.

Thế là chúng tôi bước vào cuộc chạy đua quyền lợi sẽ diễn ra âm thầm hay quyết liệt để giành quyền lợi. Nếu lỡ thất bại thì đi xin việc hãng khác… Suy ra cuộc đời không gian nan, sinh mạng không nguy hiểm, thì người ta chẳng có gì để ràng buộc với nhau. Cuộc chiến tranh quyền lực ở level cao hơn còn tàn nhẫn hơn cuộc chiến quyền lợi. Biến con người trở mặt với nhau như chính trị gia. Nhưng lại là niềm an ủi cho giới mới chỉ tranh giành quyền lợi là mình còn thuốc chữa.

… Không lẽ ngồi nhớ lại chuyện kể của một người bạn về ông già ruột và ông già vợ cùng là lính, ngồi đọc trang báo cũ ưu tư… mà thành trang khai bút đầu năm, thì buồn thật cho lớp người đi chiến đấu không mang súng! Chỉ mang theo lòng tham u minh…

Phan

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search