T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trangđài Glassey-Trầnguyễn – Tết cuối

clip_image001
Hình: Internet

(Nguồn: Diendantheky.net)

Năm đó, Tết trễ.

Mồng một Tết ngay đầu tháng Ba.

Tôi vừa đúng tuổi trăng rằm.

Mấy tuần trước Tết, tôi không thấy nôn nao như mọi năm, dù năm đó, tôi được Mẹ may cho một bộ áo dài trắng mới. Niềm mơ ước của nữ sinh trung học thời bo bo. Biết đâu, đây là lần cuối tôi được may áo dài. Mẹ thuê một cô gần nhà thêu máy những chiếc lá nhỏ lên thân áo. Dạo đó, áo dài thêu máy rất thịnh.

Mồng Hai Tết, Mẹ và anh chị em tôi sẽ lên máy bay, đi đoàn tụ với Ba. Vì trại cải tạo, tôi chào đời không cha. Vì trại cải tạo, vì những chính sách quản thúc tại gia, Ba tôi đi vượt biên khi mới ra trại cải tạo ít tháng. Tôi lớn lên mười tám năm không cha. Ít ngày nữa, tôi sẽ gặp Ba, nhưng sẽ xa nhà, xa xứ.

Cả nhà không ai có tinh thần ăn Tết. Năm nào Mẹ cũng để dành tiền mua nhiều hoa chưng Tết. Trừ năm nay.

Ngày nào, người quen cũng ghé thăm từ sáng đến tối. Bạn bè của mỗi đứa. Bạn bè của Mẹ, của Ba. Ai cũng chúc mừng. Trong lời chúc thân tình, có xen nỗi ước ao.

Ông hàng xóm khó tính mời chúng tôi ăn trưa hai ngày trước khi chúng tôi rời quê để lên Sàigòn để dưỡng sức một ngày trước khi bay. Mẹ từ chối mãi không được. Mấy chị em không chịu đi. Mẹ phải năn nỉ, nạt nộ, rồi lùa bầy con qua hàng xóm. Ông đãi thịt gà tây nhún giấm. Tôi ăn vào. Mùi giấm nồng nặc trong khướu giác. Lưỡi chua chát vị ly hương.

Một vài cô bạn thân ghé nhà để tạm biệt tôi. Tôi không khóc. Chỉ cười cười. Như thể không hiểu được, ít ngày nữa mình lên máy bay, trời đất sẽ đổi dời.

Tôi nhóm lửa sau bếp. Cái bếp đất như cái bình bông, phía trước có cái miệng cười và lỗ mũi trẹt, với đầu ba chỏm. Tôi đã nhiều lần nấu cơm trên bếp này bằng củi bị mưa dột ướt, bằng mạt cưa bị người ta lén trộn những thứ khác để kiếm thêm lời, hay bằng những cành chà quơ được sau nhà vào mùa khô.

Tôi nhóm lửa bằng chính những bức thư bạn bè gởi cho. Mấy năm sau khi đến Mỹ, tôi xót xa nhất là những bức thơ. Không hiểu sao lúc chuẩn bị đi xuất cảnh lại dại như vậy. Tôi chưa bao giờ đi đâu. Sau 1975, chính quyền cấm người dân di chuyển, phương tiện đi lại cũng không có. Đây là lần đầu tiên tôi được đi xa.

Không biết đem gì, cho gì. Thơ của bạn bè, không biết lên máy bay người ta có kiểm duyệt, có cho cầm đi không. Không muốn thơ bị tịch thu và bị đọc, không muốn tình cảm bạn bè của chúng tôi bị tọc mạch. Tôi đốt. Những tình cảm học trò và những nét chữ đầy thương yêu. Toàn thơ bạn gái. Tôi kín đáo, không nói chuyện với con trai. Không biết yêu, và cũng không dám yêu. Mẹ lúc nào cũng dặn, cả nhà sẽ đi gặp Ba. Không nên có quan hệ tình cảm, khi xa sẽ khổ.

Tôi soạn áo quần của mình. Mấy cái áo đã thâm kim, thơm mùi nắng của mấy ngày trước, tôi giặt, phơi trong nắng hanh cuối năm. Quần đen vài cái. Cũng không được đem theo. Bên Mỹ, ai mà mặc quần đen! Hai bộ đồ bộ giữ kỹ để ‘làm của’ trước giờ, cũng để lại. Không biết cho ai đây?

Thương ghê đám sách vở. Mới hồi nào nâng niu từng cuốn. Những cuốn tập của nửa năm học sau luôn chịu phận hẩm hiu hơn, không được mặc áo đẹp. Tôi thường kiếm giấy lịch người ta bỏ để bọc. Mẹ là cô giáo, nên rất kỹ lưỡng chuyện sách vở, học hành của con. Mỗi mùa tựu trường, Mẹ đều dành dụm để mua giấy bông và giấy kiếng để mấy chị em bao sách, bao tập. Một tuần trước ngày tựu trường chị em chúng tôi đều đã quần áo, sách vở, cập táp chỉnh tề. Mẹ mua sách vở, bút mực cho mỗi đứa. Nhưng không bao giờ đủ. Thời đó, nhu yếu phẩm đã trở thành xa xí phẩm. Không khí để thở, tưởng là thứ vô tận, xem ra cũng thiếu thốn.

Tôi gom hết tập sách, ôm qua nhà Cậu Giáo. Cậu đông con, lại là nhà giáo, chắc con của cậu sẽ quý sách vở. Con cái của tôi sẽ có một mái ấm, thay vì bị người ta đem ra làm giấy vệ sinh, nhóm bếp, hay cân ký bán cho mấy bà mua ve chai.

Tôi trở về, thì thấy Mẹ đang lui cui soạn chén bát để đem cho. Cho hết. Cả cái dĩa lớn duy nhất để chưng trái cây cũng cho. Mọi năm, Mẹ dành dụm mua bánh mứt đủ ăn ba ngày Tết, và hoa chưng đầy nhà. Mẹ mua bao nhiêu cũng không đủ cho tụi tôi ăn uống thoả thuê. Ăn mà cứ thèm. Nên Tết ngon hoài tại vậy. Năm nay, quà Tết đầy nhà. Không ai rờ tới. Phải chi năm ngoái, có bánh mứt như vầy để ăn thì sướng chừng nào.

Tôi đạp xe lên Ngoại. Đường xá đông nghịt. Gió đông hơn người. Những chiếc xe đò kĩu kịt nụ cười. Cây cối bên đường xem chừng cũng hớn hở.Chúng chẳng nghĩ đến tôi.

Nhà Ngoại ở tuốt trong ruộng. Đạp xe tiếng rưỡi, đường nhựa láng nửa tiếng, đường đá đỏ ổ gà một tiếng. Rồi còn đi đường bờ con nửa tiếng mới tới, mà phải rành đường, biết đi đường tắt, và đi nhanh. Tuần trước, chị em tôi chở con Titi lên gởi gắm cho Ngoại. Chiều về, nó đòi theo, không được, khóc rấm rứt, rồi tru tréo khi tụi tôi ra tới ngoài bờ kinh. Hai chị em nuốt nước mắt mà đi. Như mình đem con đi bỏ, dù biết Ngoại rất thương và cần con chó. Tối đang ngủ, nghe tiếng cào cửa. Cả nhà hoảng hồn, bật dậy, chạy ra coi. Con Titi đã cắn đứt dây cột, tự kiếm đường về. Nó chỉ đi một lần, ngồi trong giỏ kín mít, sao tìm ra được giữa đêm khuya? Người ta nói, chó đánh hơi chủ rất giỏi. Gió chướng mạnh vậy, thổi không hết cái hơi của hai chị em tôi sao, mà con chó còn nghe được, để định hướng về?

Lần này, tôi không biết mình lên Ngoại để làm gì. Các anh chị và em gái đã đi chia tay bạn bè. Tôi ở nhà một mình. Nhớ Ngoại. Chạy lên.

Bà Ngoại đang làm bánh tét chuối. Không ai làm ngon hơn Ngoại. Mà không chỉ bánh tét. Ngoại nấu nhiều món không ai bì kịp. Tôi chỉ thích món này. Dân dã mà thanh tao. Một đòn bánh tét nhỏ vậy, mà gói cả đất trời thôn dã, hương vị tinh tuyền của nếp, dừa, chuối. Phảng phất khướu giác ngày thơ.

Ngoại nói, “Ngoại làm để tụi con ăn đi đường. Đem theo lên máy bay.” Tôi nghe mà không thấm. Ờ, thì ai đi đâu Ngoại cũng dắm dúi cái gì đi ăn dọc đường. Ngoại làm kỹ, bánh tét của Ngoại để ở ngoài một tuần lễ vẫn thơm phức, ngon hết xẩy, không bị thiu. Nếu đem theo được bánh tét của Ngoại một bên, thì tôi sẽ túm lấy cái ảo giác là Ngoại đang rất gần. Tôi sẽ không thấy mình xa nhà.

Tôi ra gò lượm lá chuối Ngoại đã trải ra phơi từ hồi sáng trên đám chà trâm bầu. Lá chuối chịu nắng, đã dai hơn, thơm tho, hơi dốt. Tôi đem lá vô, phụ Ngoại lấy tấm vải mùng để lau. Ngoại chia lá, rồi xếp lá theo đúng cách để sáng mai gói. Ngoại đi vo nếp.

Tôi ra sân sau, cầm cây chổi dừa, quét sân như mọi năm. Tết, con nít thích ở thành để chơi Tết, để ăn bánh mứt. Từ hồi có trí nhớ, tôi luôn xin về Ngoại mấy ngày trước Tết. Mấy ngày đó, chỉ có hai ông bà lủi thủi. Tôi phụ Ngoại dọn dẹp, chưng bông. Tôi quét sân. Đốt lá sau nhà. Khói bay lên, như những đoá hoa lặng lẽ, chưa nở đã tan loãng.

Tôi ra mả thăm Ông Bà Cố, Ông Bà Nội của Mẹ. Cả hai đều mồ côi, Bà được các Soeur nuôi, Ông được các Thầy Lasan dạy. Hai người gặp nhau ở Thành Nội. Cưới nhau, rồi cùng nhau đi vô Nam lập nghiệp. Ông Bà tới miệt này khai hoang. Đất rộng. Ông Bà khai khẩn được thì chia lại cho những người mới tới sau, để họ có chỗ ở trong lúc đầu bỡ ngỡ. Ông Bà Cố ăn ở có đức, nên con cháu đi đâu cũng được người ta niềm nở thăm hỏi. Ở đời, không gì tốt hơn là trồng cây đức.

Tôi không đem theo nhang, hay hoa. Tôi chỉ đứng nhìn kim tĩnh. Nhìn mộ chí của Ông Bà. Hai cái mả bên cạnh nhau, quét vôi trắng. Cành anh đào nở sớm, chập chờn tiễn đưa. Màu hoa tím hồng, từng búp hoa nõn nà. Mấy bữa trước, cả nhà đã về đây tảo mộ. Bây giờ, chỉ còn Ông Bà Cố nằm ngoài khu mộ gia đình. Và Ông Bà Ngoại đã trung niên ở trong nhà. Mồng Một Tết sẽ lại đông vui.

Tôi trở vô, thưa Ngoại rồi về. Ông Ngoại còn ngủ trưa sau khi đọc sách. Bà Ngoại dưới bếp một mình nạo dừa. Tôi đòi phụ, nhưng Ngoại biểu tôi về, chớ để tối. Gần 30 Tết, trời tối sớm. Tôi đi một mình, Ngoại lo.

Tôi về gần tới nhà thì đường đã lên đèn. Tôi đạp xe chầm chậm qua những căn nhà trong xóm. Cửa cái nhiều nhà vẫn mở, không giấu diếm những sinh hoạt gia đình bên trong. Nhà đang ăn tối. Có nhà đang chơi lô tô. Có nhà làm bánh mứt.

Về tới nhà, tôi thấy em gái đang xếp mấy cuốn album nhỏ vào balô. Mẹ mua cho mỗi đứa một cái balô nhỏ xíu. Biết ở Mỹ đang mùa lạnh, Mẹ đặt người ta đan cho mỗi người một cái áo nỉ dầy cui. Không có chỗ trong hành lý. Mẹ dặn mỗi đứa tự ôm trên tay. Tôi cầm balô của mình lên. Bắt đầu gói 18 năm cuộc đời và một quê hương thân yêu, trong đó, có cả những người tôi lưu luyến.

Tôi gói một cành trừ tịch, hai lọn bâng khuâng, ba ngọn gió chướng, bốn niềm thổn thức, năm cành chênh vênh. Càng gói, càng thấy vô ích. Gói gì cũng thiếu. Càng gói, càng thừa.

Tràng pháo Tết là niềm vui được gặp Ba còn nằm yên trong lòng. Nó sẽ được đốt khi chúng tôi đặt chân đến miền đất mới, nơi mà chúng tôi sẽ tập làm những đứa trẻ có cha, và tập biết hương vị của một đời sống có tương lai.

Tết cuối. Nó đi rồi. Tôi có níu kéo lắm, nó cũng chỉ hiện ra một cách đứt đoạn và mập mờ trong những giấc ngủ không lành suốt hai mươi năm xa xứ. Nó không chung thuỷ như con Titi, tự kiếm đường về gặp tôi.

Nó đi thật rồi. Tôi không bao giờ gặp lại nó nữa. Tôi đã chôn nó ngày tôi rời quê hương, ngày mà tôi ra đi và không biết khi nào sẽ trở về.

Bài Mới Nhất
Search