T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Thiệp hồng báo tin…

clip_image002

Tranh: Trần Thanh Châu

Lần đó, tôi nhận từ tay người phát thơ cái thiệp hồng báo tin mà không biết! Tôi chỉ nhận lệnh ông phát thơ đi xe đạp, “Này, cầm cái này về nhà cho bố mẹ mày. Đem về nhà ngay đi, mày đừng mê chơi rồi lại bỏ mất đấy…”

Tôi bực mình cái lão ăn lương Bưu điện mà lạm dụng trẻ em. Nhưng nói ra ông ấy cũng không hiểu đâu! Nếu là người hiểu biết thì đã không lặn lội từ bắc vô nam để làm nghề phát thơ bằng xe đạp. Tôi bỏ cuộc chơi đang đá banh nhựa ở lề đường với bạn bè. Cầm cái phong thơ trắng, dầy. Chạy về nhà giao cho cha mẹ tôi, hai người đang chuyện vãn với nhau buổi xế chiều.

Sẵn về nhà nên tôi làm một ca nước đá lạnh thật bự… vừa giải khát vừa nghe chuyện cha mẹ tôi trao đổi với nhau về cái phong thơ, và tôi hiểu được (lúc ấy) là người bạn gái của cha tôi từ thời ông còn trẻ, ở Hà nội. Nhưng sau đó, cha tôi cưới mẹ tôi, và cô ấy cũng đi lấy chồng, hết liên lạc. Nay cô ấy gả chồng cho con gái của cô nên gởi đến cha mẹ tôi tấm thiệp hồng báo tin – chứ không mời cha mẹ tôi đi dự đám cưới con gái của cô ấy.

Tôi thấy thật vô vị với một chuyện tào lao. Nhưng cha tôi có vẻ xúc động và sau đó là cả buổi chiều ông rất buồn! Tôi không hiểu nổi tiếng thở dài và ánh mắt nhìn về xa xăm của cha tôi nên đem chuyện ấy đi kể với cô bạn đang sinh hoạt hè với tôi ở câu lạc bộ sáng tác. Cô bạn khả ái của tôi đã cười vào mặt tôi! “Chuyện vậy cũng không biết! Làm như điều gì mới mẻ lắm không bằng! Giả sử như sau này anh lập gia đình. Không tiện mời em vì… không tiện; Hay em ở quá xa, anh không muốn làm phiền. Thì gởi thiệp hồng báo tin cho em biết là anh đã lập gia đình. Nhưng chuyện ấy thường là phái nữ hay làm. Còn phái nam thường không bận tâm đến!”

Tôi vẫn chưa chịu từ bỏ khối ngu ngự trị trong đầu óc mình nên hỏi vặn thêm, “Tôi thấy thật vô lý! Giả sử như trong lớp, trong trường, mỗi chúng ta có bao nhiêu là bạn. Rồi bạn bè làm chung trong nhà máy, sau khi chúng ta thôi học-đi làm. Đến đám cưới của ai đó trong chúng ta, nội việc gởi thiệp mời bạn bè đến dự đã thiếu người này, người khác, phải xin lỗi sau đó! Lại còn việc gởi thiệp hồng báo tin cho những người không thân đủ để mời họ đến dự đám cưới thì thật là vô nghĩa, mất thời giờ vô ích. Lại còn gởi thiệp hồng báo tin đám cưới của con mình, thì hết nói nổi những người dư thời gian…”

“Anh thật không hiểu gì hết!…” Cô ấy thở dài-như chửi tôi ngu-làm tôi ấm ức!

“Có gì đâu mà không hiểu? Chuyện rành rành về những người giết thời gian rảnh của mình bằng cách làm phiền người khác phải nhận, phải đọc… nhiều khi buồn lòng về tấm thiệp hồng báo tin mà không mời ăn cưới. Tôi thấy ý coi thường-không đáng mời, nhưng chọc tức chơi để trả thù một việc gì đó trong quá khứ có vẻ nhiều hơn là sợ làm phiền. Hay không đủ thân để mời, thì báo tin làm chi?”

Cô ấy đắn đo, “… Em hiểu khác anh! Em hiểu chuyện gởi thiệp hồng báo tin mà em đã nói là phái nữ thường làm chứ phái nam không quan tâm. Là người nữ ấy đã từng có quan hệ tình cảm với người nam-nhưng chuyện tình cảm của họ không đi đến hôn nhân với nhau được vì nhiều lý do. Nên dù đã chia tay, nhưng khi người nữ lập gia đình thì thường gởi thiệp hồng báo tin cho người nam để chứng tỏ với vị hôn phu của mình là cô ấy đã không buồn lòng nữa về chuyện tình cảm của cô với người bạn trai trước không thành; đó cũng là thông điệp báo cho người bạn trai đã chia tay với cô biết rằng chuyện tình cảm của hai người trước đây đã hoàn toàn không còn hy vọng gì nữa…

Riêng việc báo tin cưới vợ, gả chồng cho con thì phần lớn là không muốn làm phiền bạn bè ở xa nhưng không báo không được. Như chị lớn của em lấy chồng, cha mẹ em vẫn gởi thiệp hồng báo tin cho bạn bè của cha mẹ ở dưới tỉnh, hay người ngoài miền trung xa xôi để biết. Nhưng không mời vì hoàn cảnh người được mời không đi dự đám cưới con của bạn bè cũng buồn, cũng ngại, mà đi thì phương tiện, tài chánh, lại xa xôi, cũng khó cho người được mời…”

Tôi tạm chấp nhận thôi, chứ cũng chưa thật thấy thoả đáng với giải thích của cô bạn. Nhưng kể ra hồi nhỏ tôi rất phục con gái vì con trai mới biết điều gì con gái đã biết từ lâu. Đặc biệt cô bạn không cùng lớp, cùng trường này càng thông tuệ đến bất ngờ. Tôi phục cô sát đất vì tôi phải đi học phụ đạo môn văn vào dịp hè mà tôi nói láo bạn bè chung lớp là tôi đi sinh hoạt hè ở câu lạc bộ sáng tác cho mấy con ốc chung lớp nể mặt tôi chơi. Trong khi cô bạn không cùng lớp, cùng trường đây là người hướng dẫn cho tôi cách viết bài luận văn làm sao để được 5 điểm. Bởi tôi làm bài luận văn nào hồi nhỏ cũng chỉ được “cây gậy chống về Tàu”, là 1 điểm; điểm an ủi cho trang viết không quăn góc suy tư như nhiều nữ sĩ ốc trong lớp…

Thật ra tôi có nhớ được gì từ sự chỉ điểm của cô bạn mới đâu, chỉ là thích ngồi sát bên nhau để nghe cô ấy đọc, và phân tích sự ngu muội của mình trong từng câu, từng chữ được dùng… không thích hợp. Tôi không ngờ trên đời có cô gái tế nhị đến… không thích hợp với mình bằng đám ốc trong lớp tôi. Cô ấy rất dễ thương với sự bỗng siêng năng học hỏi của tôi với một học sinh giỏi văn là cô ấy. Dĩ nhiên tôi giấu kín trong lòng chuyện lòng tôi chỉ vì tôi thích gió, cứ bạt hương chanh từ mái tóc dài của cô ấy vào buồng phổi dại khờ của mình. Cứ mỗi lần ngộp thở vì thơm tho của hơi thở cận kề thì buồng tim còn trinh của tôi lại lên tiếng: đừng dễ tin con gái…

Rồi mùa hè qua đi. Tôi từ câu lạc bộ sáng tác trở về cái lớp đần độn môn văn của bầy ốc. Mấy con ốc chung lớp chẳng hỏi han gì về chuyện học hành. Chỉ điều tra xem, “mày đã uống nước mía với con nhỏ nào hôm hè? Hai đứa đi đâu mà cười ngả ngớn với nhau trên xe đạp… Nó ở đâu, học trường nào…?” Bị bọn ốc chất vấn tới cứng họng không tha, tôi mới biết mình nhớ hương chanh da diết. Mà thời xưa đâu có điện thư hay điện thoại gì đâu. Nỗi nhớ ngốc tử hoá thành văn, là công trình phụ đạo của học sinh giỏi văn mà thành một đoản văn “Hương chanh mùa cũ”.

Trời mẹ ơi! Mấy con ốc trong lớp tôi, là mấy con nhỏ làm luận văn không được tới cây gậy chống về Tàu, toàn bị thầy cho ăn hột vịt lộn, là zero điểm. Vô phúc cho tôi là chúng nó vớ được đoản tình sầu của tôi nên rêu rao không chán; cứ giờ ra chơi là chúng dùng ngay những câu chân tình của mình mà đùa nghịch với nhau. Tôi độn thổ không được. Xấu hổ tới muốn bỏ học để bảo vệ hương chanh mà bọn ốc xiên xỏ tới đau lòng này. Khơi khơi ốc gạo hỏi ốc leng, “Ê, hương chanh là mùi gì, tao không biết vậy ta?” Ốc leng trả lời ứa gan tôi, “Tao cũng không biết hương chanh thơm cỡ nào, nhưng tao tính cũng cỡ… thum thủm mùi hương như hương qua đèo!”

Trời ơi! Tôi biết đi đâu ngoài bụi chuối hoang sau lớp học. Đấm cho gục một thân chuối vô tội mới hả giận người đẹp của mình mà bọn ốc gọi là heo qua đường thì tức chết tôi đi. Nhưng làm gì được đám bạn gái; nếu là bạn trai thì nắm đấm đã giải quyết nhanh gọn.

Lòng riêng với hương chanh cứ canh cánh bên lòng theo thời gian, chỉ quên được khi đôi chân dẫn bóng trên sân. Ngưng đá banh là nhớ. Song thời cuộc đã thay đổi-làm cho từng số phận con người miền Nam thay đổi; nhất là qua tuổi hồn nhiên. Tôi lớn lên với những người khốn khổ của cuộc đổi đời thì hương chanh vẫn êm đềm lan toả trên xích đu nhà nàng. Căn biệt thự với bốn bức tường cao và cánh cổng sắt im lìm. Những lần tôi ghé thăm, vẫn là bà vú xưa bưng ra xích đu hai ly nước chanh, nước cam-theo mùa. Trong khi tôi đang sống với nước lu, vàng khè mái lá và lăng quăng chóng mặt dưới đáy lu. Đói nghèo như thế giới ngoài cánh cổng sắt này-không ăn nhập vào đời sống gia đình và cả hương chanh…

Cuộc sống của chúng tôi đã cách biệt quá xa. Nỗi nhớ chìm khuất theo dòng ngổn ngang của đời sống. Nhưng sương sớm thu tàn hay gió chướng một hôm lập đông làm bâng khuâng… tôi lại giở ra xem những món quà, không vì giá trị vật chất của nó mà là tôi nghĩ đến lúc người ngồi móc cái áo mặc lót cho tôi đã nghĩ gì, niềm thương nỗi nhớ ra sao đã hình thành nên cái áo lót không đẹp, nhưng sẽ luôn bên mình kẻ phong trần này, ấm lạnh có nhau; lại còn cái khăn tay gói mấy viên kẹo dừa- là món tôi hay có sẵn trong mình khi đi ngửi hương chanh; hay trang viết cho người phiêu bạt nhẹ nhàng như hơi thở-đã từng làm tôi rất hạnh phúc trong ngậm ngùi nhiều ngày sau đó. Những món quà cứ làm tôi trở lại căn nhà mà lòng tôi đã dứt khoát đi luôn.

Bao năm không lời tỏ tình, từ thơ dại tới đã qua thời sôi động nhất của đời người là tuổi trưởng thành. Có khi chúng tôi ngồi nói chuyện rất lâu về một tác phẩm, có phải là đã mở ra một trào lưu văn học mới? Câu hỏi đau đầu hai đứa như nhau, làm cho khoảng cách ngu dốt và trí tuệ xưa đã không còn mặc cảm trong tôi mà thay vào quan hệ là sự đồng cảm trước thời cuộc và thương cảm cho nhau. Có lần tôi nói đến hoài cảm, -một lúc nào đó trong đời tôi sẽ rất nhớ hương chanh… “Đó là linh cảm của người nhạy cảm thôi!” Cô ấy cứ khỏa lấp đi điềm gở mà tôi đã nói ra qua hai từ “hoài cảm”.

Lần đó chia tay, tôi đã gạt mớ sỏi trên bờ tường mà mỗi lần đến thăm tôi đều để lên một viên để biết lòng mình đã yếu mềm hơn lý trí bao nhiêu lần. Tuy không nhiều bằng mười ngón tay nên nhớ mãi vòng tay tiễn tôi đêm ấy…

Cho đến một hôm giáp tết tôi về nhà, thằng cháu đã chiếm cái giường của người chú bụi đời; Nó đề nghị tôi dẹp bỏ những kỷ vật học trò trong cái tủ con-là tài sản cá nhân của tôi vì nó cần cái tủ cá nhân cho nó. Tôi đồng ý, vì đã đi loanh quanh tới ngán luôn mình mà vẫn còn về nhà trong thời đại vượt biên thì quả là mình quá dở! Trong mớ bút tích tàn dư của thời hoa mộng, sao lại có cái phong thơ màu hồng và tên nàng hương chanh ở góc người gởi! Tôi hỏi thăm mới biết, chị dâu tôi nhận được nhưng tôi không có nhà nên chị bỏ vào cái tủ con của chú-để chú về chú biết! Nhưng khi chú về, thì chị quên! Tôi tính từ ngày gởi trên dấu bưu điện đã hơn năm, thiệp hồng báo tin của hương chanh đã bay mùi khổ lụy nhưng lòng tôi vẫn đau điếng như vừa mất đi báu vật của đời.

Đêm đó, tôi đốt tấm thiệp hồng báo tin ngoài bờ sông quê tôi, sau khi chơi hết một chai Nàng Hương mà tôi trộm trên bàn thờ cha tôi sắp tết. Tôi nhớ cha tôi rất buồn hôm tôi đưa cái thiệp hồng báo tin con gái của bạn gái của cha thành thân. Nỗi buồn hoài niệm sau lớp kính cận của cha tôi như sống động, sóng sánh, trong veo… làm cho Nàng Hương ngon tuyệt cú mèo một đêm giáp tết.

Tôi tưởng tấm thiệp hồng báo tin của hương chanh là tấm thiệp hồng duy nhất trong đời mình nhận được. Vì công việc, gia đình và trách nhiệm thường chiếm hết thời gian của người đàn ông-là người con trai sau khi đã lập gia đình. Nếu có một thoáng nhớ bất chợt nào đó trong đời cũng cố ém xuống tận cùng sâu thẳm của lòng già để hoàn thành trách nhiệm đã. Hoài niệm để giành cho tuổi già vô tích sự thì không thể sống dậy khi tuổi đời còn làm ra sự tích.

Không ngờ ba mươi năm sau trong đời này, tôi lại nhận được một thiệp hồng báo tin qua điện thư. Nếu là hương chanh báo tin gả chồng hay cưới vợ cho con cô ấy thì sau lớp kính trên mắt tôi; đôi mắt buồn vời vợi của cha tôi ngày nào lại trông về cố thổ-ngậm ngùi. Rất tiếc là không phải!

Nhưng bây giờ tôi đã tin phái nữ thường làm những việc nguội chết người.

Tuy cũng là thiệp hồng báo tin nhưng tính chất tình cảm của cánh thiệp đã thay đổi hay lòng người đã đổi thay? Tấm thiệp hồng báo tin của một người bạn học với tôi ngày xưa, nay anh gả được con gái cho một chuyên viên về trồng hoa người Hà lan sang công tác tại Việt nam. Ôi thôi, nói làm sao cho hết vẻ vang của vợ chồng anh bạn, phải liên lạc toàn cầu để tìm ra địa chỉ của những bạn bè đã bao năm không liên lạc thì cũng nhờ bạn bè có (còn liên lạc), gởi tới những bạn bè mất tích: cái thiệp hồng báo tin đám cưới của con gái tôi. Chắc chắn người bạn thiếu thời của chúng tôi không cần sự giúp đỡ chút tiền mừng đám cưới của bạn bè gởi cho con gái anh ấy. Mà niềm hãnh diện của gia đình anh, vợ chồng anh nằm ở tên chú rể không phải là: Đinh, Lê, Lý, Nguyễn, Trần… gì đó – đang đi làm phu chặt mía ở Cuba dưới nhãn hiệu “Hợp tác lao động”. Việc có con gái (trong nước bây giờ) lấy được chồng là “chuyên gia” nước ngoài mới cực kỳ nở mặt nở mày gia đình. Thật là oách cho người nông dân ở nước Hà lan tự do. Thật là tiếc cho cánh thiệp hôm nào mang ý nghĩa thông điệp về tình cảm thì nay mang ý nghĩa khoe khoang chính cái điều mà ngày xưa lấy làm xấu hổ của người phụ nữ Việt nam lấy Mỹ, hay người ngoại quốc nào đó!

Phan

Viết thêm :

Không biết tôi nghĩ có quá xa rồi không? Khi nghĩ đến chuyện một cô gái Việt trong một làng xóm Việt nam khoảng những năm 1965-1975, bỗng dưng mang cái bụng bầu vô chủ về nhà cha mẹ thì kinh khủng lắm! Tuy những năm đó tôi còn nhỏ lắm. Nhưng chuyện một người chị trong xóm lâm vô hoàn cảnh nói trên. Tôi nhớ mãi gương mặt rất buồn của chị ngồi ru con trên chiếc võng được giăng chéo ngang gian bếp. Lời ru thì tôi không nhớ nhưng tôi nhớ gương mặt đẹp buồn của người chị đã trở thành mẫu mực của nhan sắc trong suy nghĩ riêng tôi. Mới tí tuổi đầu mà tôi đã quên khuấy chuyện đến nhà chị để rủ thằng em của chị cùng đi phá làng phá xóm với tôi. Tôi ngẩn ngơ lòng buồn với hình ảnh người mẹ trẻ ngồi ru con như ru tình buồn.

   Rồi tôi quên phéng chị đẹp của tôi ngay. Bởi người chị khác trong xóm còn làm kinh thiên động địa xóm làng hơn nữa với sự chửa hoang đành đoạn là chị sinh ra một thằng Mỹ con trong cái xóm mắt hí, mũi tẹt, mới thật sự là kinh khủng khiếp! Trẻ con chúng tôi tìm đủ mọi cách để xem mặt thằng bạch tiểu quỷ có đôi mắt xanh. Thật là một chuyện khủng khiếp trong tuổi nhỏ của tôi và nhiều bạn bè trang lứa thời bấy giờ. Có lẽ đến giờ các bạn tôi cũng khó quên chuyện thằng nhỏ không giống tụi mình.

   Nhưng dù sao tôi cũng chưa qua đời, việc hôn nhân dị chủng ở Việt nam đã thoáng hơn thời tôi còn nhỏ rất nhiều. Bây giờ con gái Việt lấy chồng Hàn quốc, Đài Loan như người ta đi chợ mua con gà, con cá. Banh háng báng họng nó ra mà xem cho đáng đồng tiền. Riêng việc phụ nữ Việt lấy chồng mắt xanh mũi lõ không những không còn kinh thiên động địa như xưa mà quan niệm xã hội đã thay đổi từ “họa” thành “phước”! Nhiều người phụ nữ Việt có phần hãnh diện khi đi cùng người chồng Mỹ đến Trụ sở cộng đồng của người Việt quốc gia, hay hàng quán Việt nam. Đặc biệt là đưa phu quân mắt xanh mũi lõ về thăm quê hương thì vẻ vang gia đình – như những lời chúc mừng của bạn bè tôi gởi tới vợ chồng anh bạn tôi trong điện thư toàn cầu về sự may mắn cho một cô gái Việt còn trong nước mà lấy được chồng mắt xanh mũi lõ ở tây phương.  

   Hoá ra điều không xa là khi tôi còn bé mà nay cũng chưa già. Ngày xưa coi chuyện hôn nhân dị chủng là mất gốc, làm băng hoại đạo đức xã hội, phá huỷ thuần phong mỹ tục của dân tộc. Cha mẹ của cô gái bán bar, làm ca-ve, hay có chửa hoang với lính Mỹ (người ngoại quốc) – ngày tôi còn bé sẽ không dám nhìn ai trong xóm làng nữa; cả đời ngậm miệng trước đám đông, không dám nói gì tới đạo đức hay gia phong của mình nữa… Thì nay, sự nghèo đói đã đẩy bao nhiêu cô gái Việt đi làm dâu xứ Đài, xứ Hàn. Cô nào lấy được chồng tây là phước phần hơn trăm họ. Sự xấu hổ hôm nào thành vinh dự hôm nay do hoàn cảnh hay lòng người thay đổi? Cái nhục thể người phụ nữ quê tôi sao bằng cái nhục quốc thể Việt nam trong tay nhà cầm quyền Hà nội đã để bá tánh cả nước sinh linh, lầm than tủi nhục. Cụm từ “Kết hôn với người nước ngoài” mang ý nghĩa không phân biệt chủng tộc trong việc hôn nhân thì nhân bản thật! Nhưng sự trí trá của cụm từ đó-đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt nam không che đậy nổi sự thật bán trôn nuôi miệng của thần dân sau 40 năm “giải phóng miền Nam”. Sự giúp đỡ gia đình của những cô gái Việt đi làm dâu xứ lạ dưới thời cộng trị cần được sử sách ghi công ngang với cứu nước cứu dân như những anh hùng dân tộc trong quá khứ; Vì đó cũng là bản cáo trạng bằng người thật việc thật cho những nhà sử học về sau tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản nói chung và csvn nói riêng.

 

Phan

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search