T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Giấc mơ của người Mễ già…

clip_image002

Tranh : Old Man with Cane (2005- courtesy of Flickr.com)

Ông Mễ già làm chung với tôi, hôm nghỉ lễ cuối năm, ông làm tôi hối hận vì tôi chỉ trông vô cái đồng hồ lớn trên vách tường – từng phút chậm chạp trôi qua như thời gian hấp hối. Nhưng cuối cùng cây kim phút cũng lết tới được số 12. Chuông tan sở reo vang lúc 3 giờ chiều, như chuông nhà thờ Mừng Chúa Giáng Sinh. Tôi vọt nhanh như một mũi tên vừa rời khỏi nỏ để bay ra chợ Kroger, vì lúc ăn trưa tôi đã thấy trên tờ báo chợ ghi rõ là: onsale 50% off loại rược đỏ La Croix Taillerfer Bordeaux Blend – 2010. Như vậy, cái giá bình thường là $25.99 chỉ cò $13 đồng một chai. Ước gì mình có tiền mua trăm chai – đưa về tắm nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp cho đã đời ông bạn già thích rượu đỏ Bordeaux…

Thiệt tội ghiệp cho ông bạn Mễ già đã hỏi nhiều người làm chung là có thấy tôi đâu không? Ông chưa kịp nói với tôi lời chúc mừng Giáng sinh vui vẻ và Năm mới dồi dào sức khoẻ…

Một người bạn khác làm chung đã nói với tôi sau khi nghỉ lễ nhiều ngày, là ông ấy đi tìm mày lung tung, và ông ấy rất buồn là không chúc mày Giáng sinh vui vẻ được…

Tôi ân hận quá nên tìm ông giờ nghỉ để nói lời xin lỗi đầu tiên trong năm mới. Ai dè, ăn cơm trưa xong thì hãng shutdown luôn vì không có đồ parts để làm. Tôi chưa hết ân hận trong lòng nên mời ông đi uống với tôi ly cà phê.

Trời năm nay lạnh nhiều ở Texas nên không ngồi ngoài trời như tôi thích được mà phải ngồi bên trong quán Starbucks mà nhìn cành khô đóng đá như cây thủy tinh bên ngoài. Ông Mễ già hiền lành có triệu chứng sắp chết thì phải? Bởi tôi căn cứ vô mấy ông bạn già người Việt nam của tôi, ông nào còn ham làm chủ tịch hội này, đoàn nọ… là chưa chết đâu! Nhưng ông nào bỗng bỏ qua cái hư danh ảo ảnh đó, mà ưa nói về những giấc mơ xưa cũ; những nỗi nhớ người đã chết ngắc trong tim mình nhưng bỗng dưng sống lại – hiện về; Hoặc thích nói về mấy món ăn quê mùa, mộc mạc đã vĩnh biệt từ lâu, như ba khía, mắm linh… bỗng thèm đến không ngủ được! Đó là những ông sắp đòi tiền mua vòng hoa của bạn bè. Đặc biệt là những ông già khi không lại mơ thấy thân phụ hay thân mẫu của mình vui vẻ đón mình bên kia cầu định mệnh là những ông coi như gặp lần cuối cho tiện bề sổ sách…

Ông Mễ đây cũng vậy, bình thường ông hay háy mắt với tôi khi có một bóng hồng nào đó ngang qua chỗ chúng tôi làm mà nhìn tướng tá còn bốc bốc một chút là ông ấy suýt soa… “mày không biết xài sự còn trẻ của mày thì đổi hết lấy cái 401 K của tao đi. Hơn trăm ngàn đô la đó, tao không tiếc bằng còn trẻ mà không biết xài cái trẻ của mình… đồ ngu!”

Có ai không giận khi bị chửi “ngu”, thì tôi đây!

Thế mà không gian Starbucks mùa đông, làm cho ông chùng xuống đôi mắt vui tính, nụ cười dí dỏm của ông chỉ còn nét hiền lành đơn điệu…Ông kể cho tôi về giấc mơ hồi hương của ông trong kỳ nghỉ lễ dài ngày. Theo ông, đó là điềm gở báo hiệu ông sắp chết.

Rải rác trong chuyện kể của ông, tôi hình dung ra người thanh niên Mễ, có quê hương ở Chihoahoa, là con nhà sùng đạo Thiên Chúa…

Rồi ông bỏ nhà đi lên phương bắc như bao người Mễ vượt biên trái phép khác. Ông sống không giấy tờ, đi làm thuê ngoài chợ người như những hình ảnh người Mễ lậu còn tới bây giờ. (Hình như trong đời Mễ lậu của ông có giai đoạn ông làm người homeless đã ăn sâu vào tiềm thức ông). Nhưng ông gặp may mắn trong đời là cưới được người vợ Mỹ. Ông được hợp thức hoá thành công dân Hoa Kỳ để có giấy tờ và đi làm hãng xưởng như mọi người.

Thậm chí theo truyện kể của ông, tôi cũng (đoán mò) ra lòng ông chưa toại – như hầu hết người di dân nào cũng muốn làm được điều gì đó cho người thân còn ở lại quê nhà. Nhưng một hôm người di dân soi lại lòng mình đầy thương tích của đời sống Mỹ mà vẫn chưa làm được gì cho người thân thì sức lực đã không còn, lòng sâu kín đầy bi thương…

Ông bạn già người Mễ của tôi chỉ còn lại giấc mơ sau nửa thế kỷ sống trên nước Mỹ với nhiều hoàn cảnh bản thân theo từng giai đoạn. Giấc mơ ấy thật đẹp, hay buồn phiền? Lòng tôi chỉ ước cho ông được ra đi một hôm Chúa gọi thật êm đềm là mãn nguyện! Ông mơ màng kể tôi nghe về giấc mơ cuối đời của ông thì phải,

“…Người đàn ông cô đơn trong góc vắng của toà building nghỉ lễ, đường xá vắng tanh, chỉ gió lạnh từng cơn, và những chiếc lá khô cuốn theo chiều gió. Ông lấy phần lương thực cuối cùng trong bị ra để tự đưa tiễn mình lần cuối vì mỏi mệt đã báo động toàn thân ông run lên với những cơn lạnh từ trong xương lạnh ra. Sau đó là đàn kiến bò trong mạch máu, chúng cắn phá tan nát hết sức lực như bầy quỷ dữ đang hăng say hủy diệt một công trình của tạo hoá. Mắt ông đờ đẫn nhìn vào hư vô, sau khi đưa cái hamburger nguội lạnh mà ông có được cho thằng bé Mỹ đen tìm ông kêu đói vì nó không tìm được gì để ăn.

Ông đi vào hoang địa mịt mù gió cát, người đồng hành với ông là cơn sốt nóng bừng lên đến cháy hết ruột gan. Nhưng cơn lạnh sẽ đến sau đó để cóng hết tay chân và đau nhức. Ông biết mình đang tan rã như đá ngoài sa mạc đã nóng-lạnh hàng triệu triệu năm để không còn dấu tích của đá mà là cả sa mạc mênh mông cát. Nhưng phải ráng, phải cố hết sức vượt qua hoang địa là về tới nhà; không thể tan rã thành cát trong hoang địa mà xa xưa ông đã vượt qua để đến những thành phố của ước mơ. Ông nhìn mặt trời để định hướng và đi về hướng nam vì giấc mơ thiếu thời được đi lên phía bắc là căn nguyên ông rời bỏ gia đình, người thân, xóm làng…

Ông đi trên đôi chân lở loét đã thâm bầm máu khô vì rạn nứt da. Ông đi đến sức cùng lực kiệt rồi ngả vaào lòng người vợ Mỹ. Không. Ông chỉ đổ quỵ xuống bụi xương rồng. Cảm giác đau đớn, những cơn nóng-lạnh; sự mệt mỏi tiêu tan khi hơi thở ông ngắn dần, ngắn dần, đến nghe được tiếng tim mình thôi đập nữa. Chỉ còn lòng ân hận rì rào như sóng hồ Ray Hubbard ở Dallas. Phải như ông đưa cái hamburger cho đứa bé sớm hơn, thì nó đã không bị chết đói. Và ông cũng không mất thời gian với đứa bé – thì có lẽ ông sẽ kịp về đến nhà chứ không phải chết gục xuống bụi xương rồng ngoài hoang mạc…

Dù sao tất cả đã muộn màng. Con đường nhỏ nhất ở làng ông cũng dễ thấy do dấu chân người đi lâu ngày làm cỏ chết, thành con đường mòn. Nhưng hoang địa mênh mông, phương hướng mù lòa trong đêm sương lạnh che đậy hết hiểm ác của vùng đồi trọc xuôi nam. Ông không biết còn bao xa mới về đến quê nhà Chihoahoa. Ông chỉ biết mình đã chết gục xuống bụi xương rồng là sai lầm cuối cùng khi tin vào bóng mát của một loài cây gai. Những oán hận người vợ Mỹ tan hình, biến dạng như mây trên trời…

Dù sao thể xác ấy cũng không dùng được nữa. Linh hồn ông tiếc nuỗi những cơ bắp thì nó đã teo tóp vì thiếu nước và đang bị không khí hủy hoại. Bộ xương cứng cáp đã hiện ra vài chỗ mà lớp thịt da đã bị loài chuột vàng đục khoét. Đàn kiến đen thi nhau khuân về tổ những mạnh vụn thịt da do diền hâu với chuột đã phung phí lương thực…

Linh hồn ông từ giã thể xác để về nhà.

Đường xuôi nam nóng dần lên chứ thôi lạnh, ông mừng rỡ khi thấy như có người đang đi phía trước mình. Và ông cố gắng nhanh chân để đuổi kịp người kia, để có bạn đồng hành thì con quỷ cô đơn trong ông sẽ sợ hãi mà rời xa ông.

Khi đuổi kịp mới biết người ấy vác cây thập tự thật to lớn, nặng nề. Ông nhanh chân vượt qua người đó để quay đầu chào hỏi:

“Chào ông. Tôi là Juan José. Ông từ đâu đi và đi về đâu?”

Người ấy im lặng vác cây thập tự quá sức ông ta nên đầm đìa mồ hôi. Những bước chân nhọc nhằn để lại những dấu lún sâu xuống cát nóng… Hai người song hành trong im lặng xuôi nam. Đến người ấy kiệt sức, muốn gục xuống vì sức nặng của cây thập tự thì ông Juan không giữ khoảng cách mươi bước chân nữa. Ông nhanh nhảu đến giúp, kề vai mình vào vác phụ cây thập tự đang muốn nhận chìm người kia xuống cát nóng.

Lần đầu ông Juan làm thế thì người vác thập tự không đồng ý cho ông giúp đỡ. Nhưng lần thứ ba người ấy muốn qụy xuống vì sức nặng của cây thập tự thì ông Juan cứu kịp. Người vác thập tự đồng ý cho ông Juan phụ giúp ông ấy khi nào ông cần thì sẽ nói. Còn hiện tại, cứ để ông ấy vác một mình…

Dù sao ông Juan cũng vui mừng với việc người đồng hành đã bớt khó tánh với ông, như vậy đường về Chihoahoa sẽ bớt lê thê với nắng gió…

Ông Juan lại mở lời, “Chẳng lẽ chúng ta đã đi chung với nhau mấy ngày đường, mà ông vẫn không thể nói cho tôi biết là ông đã đi từ đâu; ông sẽ đến đâu; Và tại sao, người ta vượt qua hoang mạc với những thứ giá trị như vàng bạc, dược liệu,… đô la. Còn ông, vác cây thập tự nặng nề bằng gỗ sồi trên đường vạn dặm để bán cho ai, tiền lời kiếm được có đáng công ông làm hay không?…”

Người vác thập tự cứ cần mẫn với công việc của mình. Dường như không có ông Juan đi bên cạnh thì ông cũng cần mẫn như thế! Còn niềm vui có bạn đồng hành thì chỉ là niềm vui riêng của ông Juan. Lòng tự ái trong ông Juan thôi thúc nhiều lần mới khiến ông nói ra miệng được, “Tuy cả đời tôi không ra gì cả. Nhưng tôi cũng có lòng tự trọng của mình. Ít nhất là ông cũng thấy tôi đang trên đường trở về nhà mình. Dù tôi đã không thành công được những ước muốn lúc tôi ra đi, nhưng lòng nhớ thương người thân và quê hương trong tôi không hề thay đổi. Tôi đang trở về để gặp lại những người thân luôn chờ đợi tôi – dù thành công hay thất bại thì tôi cũng trở về cho thoả lòng mong ước của người thân của tôi.

Tôi có người thân đấy thưa ông! Và họ đang chờ đợi tôi.”

Bấy giờ người vác thập tự mới trả lời, “Ông không cần phải chậm bước để có thể giúp đỡ tôi khi tôi cần thiết. Vì tôi đã quen làm công việc của mình – là vác thập tự đi muôn phương… Ông có thể nhanh chân lên để về nhà cho kịp gặp những người thân của ông.”

Ông Juan mừng quá, mừng người vác thập tự đã chịu trò chuyện với ông, nên ông nói: “Ông làm công việc vác thập tự đi muôn phương thật sao?”

“Vâng. Tôi đã làm vậy từ đầu và sẽ làm vậy đến cuối…”

“Vậy!…” Ông Joan ngập ngừng mãi mới mở được lời, “Tôi xin lỗi ông trước, nếu là tôi nói không phải. Đầu tiên tôi xin kể về cây thập tự ở làng tôi xưa kia: Theo bà tôi kể chuyện đời xưa của bà tôi, có một thời gian dài, quê hương Chihoahoa của tôi bị hạn hán, rồi thiên tai gió bão, rồi ngập lụt, dẫn tới bệnh tật làm chết người và gia súc. Những người may mắn còn sống sót thì không đủ lương thực để ăn nên cũng lần lượt bỏ quê mà đi.

Ông trưởng làng rất đau khổ nhìn dân làng – từng gia đình đến chào bái biệt ông, rồi lầm lũi dắt nhau đi. Khi chẳng còn mấy gia đình ở Chihoahoa nữa, bỗng một người vác thập tự từ đâu tới. Ông ấy ngồi nghỉ trên đỉnh đồi. Ông trưởng làng là người tốt nhất làng tôi nên ông ấy đem phần ăn ít ỏi của mình, cả gáo nước hiếm hoi để uống. Ông ấy đem hai món quý nhất lúc bấy giờ lên đỉnh đồi để tặng người vác thập tự. Và xin lỗi người khách đi qua làng ông đã không được tiếp đãi nồng hậu. Nhưng vị khách không buồn phiền gì, mà ngược lại rất vui vẻ dùng một nửa phần lương thực, dùng một nửa phần nước uống của ông trưởng làng.

Sau đó, ông ấy bắt tay vào việc trồng cây thập tự trên đỉnh đồi. Ông trưởng làng tưởng là ông đây muốn tự tay cắm cây thập tự trước cho chỗ mình sẽ nằm lại muôn đời. Thật là người lo xa. Nhưng cũng đáng thương hơn bao người trong làng chỉ biết vui chơi khi còn sống – và để lại sự chết của mình cho những người láng giềng phải cáng đáng, lo toan…

Ông trưởng làng thương người khách lo xa nên khuyên ông nên đợi ông ta trở về làng để cố thuyết phục những người đàn ông trong làng cùng lên đây để giúp ông. Và vì họ cũng còn giữ được một ít cuốc, xẻng, có thể dùng được cho việc trồng cây thập tự trên đồi – vì ông trưởng làng thấy cảnh quang rất đẹp nếu trên đồi được trồng cây thập tự to lớn này lên…

Nhưng ông trưởng làng trở về làng để thuyết phục những người đàn ông còn lại trong làng thì không ai chịu đi giúp một kẻ qua đường – làm việc không đâu giữa lúc lương thực và nước uống khan hiếm, người thì bệnh tật, gia súc chết dần chết mòn vì đồng khô cỏ cháy…

Ông trưởng làng buồn bã vác cây cuốc lên đồi một mình vào sáng hôm sau để giúp người khách lạ nhưng hiền lành, có hảo ý làm cho làng ông đẹp hơn với cây thập tự to lớn trên đồi. Ông trưởng làng sững sờ với cây thập tự đã được dựng uy nghi, đẹp vô cùng trên đỉnh đồi lộng gió… Và người đàn ông hôm qua ông gặp vác thập tự lên đồi chính là đức Chúa Jesus.

Bây giờ thì ngài ở chót vót trên cây thập tự để che chắn gió bão; Ngài gọi mưa về để có nước trồng tỉa, gia súc lại có cỏ xanh để ăn mà sanh sôi nảy nở; Ngài đuổi bệnh tật đi xa…

Không bao lâu người đi khỏi Chihoahoa vì đói kém, bệnh tật và mất mùa đã quay về làng đông đủ. Cuộc sống trù phú lại nên người người hát sướng vui ca với lương thực dư thừa, gia súc đầy chuồng, gió mưa thuận hoà, bệnh tật biến mất…

Cuộc sống trù phú làm cho người ta mải mê vui chơi đến quên hết việc thờ phượng và tạ ơn Chúa trên đồi mỗi ngày của mỗi gia đình vào thời gian họ trồng tỉa và chăn nuôi trở lại. Bây giờ trên đồi nhìn xuống thì làng mạc xanh tươi, trù phú. Nhưng đứng dưới làng nhìn lên đồi thì chỉ có cây thánh giá trơ trọi với nắng gió, không còn hoa tươi và hoa màu do dân làng dâng lên để tạ ơn Chúa như xưa.

… Chỉ còn có mỗi ông trưởng làng đi dâng lễ một mình vì nhà nhà bận rộn với tiệc tùng, vui chơi thâu đêm suốt sáng chứ biết làm gì cho hết của cải làm ra dễ như hoa màu tự mọc ngoài ruộng rẫy; gia súc tự lớn; gió mưa tự về; bệnh tật tự biến mất… Chẳng ai quan tâm đến lời kêu gọi của ông trưởng làng là từng người phải dành ra thời gian để thờ phượng Chúa trên đồi đã đến Chihoahoa để cứu chúng ta…

Thế là một đêm sấm sét vang trời như lần tận thế trước đã khiến người Chihoahoa phải bỏ làng mà đi. Sáng ra, người ta thấy lũ tràn về. Chỉ mấy hôm mà hoa màu đã không còn gì để ăn; gia súc chết trôi chết chìm đâu hết…

Bà tôi còn kể, khi một trận gió đen thổi qua, nhiều người không đứng dậy được nữa vì đó là gió mang bệnh dịch về. Những người may mắn thoát chết trong trận gió bệnh dịch hôm nay thì trận gió ngày mai, ngày mai của ngày mai nữa cũng sẽ khó đứng dậy được. Chỉ có những người đang qùy dưới thánh giá trên đồi để cầu nguyện lúc gió đi qua mới không bị chết.

Nhưng một ngày nọ, ông trưởng làng sau khi lo chôn tất cả người chết trong ngày, ông mệt mỏi cách mấy cũng lên đồi van xin đức Chúa hãy cứu giúp dân làng đã sao nhãng việc thờ phượng ngài… Và một lần nữa đức Chúa làm cho ông trưởng làng hoảng hốt vì cây thánh giá trên đồi đã biến mất.

Từ đó dân làng lại lũ lượt ra đi vì đồng khô cỏ cháy, gia súc chết đói, người chết bệnh… nhưng người ta không công nhận lý do bỏ làng ra đi vì đói nghèo bệnh tật, vì sợ người ở những nơi họ đến sẽ không tiếp nhận và giúp đỡ họ vì tội không thờ phượng Chúa. Người Chihoahoa truyền miệng nhau một lý do ra đi là tìm kẻ cắp thánh giá trên đồi của họ để bắt người xấu ấy phải trả lại đức Chúa và thập tự đã từng che chở cho Chihoahoa…

Như tôi đã thưa với ông từ đầu: Nếu tôi nói sai thì xin ông thứ lỗi: Ông là kẻ cắp đã ăn năn rồi phải không? Vì chúng ta đã về tới Chihoahoa rồi thưa ông. Nếu ông đem trả lại thánh giá trên đồi sớm hơn thì tôi đã không phải bỏ làng, bỏ người thân mà đi từ khi còn rất trẻ. Và đau buồn của tôi khi trở về, tôi chỉ còn có linh hồn buồn bã vì người thân của tôi chắc cũng đã ra đi sau tôi. Và họ có trở về không?”

Người vác thập tự trả lời, “Anh hãy đứng lại, và nhìn cho rõ ta…”

Người đàn ông được phép mới dám nhìn rõ gương mặt người vác cây thập tự… Ông ấy dần quỳ xuống khi nhận ra Người…

Người vác thập tự ôn tồn nói, “Bây giờ con đã nhận ra ta. Hãy về Chihoahoa và nói với mọi người chuyện gì đã xảy ra. Bảo họ mang tất cả niềm vui, nỗi buồn, sự lo lắng, những khó khăn, cả tội lỗi, lòng ân hận,… của mọi người đặt lên trên thánh giá nầy. Ta từng vác thập tự từ đầu kia của vũ trụ đến Chihoahoa để có truyện kể của bà con kể lại cho con nghe. Nhưng ta lại vác đi nơi khác – không phải người Chihoahoa thiếu lòng thờ phượng ta. Chỉ bởi có nhiều nơi ta cần đến để che chở con cái ta. Nay ta lại quay về Chihoahoa để che gió độc, ngăn lũ, và diệt trừ bệnh tật… để những đứa trẻ không phải sớm bỏ nhà, người thân mà đi lên phương bắc.

Con hãy về lại nhà. Cho dù không còn ai thì lòng thương nhớ con của họ còn trong thập tự mà sáng mai ta lại trồng trên đồi. Cũng như lòng thương nhớ người thân của con sau nhiều năm xa cách đã đem về nguyên vẹn, ta cũng nhận vào cây thập tự này…”

Đức Chúa yên lặng. Nhưng tôi đã thấy rất nhiều bàn tay đặt lên thánh giá đủ thứ phiền muộn trên đời. Đó là những linh hồn trở về Chihoahoa, nhưng không còn nhà cửa và người thân như tôi. Tim tôi cảm thấy nhói buốt với sức nặng chồng chất trên vai người. Và tim tôi ngừng đập khi thấy người lại vác thánh giá đi đến một nơi khác. Tôi chìm ngập trong cảm giác mồ côi nếu đức Chúa không quay lại nữa! Điều người từng dạy: Hãy thương người láng giềng hàng xóm. Nhưng hơn hai ngàn năm qua chúng ta vẫn thờ ơ với lời răn đó! Tôi nhìn kỹ người. Mắt người nhìn vào hư vô như bỏ qua cho tôi lần cuối…”

Ông già Mễ kể xong về giấc mơ Ngày lễ. Ông nhắm nghiền đôi mắt tuổi tác lại. Làm tôi thấy ông đã qua đời. Nhưng miệng tôi nói khác, “Ông không quen uống cà phê phải không? Thôi, bữa khác. Tôi đãi ông bia Corolla. Ông về nghỉ sớm đi! Chúa phù hộ ông. Bye.”

Phan

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search