T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình :Tưởng như chuyện đùa

clip_image002

Ảnh : Lưu Na

-Anh về!

Biên chào tôi rồi bước nhanh ra cửa. Cái dáng cao gầy với chiếc lưng thẳng và đầu hơi cúi xuống của Biên, nhắm mắt lại tôi cũng có thể hình dung được một cách dễ dàng. Mười tám năm. Một con số đâu phải ít oi cho cuộc sống chung của hai vợ chồng. Vậy mà tôi và Biên chia tay nhau thật dễ dàng. Tammy đã gào lên thảng thốt, khi tôi hỏi, con muốn theo ai.

-Tại sao ba mẹ làm như vậy? Tại sao ba mẹ không nghĩ đến cái “feeling” của con.

Tôi và Biên im lặng. Không ai có thể trả lời câu hỏi của Tammy. Cũng như tôi và Biên, cả hai đều không thể (hay không muốn) trả lời một cách thành thật cho người đầu ấp, tay gối của mình biết, tại sao mình chọn giải pháp chia tay.

Tôi và Biên đã có với nhau một mối tình thơ mộng và đã cùng nhau vượt qua bao ngăn trở của gia đình vì khác biệt tôn giáo, vì sự chênh lệch gia cảnh. Khi nắm tay nhau, nhìn sâu vào mắt nhau để đọc lời tuyên hứa trong nhà thờ, tôi và Biên đều nghĩ rằng, sẽ không một trở ngại nào có thể tách rời chúng tôi nữa. Vậy mà mười tám năm sau, khi Tammy -đứa con gái duy nhất- được mười lăm tuổi, chúng tôi đã ký tên vào tờ đơn ly dị, để mỗi người chọn một hướng đi cho riêng mình. Tôi biết khi làm điều này là gây tổn thương rất lớn cho con gái của mình, nhưng liệu chừng, cuộc sống chung vẫn kéo dài với những trận cãi vã thường xuyên không dứt thì cái vết thương để lại trong tâm hồn của Tammy có nhỏ bớt chút nào không?

Cách đây khoảng một năm, sau cuộc xung đột dữ dội, Biên ôm gối ra sofa ngủ. Hành động này đối với tôi như một sự khiêu chiến. Thế là từ đó, mỗi tối, tôi khóa trái cửa phòng lại, mặc cho Biên nài nỉ, yêu cầu mở cửa. Những bữa cơm chung cũng thưa dần, để rồi có một lần Biên đột ngột hỏi tôi:

-Có bao giờ em nghĩ rằng, chia tay là một giải pháp tốt nhất cho hai đứa mình không?

Hình như lâu lắm tôi mới nghe lại giọng nói dịu dàng của Biên. Tôi nhìn Biên thật lâu, cố tìm lại trong đôi mắt nâu của anh những tia nhìn đằm thắm, ẩn chứa cả một trời yêu thương mật ngọt. Giọng Biên không còn ngang xè, khô khan như anh vẫn thường có, nhưng trong hố mắt của Biên là cả một sự lạnh lẽo, vô cảm. Cảm nhận đó cho tôi biết, tình yêu đã đi vào ngõ cụt. Tôi không trách Biên. Bởi trong tôi cũng hoàn toàn là những hoang lạnh khi nghĩ đến anh. Tôi thở hắt ra như để phủi sạch những nặng nề đã đeo đẳng trong lòng tôi rất lâu.

-OK …. nếu anh muốn.

Cuộc đối thoại ngắn ngủi nhưng đầy thông cảm đó đã giúp cho thủ tục ly hôn được hoàn tất nhanh chóng. Biên dọn ra apartment. Tammy nhất định đòi về ở với bà ngoại. Tôi cố gắng giải thích, van xin, khóc lóc, nhưng con bé không thay đổi lập trường mà còn hăm dọa:

-Mẹ không cho con về ngoại thì có ngày con sẽ đi bụi đời.

Thế là tôi phải thu xếp để đưa Tammy sang Florida. Một tuần lễ ở đó, Tammy giữ thái độ im lặng. Khuôn mặt ỉu xìu với đôi mắt lúc nào cũng chực chờ rơi nước mắt làm tôi cảm thấy xốn xang trong lòng. Mẹ tôi thì không ngừng trách móc. Bà giận tôi sao không cố gắng nhịn nhục để cho con cái có được một mái ấm gia đình. Dĩ nhiên, tôi phải bào chữa để dành phần phải về cho mình. Nhưng tôi thực sự đuối lý khi mẹ nói:

-Mẹ thấy thằng Biên tuy ăn nói không được khéo léo như người khác, nhưng nó biết lo làm ăn, biết lễ nghĩa, kính nhường người trên kẻ dưới, lại hiền lành.

Tôi lắc đầu:

-Ảnh mà hiền, Mẹ đâu thấy những lúc ảnh cãi tay đôi với con.

-Cái kiểu ăn nói ngang bướng, lý sự cùn như mày đến thánh còn phải bịt tai, thì ai mà nhịn nổi.

Rồi Mẹ xuống giọng nhẹ nhàng:

-Con ơi! đâu có vợ chồng nào mà sống với nhau yên ả suốt đời. Gia đình nào cũng có lúc sóng gió, nhưng con phải nhìn điểm tốt của chồng con. Và chính con cũng phải kiểm điểm lại xem con có làm tròn bổn phận chưa? Con thử nghĩ lại, có ai tốt như nó không, ly dị mà chẳng đòi chia chác một thứ gì. Nhà cửa, tiền bạc, tất cả nó để lại cho con hết, chỉ lấy có chiếc xe cũ kỹ. Con có chắc mai này con sẽ gặp được người tốt như nó không? Tôi đứng lên, tìm cách lảng tránh:

-Trời! thoát được cái gông này con mừng gần chết, đâu dại gì mang cái gông khác nữa.

Buổi chiều, khi từ nhà người chị họ trở về, vừa bước vào cửa, tôi nghe tiếng của Tammy từ phòng ăn vọng ra:

-Con thương ba lắm. Hồi con còn nhỏ, có mấy lần mẹ đi shopping với cô Kim, bỏ con ở nhà một mình. Ba đi làm về , thấy vậy vội vàng vào bếp nấu cơm cho con ăn, dẫn con ra park chơi để con đừng buồn. Ba còn nói, tại mẹ bận công việc nên không về sớm được. Vậy mà về đến nhà mẹ còn cãi nhau với ba.

Rồi con bé khóc thút thít:

-Con nhớ ba, con muốn về thăm ba.

Mẹ tôi dịu dàng dàng hỏi:

-Vậy sao con không ở với ba mà đòi về đây với ngoại.

-Con ở với ba thì sợ mẹ buồn. Phải xa ba, con buồn lắm… buồn lắm ngoại ơi!

Tiếng khóc tỉ tê của Tammy làm lòng tôi chùng xuống. Tôi bước trở ra, lên xe, lái về hướng biển.

Ngồi trên bãi biển trong buổi chiều vắng lặng, nhìn về cuối chân trời với chút ánh nắng ngã sang màu tim tím còn sót lại giữa tiếng sóng vỗ nhè nhẹ vào gềnh đá, lòng tôi chợt buồn vô hạn. Nhớ lại những lời nói củaTammy, tôi tự hỏi, có phải tôi đã sai khi bắt con mình phải lựa chọn chỗ dung thân khi nó đang ở lứa tuổi vừa mới lớn? Một sự lựa chọn cùng nghĩa với mất mát. Có phải là tôi tàn nhẫn lắm không? Tội nghiệp con tôi.

Tôi không phủ nhận Biên là một người chồng tốt. Anh rất hiền lành, tận tụy chăm lo cho gia đình. Nhưng ngược lại, tính tình trầm lặng, ít nói, thiếu thân thiện của anh đã làm tôi mất biết bao bạn bè thân thiết. Rất nhiều lần tôi góp ý, nhưng không thể nào sửa đổi được Biên. Anh từ chối đi với tôi đến dự những buổi họp mặt cuối tuần với bạn bè hay tiệc tùng sinh nhật, để chỉ ở nhà cắt cỏ, làm vườn, dọn dẹp, sửa sang nhà cửa. Anh không cần biết đến sở thích của tôi. Bởi vì đối với tôi, ngoài gia đình, bạn bè cũng là một cần thiết không thể thiếu trong cuộc sống. Biên bỏ ngoài tai những lời giải bày, khuyên nhủ của tôi. Điều này khiến tôi giận dữ. Thế là mỗi ngày, cứ rời chỗ làm là tôi đi shopping. Hết shopping thì đi ăn hay ghé tạt qua nhà mấy cô bạn độc thân hát karaoke cho đến tối mịt mới trở về nhà. Dù thế, Biên cũng không nói một lời trách móc, nhưng vẻ mặt lầm lì của anh làm tôi bực tức. Thế là cái tính ngang bướng của tôi nổi dậy. Tôi cố tình làm những điều Biên không thích. Và đó cũng là nguyên do tạo ra khoảng cách giữa tôi và Biên. Cái khoảng cách mỗi ngày mỗi lớn , không thể hàn gắn đuợc.

Trời sụp tối, tôi vẫn ngồi đó với trùng trùng những suy nghĩ hỗn độn trong tâm trí. Tôi thầm hỏi, có phải khi đưa ra đề nghị chia tay là Biên muốn để tôi có cơ hội nhìn ra lầm lỗi của mình, nhưng tính cao ngạo, tự tôn và ích kỷ đã khiến tôi gật đầu không chút đắn đo!!!

***

Thủy Ngân gọi điện thoại khi tôi đang thu xếp hành trang để sang Florida thăm Tammy vào dịp Giáng sinh.

-Bà hay gì chưa? … tháng sau đám cưới ông Biên.

-Hả?

Tôi nhận ra gịọng nói của mình bỗng trở nên thảng thốt.

-Ai vậy?

-Chị Phong Lan … làm ở phòng Lab.

Theo lời Thủy Ngân, người đàn bà này đã một lần dang dở và lớn hơn Biên ít nhất cũng phải ba tuổi.

Gác điện thoại xuống lòng tôi bỗng hoang mang. Đó có phải là lý do để Biên đề nghị chuyện ly dị? Một năm trôi qua, tôi sống một mình trong căn nhà ngày xưa có ba người. Sau những giờ phút miệt mài với công việc ở hãng, tôi trở về, lách mình qua cánh cửa, bước vào căn nhà quen thuộc để đón nhận sự lạnh lẽo đến rợn người. Lúc trước, tôi vẫn có những tuần lễ ở nhà một mình khi Biên đưa Tammy về Việt Nam thăm bà nội, nhưng cảm giác của tôi lúc đó là thoải mái, tự do. Khi đồng ý ly dị với Biên, tôi đã hình dung ra những ngày tháng êm đềm của hai mẹ con. Căn nhà sẽ rộn ràng tiếng hát và tiếng cười, chứ không phải là tiếng cãi vã và tiếng thở dài. Nhưng thực tế thì khác hẳn. Rời khỏi Florida, để đứa con gái thân yêu của mình ở lại với bà ngoại, lòng tôi nặng trĩu cái mặc cảm của kẻ có tội. Để sau đó, tôi không còn những buổi tối la cà với bạn bè nơi hàng quán, nơi những khu shopping sang trọng mà lại nhớ quay quắt những hình ảnh của tháng ngày hạnh phúc xa xưa, với tiếng cười đùa ríu rít của Biên và Tammy. Khi ấy, con bé lên năm, lên sáu. Và khi ấy, tôi còn là người đàn bà của gia đình, sáng sáng đưa con đi học rồi trở về dọn dẹp nhà cửa, ra vườn tưới hoa, chăm sóc những chậu rau xanh mướt. Sau đó miệt mài bên bàn máy, may cho Biên từng chiếc áo sơ mi, cho Tammy những chiếc áo đầm xinh xắn. Rồi buổi chiều bận rộn nấu nướng để chờ Biên trở về, quây quần bên mâm cơm tươm tất.

Cái hạnh phúc thần tiên đó biến mất khi Tammy vào lớp sáu và tôi bắt đầu đi làm, bắt đầu có bạn bè, bắt đầu chú trọng đến vấn đề giao tiếp. Tôi so sánh, đua đòi, để rồi dần dần trong mắt tôi, Biên chỉ là một người chồng kém lịch thiệp, nếu không muốn nói là “cù lần”. Những ý kiến xây dựng của Biên chỉ làm cho những cuộc cãi vã tăng dần và cuối cùng thì … tôi còn gì? có phải chăng là một khoảng trống thật lớn trong tâm hồn!!!

***

Một năm trôi qua tôi mới gặp lại Tammy. Khi con bé viện dẫn đủ lý do để từ chối gặp mẹ, tôi biết Tammy vẫn còn giận lắm. Tôi chưa bao giờ hỏi, nên không biết trong thời gian này, Tammy có liên lạc với Biên không. Nhìn Tammy, tôi thấy con bé trưởng thành hẳn ra. Ánh mắt đã thôi gay gắt, cử chỉ không còn xa cách, nhưng nét buồn vẫn còn ẩn dấu trong đôi mắt không còn nét ngây thơ. Tôi hỏi Tammy về đời sống, về việc học, nó nhún vai bảo:

-Mẹ đừng lo, con OK mà. Một năm nay con đã quen tự lo cho mình, cũng như con tự dạy dỗ mình phải nhìn mọi biến cố xảy ra chung quanh bằng cặp mắt bình thường.

Tôi thật sự bối rối trước cách suy nghĩ già dặn của đứa con gái mười sáu tuổi của tôi. Ngày chuẩn bị hành trang để trở lại Dallas, Tammy mang đến cho tôi một gói quà và nói:

-Mẹ về Dallas gửi bưu điện dùm con.

Tôi cầm lấy gói quà, nhìn thấy hàng tên của Biên, thắc mắc:

-Con gửi gì cho ba, sao không ghi địa chỉ ?

Tammy vỗ nhẹ vào gói quà cười tươi tỉnh:

-Quà mừng đám cưới ba. Con tưởng, mẹ biết địa chỉ của ba chứ!

Giọng nói thản nhiên và khuôn mặt không chút cảm xúc của Tammy làm đau nhói tim tôi. Đứa con gái trước mặt tôi hình như xa lạ lắm, lạnh lùng lắm. Nó không còn buồn, không còn khóc trước những điều trái lòng. Tôi bật khóc. Tammy nhìn tôi một lúc rồi lặng lẽ bỏ đi.

***

Hai tháng sau ngày trở về nhà, tôi lại bay sang Florida một lần nữa khi được tin Tammy bị tai nạn xe rất nặng. Nơi đây, tôi gặp lại Biên sau hơn một năm xa cách. Nhưng hình như chúng tôi quên hết những gì đã xảy ra trong quá khứ để cùng lo lắng cho tính mạng của Tammy. Tôi đã gục đầu vào vai Biên để tìm sự nương tựa trong nỗi lo lắng, sợ hãi. Biên đã lau nước mắt và an ủi tôi bằng vòng tay vỗ về. Một tuần lễ trôi qua, khi Tammy tỉnh dậy sau cơn hôn mê thì Biên cũng đã hết phép và phải trở về làm việc. Tôi ở lại săn sóc Tammy thêm một tháng. Thời gian đó, tối nào Biên cũng gọi điện thoại. Chúng tôi chỉ nói với nhau những chuyện liên quan đến Tammy. Khi tôi trở lại nhà, Biên ghé thăm. Anh mua thức ăn mang đến và lần đầu tiên, chúng tôi có một bữa ăn thân mật với nhau. Biên gắp cho tôi từng món rồi nói bằng lời chăm chút:

-Dạo này em gầy hơn ngày xưa nhiều, phải cố gắng giữ gìn sức khỏe. Em sống một mình, lỡ có bệnh hoạn không ai lo.

Tôi cười thật to và nói bằng giọng khôi hài để che dấu sự bối rối:

-Còn anh, tóc cũng bạc nhiều … không lẽ lại bị vợ đì?

Biên nhìn tôi dịu dàng. Đây nhất định không phải là ánh mắt vô cảm của ngày hai đứa nói chuyện chia tay. Tôi cố ngăn nỗi xúc động trong lòng. Đưa Biên ra cửa, tôi trở vào bằng tâm trạng buồn vời vợi. Tôi thật sự muốn biết cuộc sống của Biên bây giờ ra sao? Anh có hạnh phúc không? nhưng không tiện hỏi.

Những ngày kế tiếp, Biên thường gọi điện thoại cho tôi hoặc hẹn đi ăn trưa. Lúc nào cũng là những câu chuyện dòn dã, vui vẻ. Những buổi gặp gỡ đó thường mang đến cho tôi cảm giác êm ái khi trở về nhà, vùi mình trong chăn ấm.

Một buổi tối, Thủy Ngân gọi tôi:

-Ê! bà Phong Lan rêu rao trong hãng là bà đang ve vãn chồng bả kìa.

Tôi ấp úng như bị bắt quả tang, trong khi Thủy Ngân cười ha hả:

-Tôi nói, chồng của bả cũng là chồng của bà, chỉ khác nhau là chữ mới và cũ thôi thì lo làm gì. Bả chửi tôi một trận quá mạng.

Tôi giả vờ hỏi để gợi cho Thủy Ngân tiết lộ thêm tin tức:

-Nghe nói hai ông bà hạnh phúc lắm thì làm sao người khác chen vào được mà lo.

Giọng Thủy Ngân trở nên mai mỉa:

-Hổng dám hạnh phúc đâu. Tuần nào mà ông Biên chẳng đến nhà anh Hai tôi. Mỗi lần say là mỗi lần ổng lè nhè tâm sự. Ổng nói, hồi đó, thấy bà đi chơi hoài nên nghi bà ngoại tình, rồi khi nói chuyện chia tay, bà gật đầu đồng ý liền, nên ổng càng tin chắc điều đó đúng. Gặp bà Phong Lan ngọt ngào, chìu chuộng tối đa, nên ổng tắp vô. Bây giờ mới biết đá, biết vàng. Ổng nói, ngày xưa, ổng muốn giúp đỡ cho gia đình ở Việt Nam bao nhiêu, bà cũng không thắc mắc. Còn bây giờ, mọi bất đồng cũng từ chuyện tiền bạc. Ổng hối hận, ngày xưa chỉ vì tự ái đàn ông mà quyết định sai lầm. Giờ rõ ra, bà chẳng có bồ bịch gì hết. Ổng tiếc sao hồi đó vợ chồng không ngồi xuống để nói chuyện thông cảm….

Đêm đó, Biên gọi cho tôi lúc ba giờ sáng. Tôi hốt hoảng:

-Tammy có chuyện gì hả anh?

-Không có, bỗng nhiên anh buồn quá nên muốn nói chuyện với em. Nhưng anh quên hôm nay anh làm overtime, nên giờ tan việc là ba giờ sáng, chứ không phải mười hai giờ như mọi ngày. Xin lỗi em. Ngày mai em còn phải đi làm sớm.

-Không sao, em vẫn chưa ngủ. Lạ quá, đêm nay cứ trằn trọc mãi… mà anh có chuyện gì muốn nói?

-Anh không biết là nói chuyện nên nói hay nói chuyện không nên nói?

Tôi cố cười to để tự trấn tỉnh mình:

-Vậy thì nói chuyện không nên nói đi. Nếu không, ngày mai anh sẽ không còn can đảm để nói nữa.

Biên lặng thinh một lúc rồi hỏi:

-Sao đến bây giờ em vẫn chưa lập gia đình?

Tôi cười nhẹ:

-Đâu phải ai cũng như anh, vừa chia tay là có người để cưới liền. Vả lại, em cũng sợ phải tái diễn cái cảnh vợ chồng cãi vã, dằn vặt nhau lắm.

Giọng Biên chùng xuống:

-Mọi sự đã muộn màng, nhưng anh vẫn muốn nói với em một lời xin lỗi.

Tôi bật khóc:

-Không phải lỗi của anh. Hơn nữa, bây giờ cũng không phải là lúc đổ lỗi cho ai. Có lẽ, cũng đến ngày mình hết duyên, hết nợ.

Một khoảng im lặng rất lâu … Biên chào tôi và hẹn sẽ gọi lại. Một chút âu yếm trong lời nói, tôi ngọt ngào:

-Em chờ anh.

Tôi gác máy rồi cười một mình khi nhớ lời của Thủy Ngân kể “bả nói bà đang ve vãn chồng bả”. Ngã xuống giường, cuộn mình trong chăn ấm, tôi nghe lòng hoang mang. Chẳng lẽ, tôi đang tìm cách kéo Biên trở về? Chẳng lẽ, một lần nữa, trái tim tôi lại sai một nhịp đập []

Ngân Bình

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search