T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thuỵ My – Các bà mẹ Thiên An Môn: Không muốn trả thù, nhưng từ chối sự lãng quên

Quảng trường Thiên An Môn, 1989.

Theo blog Thuỵ My

(Patrick Saint-Paul, Le Figaro 30/05/2014, tựa trong nguyên tác “Au nom des fils de Tiananmen”) Những bà mẹ của các thanh niên đã bị sát hại trong sự kiện ngày 4 tháng Sáu năm 1989 tiếp tục đấu tranh để được tưởng niệm họ và cho công lý. Nhưng gần đến ngày kỷ niệm 25 năm Mùa xuân Bắc Kinh, Tập Cận Bình lại siết chặt thêm gọng kìm, do sợ hãi một sự thật có thể làm chao đảo chế độ.

Mỗi năm, Bắc Kinh lại sống với nhịp điệu “những vụ mất tích mùa hè”. Gần đến ngày 4 tháng Sáu, thời điểm “nhạy cảm” nhất trong năm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chính quyền Trung Quốc lại buộc nhiều “nhà ly khai” hoặc chỉ đơn giản là các thân nhân những người mất tích phải “đi nghỉ mát”.

Nhân kỷ niệm 25 năm vụ đàn áp đẫm máu phong trào biểu tình sinh viên năm 1989, các nhà quan sát và những người chủ trương tự do Trung Quốc chờ đợi xem thái độ của nhà cầm quyền có thay đổi hay không dưới sự cai trị của tân lãnh đạo Tập Cận Bình, mà một số người hy vọng ông ta là một nhà cải cách… Trên thực tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) năm nay lại siết chặt thêm chủ trương cấm nêu lên “các sự kiện” ở quảng trường Thiên An Môn, khiến khó thể hy vọng đến cải cách chính trị.

“Các vị đã làm đúng khi đến đây trước khi người ta bắt tôi đi ‘nghỉ mát’. Cần phải tiếp tục kể lại câu chuyện của chúng tôi”. Bà Đinh Tử Lâm (Ding Zilin) thổ lộ với Le Figaro như vậy vào đầu tháng Hai. Con trai của bà là Tưởng Tiệp Liên (Jiang Jielian) là một trong những sinh viên đầu tiên đã ngã xuống dưới những lằn đạn, hôm 03/06/1989.

Bà Đinh Tử Lâm bên cạnh ảnh con trai, bị sát hại tại Thiên An Môn ngày 03/06/1989.

Là người sáng lập phong trào Các bà mẹ Thiên An Môn, một hiệp hội tập hợp những người mẹ của các sinh viên bị giết chết trong vụ thảm sát 1989, Đinh Tử Lâm bị giám sát cao độ từ đầu tháng Ba. Công an cấm vào căn hộ của bà ở Bắc Kinh cũng như mọi tiếp xúc với người ngoại quốc. Và vài tuần trước ngày kỷ niệm 25 năm Thiên An Môn, bà cùng với chồng đã biến mất, bị đưa đi quản chế ở một nơi nào đó không ai biết ở xa thủ đô Trung Quốc, cũng giống như hàng mấy chục nhà đấu tranh nhân quyền khác.

Năm nay, bà Đinh Tử Lâm sẽ không được đến mặc niệm tại địa điểm mà con trai bà đã bị một viên đạn cướp đi mạng sống hôm 3 tháng Sáu năm 1989, bị chính quyền ngăn trở như mọi năm. Bà kể lại: « Con trai tôi sinh ngày 2 tháng Sáu năm 1972. Mỗi năm, tôi đều mừng sinh nhật cháu vào ngày 2/6 trước khi cúng giỗ cháu vào ngày hôm sau. Ngay cả an ninh cũng biết chuyện này. Mỗi năm, các nhân viên công an đều nói với tôi là họ hiểu nỗi đau của tôi to lớn như thế nào ». Nhưng họ lại không thương hại bà cụ bị bệnh tim sinh năm 1932,
đã từng bị lên cơn đau tim vào cuối năm 2013. Bà nói: « Tôi không còn kể câu chuyện về con trai tôi từ nhiều năm qua. Nhưng sắp đến ngày kỷ niệm, tôi đã viết ra một cuốn sách, khiến tôi nhớ lại tất cả những chuyện cũ. Trái tim tôi đã không chống chọi được với nỗi đau ».

« Tôi đã cấm con tôi ra đi »

Sinh viên đang dựng tượng Nữ thần Dân Chủ

Vào mùa xuân 1989, trên quảng trường rộng mênh mông ở trung tâm Bắc Kinh, địa điểm mang tính biểu tượng nhất của quyền lực Trung Quốc, các sinh viên đòi hỏi dân chủ và tự do đã được dân chúng tham gia ủng hộ, trong một không khí hồ hởi lan truyền khắp đất nước. Trước bức chân dung của Mao, họ dựng lên bức tượng « Nữ thần Dân Chủ » theo mô hình tượng « Nữ thần Tự Do » của Mỹ.

Bà Đinh thở dài não nuột: « Con trai tôi chỉ mới 17 tuổi, nhưng từ hai năm trước nó đã tranh đấu cho sự tiến triển của xã hội, đòi hỏi được tự do và dân chủ hơn. Cháu thường xuyên đến quảng trường Thiên An Môn để ủng hộ các sinh viên. Chồng tôi cổ vũ con trai. Nhưng tôi là đảng viên Cộng sản trung thành và một lòng tin vào Đảng từ năm 1960, tôi biết Đảng có thể đối xử tồi tệ với người dân như thế nào, từ khi một số đồng nghiệp của tôi bị đánh đập cho đến chết trong Cách mạng văn hóa.

Tôi nói với các học trò và với con tôi là đấu tranh chống lại Đảng chỉ vô ích. Nhưng từ khi lệnh thiết quân luật được ban bố hôm 20/5, các cháu chỉ có mỗi một ý tưởng trong đầu: đó là xuống đường. Chúng nó trách tôi trung thành với Đảng một cách mù quáng. Tôi thì tôi chưa bao giờ hy vọng là phong trào này có thể mang lại một sự thay đổi nhỏ bé nào. Tôi chỉ muốn bảo vệ các cháu thôi ».

Sinh viên dựng lều chiếm cứ Thiên An Môn

Sau bảy tuần lễ chiếm đóng quảng trường, các sinh viên bị quân đội truy sát đêm 3 rạng 4 tháng Sáu. Giải phóng quân Trung Quốc huy động hàng chục ngàn lính với hàng trăm chiến xa hỗ trợ, và nổ súng. Tưởng Tiệp Liên không còn ở tại chỗ từ khi quân đội công bố thông báo với giọng điệu hết sức đe dọa, đòi hỏi sinh viên rời các lều trại trên quảng trường.

Cha của cậu đã đến phía tây thành phố, nhìn thấy các đoàn quân tiến về phía Thiên An Môn và cố làm giảm nhẹ những lo ngại của họ. Bà Đinh Tử Lâm nhớ lại: « Con trai tôi không ngừng lặp lại, nghĩa vụ của nó là phải xuống đường để hỗ trợ cho các bạn sinh viên. Tôi cấm cháu ra ngoài. Nó giận dữ bảo rằng, nếu tất cả các bậc cha mẹ đều như chúng tôi, thì đất nước chẳng còn chút hy vọng nào ».

Quân đội đổ vào quảng trường

« Chúng tôi không muốn trả thù »

Bất lực, bà đóng cửa nhốt con trai trong nhà vệ sinh. Nhưng hai mẹ con vẫn tiếp tục đối thoại qua cánh cửa. Đinh Tử Lâm kể tiếp qua hơi thở nghẹn: « Nó hỏi tôi, làm cách nào có thể cứu được các sinh viên. Tôi trả lời rằng nếu tất cả mọi người dân Bắc Kinh đều xuống đường, thì không một ai dám bắn vào họ. Suốt cả đời, tôi hối tiếc đã nói câu này. Tôi chỉ có một mình. Nếu chồng tôi có mặt bên cạnh, có lẽ hai vợ chồng đã có thể giữ được con lại ».

Vào lúc 22 giờ, Tưởng Tiệp Liên nhảy qua cửa sổ nhà vệ sinh và la to: « Vĩnh biệt mẹ! ». Chàng thanh niên sau đó bị giết chết vào lúc 23 giờ 10 phút.

Máu đã đổ trước cường quyền!

Từ đó đến nay, bà Đinh Tử Lâm thệ nguyện trung thành với lý tưởng của người con, mà bà đã lập một bàn thờ trên đó đặt bình tro cốt của con trong phòng khách. Chân dung của chàng trai được treo trên tường, bên cạnh nhiều bằng tưởng thưởng của các tổ chức bảo vệ nhân quyền. Một tấm ảnh do bà Lưu Hà (Liu Xia), vợ của giải Nobel hòa bình đang bị giam cầm là Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) chụp, được đặt đối diện với bức tượng kỷ niệm người con trai.

Cựu giáo sư triết của trường đại học Bắc Kinh danh giá, Đinh Tử Lâm đấu tranh không ngơi nghỉ cho tiến bộ xã hội và cho tự do. Vào Đảng năm 1960, bà là một trong số 303 nhà trí thức Trung Quốc ký tên vào Hiến chương 08, được công bố ngày 10/12/2008 để đòi hỏi cải cách chính trị và xúc tiến phong trào dân chủ Trung Quốc.

Nhưng nhất là năm 1992 bà đã thành lập một mạng lưới gồm 150 bà mẹ, Các bà mẹ Thiên An Môn, mà những người con đã ngã xuống đêm 3 rạng 4 tháng Sáu năm 1989 tại Bắc Kinh, mà chính quyền từ chối mọi tiếp xúc với báo chí. Đến 1993, bà bị cấm giảng dạy. Kể từ đó, chính quyền liên tục quấy nhiễu để ngăn cản Đinh Tử Lâm tiếp xúc với các bà mẹ có con bị sát hại khác. Nhà nước thúc giục bà sang tị nạn ở Đài Loan, nơi một bộ phận trong gia đình bà đã định cư từ năm 1949 nhưng bà chưa bao giờ nhượng bộ.

Sơ tán các sinh viên bị thương

Là lãnh đạo Các bà mẹ Thiên An Môn, bà Đinh Tử Lâm không ngừng đòi hỏi sự thật và công lý về vụ thảm sát tháng Sáu năm 1989. Bà nhắc lại: « Chúng tôi không muốn trả thù, nhưng từ chối sự quên lãng. Và chúng tôi chỉ có ba yêu sách đơn giản: một cuộc điều tra để tìm ra sự thật về những gì đã diễn ra; công lý phải được thực thi và những kẻ chịu trách nhiệm phải bị đưa ra xét xử, đặc biệt là Lý Bằng (Li Peng), người đã công bố lệnh thiết quân luật ; bồi thường cho gia đình các nạn nhân ».

Những yêu cầu của bà chưa bao giờ thay đổi. Nhưng Đảng lo ngại nếu đáp ứng, sẽ xảy ra một cơn địa chấn chính trị mà các rung chấn sẽ làm bản thân Đảng sụp đổ. « Hai mươi lăm năm sau, tôi tự hỏi, ai sợ hãi ai ? Tôi hy vọng Tập Cận Bình sẽ là một đại đế sáng suốt và tử tế. Nhưng tôi không ảo tưởng, sự kiện ông ta ngưỡng mộ Mao khiến tôi lo sợ. Tôi không còn hy vọng mọi việc sẽ thay đổi » – Đinh Tử Lâm than thở, đã gần kiệt sức.

Cuộc đấu tranh không cân sức

Đó là lý do khiến bà chuyển giao chức trách đứng đầu Các bà mẹ Thiên An Môn, lo ngại lý tưởng đấu tranh của thế hệ mình sẽ biến đi khi họ qua đời vì tuổi già. Nâm Vĩ Kiệt (You Weijie), 61 tuổi, có chồng bị sát hại trong vụ Thiên An Môn, lên thay. Trong căn hộ ở Bắc Kinh bị công an quản chế hồi đầu tháng Ba, tân chủ tịch chia sẻ: « Tôi biết những rủi ro chứ, áp lực không ngừng tăng lên đối với chúng tôi từ đầu năm. Nhưng tôi không thể xóa đi câu chuyện lịch sử này, và muốn rằng cuộc chiến đấu cho công lý được tiếp tục ».

Chồng bà là Dương Minh Hồ (Yang Minghu), nhân viên của Ủy ban Xúc tiến Thương mại Trung Quốc, năm ấy 42 tuổi. Người vợ góa kể lại: « Chúng tôi thức giấc vào nửa đêm 3 rạng 4 tháng Sáu bởi những tràng súng nổ. Sau khi nhìn qua cửa sổ, chồng tôi lo ngại và quyết định đi cùng với các sinh viên về phía Thiên An Môn. Tôi không đi với anh ấy vì phải lo cho con trai nhỏ năm tuổi ». Vào lúc hai giờ sáng, một viên đạn đã xé toang khung chậu và bàng quang của Dương Minh Hồ.

Một thế hệ hào hùng không còn được biết đến

Giới trẻ Trung Quốc không biết đến Thiên An Môn

Nâm Vĩ Kiệt tìm được chồng vào sáu giờ sáng tại bệnh viện. Anh chống chọi được hai ngày rồi mới qua đời. « Chúng tôi ủng hộ 100% các yêu sách của sinh viên, tất cả không phải là điều sai lầm. Nếu chính quyền thời đó đáp ứng, Trung Quốc đã có một số phận tốt đẹp hơn. Chúng tôi có được phát triển kinh tế. Nhưng thiếu vắng mở cửa chính trị, chúng tôi sống trong một xã hội phi đạo đức với trái tim bệnh hoạn. Nếu Trung Quốc tiếp tục tận dụng con đường này, thì cuối cùng sẽ sụp đổ. Không thể tiếp tục lâu dài mà không có mở cửa về dân chủ, vì dân chủ là điều kiện của tự do. Tiện nghi vật chất, mà các đảng viên được hưởng lợi là chính, không thể thay thế được ».

Vụ đàn áp đẫm máu đêm 3 rạng 4 tháng Sáu đã làm cho hàng trăm người chết, thậm chí hơn một ngàn, theo một số nguồn tin. Các bà mẹ Thiên An Môn đã chính thức nhận dạng được 202 nạn nhân – một công việc tỉ mỉ chủ yếu dựa trên các ảnh chụp những xác chết, theo Nâm Vĩ Kiệt. Chính mắt bà trông thấy xác của bảy người tại bệnh viện Tongren nơi chồng bà được đưa đến, nhưng hôm đó chỉ nhận ra được ba thi thể.

Có bao nhiêu thanh niên đã bị giết hại trong Mùa xuân Bắc Kinh???

Bà nhận xét: « Nhiều gia đình không biết người thân của mình đã biến mất như thế nào, hay không dám nói ra do sợ bị trả thù. Người ta không biết có 1.000 hay 3.000 người bị giết chết. Chỉ có mỗi mình chính quyền mới biết được danh sách. Ngày nào mà họ công bố và nhìn nhận trách nhiệm, sẽ là một dấu hiệu tiến bộ vô biên cho tự do và dân chủ của đất nước ».

Từ năm 1989, chế độ cộng sản đã nỗ lực tránh mọi sự nhắc nhở đến biến cố Thiên An Môn. ĐCSTQ cấm đoán các phương tiện truyền thông chính thức, trên internet và sách mọi liên tưởng đến vụ đàn áp Mùa xuân Bắc Kinh, cho đến nỗi đại đa số thanh niên Trung Quốc không hề biết đến vụ thảm sát này. Gần đến ngày kỷ niệm 25 năm Thiên An Môn, chế độ càng siết chặt thêm gọng kìm. Nâm Vĩ Kiệt tóm tắt: « Mỗi năm, khi chúng tôi đi về phía các nghĩa trang nơi chồng, con chúng tôi được chôn cất, luôn luôn công an còn đông đảo hơn là thân nhân các nạn nhân ».

 

Trung Quốc sau Thảm sát Thiên An Môn: Cường quốc của sự sợ hãi

Bernhard Zand
Phan Ba chuyển ngữ

Theo blog Phan Ba

Trước đây 25 năm, Bắc Kinh đập tan cuộc nổi dậy trên quảng trường Thiên An Môn. Ngày nay, Đảng theo dõi bất kỳ ai nói công khai về vụ thảm sát. Đó không phải là dấu hiệu của sức mạnh, mà là của sự sợ hãi.


Chính phủ Trung Quốc không cho phép kỷ niệm Thiên An Môn. Hình: DPA

Lần nào cũng vậy, cứ đến ngày kỷ niệm vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn thì Bào Đồng (Bao Tong) phải biến mất. Ông bị thúc ép “đi nghỉ mát ngắn hạn”. Lần này thì cảnh sát đã mang ông đi mất, không ai biết đi đâu. Người đàn ông này 81 tuổi, một người về hưu đã có cháu.

Tội phạm của ông Bào? Ông thuộc những người trong Đảng mà trước đây 25 năm thích thương lượng với các sinh viên hơn là để cho bắn chết họ. Và ông dám nói công khai về những gì đã xảy ra năm 1989.

Chính phủ đã bắt hơn 50 phụ nữ và đàn ông như Bào Đồng trong những tuần vừa qua, nhân chứng, luật sư, nhà hoạt động nhân quyền. Có những người nào đó có thể sẽ được trả tự do, khi ngày kỷ niệm vụ Thiên An Môn trôi qua.

Người ta có thể đùa cợt về việc giới lãnh đạo của một dân tộc 1,3 tỉ người, đang trỗi dậy thành cường quốc, lại sợ những người như Bào Đồng. Rằng họ đe dọa nhân viên Trung Quốc của các truyền thông Phương Tây. Rằng vào đêm trước của ngày 4 tháng Sáu, họ đã cho biến mất biểu tượng cảm xúc của cây nến đang cháy mà những người nào đó trên dịch vụ tin ngắn Weibo đã dùng nó để tưởng nhớ tới những người chết của Thiên An Môn.

Trung Quốc không biểu hiện sức mạnh mà là sự sợ hãi

Người ta có thể cảm thấy buồn cười nếu như nó không đáng khinh tới như vậy. Rằng Trung Quốc ngày nay thật sự là giàu gấp 25 lần hơn Trung Quốc của mùa xuân 1989, và đã có thể tự tin hơn gấp 25 lần. Trong những thập niên vừa qua, người Trung Quốc đã đạt được một điều gì đó mà người ta khâm phục họ: Từ một nước đang phát triển, họ đã xây dựng một nhà nước công nghiệp hiện đại đã làm thay đổi thế giới. Để có thể đánh giá thành tích của Trung Quốc, một so sánh với cường quốc Nga rỗng ruột và các thành tựu trong 25 năm vừa qua là đã đủ.

Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc tin vào người dân của họ còn ít hơn là 25 năm trước đây. Ngày nay thật không thể tưởng tượng được, rằng có một nhóm người biểu tình kéo ra quảng trường Thiên An Môn, rằng quan chức cao cấp của Đảng đối thoại với những công dân phê phán – điều mà họ đã làm trong mùa xuân 1989 trước khi họ đập tan cuộc nổi dậy.

Chính phủ Trung Quốc còn không cho phép tưởng nhớ tới 1989 nữa, còn nói chi tới một cuộc tranh luận. Đó không phải là dấu hiệu của sức mạnh mà là của sự sợ hãi. Đó là một dấu hiệu, rằng cái nền tảng đó mong manh cho tới đâu, cái nền tảng mà sự thống trị của Đảng đang dựa ở trên đó.

Hôm thứ ba, Trung Quốc đã công bố các số liệu mới nhất về kinh tế của họ. Chúng thật tốt đẹp. Các doanh nghiệp muốn đầu tư thật nhiều, khu vực dịch vụ đang bùng nổ. Trong những bản tường trình như vậy, người ta không bao giờ nói về nỗi sợ hãi và cơn ác mộng của những người đang cầm quyền. Kỷ niệm 25 năm Thiên An Môn là một dịp để nhớ lại điều này.

Bernhard Zand làm việc cho tờ Spiegel từ 1998. Ông là thông tín viên ở Istanbul, Cairo và Dubai, là phó trưởng ban Quốc tế. Là thông tín viên Cận Đông, ông đã tường thuật về các cuộc chiến ở Iraq, ở Gaza và ở Libanon. Từ 2012, Zand làm việc tại Bắc Kinh.

Phan Ba dịch từ Spiegel Online: http://www.spiegel.de/politik/ausland/tiananmen-massaker-china-fuerchtet-proteste-am-25-jahrestag-a-973168.html

Bài Mới Nhất
Search