T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

WORLD CUP 2014 Kỳ 4: Bảng D

Bảng D: Uruguay, Costa Rica, Anh Quốc, Ý Đại Lợi

 

Nguồn: Hồn Việt Radio

Tứ Hùng Hội Ngộ Tử Thần Bảng

Kinh Thiên Địa Chấn Thế Tương Tranh

Tương tự như bao giải đấu trong quá khứ luôn xuất hiện một bảng đấu tập hợp toàn những đội bóng lợi hại thường được mệnh danh là “Tử Thần Bảng”, sân cỏ Ba Tây 2014 lần này lại tiếp tục đón chào bảng D là nơi giao tranh của bộ ba cao thủ hạng nặng gồm Uruguay, Anh Quốc và Ý Đại Lợi. Trong khi trên thực tế Costa Rica tuy chưa đạt đến chiến lực có thể sánh cùng tam đại cao thủ chung bảng nhưng với lối chơi đầy ngẫu hứng từ những chân sút tài năng trẻ, họ vẫn có khả năng gây rối ở thế cầm chân và ở một mức độ nhất định nào đó, họ còn hưởng lợi từ cục diện “Tam Hùng Tranh Cước” vào vòng 2 vốn được dự đoán sẽ kèm theo nhiều tổn thất cho cả Uruguay, Anh Quốc và Ý. Tứ Hùng bảng D bao gồm cả Costa Rica cũng vì lẽ này.

URUGUAY


Sau hai lần lên ngôi vô địch thế giới vào năm 1930 và 1950, Uruguay bắt đầu bước vào thời kỳ hậu thoái và hầu như đã nhường lại danh hiệu Cầu Vương cho Ba Tây cùng Á Căn Đình thay phiên nhau nắm giữ. Cũng từ giai đoạn sau thập niên 1950 cho đến nay, tuy đội bóng mang biệt danh “La Celeste” (Bầu Trời Xanh) Uruguay có tới 15 lần đoạt cúp vô địch Nam Mỹ Copa America nhưng thành tích cao nhất tại World Cup của họ chỉ là đứng hạng Tư vào năm 1970 và cách đây 4 năm ở vũ đài Nam Phi. Nhìn vào huy hiệu biểu tượng của đội tuyển Uruguay với 4 ngôi sao tượng trưng cho 2 lần lên ngôi giải Thế Giới và 2 lần đoạt HCV Thế Vận Hội 1924, 1928, giới ái mộ cũng thấy được đội bóng “Thanh Không Cước” đã từng có một thời vàng son rực rỡ khi trào lưu túc cầu quốc tế vừa mới ra đời.
Nhưng đó đã là chuyện của quá khứ vì riêng tại chiến trường World Cup từ thập niên 1970 trở đi, Uruguay thực sự xuống dốc với 5 lần bị loại từ vòng đấu dự tuyển vòng loại khu vực mà gần nhất là vào năm 2006 diễn ra tại Đức. Còn ở giải đấu khu vực Copa America, tính từ lần đăng quang thứ 14 vào năm 1995 những chàng trai áo xanh da trời cũng khiến giới hâm mộ quốc nội phải mõi mòn trông đợi và mãi đến 16 năm sau, tức năm 2011 họ mới tái lập thành tích đoạt cúp Nam Mỹ.

@On the Web

Điều khó hiểu nhất là dù ở từng thế hệ đã qua, Uruguay không hề thiếu vắng những tuyển thủ nổi bật thường góp mặt trong các câu lạc bộ hàng đầu Âu Châu nhưng họ vẫn không thể tái hiện được hình ảnh một đội bóng hùng mạnh như xưa. Vì vậy, hiện nay Uruguay thường được võ lâm cầu giới liệt vào danh sách các khuôn mặt “vang bóng một thời” cùng với những tên tuổi từng khét tiếng thời thập 1980 như Ba Lan, cựu Nam Tư, cựu Tiệp Khắc, Hungary, Áo Quốc v.v…
Theo giới bình luận, nguyên nhân suy yếu của Uruguay không tùy thuộc nhiều vào trình đội nhồi bóng của các tuyển thủ mà do ảnh hưởng từ những cá tính của họ và chiến thuật đặt trọng tâm nơi hàng phòng ngự mang đậm chất truyền thống Nam Mỹ. Thứ nhất, với thành phần nhân tuyển đa số đầu quân vào các câu lạc bộ Tây Âu, đội hình của Uruguay thường bị gò bó trong cách chơi vờn bóng phối hợp nhịp chậm khiến họ không thể phát huy tài nghệ cá nhân đa dạng. Kế đến, cầu thủ Uruguay cũng nổi tiếng về những màn mánh khoé rất tinh vi như giả vờ bị té ngã trên sân để được hưởng các quả đá phạt hoặc ít ra cũng làm giảm thiểu mức độ áp công đầy lợi thế từ đối phương. Từ đó, hiệu quả thực sự của một đội hình tập hợp nhiều chân sút xuất sắc đã mất đi phần nào nét sắc bén nơi thế trận toàn diện nếu Uruguay khai thác chiến thuật tích cực tấn công.

@On the Web

Khuynh hướng này xuất phát từ ý niệm mưu tính chiến thuật vốn rất thịnh hành trong cầu giới Nam Mỹ từ trước nay và Uruguay chính là một trong những cao thủ bậc nhất sở trường chiến pháp vờn bóng, kiên nhẫn chờ đợi thời cơ. Trường hợp gặp phải những đối thủ kiên cường hơn nơi cục diện các vòng đấu loại trực tiếp, Uruguay cũng có biện pháp kéo giãn thời gian để cầm hòa với toan tính sẽ tranh tài trên chấm phạt đền 11m. Chẳng hạn như trong trận đụng Nhật Bản tại vòng 2 ở giải World Cup 2010 do đụng phải tinh thần quyết chiến cao độ của đối phương, Uruguay đã thay đổi chiến thuật cầm hòa trong 30 phút hiệp phụ và cuối cùng chiến thắng sau loạt đá phạt luân lưu.
Tuy vậy, nếu nhìn từ chiều ngược lại cũng không thể phủ nhận được uy lực phản công dũng mãnh của Uruguay với những chiêu thức khai thác chỗ trống, đánh vào yếu huyệt địch thủ rất nhanh nhẹn, dứt khoát. Do đó, Uruguay tuy không thuộc đẳng cấp hùng mạnh bậc nhất nhưng vẫn được coi là khuôn mặt lợi hại nơi chiêu thức “công chắc thủ kín” hay nói khác đi họ đủ sức gây khó dễ cho bất cứ cao thủ hạng nặng nào.

Oscar Tabarez @On the Web

Theo danh sách sơ khởi do HLV Oscar Tabarez công bố vào đầu tháng 5 vừa qua, đội hình chính thức đến Ba Tây lần này của Uruguay bao gồm 25 tuyển thủ với các chân sút nổi danh quen thuộc sân cỏ trời Âu như cặp tiền đạo Luis Suarez và Edison Cavani, đồng thời lão tướng Diego Forlan tuy cũng được góp mặt nhưng có lẽ chỉ thuộc đội quân trừ bị vì anh đã bước vào lứa tuổi 35. Forlan chính là cầu thủ Uruguay đầu tiên đoạt danh hiệu Vua Phá Lưới với 5 bàn thắng tại giải Thế Giới ở kỳ World Cup 2010 và được coi là một “người hùng dân tộc” cùng với Luis Suarez đóng góp công sức đưa đội nhà đạt đến thành tích hạng Tư sau 40 năm kể từ giải đấu 1970.
Riêng Luis Suarez vốn là nòng pháo chủ lực của đội bóng Liverpool, Anh Quốc với trình độ ghi bàn vào bậc thượng thừa. Trong mùa bóng vừa qua, Suarez đã trở thành vua phá lưới giải đấu Premier League khi tạo được 31 pha tung lưới giúp cho Liverpool đứng hạng Nhì sau đội vô địch Manchester City. Nhưng kèm theo tài năng thiên phú, Suarez cũng mang nhiều tai tiếng qua thói quen tận dụng các trò tiểu xảo đầy mánh lới để giúp đội nhà hưởng lợi trên sân ở bất cứ tình huống nào.

Luis Suarez @On the Web

Trong khi niềm kỳ vọng của giới ái mộ quốc nội đang đặt nặng trên đôi vai Suarez thì vào ngày 21/5/2014 vừa qua anh đã bị chấn thương khá nghiêm trọng nơi đầu gối, buộc phải giải phẫu và tịnh dưỡng từ 4 đến 6 tuần. Điều này có nghĩa là chân làm bàn số một của Uruguay khó có khả năng ra quân ở trận đầu tiên giao chiến cùng Costa Rica ngày 14/6, vốn được coi là một trận đấu rất quan trọng vì họ tránh được cùng lúc cả hai cường địch là Anh, Ý với nhiều hy vọng về một trận thắng đầu tiên để làm bàn đạp tiến qua cánh cửa hẹp của bảng D.
Kế đến, Edison Cavani đang chơi cho câu lạc bộ Paris Saint Germain cũng là một tay “săn lưới” đáng sợ qua các pha lướt tốc đi bóng rất khôn khéo cùng khả năng ghi bàn dứt điểm không hề thua kém Suarez hay Forlan. Hàng tiền vệ với Egidio Arevalo Rios, Walter Gargano, Alvaro Gonzalez, Alvaro Pereira, Cristian Rodriguez đều là những cầu thủ lão luyện kinh nghiệm. Và trọng tâm đội hình chính là hàng hậu vệ với Diego Godin, Jose Maria Gimenez, Martin Caceres phối hợp cùng thủ môn trẻ Fernando Muslera.

Alevaro Rios @On the Web

Căn cứ theo chiến lực và những thành tích gần đây nhất là sự kiện phải đến Ba Tây bằng cửa hậu sau hai lượt đấu tranh vé vớt với Jordan, có thể nói Uruguay đang ở trong tình trạng khó dự đoán nhất trong thế tương tranh của bảng D vì họ đang sở hữu một dàn quân hùng hậu ở cả 3 tuyến vốn đủ khả năng chọi thẳng trước hai thế lực đáng gờm của Ý và Anh. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm cho thấy sau kết quả trận đụng độ đầu tiên với Costa Rica vào ngày 14/6, có lẽ Uruguay sẽ có những bước toan tính chiến thuật tiếp theo khi họ trực tiếp giao chiến với hai đại cao thủ Châu Âu.

COSTA RICA


Costa Rica là đội bóng duy nhất của bảng D chưa từng tạo thành tích đáng kể nào  tại World Cup ngoài lần gây bất ngờ ở giải đấu 1990 khi lướt thắng hai đội thủ được đánh giá trên chân là Scotland 1-0 và Thụy Điển 2-1. Đó là chưa kể đến việc cả 3 đối thủ cùng bảng D lần này đều là 3 nhà cựu vô địch thế giới, nên dù muốn dù không, trên lý thuyết đội bóng mang biệt hiệu “Los Ticos” (Những Chàng Trai Costa Rica) vẫn bị xếp vào hàng chiếu dưới, tức khó có khả năng tạo nên một cuộc phiêu lưu lần thứ hai để vượt qua quan ải vòng 1 giống như kỳ World Cup 1990. Nhưng thực tế thì sao?

@On the Web

Nằm trong khu vực CONCACAF, tức Liên Đoàn Túc Cầu Bắc Trung Mỹ Và Vùng Caribbean, đội tuyển Costa Rica có lịch sử hình thành khá lâu đời với trận ra quân đầu tiên vào năm 1921 đá thắng El Salvador 7-0 tại giải đấu Independence Centenary Games, kỷ niệm 100 năm độc lập của khu vực Trung Mỹ. Sau đó, họ tiến đến trận chung kết hạ gục Guatemala 6-0, đoạt cúp vô địch. Đương nhiên, đây là thời kỳ trình độ túc cầu của vùng Trung Mỹ hãy còn quá non kém nên việc Costa Rica thắng giải với các tỷ số của môn Tennis cũng không phải là điều khó khăn. Hơn 3 thập niên sau, khi các quốc gia trong vùng bắt đầu vươn lên thì Costa Rica mới thực sự đụng phải “bức tường” dự tuyển vòng loại để tranh vé World Cup vốn đã xóa tên họ suốt từ giải đấu 1958 đến 1986.
Qua nhiều đợt cải tổ, đào tạo, chọn lọc các tuyển thủ trẻ, cuối cùng Costa Rica cũng có dịp đặt chân đến sân cỏ thế giới 1990 và bất ngờ gây chú ý khi lọt vào vòng 2 cùng Ba Tây ở bảng C với chiến tích loại sổ hai đội bóng Châu Âu là Thụy Điển cùng Scotland. Nhưng họ cũng bị Tiệp Khắc xóa tan giấc mơ tại vòng 2 với tỷ số bại chiến 1-4. Sau một chặng đường dài chông gai kế tiếp, Costa Rica lại tái xuất chiến trường World Cup ở hai kỳ 2002 và 2006. Tuy không thể tái lập thành tích cũ, nhưng lối chơi tích cực dâng bóng của chiến pháp 4-5-1 cũng đã ghi lại dấu ấn của hai chân làm bàn xuất sắc trong đội tuyển Costa Rica là Rolando Foncesca và Paulo Wanchope.

@On the Web

Để góp mặt tại Ba Tây kỳ này, Costa Rica với thành phần thiếu vắng các ngôi sao làm bàn mang tầm cở Foncesca hoặc Wanchope nhưng bù lại họ có cặp “Song Pháo Liên Hoàn” rất ăn ý ở hàng trên là thủ quân Bryan Ruiz và Joel Campbell cùng với lối chơi kết hợp toàn đội dựa vào nền tảng hàng phòng ngự kiên cố thường xuyên được được tiếp ứng từ tuyến tiền vệ. Điều này đã giúp cho Costa Rica giành được chiếc vé dự tranh World Cup lần thứ tư với tư cách là đội hạng Nhì sau Hoa Kỳ trên bảng xếp hạng. Do HLV đương nhiệm Jorge Luis Pinto là một chiến thuật gia người Colombia nên dư luận không mấy ngạc nhiên khi đấu pháp của Costa Rica lại có nhiều phần tương tự như trường phái “Dĩ Thủ Vi Công” Nam Mỹ.

@On the Web

Nhìn vào thực tế, Costa Rica và Uruguay đều có lợi thế tương đồng khi tránh được trận chiến đầu với một trong hai ứng viên tiến sâu vào giải là Anh và Ý, hơn nữa cũng không thể căn cứ vào thứ hạng hay dàn quân tập hợp những cầu thủ nổi tiếng trong đội hình mà lượng giá mức độ thành công của từng đội bóng. Đây cũng chính là cách nhận định của HLV Pinto về thế tương tranh ở bảng D trong qua một cuộc phỏng vấn vào trung tuần tháng 5/2014 vừa qua sau khi ông đưa ra danh sách cầu thủ tham chiến World Cup 2014.
Theo ông Pinto, việc Costa Rica rơi vào bảng đấu tử thần tuy phải chạm trán với toàn những cường địch từng trải kinh nghiệm đoạt cúp nhưng điều này càng khiến họ có thêm động lực cố gắng chiến đấu hơn. Cùng lúc, ông đã bày tỏ một cách ngắn gọn về tầm nhìn chiến lực đối với địch thủ cùng bảng: “Dĩ nhiên, Ý là một đội rất mạnh và chúng tôi biết rất rõ về họ cũng như những thành tích của họ tại World Cup. Đội tuyển Anh cũng tương đồng theo cách nhìn này. Còn Uruguay đang cần những tuyển thủ trẻ hơn để thay thế cho thế hệ cựu trào, nhưng họ vẫn tiềm tàng sức mạnh. Có thể thấy được sở dĩ Uruguay luôn giữ nguyên đội hình trong suốt nhiều năm qua là vì lớp cầu thủ đương thời vẫn còn phong độ so với các chân sút trẻ chưa đủ trưởng thành để thay thế. Trong số này, hai cầu thủ quan trọng nhất của Uruguay là Luis Suarez và Edinson Cavani. Riêng Costa Rica có một hàng thủ cứng rắn và thường phát huy hiệu quả”.

@On the Web

Như vậy, hệ thống phòng thủ kiên cố sẽ là phương án duy nhất của Costa Rica trong thế tương tranh khó lường của bảng D khi ông Pinto khẳng định cụ thể hơn: “Đối với các chân sút lợi hại như Wayne Rooney của Anh, Mario Balotelli hoặc Luis Suarez của Uruguay, đội bóng chúng tôi sẽ sử dụng vũ khí lợi hại nhất là lối chơi kỷ luật chặt chẽ trong thế ngăn chận họ một cách có hiệu quả. Dù Costa Rica chưa hề chiến thắng trước Anh, Ý, Uruguay nhưng tôi hy vọng điều này sẽ thay đổi tại World Cup 2014”.

ANH QUỐC

Vốn được coi là chiếc nôi sản sinh ra môn túc cầu cận đại, nhưng cho đến nay Anh Quốc chỉ mới lên ngôi vô địch thế giới một lần vào năm 1966, tức giải đấu được tổ chức trên sân nhà. Ngoài ra, đội bóng mệnh danh “Tam Sư” (Three Lions) là Anh Quốc cũng chỉ đạt thành tích cao nhất là đứng hạng Ba tại giải đấu châu lục EURO năm 1968. Đây cũng là một sự kiện hy hữu khi Anh Quốc có nền tảng phát triển túc cầu từ hậu bán thế kỷ 19 và sớm hình thành giải đấu chuyên nghiệp quốc nội hàng đầu thế giới Premier League, nhưng lại không mấy thành công trên các đấu trường quốc tế.
Nhìn vào quá khứ, đội bóng Anh Quốc đã cùng Scotland khơi nguồn cho trào lưu túc cầu cận đại bằng một trận so chân vào ngày 5/3/1870, tức trận đấu quốc tế “không chính thức” đầu tiên trong lịch sử môn đá banh thế giới. Sau đó, hai quốc gia này tiếp tục gặp nhau thêm 4 trận với Anh Quốc chiếm nhiều ưu thế hơn qua kết quả 3 thắng 2 hòa. Từ bối cảnh này, Liên Đoàn Túc Cầu Anh vốn được thành lập trước đó vào năm 1863 đã xúc tiến việc hình thành các trận cầu quốc tế giữa họ và được FIFA nhìn nhận trận đấu với Scotland vào năm 1872 là trận so chân quốc tế đầu tiên của làng bóng thế giới.
Qua quá trình xuất hiện lâu đời, Anh Quốc cũng là cha đẻ chiến thuật cổ điển 4-2-4 ứng dụng phương cách định vị cầu thủ trên sân phù hợp với từng vai trò một cách có hệ thống tổ chức rõ ràng. Đồng thời, các đường tấn công lưỡng biên, tạt cánh, đánh đầu cũng xuất phát từ hình thức cổ điển này.

@On the Web

Sau khi bắt đầu dự tranh World Cup từ năm 1958, Anh Quốc có hai lần tiến vào tứ kết năm 1954, 1962  và phải đợi đến giải 1966 “Tam Sư” mới chiếm được cúp vàng. Từ đó đến nay, làng bóng nước Anh tuy không thiếu những nhân tài nổi bật, khét tiếng sân cỏ như Bobby Charlton, Kevin Keegan, Paul Gascoigne, David Beckham, Michael Owen, Wayne Rooney v.v…nhưng dường như giấc mơ chinh phục thế giới vẫn còn quá xa vời đối với đội tuyển xứ sương mù.
Một trong số những nguyên nhân đưa đến tình trạng này là do cá tính bảo thủ của người Anh khi họ thường giữ vững lối đá đơn giản truyền thống dù có chút thay đổi theo từng trào lưu tiến hóa của làng cầu quốc tế. Thêm vào các sự kiện gây bất đồng nội bộ giữa tuyển thủ và HLV nên mỗi khi đội Anh tưởng như có cơ hội tiến gần đến bục vinh quang thì họ lại tiếp tục ngã gục. Hơn nữa, ở những trận đấu quan trọng khi tiến sâu vào giải, bức tường luôn ngăn cản bước tiến của đội Anh chính là “quỷ môn quan PK”, tức hình thức đá phạt 5 quả penalty. Tính đến nay, Anh Quốc đã 3 lần bại chiến PK ở World Cup, còn ở giải đấu EURO họ cũng chỉ thắng 1 lần bại 3 lần. Mặt khác, có nhiều dư luận quốc nội cho rằng vì giải đấu Premier League chiêu mộ quá nhiều chân sút ngoại quốc nên các cầu thủ người Anh không có cơ hội thử luyện và vì vậy không thể cung ứng nhân tài cho đội tuyển.

@On the Web

Xét qua các yếu tố trên đã cho thấy rõ một thực tế hiển nhiên: Anh Quốc là một đội bóng mạnh với nền tảng vững vàng nhưng không thuộc nhóm các đội bóng lợi hại.
Hiện nay, người lèo lái con thuyền “Tam Sư” đến Ba Tây vẫn là ông Roy Hodgson, người có gần 30 năm ngồi trên ghế chỉ đạo, đã đảm nhiệm chức HLV cho đội Anh từ tháng 5/2012.

Roy Hodgson @On the Web

Có lẽ qua kinh nghiệm thất bại từ người tiền nhiệm Fabio Capello cách đây 4 năm khi sử dụng toàn những cầu thủ kỳ cựu nhưng luống tuổi, ông Hodgson đã dứt khoát đi theo hướng trẻ trung hóa đội hình với 8 cầu thủ dưới 23 tuổi, đưa số tuổi trung bình của đội tuyển Anh Quốc trong đợt ra quân lần này là 26, tức trẻ nhất tính từ lần họ dự World Cup đầu tiên 1958. Quyết định này còn thấy ông Hodgson không đặt nặng mục tiêu tạo thành tích của đội Anh ở Ba Tây mà chỉ là bước khởi đầu gầy dựng lại một thế hệ mới cho “Tam Sư”. Qua đó, các khuôn mặt như hậu vệ Luka Shaw (18 tuổi), tiền vệ Raheem Sterling (19 tuổi) Alex Chamberlain (20 tuổi), Ross Barkley (20 tuổi) v.v…đều là những tuyển thủ chỉ ra sân trong đồng phục đội tuyển quốc gia chỉ mới vài ba lần. Bên cạnh đó, các danh thủ kỳ cựu vẫn còn trấn giữ vị trí cố hữu như thủ môn Joe Hart, cặp “Hỏa Tiễn Tầm Xa” gồm hai tiền vệ Steven Gerrard, Frank Lampard và “Thần Mã Tuyệt Cước” là sát thủ Wayne Rooney.

Wayne Rooney @On the Web

Nơi trận ra quân đầu tiên vào ngày 14/6, Anh Quốc sẽ có cuộc tái đấu cùng Ý sau khi hai cao thủ này từng đụng độ ở vòng tứ kết EURO 2012 với kết quả Anh bị thảm bại sau loạt đá luân lưu 11m. Do đó, đây chính là cơ hội tốt nhất để Tam Sư ra chiêu phục hận, đồng thời tạo động lực cho bước tiến vượt quan ải bảng D tử thần. Nếu không lướt thắng được Ý hoặc đôi bên đi đến cục diện một trận hòa thì Anh sẽ có phần bất lợi hơn vì ở trận đấu kế tiếp vào ngày 19/6 họ sẽ chạm trán đối thủ hung hiểm khó lường là Uruguay trong khi Ý tiếp chiến Costa Rica. Từ thế tương quan nhiều phần gay góc này, chắc chắn đội tuyển trẻ Anh Quốc sẽ có một trận đấu bùng nổ trước cựu thù “Thanh Y Cước” Ý Đại Lợi.
Bảng D quả là vùng đất tử thần!

Ý ĐẠI LỢI


Khá tương tự như Anh Quốc, nền túc cầu của Ý đã sớm xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 qua sự hình thành Liên Đoàn Túc Cầu quốc gia này vào năm 1898 và có trận cầu quốc tế trình làng đầu tiên ngày 15/5/1910 với chiến thắng 6-2 trước Thần Kê Pháp Quốc. Trận cầu này cũng khởi nguồn cho “mối thù truyền kiếp” kéo dài giữa hai nước láng giềng vốn luôn kèm theo tính cạnh tranh gay gắt. Tính cho đến thời điểm gần nhất là tháng 11/2012, Ý và Pháp đã trải qua 37 lần so cước kể cả những trận đấu giao hữu và tại Thế Vận Hội. Kết quả, Ý chiếm thế thượng phong với 18 thắng 9 bại 10 hòa.
Từ thập niên 1930, trình độ nhồi bóng của xứ sở mì ống đã không ngừng thăng tiến sau khi họ chấp nhận cú ngã ngựa lịch sử, bại chiến 1-7 trước đối thủ Hungary vào tháng 4/1924. Chỉ với lần ra mắt thế giới đầu tiên Ý đã liên tiếp lên ngôi tại World Cup 1934, 1938 và trở thành một đội bóng khét tiếng giang hồ khi tái hiện hình ảnh nhà vô địch năm 1982, 2006. Kèm theo đó là thành tích hai lần đoạt danh hiệu Á Quân tại World Cup 1970, 1994, cũng như một lần đứng hạng Ba năm 1990 và hạng Tư năm 1978. Ý còn ghi tên vào danh sách các đội bóng vô địch EURO vào năm 1968 cùng hai lần tiến đến trận chung kết giải 2000, 2012. Qua những chiến tích lẫy lừng, nhất là 4 lần đăng quang giải thế giới Ý chỉ còn kém Cầu Vương Ba Tây với 5 lần đoạt cúp vàng.

@On the Web

Một trong những yếu tố đưa đội tuyển Ý vốn mang biệt danh “Azzurri” (màu xanh) đạt thành công chính là chiến thuật phòng thủ nổi tiếng “Catenaccio” đã từng trở thành cao trào trong suốt hai thập niên từ 1950 đến 1960 tại Ý. Catenaccio trong tiếng Ý có nghĩa là “chiếc then gài cửa” nên danh từ này được sử dụng trong môn túc cầu như là một chiến thuật tập trung vào hàng phòng thủ nhằm vô hiệu hóa tất cả các đòn tấn công của đối phương để bảo vệ khung thành. Vì vậy, có thể gọi nôm na rằng Catenaccio là chiến thuật “Khóa Cửa”. Cũng từ quan niệm coi trọng kết quả hơn nội dung trận đấu, lối chơi của đội Ý đã sớm hình thành truyền thống kiên thủ với lối dàn trận bố trí nhiều cầu thủ tập trung trên phần sân nhà và sẵn sàng đánh úp đối thủ rất nhanh chóng mỗi khi họ có cơ hội.
Đấu pháp “Khóa Cửa” Catenaccio được coi là xuất phát từ vị HLV người Áo tên Karl Rappan, đã sáng chế thế trận phòng thủ định vị cho một hậu vệ trấn thủ trước khung thành và chỉ có nhiệm vụ sát cánh cùng thủ môn. Sau đó, chiến pháp này truyền vào đất Ý và được khai triển rộng lớn hơn ở cả tuyến hậu vệ lẫn tiền vệ. Tuy nhiên, kể từ giữa thập niện 1970 khi chiến thuật “Tổng Lực Thần Công” của Hòa Lan cùng với lối đá đan chuyền bóng ngắn, tận dụng tuyệt nghệ cá nhân cầu thủ của trường phái Nam Mỹ xuất hiện, hệ thống phòng thủ Catenaccio đã mất đi hiệu quả nên các nhà chiến thuật Ý lại chuyển sang đấu pháp “Zona Mista” tức “Phòng Thủ Khu Vực” kết hợp với nền tảng của lối đá Catenaccio. Qua đó, các tuyển thủ được phân bố theo từng khu vực đảm nhiệm cộng thêm một số tuyển thủ chuyên truy kèm đối phương để gia tăng mức độ an toàn cho cầu môn.

@On the Web

Ngoài ra, một điểm quan trọng khác thường giúp đội Ý tiến sâu vào các giải đấu quốc tế chính là sự tinh quái trên sân cùng những mưu tính ứng dụng theo từng cục diện tương tranh khi họ luôn tạo ra một bộ mặt thất thường nhưng lại ẩn chứa bên trong những chiến thuật bẻ khóa đối phương rất lợi hại. Có thể nói đến những tiểu xảo thường thấy của cầu thủ ý là giả vờ lăn lộn trên sân sau những cú va chạm để kéo dài thời gian khi họ gác điểm trước, hoặc thường khiếu nại trọng tài để dành phần phải về mình quy lỗi cho đối phương, hay trêu chọc đối thủ trên sân khiến họ không tập trung đưa đến sự nóng giận như trường hợp cú húc đầu “Thiết Thủ Thần Công” của danh thủ Zidane nhắm vào ngực Materazi ở giải World Cup 2006 đã khiến anh bị lãnh chiếc thẻ đỏ “huyết lệnh bài” và đội Pháp cũng mất đi chân sút trụ cột này nên chuốc lấy thất bại. Ngoài những tiểu xảo, kinh nghiệm tiến sâu vào các giải đấu quốc tế còn tạo cho Ý một lối chơi biến hóa linh động khi tỏ ra rất yếu, lúc thì lại quá mạnh. Tất cả cũng chỉ để đánh lừa những cường địch khác khi tiếp chiến với họ tại các vòng đấu loại trực tiếp.
Nhưng những nhận định trên không có nghĩa cho là đội Ý chỉ biết dựa vào các mánh khóe để tìm chiến thắng, ngược lại phải nhìn nhận rằng họ chính là đội bóng có truyền thống phòng thủ phản công hàng đầu thế giới. Ngoài những cú đánh biên thần tốc, lối đá kết hợp cả hai trường phái đan bóng ngắn dài của Ý đều được xếp vào hạng cao thủ bậc nhất với sở trường cướp đoạt thời cơ một cách chớp nhoáng. Nói cách khác, Ý là đội bóng chỉ thực sự để lộ khuôn mặt lợi hại ở những cục diện quan trọng nơi các giải đấu quốc tế. Điển hình là cho đến thời điểm gần kề ngày đại hội luận cước 2014 hiện nay, giới cá cược dường như không mấy hứng thú về đội Ý, thậm chí họ còn lượng giá đội Ý kém hơn Bỉ, Pháp hoặc Colombia trong các dự đoán chỉ vì căn cứ kết quả hòa của một loạt trận đấu giao hữu vừa qua giữa Ý và Đức, Nigéria, Đan Mạch, Armenia.

@On the Web

Đến đây, có lẽ cũng cần phải phân biệt sự khác nhau giữa các đội bóng mạnh và những đội lợi hại. Mạnh theo nghĩa chính xác là một đội bóng luôn thể hiện phong độ vượt trội và có chiến pháp căn bản thuần nhất ở một mức độ nào đó đủ để uy hiếp đối phương. Thí dụ, các đội Đức, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Bồ Đào Nha của giải đấu lần này được xếp vào nhóm đội mạnh. Nhưng lợi hại ở đây thì mang ý nghĩa khác biệt về cách ứng chiến qua mỗi trận đấu. Trong đó, còn ẩn chứa những nét biến hóa đội hình để phù hợp với từng đối thủ. Ý chính là khuôn mặt lợi hại theo nghĩa này.
Trong những năm gần đây, dưới quyền điều động của HLV Cesare Prandelli, đội Ý đã có nhiều thay đổi về mặt nội dung với chiến thuật cân bằng cả hai mặt công thủ, đặc biệt là qua giải đấu EURO 2012 “Thanh Y Cước” đã cho thấy những chiêu pháp tấn công nhanh nhẹn, sắc sảo, tích cực và không còn quá lệ thuộc vào khuôn mẫu Catenaccio theo lối chơi “khóa cửa” như xưa. Nhờ vậy, Azzurri tạo được nhiều nét thú vị nổi bật qua các nhiều sơ đồ biến hóa gồm 4-3-3, 4-3-1-2, 4-4-2 hoặc đôi khi họ còn vận chuyển thế công rất linh động theo chiến pháp 3-5-2.

Andrea Pirlo @On the Web

Qua các sơ đồ này, tuyển thủ chủ chốt nắm giữ chìa khóa toàn bộ sự vận hành của  Ý vẫn là kiện tướng 34 tuổi Andrea Pirlo, sở trường về các đường chuyền ráp nối đội hình rất chính xác và thường đưa đến diễn tiến quyết định chiến trường. Với hơn 100 lần ra quân dưới màu áo thiên thanh, Pirlo càng là chỗ dựa vững chắc cho đồng đội để phối hợp cùng dàn tiền vệ  hùng hậu gồm Claudio Marchisio, Thiago Motta, Marco Verratti, Riccardo Montolivo, Daniele De Rossi, Antonio Candreva, Marco Parolo, Alberto Aquilani, Romulo. Nơi hàng thủ, một khuôn mặt kỳ cựu khác còn nổi tiếng hơn Pirlo là Gianluigi Buffon, người trấn thủ cầu môn cho đội Ý gần 140 lần, tức kỷ lục vượt cả cựu thủ quân Fabio Cannavaro. Và có lẽ cũng không cần đề cập đến hàng hậu vệ của Ý với Leonardo Bonucci, Giorigo Chiellini, Gabriel Paletta , Andrea Ranocchia, Ignazio Abate, Mattia De Sciglio v.v… vì họ đều là những tên tuổi hàng đầu của giải chuyên nghiệp quốc nội Serie A. Còn lại, nơi hàng trên cầu thủ người gốc Châu Phi duy nhất trong đội tuyển Ý là Mario Balotelli cùng Antonio Cassano hoặc Giuseppe Rossi là các mũi nhọn sắc bén sẵn sàng khoan thủng màng lưới của bất kỳ đối thủ nào.

@On the Web

Xét theo lịch trình thi đấu của bảng D, tuy Ý sớm gặp Anh nơi trận đầu tiên kèm theo nhiều dự đoán về một cuộc ác chiến quyết liệt nhưng có lẽ cũng như mọi khi đoàn quân Thanh Y Cước đã có sẵn kế hoạch về đường đi nước bước nhằm lách qua khung cửa hẹp của bảng tử thần, đồng nghĩa với việc nhiều khả năng họ sẽ không bung ra hết sức để đi đến một trận hòa nhằm buộc đội Anh phải hao tổn sức lực cho hai trận kế tiếp, trong khi họ có đủ chiến lực để áp thắng Costa Rica cùng Uruguay. Tuy nhiên, tùy theo diễn tiến trên sân cũng có thể Ý sẽ ra đòn đánh phủ đầu để tạo uy thế trước Anh Quốc, cho nên dù muốn dù không trận so chân giữa hai đại cao thủ Anh-Ý vẫn là trọng điểm gây ảnh hưởng toàn bộ cục diện bảng D.
©Khôi Nguyên @Hồn Việt Radio

(Kỳ tới: Bảng E: Thụy Sĩ, Ecuador, Pháp Quốc, Honduras

Sóng Ngầm Ẩn Hiện Đợt Hung Hiểm

Cuồng Phong Bùng Nổ Thế Khó Lường)

Bài Mới Nhất
Search