T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Sài Gòn Thất Thủ: Kỳ 19: Đại sứ bất tại

© Corbis @On the Web

(Nguồn: Hồn Việt Radio)

Một mình trong bóng tối lại nghe được những âm thanh vang dội của tiếng đạn pháo làm rung chuyển nền nhà, quả là thứ cảm giác rất khó chịu. Nhất là tâm trạng cảm thấy mình bất lực không thể đối ứng được bất cứ điều gì trong tình cảnh những loạt đạn pháo kích đang rình rập rơi xuống quanh mình, và tôi lại càng cảm nhận được từng giây phút hồi hộp lo sợ như vậy vào buổi sáng sớm ngày 29/4/1975, vừa đúng một ngày trước khi Sài Gòn thất thủ.

Để trấn an tinh thần, tôi cứ nghĩ là ở thời điểm này rất ít có khả năng những quả đạn pháo kích của quân BV lại rót vào trung tâm Sài Gòn dù trước đó hai ngày, trường hợp này đã xảy ra. Đó là đợt pháo kích 5 quả rocket 122 ly của quân BV đã bắn vào lòng thủ đô Sài Gòn làm hư hại tầng lầu cao nhất của khách sạn Majestic vốn được xây cất bằng đá nham thạch nằm bên bờ sông Sài Gòn. Một quả đạn khác bắn vào khu đông dân cư ở gần bộ Tư lệnh lực lượng cảnh sát quốc gia khiến 20 người tử thương và biến nơi này thành những đống gạch vụn trông rất bi thảm.

1 khu phố Saigon bị đạn pháo kích của CSBV @On the Web

Lúc đó, tôi đã đến hiện trường quan sát và không khỏi kinh ngạc trước sức công phá ác liệt của loại đạn pháo 122 ly này với khoảng 20 căn nhà thường dân bị san bằng thành bình địa. Tuy hầu hết những căn nhà của người dân miền Nam đều được xây bằng bê tông cốt sắt nhưng tất cả đều bị phá hủy bởi loại đạn pháo 122 ly và chỉ còn trơ lại những đống gạch vụn tan nát. Hơn nữa, đạn 122 ly còn trải rộng diện tích hủy hoại khi để lại dấu vết tàn phá không khác gì một trận hỏa hoạn lớn. Khi nhớ lại quang cảnh này, nỗi khủng bố sợ hãi chợt dâng cao trong đầu tôi.

Trong lịch sử cuộc chiến VN, hình thức trực kích bằng đạn pháo đánh thẳng vào thủ đô Sài Gòn rất hiếm khi xảy ra. Và đợt pháo kích liên tục này là lần đầu tiên kể từ thời điểm năm 1971, trong khi đối với tôi đây cũng là kinh nghiệm đầu tiên sau ba năm sống tại Sài Gòn.

Trở lại thời điểm lúc rạng sáng ngày 29/4/1975, âm thanh khủng bố của những tiếng nổ ầm trời vẫn tiếp tục, cho thấy quân BV chưa chấm dứt đợt pháo kích. Khởi đầu là khoảng 20 lần liên tục tôi nghe thấy loạt tiếng nổ như xé nát bầu trời làm rung chuyển cả căn chung cư và xen vào đó là tiếng rạn nứt của kính cửa sổ. Tiếng đạn pháo kích bùng nổ nghe rõ ràng nhất là từ hướng Bắc của thành phố, tức căn cứ Không Quân ở phi trường Tân Sơn Nhất. Quả nhiên, khi tôi nhìn ra bên ngoài từ cửa sổ thì đã thấy những ngọn lửa bốc cao từ hướng phi trường này. Sau đó, đợt pháo kích chợt lắng dịu khiến tôi phần nào bớt lo lắng nhưng kế tiếp lại là 7 tiếng nổ ầm trời rồi có 7 tiếng nổ nữa vang lên.

Phi trường TSN bị pháo kích 29041975 @ vnafmamn.com

Lúc này, chợt điện thoại reo lên. Tiếng nói ở bên kia đầu giây của Thiếu Tá Nguyễn Tấn Ngà cho biết: “Căn cứ Tân Sơn Nhất đã bị tấn công bằng loại pháo 130 ly và nhiều kho quân dụng cùng cơ sở vật chất của Không Quân đã bị phá hủy. Nhưng quân cộng sản vẫn chưa thấy xuất hiện chung quanh căn cứ”.

Thiếu Tá Ngà là người cộng tác với tôi trong việc cung cấp những tin tức chiến trường và trong giờ phút hiểm nghèo này ông vẫn giữ lời hứa liên lạc với tôi trong mọi tình huống nguy ngập khiến tôi vô cùng cảm kích.

Qua cuộc tấn công bằng loạt pháo kích này, tôi cũng nghĩ rằng kế hoạch di tản những người Nhật Bản bằng chuyến bay của hãng hàng không dân sự Japan Air Lines đã bị ảnh hưởng.

Trong thời điểm Sài Gòn hấp hối, có khoảng 150 người Nhật còn ở lại thủ đô và sau khi trải qua những diễn tiến phức tạp của chương trình di tản công dân được đề ra ở Tokyo, cuối cùng một chuyến bay đặc biệt của hãng Japan Air Lines được giao nhiệm vụ chuyên chở người Nhật ở Sài Gòn. Chuyến bay này cũng đã ghé đến phi trường Manila của Philippines và dự định sẽ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào ngày 30/4/1975. Thế nhưng, đây lại là ngày miền Nam sụp đổ.

New York Times 30/4/1975 @On the Web

Washington Post 30/4/1975 @On the Web

Trên thực tế, giữa lúc tình hình quân BV đang từng bước tấn công áp sát Sài Gòn thì đa số người Nhật Bản vẫn cảm thấy khó xử trong thế lưỡng nan không biết nên trở về quê hương hay ở lại đây vì họ rất yêu mến nơi này cũng như có nhiều người đã lập gia đình và có con cái với người bản xứ. Do đó, qua những cuộc trao đổi với giới đồng hương, tôi hiểu rất rõ là trong lòng chúng tôi ngỗn ngang trăm bề với những ý nghĩ xoay chuyển quanh đầu ngày đêm và quả thật đó là một kinh nghiệm rất quan trọng trong đời chúng tôi.

Giờ đây nghĩ lại, tôi mới càng thấy được lý do khiến những người Nhật Bản ở lại Sài Gòn vào lúc đó chính là sợi dây quyến luyến kỳ lạ một cách đặc biệt đối miền Nam VN. Riêng tôi, ngoài thứ tình cảm lưu luyến vô hình đó còn có lòng hiếu kỳ muốn được trải nghiệm những giờ phút lịch sử cuối cùng của miền Nam VN, nhưng cũng  phải trải qua nhiều lúc đắn đo suy nghĩ rồi mới đi đên quyết định dứt khoát.

Đương nhiên, đối với người Nhật cuộc chiến tranh VN là một cuộc chiến ở nước ngoài. Cho nên dù ngay cả những phóng viên chiến trường mang trọng trách thông tin trực tiếp hoặc có mối quan hệ tình cảm đặc biệt với cuộc sống và con người của miền Nam VN đến mức nào chăng nữa thì vấn đề an toàn bản thân vẫn là ưu tiên hàng đầu. Hơn nữa, trong trường hợp phải tạm thời ở lại vùng đất phân tranh trong thời điểm cuối của cuộc chiến thì vẫn phải nghĩ đến một giải pháp an toàn cho bản thân.

@On the Web

Trường hợp của tôi khi chứng kiến đợt pháo kích liên tục từ hai ngày trước và  rạng sáng ngày 29/4/1975, tôi cũng có nghĩ đến sự nguy hiểm khó lường và có lẽ nên rời khỏi VN ngay trong lúc đó. Thế nhưng, ngay sau đó tôi đã từ bỏ ý định này một phần do lòng hiếu kỳ thôi thúc và một phần cũng là do tình hình của tòa đại sứ Nhật Bản ở Sài Gòn lúc đương thời.

Việc bảo vệ an toàn cho công dân của một nước tại hải ngoại là trách nhiệm hàng đầu của tòa đại sứ nước đó, cho nên từ cuối tháng 3/1975 tòa đại sứ Nhật Bản đã ra lời khuyến cáo công dân của mình ở miền nên rời khỏi đây. Vì vậy, cũng có một số người Nhật đã sớm trở về quê hương. Thế nhưng, trong giai đoạn mà sự tồn vong của chính quyền miền Nam được đếm từng ngày thì vị đại sứ của Nhật Bản không có mặt tại Sài Gòn.

Bởi vì cựu đại sứ Nara Yasuhiko vừa mãn nhiệm kỳ ở Sài Gòn vào đầu tháng 3/1975 và chuyển sang quốc gia khác. Sau đó, bộ Ngoại Giao Nhật Bản vẫn chưa bổ nhiệm tân đại sứ dù đã trải qua hơn một tháng từ khi ông Nara Yasuhiko rời khỏi Sài Gòn. Mãi cho đến 11/4/1975 thì vị đại sứ mới là ông Hitomi mới có mặt ở tòa đại sứ Nhật Bản tại Sài Gòn với vấn đề trước mắt là giải quyết cho 250 công dân di tản. Con số này bao gồm cả những cựu quân nhân Nhật Bản đã lập nghiệp hoặc có vợ là người VN và sinh sống tại đây đã lâu cũng như những doanh nhân cùng nhân viên ngoại giao và giới phóng viên như tôi, tức toàn những đối tượng muốn ở lại đến giờ phút cuối để xem xét tình hình chiến cuộc mới đi đến quyết định thật sự. Và cũng chính vì vậy mà cuộc di tản của người Nhật Bản gặp phải nhiều trục trặc bất ngờ.

Đó là những thủ tục rườm rà chỉ làm mất thời gian và không đối ứng kịp thời với những diễn tiến xảy ra quá cấp bách vì phía hãng hàng không Nhật Bản tuy đáp ứng nguyện vọng của Bộ Ngoại Giao nhưng kèm theo điều kiện là phải bảo đảm an toàn tại phi trường nơi họ đáp máy bay để chở người. Mà cho dù điều kiện an toàn được bảo đảm thì cũng không cần gửi những chuyến bay đặc biệt nên phải chờ các chuyến bay định kỳ từ Tokyo đến Sài Gòn.

Trong khi những công dân nước đã được chính quyền của họ di tản sớm bằng đường hàng không hoặc các trực thăng quân sự đưa ra tàu lớn, nhưng trường hợp của Nhật Bản lúc đương thời thì không có hình thức giúp đỡ công dân mình bằng các phương tiện quân sự theo luật ràng buộc của hiến pháp dù công dân Nhật đang ở tại các quốc gia chiến loạn. Vì vậy, chúng tôi không thể nào trách cứ được sự chậm trễ của Bộ Ngoại Giao trong kế hoạch di tản người Nhật tại Sài Gòn vào thời điểm cận kề kết thúc cuộc chiến, bởi lẽ Sài Gòn là vùng đất cũng nằm trong điều lệ quy định nơi hiến pháp Nhật Bản.

Để giải quyết vấn đề di tản, vị tham tán toà đại sứ Nhật là ông Watanabe Koji đã xúc tiến một kế hoạch kết hợp với hàng không Japan Air Lines nhưng kết cuộc, những phi trường chính yếu của miền Nam đã bị đe dọa trước áp lực quân sự của quân cộng sản BV nên kế hoạch này coi như bị đổ vỡ và tòa đại sứ Nhật chỉ còn cách nhờ sự giúp đỡ của phía Hoa Kỳ.

Di tản 30/4/1975 @On the Web

Thật sự, lúc ban đầu khi kế hoạch di tản được xúc tiến thì tòa đại sứ Nhật cũng đã ngỏ lời yêu cầu Hoa Kỳ trợ giúp với một chuyến bay khẩn cấp chở 30 nhân viên trọng yếu của ngành ngoại giao Nhật bằng trực thăng được thực hiện. Cho đến ngày 29/4/1975 thì phía Nhật Bản cũng yêu cầu Hoa Kỳ thực hiện tiếp một chuyến bay khác chở công dân của mình thì không ngờ khi những nhân viên của tòa đại sứ Nhật đến tòa đại sứ Hoa Kỳ thì họ cũng theo đoàn người của Mỹ lên trực thăng di tản trước. Nghĩa là, lúc này tòa đại sứ Nhật Bản không còn người đại diện khiến tình hình di tản càng trở nên hỗn loạn.

Theo chỉ thị của tòa đại sứ Nhật Bản trước đó thì những người Nhật muốn di tản phải đến chờ đợi trước Viện đại học Sài Gòn để chờ lên xe bus chở ra nơi đậu của trực thăng quân sự Hoa Kỳ. Có tổng cộng 70 người Nhật bao gồm một vài ký giả đã đến điểm hẹn chờ đợi nhưng không thấy xe bus đến đón như lời hứa hẹn. Bởi vì phía Hoa Kỳ cũng tất bật trong cuộc di tản nên không còn đủ thời gian để giúp đỡ cho công dân Nhật. Sau đó, 70 người này buộc phải ở lại Sài Gòn cho đến lúc quân CSBV tràn vào.

Trong giới phóng viên Nhật cũng có một số người không còn tin tưởng vào tòa đại sứ Nhật nên trực tiếp liên lạc với tòa đại sứ Hoa Kỳ để di tản theo họ hoặc những đồng nghiệp ngoại quốc khác và chỉ chừng 4, 5 người đã di tản thành công theo cách này.

©Komori Yoshihisa  & Khôi Nguyên @ HVR

(Kỳ tới: Kỳ 20: Kẻ thắng người bại và những nấm mộ cô đơn)

Bài Mới Nhất
Search