T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: NHỎ NHOI HẠT BỤI (Đọc thơ Đan Tâm của Phạm Ngọc Lư)

clip_image001

Tôi mượn bốn chữ dễ thương trong tập thơ Đan Tâm để làm tiêu đề cho bài viết này. Dễ thương vì  còn lại “một chút gì để nhớ” của con gái anh.

Nằm im giữa trái tim ta

Nhỏ nhoi hạt bụi… tên là Các khuê

Tôi đã đôi lần được gặp anh, quả là anh cũng nhỏ nhoi cả trong dáng hình và lời ăn tiếng nói. Hãy nghe anh thầm thì bên mộ con

Nằm chơi dưới một hàng cây

Lao xao lá, lá thơ ngây chuyện trò

Nằm thanh thản một nấm mồ

Hồn nhiên cỏ, cỏ thơm tho hơi người

Hồn nhiên bao tiếng khóc cười

Tan vào lòng đất thắm tươi linh hồn

Hòa vào màu cỏ xanh non

Bay vào mây khói chiều hôm quê nhà

Cùng năm sinh, cùng năm mất. Ngắn ngủi quá, mong manh quá! Nhưng qua những câu thơ trong trẻo, ta thấy bé vẫn còn sống mãi giữa hoa cỏ đất trời, sống mãi trong tim người cha cũng như trước kia đã từng sống trong bụng mẹ.

Nhưng khóc cho một mối tình thì khác. Chẳng phải khác vì người dưng mà vì đời nông tình cạn/ta bơi qua sông mới hay đời nặng.

Chảy đi chảy đi

Hỡi sông buồn lắm

Nước thôi chờ chi

Thuyền xưa đã đắm

Người đi người đi

Trăm năm bến vắng

 

Chảy mau chảy mau

Đời:con nước siết

Tình:vực nước sâu

Em: dòng ly biệt

Ta chiếc lá chìm

Rất nhẹ nhàng, kín đáo. Nhưng cũng rất sâu xa thắm thiết.

Một người rất mực nhỏ nhẹ, tế nhị như thế, nhưng khi vào đời lại bị quăng vào một nơi

Bốn phía rừng xanh màu nước độc

Đông tây nam bắc núi chập chùng

Một lũng đất bằng khu chén nhỏ

Trói chân ta vào chân Trường Sơn

Nơi đó là Củng Sơn, nơi chưa hết thanh xuân đã cùng đường, nơi đêm nằm mộng lớn nuốt mộng con. Một nơi đất trích nhưng không phải là Tầm Dương của Tư Mã Giang Châu, để ít ra bên trời lận đận cũng còn có một kỳ nữ cho mình chan chứa lệ áo xanh.

Nhưng chính nơi sơn cùng thủy tận ấy, đã giúp cho nhà giáo trẻ có tâm hồn thi nhân, viết nên một bài hành mà theo tôi là thống tâm thiên cổ. Bài Biên Cương hành.

Biên cương biên cương chào biên cương

Chào núi non rừng thẳm nhiễu nhương

Đây biên cương ghê thay biên cương

Tử khí bốc lên dày như sương

….

Cô hồn một lũ nơi quan tái

Có khi hóa thành thú muông…

Cô hồn một lũ nơi đất trích

Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng

Những âm ương, uông lập đi lập lại đến mấy mươi lần nghe như những hồi chuông báo tử. Còn thê thiết hơn cả trong Vì ai chuông báo tử của Hemingway. Có lúc như cọp gầm núi Lá. Có lúc như con thú bị thương. Có khi như oan hồn kêu khóc ở Quỷ môn quan.

Vì đâu một chàng thư sinh chưa một ngày ra trận lại có thể viết nên một bài hành về nỗi cô độc, nỗi chết của người lính biên cương hay như thế? Đó là vì cả một Trường Sơn với đường Chín nam Lào, với Khe Sanh, Đắc Tô, với mùa hè đỏ lửa Quảng trị…

Gớm gió Lào tanh mùi đất chết

Thổi lấp rừng già bạt núi non

Chiến trường ném binh như vãi đậu

Đoàn quân ma bay khắp bốn phương.

Một nơi như thế nên nhìn đâu cũng thấy đá mang dáng dấp hình chinh phụ/trơ vơ chóp núi đứng bồng con.

Nhưng thân trai thì hề chi buổi chinh chiến tang thương/sá chi hạt cát giữa sa trường. Biết là nhất khứ bất phục phản, nhưng vẫn cứ phải ra biên cương vì cả hai bên đều ném binh như vãi đậu. Đây là nơi mà thân phận cỏ rác của người lính hai miền được tác giả thể hiện một cách thật bi tráng.

Họ không sợ cái chết,nhưng họ phát cuồng vì nỗi cô đơn.

Đầu tiên là nỗi nhớ, trông núi có khi lầm bóng vợ và vì vậy đêm nằm ôm đá mà mơ chuyện yêu đương. Nhưng đá sao yêu đương nổi, chỉ có thể vỗ đá mà ca ngông hát cuồng. Cô đơn khiến họ chém cây cho đỡ thèm giết chóc/ đỡ thèm môi mắt gái buôn hương. Sau cùng là hờn dỗi, trối trăn.

Thôi em yêu chi ta thêm tội

Vô duyên xui rơi lược vỡ gương

Thôi em chớ liều thân cô phụ

Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường

Thôi em còn chi ta mà đợi

Ngày về thôi cạn máu khô xương.

Một thời mà  tương lai tối ám. Một thời mà ngày trở về là tang lễ thay cho hôn lễ. Cuộc chiến quá dài khiến cho những hy sinh mất mát trở thành những tiếng kêu vô vọng nếu không muốn nói là vô nghĩa. Đâu còn cái hào khí lãng mạn của những ngày đầu kháng chiến

Tây tiến đoàn quân không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm (Quang Dũng)

Ở những nơi mà người ta ném binh như vãi đậu, thì những chữ tổ quốc, tự do dù được thét gào rống rú suốt ngày đêm của cả hai bên, cũng không còn làm ai xúc động. Tất cả đã biến thành những con-vật-người, thành hạt đậu. Cho nên dù có bắt tay làm loa gọi, thì giữa chốn sơn cùng thủy tận vọng lại cũng chỉ là tiếng hú của con thú bị thương mà thôi.

Hành là một thể thơ xưa chứa chan tâm sự. Bài Tỳ Bà hành của Bạch Cư Dị trên một ngàn năm rồi mà lệ áo xanh vẫn chưa khô. Bài Tống Biệt hành của Thâm Tâm đến tận hôm nay vẫn còn tiếng sóng ở trong lòng. Bài hành Phương Nam của Nguyễn Bính vẫn láng lai châu thổ. Bài hành Biên Cương của Phạm Ngọc Lư xé ruột xé gan của cả một thế hệ đầu thai lầm thế kỷ.

Cần gì đọc lịch sử hàng chục vạn trang, chỉ cần đọc sáu mươi câu thơ của một người họ Phạm là đã thấy được, cảm nhận được, sống lại được cả một cuộc chiến phi nhân, xuẩn ngốc, một cuộc nội chiến mù lòa chẳng khác gì một cuộc tự sát tập thể.

Với bao nhiêu tội ác như thế, người ta bảo hãy để lịch sử phán xét. Thì đây, bài Biên Cương hành là một cách phán xét ngắn gọn nhất, trung thực nhất và cũng đau đớn nhất của một công dân nhỏ nhoi như hạt bụi. Hơn ai hết, chính thi sĩ mới là người có quyền và có bổn phận nói lên phán xét xuất phát từ chính trái tim của chính mình, cũng là trái tim của nhân dân.

Rồi cũng đến lúc: bom ngừng rơi,đạn ngừng nổ. Nhưng cái biên cương ấy vẫn chập chùng như vạn lý trường thành giữa hai miền. Những con người đã cạn máu khô xương bên thua cuộc giờ lại bị ném vào đời như vãi đậu.

Rời Củng Sơn trở về làng cũ, lại một bài hành nữa làm ta buồn muốn khóc. Không thét gào xé ruột như Biên Cương hành, nhưng Cố lý hành thầm thì như đứa con trở về chịu tội với quê hương.

Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp

Đồng không mốc thếch lạnh tro tàn

Sao phên dậu nghiêng đầu câm nín

Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han

Ngõ vắng bàn chân như hụt đất

Tre già đang kể chuyện chôn măng

Nương rẫy đang phơi lòng dâu bể

Nói làm sao hết nỗi bàng hoàng

Phải đây là cố lý ta chăng

Dâu bóng mẹ già sau khung cửa

Và những người em mặt trái xoan

Đâu bóng chị hiền như hoa cỏ

Bên luống cà xanh liếp cải vàng!

Muốn ở lại làng cũ làm một anh dân cày cũng không được, anh đành theo bước chân của những người thua cuộc, làm một chuyến hành phương nam. Bài Trở Về Phá Tam Giang, theo tôi, cũng là một bài thiên cổ lụy.

Nhớ buổi ra đi thân tình đưa tiễn

Vợ gói câu thơ chị gói khúc đàn

Mẹ tóc trắng nhìn theo lặng lẽ

Con tóc xanh hai đứa dùng dằng

Bước xuống thuyền nhìn trời cao dõng dạc

Gõ mạn thuyền ngâm khúc hành phương nam

Nhưng :

Mưa miền nam, nắng miền nam

Trông mây thấp thòm nghe gió bàng hoàng

Quá đỗi mưa mau

Quá nhiều nắng khổ

Chén rượu quê người sao mà bạc

Ân tình đất khách lắm đa đoan

Không thể so sánh bài Binh Xa hành của Đỗ Phủ, nhưng các bài hành của Phạm Ngọc Lư cũng là những tiếng kêu đứt ruột, ngập tràn nỗi đau phận người trong từng câu từng chữ.

Từ một thư sinh rồi một thầy giáo, giờ anh ma xui quỷ khiến ta ngồi chợ/ bán gió rao trăng một núi dừa!

Bài thơ hóm hỉnh cười nhạo chính mình nghe ra thật cay đắng.

Cô gái Bến Tre vừa quen mối

Đếm dừa mà đôi mắt đong đưa

Người đẹp thương ta hay chơi đẹp

Bạc tiền không nài ép hơn thua

Khổ mấy lần áo khô áo ướt

Sợ lòng em chợt nắng chợt mưa

Thôi để yên ta bên chén rượu

Uống say…thành bại cũng bằng thừa

Uống say…ném áo lên nóc quán

Hết nợ hết duyên vĩnh biệt dừa

Rời bỏ Bến Tre, anh lại lạc vào miền đất đỏ Long Khánh. Đây là miền đất anh nếm trải nhiều cay đắng nhất. Trong bài thơ Bụi Đỏ gửi các con, anh đã viết những câu như lời thú tội.

Trời sinh chi đôi vai thêm khổ

Gánh gian nan như gánh tội đồ

Sinh chi kẻ sĩ đem đày đọa

Chôn vùi nắng bẩn với mưa dơ

 

Đi giữa rừng cao su trùng điệp

Lòng đau như vết cạo còn tươi

Mủ cứ chảy bám đầy tâm sự

Tâm sự đùn cao như gò mối chôn người

 

Đi giữa hoang sơ ruộng bàu khe suối

Gai hổ ngươi cào nát đôi chân

Nghĩ về quê cũ lòng thêm thẹn

Một ra đi là một lỡ lầm

 

Cứ hỏi mình chưa chán? chán chưa?

Nhìn núi Chứa Chan mắt buồn chan chưá.

Mười mấy năm lưu lạc, ô nhục đắng cay, có khác chi Kiều. Chỉ khác là có nhiều Thúc Sinh mà không có Từ Hải. Chút lòng trinh bạch mà Kiều gìn giữ trong tâm hồn để trao cho Kim Trọng, thì Ngọc Lư xin trao về Nàng Thơ.

Xưa ta cầm tuổi hai mươi

Vay em nhan sắc về nuôi tâm hồn

Nuôi bao mộng mị vàng son

Một đêm trắng mộng chỉ còn đan tâm

Chính vì thương ngày xưa không tuổi/ôm mối tình không tên, nhờ mối tình với Nàng Thơ ấy mà anh đã sống sót qua những năm tháng ở Củng Sơn, ở phương nam nắng khổ mưa đau. Nàng Thơ không còn lửng thửng giữa thành cũ rêu phong, không phơi tấm thân ngà ngọc trên sông Hương, mà đã cùng anh mười lít gạo trộn vài cân cân muối/nấu với tình em ăn vẫn ngon ! Nàng đã cùng anh xé toạc đất tanh mùi máu kêu thét lên ở biên cương, rồi cùng anh xuôi nam, lại lộn về cố lý, qua phá Tam Giang, cuối cùng dừng lại trên bến nước thứ mười ba là sông Hàn. Một nàng Thơ rất mực tận tụy, nên dù mộng lớn mộng con đã tan tành, cũng vẫn còn bút mực đan thanh tươi màu.

Bút ấy chấm vào tấm lòng son, dù mai sau thơ anh có nằm chết trần truồng, thì tôi vẫn tin, trong trái tim của bạn bè hãy còn nhỏ nhoi hạt bụi tên là Đan Tâm.

Khuất Đẩu

Viết 2010.

2014, đọc lại có sửa đôi chút.

*Những chữ in nghiêng trích thơ của Phạm Ngọc Lư.

Phạm Ngọc Lư, sinh 1946, tại Thừa Thiên.

Cựu học sinh Quốc Học.Cựu sinh viên Viện Hán học Huế và Đại Học Văn Khoa Huế.

Từng dạy học ở Củng Sơn, Phú Yên

Đan Tâm, tập thơ do chính tác giả tự thực hiện, tháng 1/2004, để dành tặng thân hữu.

 

*Phụ đính :

Biên Cương Hành

Phạm Ngọc Lư

Biên cương biên cương chào biên cương

Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương

Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt

Núi chập chùng như dãy mồ chôn

Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết

Thổi lấp rừng già bạt núi non

Mùa khô tới theo chân thù địch

Ta về theo cho rậm chiến trường

 

Chiến trường ném binh như vãi đậu

Đoàn quân ma bay khắp bốn phương

Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi

Núi mang cao điểm ngút oan hờn

Đá mang dáng dấp hình chinh phụ

Trơ vơ chóp núi đứng bồng con

Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy

Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương

Biên cương biên cương đi biền biệt

Chưa hết thanh xuân đã cùng đường

Trông núi có khi lầm bóng vợ

Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương

Thôi em, sá chi ta mà đợi

Sá chi hạt cát giữa sa trường

Sa trường anh hùng còn vùi dập

Há rằng ta biết hẹn gì hơn?

 

Đây biên cương, ghê thay biên cương !

Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông

Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm

Mùa mưa về báo hiệu tai ương

Quân len lỏi dưới tàn lá dữ

Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn

Sát khi đằng đằng rừng dựng tóc

Ma thiêng còn ngán lũ cô hồn

Cô hồn một lũ nơi quan tái

Có khi đã hoá thành thú muông

Cô hồn một lũ nơi đất trích

Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng

Chém cây cho đỡ thèm giết chóc

Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

 

Đây biên cương, ghê thay biên cương !

Tử khí bốc lên dày như sương

Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu

Rừng núi ơi ta đến chia buồn

Buồn quá giả làm con vượn hú

Nào ngờ ta con thú bị thương

Chiều hôm bắc tay làm loa gọi

Gọi ai nơi viễn xứ tha phương ?

Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận ?

Ai người thiên cổ tiếc máu xương ?

Em đâu, quê nhà chong mắt đợi

Hồn theo mây trắng ra biên cương

Thôi em, yêu chi ta thêm tội

Vô duyên xui rơi lược vỡ gương

Ngày về không hẹn ngày hôn lễ

Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông

Thôi em, chớ liều thân cô phụ

Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường

 

Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch

Kinh Kha đời nay cả vạn muôn

Há một mình ta xuôi biên tái

“Nhất khứ bất phục phản” là thường !

 

Thôi em, còn chi ta mà đợi

Ngày về: thân cạn máu khô xương

Ngày về: hôn lễ hay tang lễ

Hề chi ! buổi chinh chiến tang thương

Hề chi ! kiếp cây rừng đá núi

Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.

(tháng 5.1972)

Bài Mới Nhất
Search