T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: TỪ THẠC ĐẾN LỆ RƠI

clip_image002

Mấy tuần nay có ba sự kiện được nhắc tới nhiều nhất trên báo chí trong nước: Dàn khoan của Trung Quốc trên biển Đông, World Cup và Lệ Rơi. Dàn Khoan và World Cup là tất nhiên còn Lệ Rơi là cái gì vậy?

Ban đầu tôi không chú ý đến hai chữ Lệ Rơi vì nó không có gì đặc biệt nhưng vì nó cứ lập đi lập lại ở mọi nơi từ báo mạng, báo giấy, chuyện phiếm trên vỉa hè đến youtube nên cuối cùng tôi đầu hàng và vào từ khóa Lệ Rơi trên google . Và tôi sửng sốt khi thấy mình là kẻ đến sau 2.480.000 truy cập.

Hóa ra Lệ Rơi là nickname của một anh chàng nông dân 27 tuổi ở Hải Dương có 150 bài cover trên youtube trong ba tháng qua . Anh ta đang là cơn sốt và đang nổi tiếng hơn bất cứ ca sĩ nào ở Việt Nam.

Tôi mở youtube và thấy đúng như những gì báo chí trong nước viết. Đó là một anh chàng nông dân thích hát dù hát rất dở.. Anh hát vừa sai tông, lệch nhịp, lại ngọng theo giọng địa phương . Nghe và nhìn anh hát chắc chắn nhiều người đã bò lăn ra cười và quên đi bao mệt nhọc, khổ ải trên đất nước này.Nhiều người chê Lệ Rơi một cách thậm tệ nhưng hầu hết đều hoan nghênh..

Nhìn và nghe anh chàng Lệ Rơi hát tôi hiểu vì sao anh được ưa thích.

Nếu Hoài Linh, Chí Tài cố tình dùng tài năng của mình để làm cho mọi người có được vài phút giải trí và kiếm được rất nhiều tiền thì Lệ Rơi, một cách vô ý thức đã làm cho mọi người cười mà không phải tốn xu nào. Anh ta chất phác một cách kỳ lạ, tự tin một cách hồn nhiên và nổi tiếng một cách bất đắc dĩ y như Forest Gump.

Các ca sĩ tài giỏi nhất cũng chỉ hát một dòng nhạc duy nhất hợp với giọng hát, tính cách của mình . Còn Lệ Rơi thì hát tất tần tật từ nhạc đỏ, nhạc vàng, nhạc tiền chiến tới nhạc tiếng Anh tiếng Mỹ. Có ai yêu cầu bài gì, ngay hôm sau Lệ Rơi hát tặng ngay bài đó. Phòng thu là phòng ngủ của anh với cái laptop đơn giản và một cái sơ mi mặc hát bốn bài.

Các “fan” của Lệ Rơi đã ùn ùn trèo rào, đạp ngõ vào nhà để nhìn tận mặt, xin chữ ký của Lệ Rơi. Ra đường khách Tây cũng nhận ra Lệ Rơi.

Phóng viên các báo lặn lội tìm về Hải Dương để viết bài về Lệ Rơi.

Những tiêu đề rất nóng được đưa lên báo:” Lệ Rơi Từ Lũy Tre Làng Bước Lên Thế Giới Phẳng”, “Hãy Nhìn lệ Rơi Như Người Nông Dân Hát”, “Lệ Rơi Hóa Thành Hot Boy”..Rồi báo Dân Việt mở một cuộc giao lưu trực tuyến cho Lệ Rơi sáng ngày 2 tháng 7- 2014. Tờ báo này cho rằng Lệ Rơi là tấm gương cho lớp thanh niên nông thôn sống lành mạnh, không cờ bạc, nhậu nhẹt, hút xách, trộm chó như rất nhiều thanh niên nông thôn khác. Trong cuộc giao lưu Lệ Rơi đã nói “ xin mọi người đừng gọi tôi là ca sĩ. Tôi chỉ là một anh nông dân thích ca hát , dù hát dở..”

Tất nhiên giới chức bắt đầu không hài lòng với hiện tượng Lệ Rơi. Khi được phóng viên VTC news phỏng vấn, ông Tuấn Hà chuyên gia tư vấn truyền thông, CEO của Vinalink Media đã trả lời:

“... Một người có thể không biết đến cái tên Lệ Rơi, nhưng khi thấy báo chí đưa tin thì họ sẽ tò mò và tìm kiếm thông tin về thanh niên này. Từ đó anh ta trở thành một cái tên hot trên mạng, thu hút quá nhiều sự chú ý không cần thiết.

Ở đây, Lệ Rơi cũng được coi là một sự kiện hot trên mạng xã hội. Khi thấy một hiện tượng như vậy, báo chí sẽ lập tức vào cuộc khai thác để thu hút càng nhiều độc giả càng tốt.

Tuy nhiên, sự kiện hot thì có sự kiện có ích cho xã hội, có những sự kiện chỉ là vô bổ, nhảm nhí. Trước đây, báo chí đã làm rất tốt khi phổ biển về những sự kiện hot, mang lại ý nghĩa cho xã hội như Flappy Bird hay Giáo sư Ngô Bảo Châu…

Đối với báo chí, đặc biệt là báo điện tử thì mục đích chủ yếu là thu hút người đọc. Nhưng theo tôi, đối với những hiện tượng vô bổ, nhảm nhí như trường hợp cái tên Lệ Rơi thì báo chí cần thực hiện tốt chức năng định hướng dư luận.

Ngay lúc này, báo chí nên dừng câu chuyện về Lệ Rơi để nhường đất cho những sự kiện quan trọng khác. Hãy coi những video mà Lệ Rơi chia sẻ trên mạng xã hội chỉ là sở thích riêng của anh ta. Không nên phổ biến rộng rãi một câu chuyện không có giá trị cho xã hội như vậy!”

Theo tôi ông CEO này quá tin tưởng vào năng lực định hướng dư luận của báo chí VN. Không biết ông có biết rằng các ca sĩ quốc doanh kỳ cựu của đài truyền hình mỗi khi mặc áo vest xuất hiện trịnh trọng với những ca khúc cách mạng chẳng còn định hướng được thị hiếu âm nhạc của người dân Việt, trong khi hàng ngàn người tìm đến Lệ Rơi để nghe anh chàng nông dân trồng ổi ê a hát “Thói Đời”, “Túp Lều Lý Tưởng”, “Hàn Mặc Tử” “Em của Ngày Hôm Qua”…

Người ta không muốn bị lừa gạt mãi. Thà là một sự chân thực tầm thường còn hơn một sự cao siêu giả dối.

Thực ra Lệ Rơi thuộc thế hệ thanh niên bị….bỏ quên. Lớp thanh niên sinh ra, lớn lên sau 75 đã tự bươn chải kiếm sống và thu nhặt niềm vui cùng kiến thức từ internet. Họ bắt đầu có tự do chọn lựa không cần ai định hướng.

Lệ Rơi làm tôi liên tưởng đến Nguyễn Văn Thạc tác giả nhật ký “Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi” .

Nguyễn Văn Thạc người sinh viên giỏi văn nhất miền Bắc đã chết ở tuổi 20 trên chiến trường Quảng Trị năm 1972, khi thế giới chưa có internet và trái tim anh được”định hướng” chỉ biết có thơ Tố Hữu, Phạm Tiến Duật , nhạc Huy Du, Nguyễn Đình Thi,.

“Luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui”

(Chiếc Gậy Trường Sơn-Phạm Tuyên)

Thạc không hề biết Nguyễn Thái Học, Phan Chu Trinh,  Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Vua Hàm Nghi, vua Duy Tân… là ai.

Thạc chỉ mơ ước được như nhân vật Paven** trong “Thép Đã Tôi Thế Đấy” , một chiến sĩ của Hồng Quân Liên Xô sống trọn vẹn đời mình cho Đảng, cho giai cấp.

Thạc thuộc thế hệ được chăm sóc kỹ để làm anh hùng.

Còn Lệ Rơi bị một số người gọi là “thằng khùng”

Không biết ai đáng thương hơn ai?

Có lẽ thời nào thanh niên nước tôi cũng đáng thương.

HUYỀN CHIÊU

*Forest Gump : Một cuốn phim nổi tiếng của Mỹ (1994), nói về cuộc đời của Forest Gump, người có chỉ số IQ thấp (75), tức “ thiểu năng trí tuệ”.

** Pavel (Korchagin): nhân vật chính trong tác phẩm “đỏ” “ Thép đã tôi thế đấy “ của Nikolai A.Ostrovsky.

Phụ Lục :

Ca Sĩ Lệ Rơi – Em Của Ngày Hôm Qua – Tuyệt Phẩm Theo Yêu Cầu

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search